Xúc động bài thơ viết cho liệt sĩ đầu tiên của bản hùng ca đánh thắng trận đầu
50 năm, thời gian đã quá lâu rồi, vậy mà nước mắt vẫn rơi trên khuôn mặt của Nhà thơ Duy Thảo. Giọng của ông đã lạc điệu, như cái ngày ông nén nỗi đau viết riêng cho người đồng đội “Thương tích đầy mình vẫn gan dạ đánh Mỹ”.
Liệt sĩ Phan Đăng Cát sinh ngày 14/6/1943, hi sinh ngày 5/8/1964, là Liệt sĩ đầu tiên của bản anh hùng ca đánh thắng không quân Mỹ.
Liệt sĩ Phan Đăng Cát (ảnh Tư liệu)
Tác giải Nguyễn Khắc Thuần trong một bài viết của mình của về Liệt sĩ Phan Đăng Cát đã thuật lại lời Đại tá Bùi Thúc Nhâm, nguyên Chủ nhiệm Phòng không Quân khu 4, nguyên Trưởng Ban Tác chiến Trung đoàn 280 trong trận đầu 5/8/1964:
“Phan Đăng Cát hiền lành, ít nói nhưng lại rất nhanh nhẹn, linh hoạt, có sức khoẻ và trí nhớ rất tốt. Vào quân đội huấn luyện tân binh, anh đạt ngay danh hiệu: Chiến sĩ toàn năng. Môn kiểm tra nào cũng đạt loại giỏi và được chọn đi đào tạo khẩu đội trưởng. Vào huấn luyện binh chủng pháo 57 mm, thời kỳ đó là loại vũ khí hiện đại, yêu cầu 5 pháo thủ đều vừa phải tinh thông kỹ thuật, vừa phải hiệp đồng chặt chẽ với nhau, viên đạn mới trúng kẻ thù. Anh chăm chỉ, cần mẫn nên cả kỹ thuật lẫn chiến thuật đều đạt loại xuất sắc. Vì thế, khẩu đội 8, Đại đội 138 do anh làm khẩu đội trưởng luôn là cánh chim đầu đàn của Trung đoàn.
Đóng quân cách nhà chưa đầy 20 km, gần 1 năm Phan Đăng Cát vẫn chưa có dịp về thăm nhà. Trực chiến căng thẳng, mỗi lẫn đơn vị được vài người nghỉ phép, Cát đều nhường cho đồng đội ở xa đi trước. Trưa 5/8/1964, cầm tờ giấy nghỉ phép trong tay, anh bịn rịn tạm biệt khẩu đội. Vừa rời trận địa được gần 2km, tiếng kẻng báo động máy bay địch của Trạm 05 trên núi Quyết khua vang. Một tốp giặc bay A4 từ phía Đông lao vào bầu trời Vinh. Không phút chần chừ, Phan Đăng Cát chạy như bay về trận địa, nhảy vào công sự chỉ huy khẩu đội chiến đấu.
Có anh, khẩu đội như được tiếp thêm sức mạnh. Các trận địa phòng không trên núi Quyết, trên các nhà cao tầng, lưới lửa phòng không của Trung đoàn 280 đã nhã đạn chính xác chặn đứng các đường bổ nhào ném bom của máy bay Mỹ. Là trận địa pháo trung cao chủ lực của thế trận phòng không Vinh, hoả lực ánh chớp đầu nòng súng nên sau 3 lần nổ súng, trận địa Đại đội 138 của Phan Đăng Cát đã lọt vào tầm ngắm của 8 máy bay Mỹ. Chúng thay nhau bắn rốc-két, ném bom vào trận địa. Một mảnh cắm vào hông phải làm anh Cát khịu xuống. Như có sức mạnh lạ kỳ, anh lại đứng lên, tay nắm chặt thùng đạn để đứng thẳng anh tiếp tục chỉ huy khẩu đội. Lại một trận bom dội vào trận địa, biết Phan Đăng Cát bị thương lần thứ 2, Đại đội trưởng ra lệnh cho tổ cứu thương đưa anh về phía sau. Cố nén cơn đau, Phan Đăng Cát vẫn dõng dạc: “Tôi còn chiến đấu tốt, xin được ở lại trận địa!”.
