Xuất khẩu tôm quý I tăng nhẹ, nhiều yếu tố hỗ trợ giá đi lên
Xuất khẩu tôm 3 tháng đầu năm đạt 628,6 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu sang Mỹ trong ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm 5 nước nhập khẩu chính.
Giá tôm có nhiều khả năng sẽ tăng trong thời gian tới do thiếu nguồn cung.
Xuất khẩu tôm 3 tháng đầu năm đạt 628,6 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam ( VASEP). Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ trong ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong số các thị trường chính. Theo nhận định của VASEP, đây là sự tăng trưởng khích lệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam trong bối cảnh hoạt động thương mại bị gián đoạn ở nhiều quốc gia do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nguồn số liệu: VASEP
Mỹ đứng thứ hai về nhập khẩu tôm của Việt Nam, với tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019. Dịch Covid-19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3 khiến hoạt động nhập khẩu hàng hóa trong đó có tôm vào thị trường này bị đình trệ. Nhu cầu nhập khẩu của Mỹ cũng giảm do lĩnh vực dịch vụ thực phẩm phải đóng cửa theo yêu cầu của chính phủ. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ ở phân khúc bán lẻ vẫn tăng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Mặt khác, Ấn Độ, nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ và là đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam tại Mỹ, đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Lệnh phong tỏa nhằm kiểm soát dịch Covid-19 của Ấn Độ kéo dài từ ngày 23/3 đến ngày 3/5 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nước này, đặc biệt là tháng 3 là tháng cao điểm để thả giống tôm vụ hè. Người nuôi tôm ở Ấn Độ gặp khó khăn về nguồn cung và vận chuyển tôm giống trong khi đầu ra bị tắc nghẽn, không có lao động chăm sóc, giá tôm nguyên liệu giảm sâu. Do lệnh phong tỏa, một số nhà máy chế biến của Ấn Độ chỉ có thể duy trì 50% số lượng công nhân so với trước đó. Vì vậy, xuất khẩu tôm của Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 3 giảm theo.
Nguồn số liệu: VASEP.
Video đang HOT
Nhật Bản vươn lên là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong quý I, với thị phần 21%. Tháng 3, xuất khẩu sang thị trường này giảm gần 2% nhưng nhờ mức tăng 63% của tháng trước nên tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn tăng 8,4% trong quý I, đạt gần 132 triệu USD.
Ngoài ra, xuất khẩu sang Canada, Anh, Australia đều ghi nhận mức tăng 2 con số. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I do đây là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
Nhiều yếu tố hỗ trợ giá tôm
Về giá, hiện nguồn cung tôm thẻ chân trắng trong nước không dồi dào nên giá tôm thẻ chân trắng chưa bị ảnh hưởng nhiều nhưng giá tôm sú có xu hướng giảm do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc chịu tác động lớn của dịch Covid-19, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho biết.
VASEP cho rằng có một số yếu tố hỗ trợ giá tôm. Mặc dù dịch Covid-19 gây gián đoạn hoạt động sản xuất, vận chuyển và nhu cầu tiêu thụ, tôm vẫn thuộc nhóm thực phẩm thiết yếu với mức giá vừa phải nên nhu cầu tiêu thụ dự báo vẫn có trong thời gian tới. Mặt khác, tình hình chống dịch Covid-19 ở 2 thị trường tiêu thụ lớn của tôm Việt, gồm Trung Quốc và Hàn Quốc, có chiều hướng cải thiện, trong khi các nước sản xuất chính như Ấn Độ và Ecuador đang gặp khó khăn về sản xuất do dịch bệnh, thời tiết.
Cũng theo dự đoán của ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta, dù Covid tác động kéo dài bao lâu, giá tôm cũng sẽ khá ổn, cơ bản do cung giảm. Nếu giá có giảm, mức giảm sẽ không nhiều nhưng khả năng giá tăng là cao hơn.
Nguyên nhân là Trung Quốc và Ấn Độ đang phong toả toàn quốc, khiến chuỗi cung ứng hình thành con tôm bị gián đoạn, cắt khúc và khó khăn lớn nhất là thiếu lao động cho hoạt động thả nuôi lẫn chế biến. Sản lượng tôm của 2 quốc gia này dự báo giảm mạnh, ít nhất giảm 20%. Nếu dịch Covid-19 kéo dài hết quý II, mức giảm sẽ cao hơn. Các nước sản xuất lớn khác, như Indonesia, Ecuador, Thái Lan, cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức độ nhẹ hơn nhưng sản lượng tôm được dự báo cũng không thể tăng.
