Xung đột đã nhìn thấy trước
Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS NGÔ TRÍ LONG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng câu chuyện lùm xùm về lắp đặt hệ thống ETC giữa VETC với các nhà đầu tư dự án trạm BOT, cho thấy sự xung đột giữa lợi ích các bên với nhau, trong đó có cả ngân hàng.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, phải chăng xung đột này đã nhìn thấy trước?
PGS.TS NGÔ TRÍ LONG: – Việc triển khai dự án ETC chậm chạp có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do nhà đầu tư BOT không dám và không muốn minh bạch. Ở đây, cơ quan nhà nước phải giám sát việc này, kể cả người dân cũng phải được tham gia giám sát để đảm bảo công bằng. Theo đó, buộc nhà đầu tư BOT phải minh bạch tổng mức đầu tư dự án, mức thu phí, doanh thu 1 ngày bao nhiêu, để hoàn vốn cần bao nhiêu thời gian, hợp đồng cho phép thu phí bao nhiêu năm, có chênh lệch nhau không, có vấn đề mờ ám không.
Thứ hai, ở góc độ đơn vị tham gia lắp đặt thiết bị ETC là VETC, quá trình thực hiện cũng thiếu minh bạch, ngay từ khâu đầu tiên là chỉ định thầu từ chính Bộ GTVT. Dù đơn vị nào cung cấp dịch vụ này cũng phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và phải liên thông, thuận lợi cho người dùng, nhưng yêu cầu này chưa đáp ứng được.
Nhìn lại vụ việc VETC, trước đó Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ GTVT xây dựng đề án, tổ chức thực hiện đấu thầu, song dường như Bộ GTVT chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Bộ chịu trách nhiệm quản lý nhưng làm quá chậm, kéo dài quá lâu, chứng tỏ năng lực lãnh đạo, quản lý kém.
Ở đây có thể thấy có sự bất ổn ngay từ khâu đầu là Bộ GTVT chỉ định thầu, thay vì đấu thầu công khai. Đối với việc cung cấp dịch vụ ETC nhiều doanh nghiệp có thể làm được, không cần thiết chỉ giao cho 1 doanh nghiệp, cụ thể là VETC được chỉ định độc quyền cung cấp dịch vụ ETC là không phù hợp với kinh tế thị trường.
- Như vậy đã có chuyện tranh chấp lợi ích giữa các bên?
- Tôi cho rằng ở đây có chuyện “đá” nhau về lợi ích giữa các bên. Việc này không phải bây giờ mới nói, mà đã được đề cập rất nhiều. Trước hết, các dự án đầu tư BOT và thu phí không dừng được xem là “miếng bánh béo bở”, nên khó có thể nói là có chuyện thua lỗ. Vừa qua, khi giải thích việc trả lại dự án, VETC cho rằng do doanh thu hoàn vốn cho dự án không như dự kiến ban đầu, do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu… chỉ là cách giải thích chung chung.
Đối với nhà đầu tư BOT, trong các hội thảo, tôi được biết lý do họ đưa ra là chưa thỏa thuận được với VETC về mức phần trăm trích ra khi lắp đặt và vận hành thiết bị. Họ nói mức 4% quá cao, trong khi chính các dự án BOT đang phải hoạt động cầm chừng do những thay đổi về chính sách trong thời gian qua.
Thu phí ETC đã có sự “đá nhau” về lợi ích nên khó triển khai thông suốt.
Video đang HOT
Đặc biệt, việc liên kết giữa ngân hàng với VETC khi đầu tư lắp đặt thiết bị và mở tài khoản thu phí tự động đang đặt ra nhiều câu hỏi, và thực tế không được sự đồng tình của doanh nghiệp vận tải trong thời gian qua. Một số doanh nghiệp vận tải gửi kiến nghị đề nghị tại sao họ không sử dụng được tài khoản giao dịch của mình tại ngân hàng để trừ phí giao thông.
Bởi nếu làm được như vậy tiền sẽ đi thẳng từ tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện vào thẳng tài khoản của chủ đầu tư BOT, không cần qua tài khoản trung gian, của VETC hay ngân hàng khác. Còn khi vẫn qua trung gian cả người đóng phí lẫn người thu phí đều phải gánh thêm mức phí trung gian, ở đây là VETC và các ngân hàng được hưởng lợi.
- Cuối năm nay các trạm thu phí trên toàn quốc phải chuyển sang thu phí ETC, nhưng hiện việc này mới đạt khoảng 10% so với kế hoạch. Theo ông, phải xử lý việc chậm trễ này như thế nào?