Trong lần tấn công thứ 7 của máy bay Mỹ, một mảnh bom cắm vào ngực trái, lúc này anh Cát mới chịu trao cờ chỉ huy và trút hơi thở cuối cùng trên tay đồng đội.
Hai 21 tuổi đời, 3 tuổi quân, gương chiến đấu dũng cảm của Phan Đăng Cát đã đi vào lịch sử Bộ đội Phòng không Việt Nam”.
Từng là đồng đội của liệt sỹ Phan Đăng Cát, nhà thơ Duy Thảo (quê Đức Thọ, Hà Tĩnh), lúc ấy là binh nhất, nhớ lại, “Tôi và anh Cát ở cùng Trung đoàn 280 với nhau. Tôi ở Đại đội 5, pháo 57 ly, bảo vệ sân bay Vinh; anh Phan Đăng Cát ở Đại đội 1, bảo vệ khu vực trọng điểm Bến Thủy đóng tại Xuân An, Nghi Xuân. Do đã khâm phục ý chí rèn luyện của anh ấy, nhất là sáng kiến làm mô hình học cụ rèn luyện bắn máy bay địch được phổ biến rộng rãi trong các đơn vị, nên chiều hôm đó (5/8/1964- PV) nghe tin anh Cát hy sinh sau 3 lần bị thương vẫn kiên cường phất cờ chỉ huy khẩu đội nhằm thẳng máy bay địch nhả đạn tim tôi quặn thắt.
Lúc bấy giờ địch đánh ác liệt, nén nỗi đau thương, những đồng đội như tôi tự hứa với mình phải chiến đấu hết mình, lấy gương hi sinh của liệt sỹ Phan Đăng Cát để đối đầu với đế quốc Mỹ, đánh cho “Quân cướp quen nghề tan xác chúng ra”.
Nhà thơ Duy Thảo cầm cuốn nhật ký có bài thơ viết về Liệt sĩ Phan Đăng Cát mà ông viết, lưu giữ suốt 50 năm qua
Nhận được tin buồn, chàng lính binh nhất Duy Thảo tự hứa nhất định có dịp về trận địa Xuân An để chứng kiến mảnh đất anh hùng – nơi đồng đội mình đã ngã xuống. Chẳng ngờ, chỉ sau đó mấy hôm, chính đại đội nơi anh ở lại được lệnh cơ động kéo pháo sang Nghi Xuân vào chiếm lĩnh trận địa cắm chốt ngay tại bãi pháo mà Đại đội 1 có khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát vừa hy sinh đã chuyển đi. Cũng tại đây ngày 18/8/1964, đại đội 1 của anh đã góp phần xứng đáng bắn rơi 1 máy bay T28 của giặc Mỹ, Đơn vị vinh dự được Đại tá Phùng Thế Tài bấy giờ là Tư lệnh Quân chủng Phòng không -Không quân về thăm khen ngợi và chụp ảnh chung với CB,CS đại đội.
Cũng từ đây binh nhất Duy Thảo nung nấu ý tưởng viết bài thơ để tưởng nhớ hương hồn đồng đội Phan Đăng Cát. Nhưng rồi đơn vị anh cùng các đại đội khác có lệnh hành quân chuyển ra Quốc Oai (Hà Tây) huấn luyện, thành lập đơn vị mới Trung đoàn 232.
Phải mấy tháng sau, trong lần được về thăm và vĩnh biệt người chị gái bị ung thư giai đoạn cuối, Duy Thảo – lúc này đã được thăng hạ sỹ, khẩu đội trưởng – mới có dịp ghé lại trận địa pháo Xuân An một lần nữa nơi khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát hi sinh.
Có mặt tại trận địa pháo nơi trận đầu thắng Mỹ ấy, tác giả Duy Thảo đã dồn bao nén đau thương dành tình cảm lắng sâu cho người đồng đội. Cứ như mạch nguồn có sẵn, trong đầu anh cứ tuôn trào ra những vẫn thơ dành riêng cho người đồng đội đã anh dũng hi sinh. Bức chân dung về khí phách của một người lính trẻ gan dạ, dũng cảm trước súng đạn của kẻ thù xâm lược, chân tình, chan chứa niềm yêu thương với đồng đội, đồng bào đã được anh tái hiện trong những vẫn thơ giản dị, chân thật.
