Xuất khẩu tiếp tục khó khăn khi Trung Quốc siết chặt quản lý tại cửa khẩu
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt dịch bệnh và ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài vào nội địa, đặc biệt tại các cửa khẩu và đường mòn, lối mở.
Xe xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Quang Duy/TTXVN
Theo ông Phùng Quang Hội, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 30/3, phía Trung Quốc tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19, quản lý chặt chẽ các lái xe và đại lý khai báo Hải quan người Trung Quốc sang khu vực cách ly phía Việt Nam để giao dịch; không cho phép các lái xe đến từ các tỉnh đã có ca bị lây nhiễm của Việt Nam nhập cảnh vào Trung Quốc.
Đồng thời phía Trung Quốc cũng đề nghị thành lập đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu chở hàng qua lại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) và cặp cửa khẩu phụ Tân Thanh (Việt Nam) – Pò Chài (Trung Quốc), sẽ áp dụng từ ngày 7/4, yêu cầu lái xe đến từ các tỉnh chưa phát sinh ca bị lây nhiễm dịch bệnh, không được ra khỏi địa bàn thành phố Lạng Sơn và phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với COVID-19; chỉ những người có tên trong danh sách đội lái xe mới được xuất cảnh, nhập cảnh chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại hai bên cửa khẩu.
Video đang HOT
Tiếp đó, ngày 3/4, phía Quảng Tây (Trung Quốc) đã ban hành thông báo về việc tăng cường quản lý dịch bệnh từ nước ngoài tại các cửa khẩu đường bộ và đường thủy. Theo đó thực hiện quản lý nghiêm cửa khẩu và các đường mòn biên giới, ngoài cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, các cửa khẩu khác gồm Ga Đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma, các cửa khẩu phụ: Tân Thanh, Cốc Nam chỉ duy trì chức năng thông quan hàng hóa; tạm thời đóng các cửa khẩu, lối mở khác; thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt đối với hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.
Cũng theo thông báo từ phía Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), từ ngày 7/4 các cửa khẩu phụ: Tân Thanh, Cốc Nam chỉ thông quan 5 tiếng/ngày (buổi sáng từ 08 giờ 00 đến 11 giờ 00, buổi chiều từ 12 giờ đến 14 giờ, (theo giờ Hà Nội), nghỉ vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, tết.
Trong thời gian tới, phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường quản lý đối với xe hàng và lái xe qua biên giới. Đối với xe hàng xuất nhập cảnh, tiến hành khử trùng kỹ theo quy trình liên quan; yêu cầu đăng ký đối với tất cả lái xe chở hàng qua biên giới, thực hiện vận tải theo điểm và tuyến cố định. Xe hàng Việt Nam thực hiện bốc dỡ tại bãi hàng được chỉ định tại khu vực cửa khẩu, lái xe phía Việt Nam chỉ được giới hạn hoạt động tại khu vực bãi hàng và xuất cảnh về Việt Nam trong ngày.
Trước sự kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt của phía Trung Quốc dẫn đến năng lực thông quan hàng hoá xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đã giảm so với thời gian trước đây, đến 10h sáng ngày 6/4 vẫn còn tồn khoảng 1.700 phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu; trong đó tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tồn khoảng 600 xe, cửa khẩu phụ Tân Thanh tồn 839 xe (tại cửa khẩu Tân Thanh tồn 639 xe, tại phía bãi hàng hóa Pò Chài – Trung Quốc tồn 200 xe hàng hóa đã xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh, nhưng chưa giao được hàng), cửa khẩu phụ Cốc Nam tồn trên 130 xe, cửa khẩu chính Chi Ma tồn 135 xe.
Ông Phùng Quang Hội cho biết, các hoạt động thông quan hàng hoá xuất khẩu qua các cửa khẩu của Lạng Sơn trong thời gian tới tiếp tục gặp nhiều khó khăn từ sự kiểm soát nghiêm ngặt dịch bệnh của các cơ quan chức năng phía Trung Quốc.
Trước tình hình đó, để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng hóa được thuận lợi, tránh ùn ứ phương tiện và hàng hóa xuất khẩu, gây thiệt hại cho thương nhân, doanh nghiệp và người dân, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu nông sản, hoa quả thường xuyên cập nhật các thông tin, tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn để chủ động trong việc thu hoạch, thu mua hàng hoá, tính toán phương án vận chuyển hàng lên cửa khẩu, xuất nhập hàng hóa hợp lý để giảm thiểu thiệt hại.
