Xuất khẩu của Panama giảm tới 73,6% trong 6 tháng
Ngày 17/8, theo số liệu chính thức của cơ quan chức năng Panama, xuất khẩu của quốc gia kênh đào này trong 6 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận một mức giảm mạnh tới 73,6% so với cùng kỳ của năm ngoái.
Tàu thuyền di chuyển qua kênh đào Panama ở Panama. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Cơ quan thống kê cho biết mức giảm sâu trên là do tác động của việc đóng cửa mỏ khai thác đồng lớn nhất trong khu vực tại Donoso, tỉnh Colón, sau các cuộc biểu tình của người dân địa phương phản đối hoạt động khai thác lộ thiên từ cuối năm 2023.
Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Trung Mỹ này trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 464 triệu USD, thấp hơn nhiều so với con số 1,759 tỷ USD cùng kỳ của 2023. Các mặt hàng nông công nghiệp xuất khẩu chủ lực, gồm chuối, dứa, quần áo, thịt bò, da giày, gỗ và thép phế liệu, đồng và nhôm cùng nhiều sản phẩm khác, đều giảm.
Các thị trường xuất khẩu chính của hàng hóa Panama là Mỹ, Hà Lan và Đài Loan (Trung Quốc); trong khi 78,3% các mặt hàng xuất khẩu của quốc gia này là sang các khối như Liên minh châu Âu (EU), Thị trường chung Trung Mỹ và Hiệp hội Hội nhập Mỹ Latinh.
Chính phủ mới của tân Tổng thống Panama José Raúl Mulino đang triển khai các biện pháp để kích hoạt một loạt hiệp định thương mại nhằm tạo điều kiện tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang các thị trường quốc tế chính.
Cơ quan quản lý kênh đào Panama có thể thất thu tới 800 triệu USD do thiếu nước
Ngày 18/1, Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama (ACP) dự báo nguồn thu từ kênh đào này sẽ giảm tới 800 triệu USD trong tài khóa 2024 trong bối cảnh tuyến đường thủy quan trọng hàng đầu thế giới này đang phải áp dụng lệnh giới hạn tàu thuyền qua lại do tình trạng hạn hán kéo dài khiến lượng nước lưu thông trong kênh đào thấp dưới mức cho phép.
Tàu thuyền di chuyển qua Kênh đào Panama tại Pedro Miguel. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, phát biểu trước báo giới cùng ngày, Giám đốc ACP Ricaurte Vásquez cho biết tình trạng thiếu nước vì hạn hán kéo dài buộc cơ quan này phải giảm lượng tàu thuyền được phép lưu thông qua kênh từ 39 xuống 24 tàu thuyền/ngày, khiến tổng cộng 160 tàu đang bị ùn tắc ở hai đầu kênh đào chờ được đi qua. Tuy nhiên, khoản thiệt hại trên lại được bù đắp bằng nguồn thu 200-300 triệu USD từ các dịch vụ hàng hải khác hay những cuộc đấu giá chỗ xếp hàng qua tuyến đường thủy này.
Năm 2023, dù ACP áp dụng biện pháp hạn chế lưu lượng tàu qua kênh, nguồn thu tại đây vẫn đạt hơn 2,54 tỷ USD. Trong điều kiện bình thường, lượng hàng hóa qua kênh đạt khoảng 500-510 triệu tấn mỗi năm. Để tránh phải chờ đợi và những khó khăn về dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua kênh, một số công ty vận tải biển đã chọn các tuyến đường khác để đi. Quan chức của ACP cảnh báo tình trạng thiếu mưa tại quốc gia Trung Mỹ này ít nhất cho đến tháng 4 tới do mùa khô đã chính thức bắt đầu vào ngày 2/12. Dù vậy, ông Vásquez khẳng định lượng nước ở kênh đào Panama vẫn đảm bảo việc lưu thông của 20-24 tàu mỗi ngày.
Trước đó, Giám đốc Công ty quản lý Quỹ đầu tư Franklin Templeton của Mỹ tại Mexico Luis Gonzalí cho biết tình trạng tắc nghẽn tại hai tuyến đường biển xuyên lục địa là kênh đào Suez và kênh đào Panama khiến giá cước vận tải đường biển tăng 60,8% trong những tuần qua. Theo đánh giá của doanh nghiệp này, cước vận tải mỗi container 40 feet đã tăng từ 1.160 USD lên 2.670 USD trong giai đoạn từ 21/12/2023 đến 4/1/2024.
Trong khi đó, ông Víctor Ceja, chuyên gia kinh tế Sàn Chứng khoán Mexico (Valmex) đã đưa ra cảnh báo rủi ro tiềm ẩn về địa chính trị và tình trạng lạm phát tăng trước sự gia tăng cước vận tải hàng hóa đường biển trong thời gian gần đây.
Trước đó, hồi tháng 10/2023, ACP cho biết Chính phủ nước này đang tìm kiếm nguồn cung cấp nước mới cho kênh đào Panama trong bối cảnh tuyến đường thủy này đang trải qua cuộc khủng hoảng nguồn nước lớn nhất từ trước đến nay do biến đổi khí hậu. Nhà chức trách nước này đang nghiên cứu phương án xây dựng một đập nước trên sông Indio nằm ở phía Tây kênh đào. Nước từ con đập này sẽ bổ sung cho Gatun - hồ nhân tạo có diện tích khổng lồ không chỉ cung cấp nước cho kênh đào mà còn cho 50% dân số của quốc gia 4,2 triệu dân này.
Khánh thành từ năm 1914, kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo dài 82km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Kênh đào này có vai trò quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa tiêu dùng từ châu Á đến châu Mỹ, với lượng container qua đây chiếm khoảng 40% tổng lượng container vận chuyển từ Đông Bắc Á đến Bờ Đông của Mỹ. Việc di chuyển qua kênh đào này cũng giúp tiết kiệm thời gian cho các hoạt động thông thương từ Mỹ đến châu Á.
Theo các công ty hàng hải và giới chuyên gia, trong thời gian gần đây, các biện pháp hạn chế tại Kênh đào Panama - tuyến đường chiếm 6% khối lượng vận tải biển quốc tế - có thể làm gia tăng sức ép đối với giá cả hàng hóa do những đình trệ trong lưu thông làm tăng các khoản phụ phí vận tải. Hiện hơn 100 tàu container đang mắc kẹt ở Thái Bình Dương và biển Caribe để chờ đến lượt qua kênh đào.
Kể từ khi đưa vào hoạt động năm 1914, nguyên lý hoạt động của kênh đào Panama không có gì thay đổi. Hai hồ nhân tạo Gatun và Alajuela đóng vai trò điều tiết lưu lượng nước chảy qua kênh đào để giúp tàu thuyền đi qua những khu vực có độ cao khác nhau. Ước tính, mỗi con tàu đi qua kênh đào Panama cần trung bình 735 tấn nước ngọt, trong đó đa số sẽ chảy ra biển.
Kênh đào Panama tăng mực mớn nước và lưu lượng tàu qua lại Ngày 15/8, Cơ quan Quản lý kênh đào Panama (ACP) thông báo đã tăng mực mớn nước tối đa đối với các tàu ở âu thuyền Neopanamax lên 15,24 m, đồng thời sẽ tăng lưu lượng tàu được phép qua lại kênh đào này mỗi ngày từ 35 lên 36 lượt vào tháng 9 tới. Kênh đào Panama ở Pedro Miguel, Panama City,...