Trở về đơn vị ở mới, Duy Thảo đã chép lại bài thơ vào cuốn nhật ký đời lính của mình. Những vần thơ về người đồng đội quê làng Hoàng Cần, huyện Hưng Nguyên, (tỉnh Nghệ An) mà chưa một lần nhà thơ Duy Thảo cho xuất bản ấy đã lấy đi bao nước mắt của ông mỗi dịp Đất nước kỷ niệm Ngày chiến thắng trận đầu của Quân chủng Hải quân và Phòng không Không quân VN anh hùng:
Trích đoạn bài thơ “Chiến công đầu còn vang mãi bài ca” về Liệt sỹ Phan Đăng Cát do chính nhà thơ Duy Thảo đọc được PV Dân trí ghi lại
Rời đơn vị sau trận đầu nổ súng
Hôm nay về thăm mảnh đất chiến công
Thân thuộc quá ơi Sông Lam, Bến Thủy
Giọng đò đưa vẫn man mác xuôi dòng
Tàu cập cảng cờ tung bay trước gió
Xe nối xe thêm nhộn nhịp chuyến phà
Đỉnh núi Quyết ngẩng cao đầu kiêu hãnh
Chiến công đầu còn vang mãi bài ca
Tha thiết quá ơi màu xanh giản dị
Vẫn ngày đêm trên mâm pháo sẵn sàng
Video đang HOT
Phan Đăng Cát anh có còn đứng đó?
Dồn lời thơ cho tôi chép lên trang
Cho tôi được ngắm lại người đồng chí
Sinh hoạt quanh năm giản dị, ít lời
Tắm mưa nắng từ hồi còn tấm bé
Dồn nhiệt tình cho lứa tuổi đôi mươi
Quê hương anh, đất Hoàng Cần, Xứ Nghệ
Xót xa lòng những kiếp sống ngày xưa
Hạt lúa lép cũng vào tay địa chủ
Hạt cháy đồng lại tiếp đến lụt, mưa
Lớp cha ông đứng lên từ độ ấy
Dành áo cơm dành cuộc sống xóm làng
Cờ Xô Viết từng thấm bao nhiêu máu
Trên con đường ra Thái Lão nghĩa trang
Mới 6 tuổi đã biết thương cha mẹ
Buổi chăn trâu còn cắt cỏ đem về
Lần bộ đội đến đóng quân trong xóm
Cùng trẻ làng Cát chỉ trỏ vui ghê
17 tuổi lòng như con cá chậu
Háo hức đi tuyển nghĩa vụ hai lần
Hai lần trật trở về nhà buồn xỉu
Bực cho mình nằm nhịn cả bữa ăn
Cho tới hôm ước mơ thành sự thật
Đêm cuối cùng còn mang xắc đi tiêm
Tiễn chân anh, bà con lưu luyến mãi
Tính cần cù người y tá xã viên
Tôi về đây nâng niu từng kỷ niệm
Mỗi mô hình học cụ anh làm ra
Nhớ thuốc kẹo anh chia cho đồng đội
Trưa mồng 5 hoãn chuyến phép thăm nhà
Một đêm trước anh còn ngồi tâm sự
Câu chuyện quê hương lắm cái tâm tình
Bỗng súng địch từ ngoài khơi vọng tới
Câu chuyện vội dừng, đôi mắt quắc lên
Nhớ mãi chứ anh một phông thuốc lá
Quà anh mang về dành bạn đến thăm
Chiếc áo dệt kim dành riêng cho vợ
Đã động viên mình phục vụ yên tâm
Và đây nữa mấy tấc phin bạn gửi
Anh nhận về thêu hộ chiếc gối xinh
Ơi đồng đội tấm lòng sao đẹp thế
Mười ngày vui cũng chẳng hưởng riêng mình
Tôi về đây ngắm kỹ từng ngọn cỏ
Chỗ đất này hôm anh nắm phất cờ
Cho khẩu đội nhằm kẻ thù nhả đạn
Tưởng như còn nghe dõng dạc tiếng hô
Bom đạn xối quyết không rời vị trí
Bị thương 3 lần không một tiếng kêu ca
Cùng đồng đội như thiên thần đứng đó
Quân cướp quen nghề, bắn tan xác chúng ra
Ơi đồng chí người đoàn viên dũng cảm
Trước quân thù chẳng tiếc máu tiếc xương
Chẳng tiếc cả niềm vui mình được hưởng
Góp phần vào cho cuộc sống quê hương
Đội ngũ hôm nay tôi về thăm lại
Rắn rỏi, hiên ngang nơi bệ pháo vươn nòng
Lá ngụy trang mang Mùa Xuân kiêu hãnh
Chiến công đầu và tiếp tiếp chiến công !