Đồng thời, các doanh nghiệp, thương nhân nghiên cứu thực hiện việc chuyển dần từ loại hình xuất khẩu tiểu ngạch biên giới sang loại hình xuất khẩu chính ngạch để tránh rủi ro trong thương mại hoặc có phương án tiêu thụ hàng hóa nông sản trong thị trường nội địa.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19, đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp, triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bệnh đồng thời đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến nhằm tập trung tháo gỡ các khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh.
Trong tháng 3/2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn về cơ bản đã được khôi phục. Lưu lượng phương tiện xuất nhập khẩu hàng hóa trung bình đạt khoảng 1.000 xe/ngày. Từ ngày 5/2 đến hết ngày 5/4 các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xuất khẩu được 20.205 xe hàng hóa và nhập khẩu đạt 21.187 xe.
Thái Thuần
Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, nhưng không coi nhẹ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh
Đặt ưu tiên cao nhất cho việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an toàn cho nhân dân và người lao động; không vì sức ép giải tỏa ùn tắc, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa mà coi nhẹ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Phương tiện qua các cửa khẩu tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) được khử trùng tiêu độc bằng máy phun tự động. Ảnh: Hữu Việt - Văn Đức/TTXVN
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới; đồng thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 808/VPCP-KTTH ngày 5/2/2020 về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới và Công điện số 224/CĐ-TTg ngày 12/2/2020 về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu vận chuyển hàng hóa qua biên giới; trong đó cho phép tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam - tỉnh Lạng Sơn và lối mở Km3 4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái - tỉnh Quảng Ninh.
Việc cho phép khôi phục lại hoạt động của các cửa khẩu biên giới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 224/CĐ-TTg và áp dụng thống nhất quy trình kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 829/BYT-MT đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản và trái cây tươi qua biên giới phía Bắc; đồng thời vẫn đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả.
Mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa đã được khôi phục trở lại, nhưng tiến độ chậm hơn nhiều so với trước đây do bắt buộc phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thiếu nhân lực tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu, vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Tính đến ngày 30/3, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đang tồn khoảng 1.175 xe; trong đó riêng tỉnh Lạng Sơn tồn 1.086 xe, chủ yếu là thanh long, dưa hấu, chuối, xoài, mít.
Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng tăng cường siết chặt kiểm soát đối với người và phương tiện vận tải của Việt Nam tại khu vực cửa khẩu biên giới khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Mới đây, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã thông báo tới các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn về việc không cho các lái xe đến từ một số tỉnh, thành phố, trước mắt là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Bình Thuận được giao, nhận hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc do các địa phương này đang phát sinh diễn biến phức tạp về dịch bệnh.
Tại các địa phương có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn như: Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã sớm thiết lập quy trình "vùng đệm", sử dụng địa điểm thuộc khu vực cửa khẩu để làm khu vực cách ly.
Tuy nhiên, để có đội ngũ lái xe đủ lớn thực hiện việc chuyển tiếp hàng hóa sang Trung Quốc, giúp đội ngũ lái xe từ nội địa lên khu vực biên giới đang gặp khó khăn.
Đặc biệt, trong bối cảnh năng lực thông quan của các cửa khẩu biên giới được mở lại như hiện nay vẫn chưa được cải thiện nhiều; đồng thời phải áp dụng thêm các phương án kiểm soát nghiệm ngặt, phòng, chống dịch bệnh trên phạm vi cả nước trong thời gian tới đây có khả năng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới giáp với Trung Quốc.
Trong khi đó, một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi sẽ tiếp tục vào thời điểm chính vụ để xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu như lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố đưa lên khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc ngày càng nhiều, tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa chắc chắn xảy ra trong thời gian tới.
Trước tình hình nêu trên, Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có công văn số 331/XNK-TMQT gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Theo đó, đề nghị phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị tại công văn số 283/XNK-NS ngày 20/3/2020 của Cục Xuất nhập khẩu; đồng thời quán triệt mục tiêu "đặt ưu tiên cao nhất cho việc phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân dân và người lao động; không vì sức ép giải tỏa ùn tắc, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa mà coi nhẹ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh" trong suốt quá trình thực hiện hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần vào công cuộc chung của cả nước trong việc đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Uyên Hương
Xe hàng xuất sang Trung Quốc có xu hướng giảm Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, lượng hàng hóa giao nhận tại các cửa khẩu đất liền Việt Nam - Trung Quốc ngày 15-3 tiếp tục giảm so với những ngày trước đó. Hàng hóa được làm thủ tục xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Hoàng Mô, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Ngân Hà Cụ thể, trong ngày 10-3, các cửa khẩu...