Xuất khẩu cá tra gặp khó ở nhiều thị trường, Trung Quốc là cứu cánh
Do những rào cản kỹ thuật mới dựng nên từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra sang Ả rập Xê út giảm đáng kể. Đó là chưa kể, những khó khăn từ Mỹ, EU khiến con cá tra đang trông đợi nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Ả rập Xê út đã giảm tới 60,2% so với cùng kỳ năm 2017, với giá trị kim ngạch chỉ đạt 10,6 triệu USD.
Điều đáng báo động là, con số này liên tục giảm từ năm 2017 đến nay khiến từ một thị trường số 1 về nhập khẩu cá tra Việt Nam tại khu vực Trung Đông, Ả rập Xê út đã tụt xuống vị trí thứ ba, sau Ai Cập và Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Xuất khẩu cá tra sang Ả rập Xê út giảm tới 60% so với cùng kỳ năm 2017. Ảnh: I.T.
Nguyên nhân của tình trạng này là do, cuối tháng 1/2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Vương quốc Ả rập Xê ut (SFDA) đã ban hành Chỉ thị 21174 về việc tạm đình chỉ nhập khẩu (NK) các sản phẩm cá, giáp xác và các sản phẩm thủy sản khác từ Việt Nam. Lý do của việc tạm đình chỉ này được đưa ra căn cứ vào “Báo cáo quý về tình hình dịch bệnh thủy sản khu vực Thái Bình Dương” của Tổ chức OIE và trên kết quả chuyến công tác của SFDA tại Việt Nam vào cuối năm 2017. Theo VASEP việc đình chỉ NK thủy sản từ Việt Nam không chỉ gây bất ngờ cho Cơ quan thẩm quyền và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mà đã gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động XK sang thị trường lớn tại Trung Đông này.
Đó là chưa kể, mới đây, lại có thêm một rào cản mới, gây khó cho con cá tra trên đường sang thị trường này.
Mới nhất, sau khi Đoàn thanh tra của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Vương quốc Ảrập Xêut (SFDA) thanh tra tại Việt Nam, SFDA yêu cầu phía Việt Nam phê chuẩn “Chương trình chăn nuôi Halal”, các lô hàng thủy sản XK sang thị trường Ảrập Xêut phải kèm theo Giấy chứng nhận Halal theo mẫu. Thậm chí thức ăn thủy sản sử dụng tại các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi trồng phải đáp ứng yêu cầu thức ăn Halal. Tuy nhiên, hiện nay, việc chứng nhận này tại Việt nam còn gặp rất nhiều khó khăn và mới chỉ thực hiện việc chứng nhận cho các DN chế biến thủy sản và sản phẩm Halal của các doanh nghiệp này.
Đối với cơ sở nuôi, sản xuất giống, SFDA yêu cầu cơ sở sản xuất giống phải có chứng nhận ASC hoặc GAP, cơ sở nuôi phải có chứng nhận ASC, GlobalGAP hoặc GMP. Đây là yêu cầu sẽ phát sinh thêm chi phí, nguồn lực, thời gian để đáp ứng. Những quy định này sẽ gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Video đang HOT
Trong bối cảnh các thị trường truyền thống như Mỹ, EU và một số thị trường khác đang gặp khó khăn, hiện nay, Trung Quốc được coi là cứu cánh cho con cá tra Việt Nam.
Thống kê của VASEP cho thấy, trong 5 năm gần đây, XK cá tra sang Trung Quốc luôn tăng trưởng mạnh, với mức tăng từ 21 – 31%/năm. Trong năm nay, tính từ đầu năm đến giữa tháng 5, XK cá tra sang Trung Quốc đã đạt 174,268 triệu USD. Với giá trị như trên, cá tra đang là mặt hàng thủy sản có giá trị XK lớn nhất sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo VASEP, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do một số quy định từ phía Trung Quốc. Ví dụ, trong khi EU quy định dư lượng photphat không vượt quá 4% là đạt yêu cầu thì Trung Quốc lại quy định cứ phát hiện còn tồn dư photphat là không đạt tiêu chuẩn.
Đó là chưa kể, việc không kiểm soát chặt xuất khẩu cá tra qua đường tiểu ngạch cũng ảnh hưởng đến uy tín của cá tra Việt Nam.
Theo Danviet
Xuất khẩu cá tra 1,8 tỷ USD, doanh nghiệp vẫn chồng chất khó khăn
Năm 2017, cá tra Việt Nam đem về 1,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu và được xem là năm được mùa, được giá của người nuôi. Thế nhưng, giữa cộng đồng doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra vẫn còn nhiều tiếng thở dài, không nhiều DN ăn nên làm ra...
Giá cá tra tăng kỷ lục
Những ngày đầu năm 2018, giá cá tra tiếp tục giữ ở mức cao - điều mà cả gần chục năm qua, nông dân nuôi cá tra mòn mỏi trông đợi và mới "gặp lại". Giá cá tra nguyên liệu tại một số vùng như Châu Thành (Đồng Tháp), Châu Phú (An Giang) từ 28.500 - 29.500 đồng/kg, tăng 5.000 - 6.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, một số hộ nuôi cá tra đạt chuẩn xuất khẩu, có chứng nhận GlobalGAP, BAP hay ASC còn được thu mua với giá 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân thu được từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, Thậm chí, những hộ nuôi tốt có thể thu lãi đến 7.000 - 8.000 đồng/kg, "đủ ăn tết ấm" - như lời ông Huỳnh Thanh Nhân ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) nói.
Doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng nhập khẩu cá tra tại VietFish 2017 vừa qua. ảnh: Thuận Hải
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc HTX sản xuất, dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp) thông tin, những năm trước, cận tết là lúc giá cá tra xuống thấp. Nhưng năm nay, giá cá đang ở mức tốt nên ai cũng hồ hởi. Ông Bình cũng cho biết, phần lớn người nuôi cá tra trong vùng hiện có hợp đồng tiêu thụ với DN hoặc liên kết với HTX. Do đó, cá tới kỳ thu hoạch không lo ế. Ngược lại, nông dân đều có lãi.
Theo Bộ NNPTNT, diện tích nuôi cá tra năm 2017 tại các tỉnh ĐBSCL đạt hơn 6.000ha, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thu hoạch 12 tháng đạt 1,25 triệu tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các tỉnh là vùng nuôi chính đều có sản lượng tăng, với diện tích nuôi lớn.
Cụ thể, Đồng Tháp có sản lượng cá tra thu được trong năm 2017 đạt 466.300 tấn, tăng 6%. An Giang sản lượng 261.600 tấn, tăng gần 6%. Cần Thơ cũng có sản lượng đạt 174.200 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp có vui?
Việt Nam trả lời các yêu cầu FarmBill "rất tốt"!
VASEP cho biết, hiện tại chương trình thanh tra cá da trơn đã được thực thi hoàn toàn kể từ ngày 1.9.2017. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đang trả lời bổ sung các câu trả lời trong SRT theo yêu cầu của Cơ quan Thanh tra và ATTP (FSIS, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ - USDA). Sau khi hoàn tất việc xem xét SRT, FSIS sẽ tiến hành kiểm tra tại hiện trường. Nếu việc kiểm tra được thực hiện suôn sẻ, FSIS sẽ soạn thảo một quy định cuối cùng và lấy ý kiến công chúng. Sau khi hoàn tất các thủ tục, nếu đạt yêu cầu, tên quốc gia sẽ được đăng trên đăng kiểm liên bang, nghĩa là được công nhận tương đương và được phép xuất khẩu vào Mỹ.
VASEP cũng cho rằng, thông tin từ FSIS, Việt Nam là nước trả lời bảng SRT tốt nhất. Sản phẩm cá tra hiện là sản phẩm duy nhất vẫn được xuất khẩu trong quá trình xem xét tương đương.
Cuối tuần này, Bộ NNPTNT cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ tổ chức nghi thức xuất khẩu lô thủy sản đầu tiên năm 2018. Cùng ngày, sẽ có sự kiện mừng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2017 đạt hơn 8 tỷ USD.
Thế nhưng, trước thềm hội nghị, vẫn có nhiều "tiếng thở dài" trong cộng đồng DN chế biến, xuất khẩu thủy sản. Những khó khăn vẫn chồng chất, DN vẫn phải vất vả tìm kiếm từng đơn hàng thay thế cho những đơn hàng bị tụt giảm ở các thị trường lớn, chật vật đối phó với thuế bán phá giá tăng cao và nhiều hàng rào kỹ thuật khác.
Mỹ nhiều năm liền là thị trường lớn và chính của cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2017 chứng kiến sự sụt giảm rất mạnh của xuất khẩu cá tra vào thị trường này. Các vấn đề về kho bãi, chi phí vận chuyển, lưu kho... khi Mỹ chính thức áp dụng chương trình thanh tra cá da trơn đã đẩy giá cá tra xuất khẩu vào thị trường này tăng thêm 10%. Mà tăng thêm một đồng giá thành là thêm một bậc khó cạnh tranh với đối thủ khác.
"Về mặt kỹ thuật, nếu DN thực hiện đầy đủ yêu cầu của nhà nhập khẩu nhưng chính phủ nước nhập khẩu muốn bảo hộ sản xuất trong nước thì họ sẽ còn nhiều công cụ khác. Tôi lo ngại thời gian tới, phía Mỹ sẽ còn đưa ra các phán quyết bất lợi khác cho hàng nhập khẩu, trong đó có cá tra Việt Nam", bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn, nhận định.
Kết quả là xuất khẩu cá tra vào Mỹ đã giảm 9,7% trong 11 tháng năm 2017, chỉ còn khoảng 319,7 triệu USD. Vĩnh Hoàn là DN hàng đầu xuất khẩu cá tra vào Mỹ, nhưng hiện nay vẫn phải chật vật tìm kiếm thị trường thay thế, chủ yếu là Trung Quốc.
Còn với "ông lớn" Hùng Vương, những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cá tra tiếp tục thể hiện trong những thay đổi lớn về sản xuất, kinh doanh. Gần đây nhất, DN này đã quyết định bán trên 50% vốn tại Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), giao dịch dự kiến hoàn tất trước ngày 15.2 tới.
Trước đó, Hùng Vương đầu tư vào Việt Thắng với mục tiêu chủ động nguồn thức ăn thủy sản, chủ động chất lượng sản phẩm, nhưng kinh doanh liên tục gặp khó khăn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV (niên độ 1.10.2016 - 30.9.2017), Hùng Vương lỗ 132 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 49 tỷ đồng của cùng kỳ khiến DN này phải bán Việt Thắng và cả "đứa con cưng" là Công ty CP Thực phẩm Sao Ta trước đó./.
Theo Danviet
Thương gia "chân đất" tiêu thụ cả nghìn tấn vải thiều Lục Ngạn Ở "thủ phủ" vải thiều lớn nhất cả nước - Lục Ngạn (Bắc Giang) ai cũng biết tiếng lão nông Đoàn Văn Thơm, bởi ông Thơm không chỉ là người gắn bó với loại đặc sản này lâu nhất mà còn là người làm thương mại nổi tiếng ở đây. Trung bình mỗi vụ, gia đình ông tiêu thụ cho nông dân Lục...