Xuất khẩu thủy sản giảm hơn 9,7% trong quý I/2020
Quý I/2020, xuất khẩu thủy sản giảm do xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và EU giảm, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản và Mỹ vẫn tăng nhưng mức tăng thấp
Ảnh minh họa.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 3/2020 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 629 triệu USD, tăng 25,5% so với tháng 2/2020, nhưng giảm 7,7% so với tháng 3/2019. Quý 1/2020, xuất khẩu thủy sản đạt 1,614 tỷ USD, giảm 9,73% so với quý I/2019.
Xuất khẩu thủy sản tháng 3/2020 cải thiện so với 2 tháng đầu năm nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc dần phục hồi. Trong 15 ngày cuối tháng 3/2020, xuất khẩu thủy sản đã phục hồi đáng kể khi tăng 29,3% so với 15 ngày đầu tháng và chỉ giảm 1,36% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ chậm lại khi tốc độ tăng trưởng giảm từ 1,2% trong 2 tháng đầu năm 2020, xuống còn 0,8% trong 3 tháng đầu năm 2020.
Nhìn chung, quý I/2020, xuất khẩu thủy sản giảm do xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và EU giảm, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản và Mỹ vẫn tăng nhưng mức tăng thấp. Trong quý I/2020, Canada và Nga là 2 thị trường có mức tăng trưởng khả quan nhất so với cùng kỳ năm 2019, tăng lần lượt 10,1% và 22%.
Theo Cục Xuất nhập khẩu trong lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành, người tiêu dùng sẽ ưu tiên lựa chọn những sản phẩm thủy sản dùng ở nhà như: sản phẩm đông lạnh, đóng hộp và đồ khô để bảo quản được trong thời gian dài; các sản phẩm chế biến sẵn, sơ chế phù hợp cho chế biến ở nhà và sản phẩm thủy sản có mức giá trung bình, thấp sẽ được lựa chọn nhiều hơn. Các sản phẩm thủy sản tươi sống phục vụ cho nhà hàng sẽ giảm mạnh. Xu hướng này sẽ còn kéo dài ở hầu hết các thị trường, kể cả sau khi đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Xuất khẩu thủy sản giảm
Dịch Covid -19 đã tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó có ngành thủy sản xuất khẩu. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã giảm 10.7% so với cùng kỳ năm 2019, khi chỉ đạt mức 988,8 triệu USD.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản sang 2 thị trường lớn nhất là Nhật Bản và Hoa Kỳ tăng, trong khi xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc, EU thì giảm mạnh. Đây là những thị trường vốn nhập khẩu sản lượng lớn thủy sản Việt Nam hàng năm nhưng thời gian qua, một phần vì tấm thẻ vàng IUU, một phần vì dịch Covid-19 đã khiến những thị trường này giảm mạnh. Theo đó, 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 109,2 triệu USD; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 61,4 triệu USD, giảm tới 48,8%. Trong khi xuất khẩu sang các thị trường như Thái Lan, Anh cũng giảm mạnh khi chỉ đạt kim ngạch lần lượt là 39,6 triệu USD (giảm 10,4%); 34,4 triệu USD (giảm 9,3%).
Khảo sát các DN ngành thủy sản trước tác động của dịch bệnh, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep) cho hay, trong vòng 3 tháng dịch hoành hành, hầu hết các DN ngành thủy sản đang "chìm" trong tình cảnh: hàng tồn kho lớn, nhiều lô hàng xuất - nhập bị trì hoãn, khách hàng chậm thanh toán ảnh hưởng tới vòng quay vốn lưu động và lịch thanh toán nợ vay đến hạn trong tháng 3 - 4 - 5/2020, doanh thu xuất khẩu giảm. Tại nhiều thị trường, DN xuất khẩu còn gặp phải tình trạng các đối tác từ chối thực hiện đơn hàng mới, và giảm lượng hàng nhập khẩu vì lo ngại dịch bệnh.
Không chỉ khó khăn về thị trường, các DN còn đang phải gánh nhiều chi phí phát sinh như: Phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch, phí điện, phí chiết khấu, phí quản lý tài khoản, phí nhắn tin phí gửi hồ sơ... Tất cả những khó khăn đó đang tạo áp lực lớn lên vai các DN ngành thủy sản.
Trước tình hình đó, Vasep cho biết, nhiều DN đã nêu lên ý kiến, đề xuất về việc các Ngân hàng nới lỏng các điều kiện cho vay như: Chưa áp dụng tài sản thế chấp đảm bảo theo tỷ lệ, giảm quy trình thủ tục, điều kiện về thế chấp, tín chấp, yêu cầu về ngoại tệ tương ứng số vốn cấp; dựa vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để cấp thêm hạn mức tín chấp để DN dễ tiếp cận nguồn vốn; Cho vay dự trữ hàng hóa (xét cho vay tín chấp) để khi hết dịch sẽ có hàng bán kịp thời; tăng kỳ hạn vay vốn lưu động từ 4 tháng lên 6 tháng...
Minh Phương (Daidoanket.vn)
"Quả bom nổ chậm" của Camimex Hàng tồn kho của Công ty cổ phần Camimex có xu hướng tăng mạnh trong năm 2019 và có thể là "quả bom nổ chậm" với doanh nghiệp ngành thủy sản này trong năm 2020. CTCP Camimex Group (mã CK: CMX) đã công bố BCTC kiểm toán năm 2019 với mức lãi ròng sụt giảm tới gần 63 tỷ đồng sau kiểm toán....