Xung đột Hamas – Israel: Trẻ suy dinh dưỡng gia tăng do nạn đói lan rộng
Ngày 24/6, các cơ quan hỗ trợ y tế ở Dải Gaza cho biết đang tăng cường sàng lọc trẻ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong bối cảnh nhiều lo ngại nạn đói sẽ lan rộng khi người dân phải di tản đến những khu vực mới.
Người dân chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại Dải Gaza. Ảnh: IRNA/TTXVN
Hiện nhóm viện trợ International Medical Corps (IMC) và các đối tác đang có kế hoạch tiếp cận hơn 200.000 trẻ em dưới 5 tuổi như một phần của chiến dịch “Tìm và điều trị” trong những tháng tới. Các bác sĩ của IMC lo ngại nhiều người phải di dời tới nơi ở mới sẽ không có nước sạch hoặc không được tiếp cận đầy đủ với thực phẩm, kéo theo nhiều trường hợp cần hỗ trợ bị bỏ sót.
Dữ liệu được IMC tổng hợp đến nay cho thấy trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Một nhóm cơ quan viện trợ, do Liên hợp quốc dẫn đầu, ước tính khoảng 7% số trẻ ở Gaza có thể bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, tăng mạnh so với con số 0,8% trước khi xung đột Israel-Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023.
Video đang HOT
Cho đến nay, khu vực phía Bắc Dải Gaza vẫn là nơi ghi nhận nạn đói trầm trọng nhất. Tuy nhiên, các nhân viên cứu trợ lo ngại nạn đói có thể lan tới khu vực Trung và phía Nam do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Rafah, khiến hơn 1 triệu người phải di tản và nguồn viện trợ hạn chế.
Trong khi đó, cùng ngày, các tổ chức nhân đạo của LHQ cho biết những hạn chế về tiếp cận và an ninh đang cản trở việc cung cấp viện trợ lương thực cho hàng trăm nghìn người dân Gaza và sơ tán y tế cho 10.000 bệnh nhân.
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết việc không thể vận chuyển hàng cứu trợ an toàn qua cửa khẩu Kerem Shalom và việc tiếp tục đóng cửa cửa khẩu Rafah càng làm trầm trọng thêm những thách thức đối với các hoạt động cứu trợ. Theo OCHA, chính quyền Israel chỉ tạo điều kiện cho chưa đầy 50% trong số 86 nhiệm vụ nhân đạo phối hợp tới miền Bắc Gaza được lên kế hoạch cho tháng này, trong khi hơn 25% nhiệm vụ gặp trở ngại, 12% bị từ chối tiếp cận và 12% bị hủy bỏ do các lý do hậu cần, hoạt động hoặc an ninh.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có hơn 10.000 người cần được sơ tán y tế ra ngoài Gaza. Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi vận chuyển bệnh nhân kịp thời bằng tất cả tuyến đường có thể.
Các tổ chức nhân đạo cho biết đội ngũ của WHO đã cung cấp vật tư y tế để đáp ứng nhu cầu sức khỏe của 20.000 bệnh nhân tại các bệnh viện Al-Ahli và As-Sahaba, cùng 19.000 lít nhiên liệu để khắc phục khó khăn hiện nay ở Dải Gaza.
Xung đột Israel - Hamas: WHO kêu gọi dỡ bỏ hạn chế cho viện trợ
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 21/5, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi Israel dỡ bỏ các hạn chế viện trợ vào Dải Gaza, nói rằng tuyến đường chính cung cấp viện trợ y tế khẩn cấp vào vùng này từ Ai Cập đã bị cắt đứt.
Trẻ em chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 19/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Vào thời điểm này, người dân ở Dải Gaza đang phải đối mặt với nạn đói, chúng tôi kêu gọi Israel dỡ bỏ lệnh phong tỏa và cho viện trợ đi qua.
Tình hình ở Dải Gaza đã vượt quá giới hạn thảm họa. Nếu không có thêm viện trợ vào Dải Gaza, chúng tôi không thể duy trì sự hỗ trợ đối với các bệnh viện và cứu sống người dân".
Trước đó, Israel đã nắm quyền kiểm soát và đóng cửa cửa khẩu biên giới Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập hôm 7/5, làm gián đoạn tuyến đường quan trọng cho người dân và viện trợ ra vào vùng đất này. Israel cho rằng các cơ quan đã không hoạt động hiệu quả trong khu vực, dẫn tới tình trạng tồn đọng nguồn cung cấp.
Còn theo Tổng giám đốc Tedros, chiến dịch của Israel ở Rafah đã ảnh hưởng đến 6 bệnh viện và 9 trung tâm y tế, đồng thời khiến 70 nơi trú ẩn không còn được trang bị các dịch vụ chăm sóc y tế. Ông nói: "Số lượt tư vấn hàng ngày đã giảm gần 40% và tỷ lệ tiêm chủng giảm 50%. Khoảng 700 bệnh nhân bị bệnh nặng đáng lẽ phải được sơ tán để chăm sóc y tế ở nơi khác nhưng họ đang mắc kẹt trong vùng chiến sự".
Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Dải Gaza về cơ bản đã sụp đổ kể từ khi Israel bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm đáp trả cuộc tấn công của lực lượng Hamas hồi tháng 10 năm ngoái. Ông Tedros cho biết thêm rằng bệnh viện Al-Awda ở phía Bắc của Dải Gaza vẫn bị bao vây kể từ ngày 20/5, với 148 nhân viên và 22 bệnh nhân cùng những người đi cùng họ đang bị mắc kẹt bên trong. Ông nói: "Giao tranh gần bệnh viện Kamal Adwan, cũng ở phía Bắc của Dải Gaza, cũng gây nguy hiểm cho khả năng chăm sóc bệnh nhân của bệnh viện. Đây là hai bệnh viện chức năng duy nhất còn lại ở Bắc của Dải Gaza".
Trên 13.000 trẻ em thiệt mạng ở Gaza Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 17/3 thông báo trên 13.000 trẻ em đã thiệt mạng ở Gaza trong cuộc tấn công của Israel, đồng thời cho biết nhiều trẻ đang bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và "thậm chí không còn sức để khóc". Em nhỏ chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại trại tị nạn ở Dải Gaza,...