Xuất khẩu sắn mất top tỷ đô, nhà máy “đói” nguyên liệu
Năm 2019, xuất khẩu sắn tiếp tục rời khỏi nhóm các mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Đầu năm 2020, tình hình vẫn chưa lấy gì làm khả quan.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn năm 2019 chỉ đạt 948 triệu USD. Như vậy, xuất khẩu sắn tiếp tục rời khỏi nhóm các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Năm qua, xuất khẩu sắn lát gặp nhiều khó khăn do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm. Ước tính, lượng sắn lát xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 380.000 tấn; giảm 45,4% so với năm 2018.
Lượng sắn lát xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 giảm 45,4% so với năm 2018
Bên cạnh đó, tỷ giá giữa đồng USD và NDT được điều chỉnh theo chiều hướng đồng NDT giảm nhiều so với đồng USD, dẫn đến giá xuất khẩu sắn sang Trung Quốc cũng bị giảm theo.
Với tinh bột sắn, mặt hàng xuất khẩu hơn 80% sang Trung Quốc cũng bị cạnh tranh quyết liệt, các doanh nghiệp chế biến sắn cũng gặp nhiều khó khăn hơn năm 2018.
Cục Xuất Nhập khẩu dự báo, năm 2020, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn khó tăng mạnh so với năm 2019 và còn tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, nhất là phải cạnh tranh từ các đối thủ Thái Lan, Lào, Campuchia.
Ở trong nước, từ cuối năm 2019 đến đầu tháng 1 năm nay, giá sắn nguyên liệu vẫn ổn định ở mức thấp.
Video đang HOT
Trong nước, giá sắn nguyên liệu vẫn ổn định ở mức thấp
Giữa tháng 12/2019, giá sắn nguyên liệu tại Tây Ninh còn neo ở mức 2.700 – 2.800 đồng/kg. Cuối năm ngoái, giá bắt đầu giảm nhẹ khoảng 50 đồng/kg. Đến giữa tháng 1 năm nay, giá sắn ở các cửa khẩu Tây Ninh tiếp tục giảm thêm 50 đồng/kg nữa do nguồn sắn từ Campuchia về nhiều.
Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất tinh bột sắn đánh giá, nguồn cung sắn lát vụ mới 2019 – 2020 sẽ không dồi dào. Hiện các vùng nguyên liệu đã bước vào thời điểm thu hoạch rộ sắn vụ, nhưng hầu hết các nhà máy khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đều rơi vào tình trạng khan hiếm nguyên liệu do sắn vụ mới trồng muộn.
Thời tiết không thuận lợi và dịch bệnh khảm lá lan rộng cũng khiến năng suất và chất lượng củ sắn tươi đạt thấp. Cùng với nguồn sắn của Lào và Campuchia đang được Thái Lan thu mua mạnh nên nguồn cung sắn lát vụ mới về Việt Nam sẽ tiếp tục giảm so với vụ trước.
Nguồn cung sắn lát vụ mới 2019 – 2020 được dự báo sẽ không dồi dào. Ảnh: N.V
Ông Nguyễn Văn Lạng – Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, các đơn vị xuất khẩu mặt hàng sắn lát vẫn chưa mở kho thu mua nhiều do dự đoán nhu cầu mua từ thị trường Trung Quốc còn yếu. Với tinh bột sắn, dù giá có dấu hiệu giảm nhẹ nhưng giá nguyên liệu củ sắn tươi khó có khả năng giảm thêm.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), Trung Quốc ngày càng tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.
Năm 2020, Trung Quốc sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm thuế VAT với tinh bột sắn nhập chính ngạch từ 13% xuống còn 10%; khiến giá tinh bột sắn xuất qua khu vực biên mậu trở nên kém cạnh tranh hơn.
Tín hiệu tốt hiếm hoi đối với ngành sắn là giá ngô và giá lúa mì đang tăng cao nên nhu cầu sản phẩm thay thế là sắn lát trong năm 2020 cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi được đánh giá sẽ tốt hơn.
Theo Danviet
Biết giống sắn bị nhiễm bệnh, nông dân vẫn "nhắm mắt" mua về trồng
Vụ sắn mới đang bắt đầu ở Tây Ninh. Nhu cầu giống sắn (mì) sạch bệnh từ nông dân lẫn củ sắn tươi nguyên liệu từ nhà máy tăng cao nhưng cả 2 nguồn cung đều đang bị thiếu hụt, vì thế có không ít người dù biết nguồn giống sắn bị nhiễm bệnh nhưng vẫn "nhắm mắt" mua vì giá rẻ chưa đến 1 nửa so với nguồn giống sạch bệnh hơn.
Do nhu cầu cây giống tăng cao cho vụ trồng mới nên các điểm bán cây sắn giống đang xuất hiện khá nhiều trên địa bàn tỉnh. Phần lớn trong đó là các điểm bán giống tự phát.