Văn Dũng
Theo dantri
Trận đánh nửa thế kỷ trước trong ký ức người lính Hải quân
"Đó là một trong những giai đoạn khó quên của cuộc đời lính chúng tôi. Cùng với quân dân cả nước, lính Hải quân tự hào đã góp một phần trong chiến thắng đầu tiên ấy", người cựu binh Hoàng Sỹ Hồng xúc động nhớ lại trận đánh lịch sử của 50 năm về trước.
Tự hào là thế hệ đầu của Hải quân Việt Nam
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của người cựu binh Hoàng Sỹ Hồng (70 tuổi) tại khối phố 2, thị trấn Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ là tổ ấm của 2 vợ chồng người lính thế hệ đầu tiên của binh chủng Hải quân Việt Nam. Gia đình ông có 3 người con đã lập gia đình, chỉ còn anh con trai út đang công tác xa.
Ông Hồng cho chúng tôi xem những bức ảnh trong những lần gặp mặt các đồng đội cũ của mình. "Chỉ có những bức ảnh mới này thôi. Ảnh cũ ít lắm nhưng cũng thất lạc hết rồi, thành ra những kỷ niệm đều cất hết vào đây", ông cười chỉ vào mái đầu đã nhiều sợi bạc.
Ông Hồng sinh năm 1944, quê tại làng Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Sinh ra ở làng biển nên từ nhỏ ông đã nổi tiếng là tay bơi giỏi trong làng. Đến đầu năm 1962, khi đang học lớp 8 tại trường cấp 3 huyện Can Lộc, ông được lệnh về tuyển quân tại địa phương. "Vừa hay có tin, học sinh trong trường ai cũng háo hức bởi lần đầu tiên, địa phương có lệnh tuyển học sinh. Có lệnh nghỉ là lũ chúng tôi lập tức về nhà. Cả đoàn về gần trăm, nhưng năm ấy chỉ chọn lấy 36 người. Một trong những điều kiện trúng tuyển là phải biết bơi giỏi", người cựu binh già nhớ lại.
Người cựu binh Hoàng Sỹ Hồng - nguyên lính Hải quân tàu HQ 173 từng tham gia trận đánh ngày 5/8/1964 tại cảng Sông Gianh Quảng Bình
Sau đó, ông cùng các chiến sĩ khác hành quân hơn 20km lên xã Đức Vĩnh (huyện Đức Thọ), tại đây mọi người được chở qua sông ngược lên vùng Hưng Khánh (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) để huấn luyện và học kỹ thuật về máy tàu trong vòng 9 tháng. Đến tháng 3/1963, ông Hoàng Sỹ Hồng được biên chế làm thủy thủ tại bộ phận hệ thống cơ điện của tàu Tuần la (hay còn gọi là tàu 79 do trọng lượng của tàu là 79 tấn), mang số hiệu HQ 173 thuộc phân đội 6, căn cứ 2 đóng tại Hưng Hòa (huyện Hưng Nguyên).
"Cả tàu lúc này có 34 người gồm sĩ quan và chiến sĩ. Bộ phận của tôi làm nhiệm vụ quản lý và khai thác theo đúng quy trình, quy phạm hiện hành đối với tất cả hệ thống và trang thiết bị điện trên tàu như: máy phát điện, hệ thống tự động điều khiển từ xa, hệ thống thông tin liên lạc nội bộ, hệ thống tín hiệu, nguồn điện cho các maý móc điện hàng hải và các thiết bị khác với hiệu quả kinh tế cao. Cùng với bộ phận hàng hải, chúng tôi phải làm cho con tàu di chuyển đi đúng hướng", ông Hồng cho biết.
Ký ức về trận đánh cách đây 50 năm
Giữa năm 1964, thời điểm đế quốc Mỹ mở trận tập kích ác liệt vào lực lượng Hải quân ta từ khu vực sông Gianh (Quảng Bình) trở ra. Từ cuối tháng 7, chúng tôi được lệnh của Bộ chỉ huy phải luôn trực trong tư thế sẵn sàng chiến đầu.