Tại Việt Nam, thời tiết hiện nay cũng dễ gây sốc cho con tôm, khiến tôm dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh đốm trắng và vi bào tử trùng, khiến người nuôi tôm chùng tay thả nuôi giai đoạn hiện nay. Dịch Covid-19 cũng khiến việc thả giống tôm nuôi chậm lại. Theo đó, ông Lực cho rằng ngành tôm sẽ thiếu nguồn cung từ tháng 5 tới.
Thanh Long
Quý III/2019: Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp thủy sản sụt giảm
Trong quý III, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó. Vì thế, không ít doanh nghiệp giảm lợi nhuận.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính chung 9 tháng năm 2019, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt gần 6,3 tỷ USD, giảm nhẹ gần 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực khác đều sụt giảm đáng kể, xuất khẩu tôm giảm 7%, cá tra giảm 8%.
Ảnh minh họa.
Nhờ nhu cầu thị trường, nhất là các dịp lễ hội sắp tới, xuất khẩu tôm và cá tra được dự báo sẽ có nhiều khả quan hơn vào các tháng cuối năm. Tuy nhiên, cạnh tranh về giá vẫn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm và thuế chống bán phá giá cá tra cao tại thị trường Mỹ tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Báo cáo tài chính riêng công ty mẹ quý III/2019 của Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần giảm 15% so với cùng kỳ, đạt 3.255 tỷ đồng. Giá vốn giảm thấp hơn 13% nên lãi gộp giảm 31% về 249 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt 7,6% giảm so với mức 9,4% cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính cũng giảm 71% xuống 24 tỷ đồng.
Thêm 3 loại thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu vào Trung Quốc
Nỗ lực khắc phục "thẻ vàng" IUU để thủy sản lại rộng cửa vào EU
Xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc sụt giảm 7,2%
Quý III/2019 cũng là thời điểm ghi nhận doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp này giảm liên tiếp theo mức độ tăng dần, tháng 7/2019 giảm 3%, tháng 8 giảm 20% và tháng 9 giảm 34%. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, xuất khẩu của Minh Phú sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ, giảm đến 58,8% trong tháng 9 và giảm 14,3% trong 9 tháng.
Tính chung 9 tháng năm 2019, doanh thu xuất khẩu của Tập đoàn Minh Phú đạt 198 triệu USD, giảm 20,5% so cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 57% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2019.
Lý giải nguyên nhân xuất khẩu gặp khó, Minh Phú cho biết, từ tháng 7/2019 đến nay, do mưa lớn kéo dài khiến tình hình nguyên liệu tôm của Việt Nam giảm nhiều, làm giảm nguồn cung nguyên liệu theo yêu cầu của các khách hàng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý III của Minh Phú chỉ đạt 103 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu công ty tăng 1,7% đạt 8.398 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 10%, còn 484 tỷ đồng.
Hiện công ty này đang lên kế hoạch đẩy mạnh hoàn thành vùng nuôi công nghệ cao Lộc An ngay trong năm 2019, để chủ động hơn nguồn cung và năng lực đáp ứng đơn hàng trong những tháng cao điểm trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Trong khi đó, Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn - một doanh nghiệp đầu ngành cá tra mới công bố gần đây cũng cho thấy, doanh thu thuần của công ty này giảm tới 25% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.882 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính ghi nhận sự sụt giảm cả về doanh thu và chi phí. Các chi phí bán hàng và quản lý cũng có sự gia tăng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn giảm 58,3% xuống 254 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn giảm 13% còn 5.696 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó giảm hơn 5% còn 981 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của 2 doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực chế biến xuất tôm và cá tra không nằm ngoài xu hướng hiện nay của ngành thủy sản.
K.VÂN
The Baodansinh.vn
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ vẫn khả quan, bất chấp đại dịch Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ tính đến 15/3 vừa qua đạt gần 93 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ tính đến 15/3 vừa qua đạt gần 93 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Sở dĩ xuất...