- Với tình hình hiện nay có thể thấy đến hết năm 2019 việc thu phí ETC không dừng khó hoàn thành trên toàn quốc. Nếu vậy, các bộ ngành, trực tiếp là Bộ GTVT phải làm rõ vì sao một chủ trương đúng đắn lại triển khai chậm chạp. Phải tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan và phải có người chịu trách nhiệm. Về bản chất, hợp đồng VETC ký kết với Bộ GTVT là hợp đồng dân sự, quyền, nghĩa vụ, lợi ích các bên phải thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết trong hợp đồng, trong khuôn khổ quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong trường hợp xấu nhất, VETC cho rằng gặp khó khăn, lâm vào tình trạng phá sản, trả lại dự án phải thực hiện theo quy trình, thủ tục của Luật Phá sản. Khi ấy, hợp đồng của VETC với Bộ GTVT sẽ được tòa xử và thực hiện công khai, minh bạch. VETC có trách nhiệm thanh toán phần tài sản theo thứ tự ưu tiên là người lao động, rồi đến nghĩa vụ với Nhà nước, sau đó đến các nghĩa vụ khác. Nếu VETC đơn phương chấm dứt hợp đồng mà trong hợp đồng đã quy định chế tài, nhà cung ứng dịch vụ ETC phải chịu phạt, hình thức phạt như thế nào pháp luật Việt Nam và hợp đồng dịch vụ đã quy định rõ.
- Theo ông, cần những giải pháp gì để tránh được những trường hợp đáng tiếc của VETC khi thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP?
- Thứ nhất, các dự án cần phải được đưa ra đấu thầu công khai, minh bạch, không nên chỉ định thầu. Chỉ có qua đấu thầu mới chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực để thực hiện dự án. Nhưng ngay cả khâu tổ chức đấu thầu cũng phải công khai, minh bạch, giám sát tốt, bởi nếu không các bên tham gia có thể thông thầu với nhau để lũng đoạn, cũng tạo ra những hệ lụy cho dự án. Thứ hai, cần có các giải pháp cũng như thỏa thuận cụ thể về phòng ngừa và chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước với các doanh nghiệp.
Hiện nay, vụ việc của VETC vẫn còn tương đối phức tạp. Phía ngân hàng cho vay để thực hiện dự án lắp đặt thiết bị ETC đòi mức phí cao, nên VETC buộc phải tăng mức phí đối với nhà đầu tư BOT. Trong hoạt động kinh doanh là vậy, bên nào cũng mong muốn thu được lợi nhuận tối ưu. Do đó, các bên cần thương lượng, thỏa thuận với nhau.
Còn khi các bên không thể tự thỏa thuận được, Bộ Tài chính phải đứng ra can thiệp. Bởi theo quy định phí và thuế do Bộ Tài chính quản lý. Theo đó, Bộ Tài chính vào cuộc để thanh, kiểm tra, sau đó căn cứ vào tình hình thực tế đề ra phương án mức phí sao cho phù hợp.
- Xin cảm ơn ông.
Các dự án đầu tư BOT và thu phí không dừng được xem là “miếng bánh béo bở”. Vì thế, việc chậm triển khai lắp đặt và khai thác dịch vụ ETC, cho thấy rõ đang có chuyện “đá” nhau về lợi ích giữa các bên liên quan.
Lưu Thủy (thực hiện)
Theo saigondautu.com.vn
Vietinbank đứng sau loạt dự án BOT của Tập đoàn Đèo Cả
Nhiều công ty thuộc Tập đoàn Đèo Cả đã thế chấp lợi ích, quyền thu phí từ các dự án BT, BOT để vay vốn của Vietinbank từ năm 2013 đến nay.
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9/2019, ước tính dư nợ các dự án BOT, BT có quy mô gần 110.000 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Trong đó, có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
So với quy mô khoảng 110.000 tỷ đồng dư nợ thì tỷ trọng có nguy cơ đó đã chiếm gần phân nửa. Vốn huy động của hệ thống ngân hàng chủ yếu ngắn hạn dưới 12 tháng, nhưng vốn vay ở lĩnh vực này thường có thời hạn rất dài, từ 10-20 năm. Vì vậy, cho vay các dự án BOT, BT giao thông còn có đặc thù rủi ro trong cân đối kỳ hạn.
Đáng chú ý, dù chiếm tỷ trọng thấp trong tổng dư nợ nền kinh tế, nhưng hoạt động cho vay các dự án BOT và BT lại tập trung tại số ít nhóm doanh nghiệp. Điều này làm phát sinh thêm rủi ro cục bộ đối với hoạt động cho vay dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tập đoàn Đèo Cả (DeoCa Group) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất đang triển khai nhiều dự án BOT, BT tại Việt Nam với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng. Thành viên của Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, hiện là chủ đầu tư dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả với tổng mức đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng.
Các công ty liên quan đến Tập đoàn Đèo Cả như Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn là chủ đầu tư Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có vốn gần 12.200 tỷ đồng; Công ty Phước Tượng Phú Gia BOT là chủ đầu tư dự án Hầm xuyên đèo Phú Gia; Công ty BOT Đèo Cả Khánh Hoà phụ trách Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 tại tỉnh Khánh Hòa; Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị là chủ đầu tư dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị có vốn hơn 8.700 tỷ đồng.