Đến tờ mờ sáng ngày 5/6/1964, tàu chúng tôi được lệnh tăng cường vào cảng Sông Gianh tại Quảng Bình cùng với tàu HQ 175. Do thời điểm này, tàu chúng tôi là một trong những tàu được trang bị pháo 37 ly (bắn trong vào bán kính 4km). "Khi nhận lệnh cũng là lúc tôi vừa tròn 20 tuổi. Nhiều chiến sĩ trên tàu cũng trạc tuổi tôi. Đây cũng là trận đánh đầu tiên chúng tôi giáp mặt với máy bay. Ai cũng hồi hộp lo lắng, không phải sợ hy sinh mà sợ chưa đủ kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ. Không ai bảo ai, mọi người đều tự dặn phải cố gắng hết sức chiến đấu", ông Hồng bồi hồi nhớ lại giây phút chuẩn bị lên đường.
Đến khoảng tầm 11h ngày 5/8, chúng tôi đã vào tới cảng Sông Gianh, chưa kịp ăn cơm trưa thì được lệnh phải mở hết áo pháo (đầu pháo được bịt lại bằng áo mưa) để sẵn sàng chiến đấu. Áo pháo vừa mở thì máy bay Mỹ bắt đầu oanh tạc trên bầu trời. Các tàu lần lượt cơ động rời khỏi cảng để ngênh chiến. "Mặc dù ở dưới boong tàu nhưng chúng tôi vẫn nghe rõ tiếng thả bom, bắn rốc-két xuống các tàu liên tục của máy bay Mỹ. Để đảm bảo công tác chiến đấu, anh em chúng tôi phải căng tai tập trung hết sức để nghe rõ, đủ hiệu lệnh của chỉ huy, không bỏ sót một từ. Nhiều anh em vừa vào đến nơi, quãng đường xa bị say sóng nhưng vừa nghe thông báo đã vào ngay vị trí, căng sức chiến đấu", giọng ông hào hứng.
Tại cảng sông Gianh, các tàu hải quân của ta đã nhanh chóng cơ động nổ súng kịp thời từ đợt công kích đầu tiên của máy bay Mỹ. Tiếp đó, các tàu chúng tôi cùng tàu 175, 177 và các trận địa súng máy, cao xạ hai bên bờ sông Gianh đều nổ súng đánh trả.
Lính Hải Quân trong trận đánh đầu tiên ngày 5/8/1964 (ảnh tư liệu)
Đến gần 14h cùng ngày, máy bay Mỹ ngừng lại và 16h18 phút, Mỹ lại cho 5 chiếc F8U tiếp tục lao vào đánh phá cảng Gianh lần thứ hai. Các tàu 167, 181, 161 đã cơ động nhanh, bắn trả quyết liệt, vô hiệu hóa các đợt tiến công của địch. Cùng với các lực lượng, tự vệ ngư trường Sông Gianh, công an vũ trang, lực lượng dân quân các xã: Quảng Phúc, Quảng Thọ, Quảng Thuận, Thanh Trạch, Bắc Trạch... đã hiệp đồng chiến đấu, chi viện kịp thời cho lực lượng hải quân. Trước lưới lửa dày đặc của bộ đội và nhân dân ta, bọn giặc lái Mỹ không dám sà xuống thấp...
Tại vịnh Hòn La, chiếc tàu tải trọng 50 tấn của lực lượng hải quân, chở 22 cán bộ, chiến sỹ thuộc đơn vị Phòng bảo đảm hàng hải, Quân chủng Hải quân khi đang khảo sát tại vịnh thì máy bay Mỹ xuất hiện cắt bom đánh phá. Trên đài chỉ huy, chiến sĩ phụ trách tín hiệu thông tin bị thương. Ba máy bay hiện đại của Mỹ bay với tầm cao chừng 3 km hung hãn như muốn nuốt chửng con tàu. Bom nổ quanh con tàu, nhiều chiến sỹ bị thương.
Với tinh thần chiến đấu ngoan cường dũng cảm của các chiến sĩ hải quân, của quân dân Quảng Bình, trận đánh máy bay Mỹ đã giành được thắng lợi. Trong chiến thắng trận đầu, quân dân Quảng Bình cùng với bộ đội hải quân, bộ đội phòng không ba thứ quân đã bắn rơi 3 chiếc và bắn bị thương 1 chiếc máy bay Mỹ. Chiến thắng này mang ý nghĩa hết sức quan trọng cả về quân sự và chính trị, cỗ vũ mạnh mẽ khí thế đánh Mỹ, củng cố niềm tin cho quân dân cả nước.
