Xuất khẩu sản phẩm dầu của Nga đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3
Báo Vedomosti ngày 5/4 dẫn dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Kpler cho biết, các công ty dầu mỏ Nga đã tăng xuất khẩu các sản phẩm dầu qua đường biển thêm 31,2%, lên 3,13 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mức cao nhất mọi thời đại tính theo tháng. Mức cao nhất trước đó được ghi nhận vào tháng 2/2022 là 3,1 triệu thùng/ngày.
Sau khi bị trừng phạt, các công ty Nga đã buộc phải chuyển hướng xuất khẩu dầu và sản phẩm dầu sang các thị trường khác thay vì EU, Anh, Mỹ.
Kết quả là, Ấn Độ và Trung Quốc trở thành những khách hàng mua dầu lớn. Chuyên gia quản lý tại Trung tâm Giám định và Phân tích PSB Ekaterina Krylova (Nga) lưu ý rằng nỗ lực tìm kiếm thị trường mới đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm dầu của Moskva.
Vào tháng 2/2023, Ủy ban châu Âu đã cho phép các nước thứ ba xuất khẩu các sản phẩm dầu của Nga sang EU sau khi chế biến hoặc trộn với dầu từ các nước khác.
Nhà phân tích cấp cao của Tập đoàn Tài chính BCS, Ronald Smith cho biết, khối lượng xuất khẩu cao kỷ lục cho thấy các nhà máy lọc dầu và thương nhân Nga đã tìm kiếm thành công các tuyến đường thay thế, cho phép xuất khẩu dầu của Nga đến châu Âu sau khi chúng được trộn lẫn với các sản phẩm của các nước khác.
Trước đó kênh RT (Nga) cũng cho biết Moskva đã tìm được người mua cho tất cả các nguồn cung cấp có nguy cơ bị mắc kẹt do lệnh trừng phạt. Nguồn tin này dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov hồi cuối tháng 3 thông báo Moskva đã hoàn toàn chuyển hướng xuất khẩu dầu từ “các quốc gia không thân thiện” sang các thị trường mới.
Video đang HOT
Bộ trưởng Năng lượng Nga nêu rõ, nguồn cung hiện được dành cho châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông. “Chúng tôi có thể tuyên bố rằng chúng tôi đã xoay sở để chuyển hướng hoàn toàn toàn bộ khối lượng xuất khẩu ban đầu do các lệnh trừng phạt. Theo đó, doanh số bán hàng không giảm”, ông Shulginov nói.
Tuy nhiên, theo ước tính của chuyên gia Krylova, xuất khẩu các sản phẩm dầu của Nga có thể giảm xuống 2,6-2,7 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và tháng 5 này do cắt giảm sản lượng (dựa trên quyết định của OPEC ) và công việc sửa chữa tại các nhà máy lọc dầu.
Chuyên gia Smith đồng quan điểm rằng thời gian bảo trì kỹ thuật mùa xuân theo lịch trình tại các nhà máy lọc dầu sẽ dẫn đến tình trạng xuất khẩu của Nga chậm lại. Tuy nhiên, ngày càng rõ ràng rằng Nga đã giải quyết được những thách thức hậu cần cấp bách nhất mà nước này phải đối mặt xuất phát từ lệnh cấm vận của EU, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.
EU với chiến lược mới: 'Giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc'
Trước thềm chuyến công du Trung Quốc cùng Tổng thống Pháp Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đưa ra định hướng về quan hệ EU-Trung Quốc trong tương lai.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: @vonderleyen
Theo Janne Leino, Giám đốc chương trình về chính sách đối ngoại, an ninh và chủ nghĩa đa phương tại tổ chức tư vấn Konrad-Adenauer-Stiftung (Đức), ngay trước khi đi thăm Trung Quốc cùng Tổng thống Pháp Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đưa ra quan điểm của mình về quan hệ EU-Trung Quốc trong tương lai.
Trong bài phát biểu vào ngày 30/3, bà Leyen đã vạch ra phản ứng của châu Âu đối với một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn và không đề cập đến Mỹ cũng như mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Mặc dù mục tiêu chính của bài phát biểu có thể là nhằm vào những người ra quyết định ở Bắc Kinh, nhưng lập luận của bà Leyen thể hiện cách EU đang muốn định vị chính mình, cụ thể là một chủ thể độc lập đưa ra các lựa chọn hợp tác cho các quốc gia không muốn (công khai) chọn giữa Washington hoặc Bắc Kinh.
Theo bà Leyen, EU cần thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc, vốn đang "trở nên quyết đoán hơn ở nước ngoài". Theo đó, khi Trung Quốc điều chỉnh các chính sách cải cách và mở cửa, châu Âu phải thay đổi cách tiếp cận của mình.
Giảm rủi ro, nhưng không tách rời
Chuyên gia Leino cho rằng, cụm từ phổ biến mới khi bà Leyen nói đến việc quản lý mối quan hệ với Trung Quốc là "giảm thiểu rủi ro". Giảm thiểu rủi ro nghe có vẻ ngoại giao hơn là "tách rời", vốn được sử dụng rộng rãi dưới thời chính quyền Trump.