Rủi ro tín dụng của nhiều dự án này trong số này thuộc về ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam ( Vietinbank), ngân hàng tài trợ nguồn vốn chủ yếu cho các dự án của Tập đoàn Đèo Cả.
Từ 2013, dự án đầu tư xây dựng hầm được bộ Đèo Cả - Quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân có tổng mức đầu tư 26.154 tỷ đồng đã được chủ đầu tư thế chấp nhiều lần tại Vietinbank.
Các tài sản thế chấp bao gồm quyền tài sản phát sinh từ nhiều hạng mục xây dựng thuộc dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả và quyền thu phí tại các trạm thu phí theo theo Hợp đồng Dự án BOT, BT tại Vietinbank.
Không chỉ riêng dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, các dự án BOT, BT khác đang được công ty thành viên thuộc tập đoàn Đèo Cả thực hiện cũng được thế chấp tài sản tại Vietinbank.
Năm 2017, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn km1 800 - Km108 500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1 800 - Km106 500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn đã mang toàn bộ lợi ích từ việc triển khai dự án này làm tài sản đảm bảo tại Vietinbank. Đến năm 2018, công ty tiếp tục sử dụng đồng BOT với tỉnh Lạng Sơn làm tài sản bảo đảm cho các nghĩa vụ trả nợ tại ngân hàng này.
Trong khi đó, Công ty Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa, chủ đầu tư Dự án mở rộng QL1A đoạn Km1374 525 - Km1392 và Km1405 - Km1425 (đoạn qua tỉnh Khánh Hòa) đã thế chấp quyền lợi phát sinh từ dự án vào năm 2014. Khi đó, Vietinbank đã cấp khoản vay trị giá 2.339 tỷ đồng cho dự án này.
Vietinbank cũng là một trong 4 ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 9.668 tỷ đồng. Sau 10 năm triển khai chậm, Tập đoàn Đèo Cả đã được mời tham gia phát triển dự án này để đẩy nhanh tiến độ. Hiện ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Một ngân hàng khác cũng tham gia mạnh vào hoạt động cấp vốn cho dự án BOT của Tập đoàn Đèo Cả ngân hàng Việt Á (VietA Bank). Cụ thể, năm 2014, công ty triển khai dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia đã tiến hành cầm cố các tài sản theo hợp đồng dự án BOT số 11387/HĐ.BOT-BGTVT ngày 24/10/2013 tại VietA Bank, với giá trị tài sản đảm bảo là 1.351 tỷ đồng.
Dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia nằm trên Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Phúc Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, có tổng mức đầu tư trên 1.559 tỷ đồng, được khởi công từ 18.5.2013 và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2015.
Mới đây, Công ty Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Hamadeco), một công ty thành viên thuộc tập đoàn Đèo Cả cho biết đã nhận chuyển nhượng cổ phần từ 5 đối tác để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng với tổng giá trị hơn 2.394 tỷ đồng.
5 chủ nợ lớn bao gồm CTCP Đầu tư Hải Thạch B.O.T (1.117 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Hạ tầng Miền Bắc (882 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Hải Thạch (112 tỷ đồng), CTCP BOT Hưng Phát (164 tỷ đồng), CTCP đầu tư thương mại Quốc tế Hà Thành (108 tỷ đồng). Các chủ nợ lớn đã tài trợ cho Hamadeco thực hiện mua các dự án công trình giao thông để gia tăng thị phần công trình đường bộ.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào ngày 1/11/2019, cổ đông Công ty Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả đã thông qua phương án hoán đổi nợ thành cổ phần cho 5 đối tác trên. Dự kiến sau khi hoàn thành hoán đổi công nợ, vốn góp cổ phần của Công ty Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả sẽ tăng từ 79 tỷ đồng lên 2.473 tỷ đồng.
Nghiệp vụ hoán đổi nợ thành cổ phần giúp Hamadeco hoàn toàn "lột xác", với tổng tài sản tăng mạnh từ 360 tỷ đồng lên gần 2.800 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty cũng biến mất trên bảng cân đối và thay vào đó là vốn điều lệ tăng mạnh.
Cùng với chủ trương hoán đổi nợ thành cổ phần, ban lãnh đạo công ty còn thông qua kế hoạch huy động thêm vốn vay để đầu tư bổ sung vào các dự án hạ tầng giao thông với số tiền 700 tỷ đồng, lãi suất vay chỉ 3,5%/năm từ các cổ đông, tổ chức và cá nhân khác.
Trần Anh
Theo theleader.vn
Nguy cơ nợ xấu từ BOT, BT giao thông Khoảng 53.000 tỉ đồng dư nợ tín dụng từ các dự án BOT, BT giao thông có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết hiện nay có nhiều dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) giao thông...