"Tôi không nhớ con số thương vong tại trận chiến này. Riêng tàu tôi, đồng chí thuyền trưởng đã hy sinh", ánh mắt người cựu binh chùng xuống.
Người lính Hải Quân nhiều lần được gặp Bác Hồ
Sau trận đánh lịch sử, ông Hoàng Sỹ Hồng tiếp tục tham gia nhiều trận đánh khác cũng tại Quảng Bình. Cũng tại đây, ông bị thương nặng trong trận đánh ngày 15/3/1965. Sau đó, ông được cử đi học về hệ thống các phương tiện của tàu máy tại Liên Xô, Trung Quốc và trở vềViệt Nam (năm 1967).
Một trong những niềm tự hào của ông Hồng là đã có một thời gian được ở gần Bác Hồ. Khoảng thời gian không dài nhưng những năm tháng được ở gần người đã để lại nhiều bài học sâu sắc cho ông. Vào đầu năm 1964, một nước bạn có tặng cho Bác một con tàu trang bị máy móc rất hiện đại. Bộ chỉ huy yêu cầu mỗi tàu cắt cử 1 số chiến sĩ ưu tú để ra điều khiển tàu trong thời gian 7 ngày. Ông Hồng cũng nằm trong số đó. "Có một lần Bác xuống tàu cầm 1 bộ phận của máy tàu hỏi đây là cái gì. Một đồng chí giơ tay nói với Bác tên của bộ phận đó bằng tiếng Pháp. Bác lắc đầu nói, nếu biết tên tiếng Việt của nó sao không gọi để người khác dễ hiểu. Sau rồi Bác dặn dò, nên dùng tiếng Việt cho mọi người khác còn biết, như thế cũng là giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt nước ta. Nghe Bác nói mọi người có mặt ai cũng lặng đi", ông Hồng xúc động nhớ lại kỷ niệm về Bác.
Một lần khác, "Khi đó chúng tôi đang ăn cơm dưới boong tàu thì Bác xuống thăm. Rồi Bác ngỏ ý muốn ăn chung cùng mọi người. Nhưng quả thật lúc này, bữa ăn chúng tôi rất đơn giản, ngoài cơm với một ít trứng còn lại là rau. Ai cùng ái ngại mời bác lên trên boong ăn theo chế độ khác. Nhưng Bác xua tay "Các chú ăn được, bác cũng ăn được". Nói rồi Người ngồi chung với chúng tôi, vừa ăn vừa trò chuyện thân tình".
Sau lần ấy, ông Hồng nhiều lần được gặp Bác nữa. Mỗi lần gặp Bác là mỗi kỷ niệm, bài học quý giá đối với người cựu binh.
Cuộc đời chinh chiến đã qua ngót gần nửa thể kỷ, nhưng với người cựu binh Hoàng Sỹ Hồng đó là những ký ức theo ông đi cùng năm tháng. Chiến tranh đi qua, 36 chiến sỹ được tuyển quân năm xưa may mắn đều sóng sót trở về.
Ông Hồng (người đứng thứ 5 hàng trên cùng từ phải qua) trong lần họp mặt cùng đơn vị
Dù hiện nay người còn, người mất, nhưng hằng năm đến ngày 5/8, ông và các đồng đội cũ đều tổ chức họp mặt ôn lại những kỷ niệm của một thời hoa lửa. Hiện nay, người con trai đầu của ông cũng đứng vào hàng ngũ của lính Hải quân công tác tại Đồng Nai.
Phương Hồ
Theo dantri
Đi bắt ốc, 3 học sinh chết đuối thương tâm Rủ nhau đi bắt ốc không may một nhóm học sinh gồm 4 em bị ngã xuống một cái hố sâu. Không biết bơi nên 3 trong số 4 học sinh đã tử vong ngay sau đó. Di ảnh của 2 chị em ruột Vi Thị Na và Vi Thị Niệm (Ảnh: D.N) Sáng ngày 2/8, thông tìn từ UBND xã Quỳnh Lập,...