Bất chấp tình hình gần đây trở nên tồi tệ hơn, với các lệnh cấm ngày càng tăng đối với TikTok trên khắp các chính phủ châu Âu, một thỏa thuận đầu tư bị đóng băng, những nghi ngờ kéo dài về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 và một loạt các biện pháp trừng phạt trả đũa, bà Leyen cho biết EU không đủ khả năng "tách rời" với Trung Quốc.
"Tôi tin rằng việc tách khỏi Trung Quốc là không khả thi - cũng như vì lợi ích của châu Âu. Quan hệ của chúng tôi không phải là trắng hay đen - và phản ứng của chúng ta cũng không thể như vậy", bà Leyen nói, đồng thời kêu gọi ổn định ngoại giao và mở đường dây liên lạc.
"Đây là lý do tại sao chúng ta cần tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro - chứ không phải tách rời". Nhà lãnh đạo châu Âu cũng đề cập đến biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học là hai lĩnh vực mà EU và Trung Quốc có thể tìm thấy tiếng nói chung để giải quyết các thách thức toàn cầu.
Về kinh tế, bà Leyen lưu ý rằng hầu hết hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ vẫn "đôi bên cùng có lợi" và không có rủi ro. Trung Quốc là đối tác thương mại chính của EU khi nói đến hàng hóa, với tổng lưu lượng trị giá gần 700 tỷ euro vào năm 2021.
Như vậy, thông điệp của bà Leyen gửi tới Bắc Kinh, Washington và phần còn lại của thế giới chính là: EU mở cửa cho hoạt động kinh doanh, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào. Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo EU đã đưa ra một "chiến lược giảm thiểu rủi ro kinh tế" được xây dựng trên một số trụ cột.
Trụ cột đầu tiên tập trung vào việc tăng khả năng cạnh tranh và khả năng phục hồi của châu Âu trong các công nghệ tương lai cho phép chuyển đổi kỹ thuật số và xanh cho lục địa.
Kế hoạch hành động hướng phát thải ròng về không (net-zero-act plan) của EU, được nhiều người coi là phản ứng đối với Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, nhằm mục đích mang sản xuất công nghệ sạch đến châu Âu. EU tuyên bố rằng 40% công nghệ trong tương lai nên được sản xuất ở châu Âu, do đó mở đường cho các khoản trợ cấp cấp quốc gia và EU vào các lĩnh vực này.
Thứ hai là giảm thiểu rủi ro, học hỏi từ kinh nghiệm của Nhật Bản với Trung Quốc, nên bao gồm quyền tự chủ lớn hơn đối với các nguyên liệu thô quan trọng. Để thực hiện điều này, EU sẽ ngày càng quan tâm đến các quốc gia châu Phi, châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á giàu khoáng sản, đồng thời sử dụng các công cụ như sáng kiến 'Cửa ngõ Toàn cầu" rất được thổi phồng nhưng không thực sự được nhiều người biết đến.
Trụ cột thứ ba của "chiến lược giảm thiểu rủi ro" của EU bao gồm việc phát triển mới và vận dụng tốt hơn các công cụ thương mại phòng vệ cũ. EU nên sử dụng tốt hơn các công cụ kiểm soát xuất khẩu, sàng lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và trợ cấp nước ngoài hiện có.
Về các công cụ phòng vệ mới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu thông báo rằng EU đang nghiên cứu một công cụ có thể tập trung vào các khoản đầu tư ra nước ngoài, nghĩa là các khoản đầu tư từ châu Âu vào "các đối thủ có hệ thống" như Trung Quốc.
Mặc dù chưa được đặt tên, nhưng đề xuất này là sự kết hợp giữa Đạo luật hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài của Mỹ (FIRRMA) và đề xuất lưỡng đảng về Đạo luật phòng thủ năng lực quan trọng quốc gia (NCCCA).
Cuối cùng, EU muốn hợp tác chặt chẽ với các đối tác toàn cầu, bao gồm các thành viên G7, G20 và ASEAN,... (một lần nữa không nêu tên rõ ràng Mỹ). Sự liên kết với các đối tác này sẽ được thực hiện song song với các hiệp định thương mại tự do với các nước như New Zealand, Australia, Ấn Độ và các thành viên của ASEAN và MERCOSUR.
Theo bà Leyen, các "liên minh Xanh", như với Nhật Bản và Hội đồng thương mại và công nghệ (TTC) EU - Ấn Độ, là những ví dụ điển hình về quan hệ đối tác của châu Âu.
Chuyên gia Leino nhấn mạnh: Rõ ràng là Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Leyen tới Bắc Kinh lần này là để quản lý mối quan hệ với Trung Quốc và EU. Sự im lặng này đối với Mỹ có thể được đánh giá qua lăng kính về mối quan tâm của EU về một thế giới đa cực đang phát triển. EU cần thế giới đang phát triển đạt được quyền tự chủ chiến lược và chuyển đổi kỹ thuật số cũng như chuyển đổi xanh. Và cũng giống như EU, hầu hết các nước đang phát triển cũng không muốn chọn phe rõ ràng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Khó khăn của Đức về khí đốt đe dọa an ninh kinh tế và năng lượng EU Nhập khẩu khí đốt tự nhiên mới và đường ống bổ sung của Đức không thể bù đắp lượng khí đốt từng được Nga cung cấp. Là nền kinh tế lớn nhất của EU, phần lớn phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên để sản xuất, Đức có tác động dây chuyền lớn đến hoạt động kinh tế của toàn khối. Thủ tướng...