Một điểm bán sắn giống trên địa bàn huyện Dương Minh Châu. Nguyên Vỹ
Tại xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu), anh Trần Tấn Sang cho biết đang bán cùng lúc cả 2 loại giống trong và ngoài tỉnh. Do sắn trong tỉnh đã bị nhiễm bệnh khảm lá nên giá chỉ dao động 13.000 đồng/bó. Trong khi giống sắn đưa từ một số tỉnh miền Trung vào, ít có dịch bệnh được bán với giá 30.000 đồng/bó.
Với giống sắn từ ngoài tỉnh đưa vào, anh Sang cũng không dám chắc là có sạch bệnh hay không, chỉ biết là ít nhiễm bệnh hơn. Tuy nhiên, phần lớn người trồng quanh vùng vẫn thường chọn mua giống sắn được thu hoạch ngay trong tỉnh.
Dù biết giống tại Tây Ninh nhiễm bệnh khảm lá nhưng giá bán thấp hơn. "Nếu chăm sóc tốt, sắn vẫn cho năng suất khoảng 30 tấn/ha. Ít ra người trồng vẫn còn lời chút đỉnh với giá bán nguyên liệu như hiện nay", anh Sang nói.
Không chỉ thiếu nguồn giống kháng bệnh, củ sắn tươi nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất cũng đang thiếu hụt. Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết hiện tại, đã vào chính vụ sản xuất 2019 - 2020. Nguồn cung hàng hóa tăng mạnh, riêng khu vực Tây Ninh thiếu nguyên liệu nên nhiều nhà máy phải ngưng chạy máy.
Nhiều nhà máy đang thiếu nguyên liệu tươi cho chế biến. Nguyên Vỹ
Hiệp hội Sắn Việt Nam nhận định dù nhu cầu mua hàng từ Trung Quốc vẫn chưa tăng mạnh, nhưng do nguồn cung tinh bột sắn hiện tại không nhiều nên dự kiến giá sẽ không giảm sâu.
Ghi nhận giá mua nguyên liệu tại khu vực huyện biên giới Tân Biên, Tân Châu, giá vẫn ổn định quanh mức 2.620 - 2.750 đồng/kg tùy nhà máy và chất lượng củ đưa về. Một số nhà máy ở các huyện khác cũng đã tăng giá mua, giữ quanh mức 2.700 đồng/kg để hút sắn về.
Ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh thừa nhận, do dịch bệnh khảm lá sắn gây hại trên toàn tỉnh đã làm giảm năng suất, ảnh hưởng không chỉ đến thu nhập của người trồng sắn mà còn gây thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho nhà máy.
Hiện Tây Ninh có 67 nhà máy đang hoạt động, ước khối lượng củ sắn đưa vào chế biến trên 4 triệu tấn củ tươi. Tuy nhiên hiện nay năng suất giảm từ 30 - 40%, đang ảnh hưởng đến ngành chế biến sắn của tỉnh.
Việc hỗ trợ giống sắn sạch bệnh cho vụ Đông Xuân 2019 - 2020 là hết sức cần bách. Nguyên Vỹ
Để có cây giống sắn sạch bệnh phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến, Trung tâm Khuyến nông đang đề xuất xây dựng mô hình hỗ trợ giống sắn sạch bệnh vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020.
Mô hình này dự kiến thực hiện trên diện tích 600 ha ở 2 huyện Dương Minh Châu (400 ha) và Tân Châu (200 ha). Kinh phí thực hiện khoảng hơn 1,85 tỷ đồng. Nhà nước sẽ hỗ trợ 50% kinh phí mua hom giống sạch bệnh, người dân tham gia đối ứng 50% giống và vật tư khác.
Theo ông Tùng, kết quả thực hiện mô hình sản xuất giống sắn sạch bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2018 -2019 cho thấy, nếu sử dụng cây giống không bị nhiễm bệnh và kiểm soát được bệnh ở giai đoạn 5 tháng đầu, năng suất chỉ giảm 5 - 10%.
"Việc xây dựng mô hình hỗ trợ giống sắn sạch bệnh cho vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020 là hết sức cần bách hiện nay", ông Tùng nói.
Theo Danviet
Khát sắn nguyên liệu, doanh nghiệp buộc phải tăng giá thu mua Đầu tháng 11, giá sắn (mì) tăng nhẹ nhưng tình hình xuất khẩu cuối năm vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nhiều nhà máy ở khu vực Tây Ninh và Tây Nguyên bắt đầu bước vào sản xuất vụ 2019 - 2020, nhưng sản lượng củ sắn tươi nguyên liệu đầu vụ chưa ổn định. Nhiều nhà máy nâng giá mua nhưng...