Xuất hóa đơn điện tử trong ngày: Doanh nghiệp thức thâu đêm, kế toán xin nghỉ vì quá tải
Sau hơn một tháng chuyển sang hóa đơn điện tử có áp mã của cơ quan thuế, nhiều doanh nghiệp đã khóc ròng do phát sinh nhiều vướng mắc.
Một cửa hàng tại quận Phú Nhuận, TP.HCM xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Để chuyển đổi, doanh nghiệp phải hủy hóa đơn cũ nhưng hủy xong lại chuyển đổi không được, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng…
Trong khi nhiều doanh nghiệp không thể xuất hóa đơn trong ngày theo quy định, những doanh nghiệp xuất hóa đơn được cũng gặp vướng vì tra cứu hóa đơn trên cổng của Tổng cục Thuế không được. Nhưng in hóa đơn ra giấy lại không hợp lệ vì theo thông tư 78, muốn kiểm tra hóa đơn phải gõ mã hóa đơn đó vào kiểm tra trên cổng thông tin của Tổng cục Thuế…
Gặp khó với “xuất hóa đơn trong ngày”
Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, chị Đ.T.K.T. – quản lý một DN kinh doanh nhà hàng ở quận 1, TP.HCM – cho hay sau hơn 1 tháng áp dụng thông tư 78 về hóa đơn điện tử, doanh nghiệp gặp quá nhiều khó khăn. Bởi theo quy định, các cơ sở kinh doanh đồ ăn uống hợp tác với các đơn vị qua nền tảng công nghệ như Grab, Baemin…, đơn hàng sẽ phải được tổng hợp rồi xuất hóa đơn trong ngày, nếu không sẽ bị phạt.
Trong khi đó, mỗi ngày có vài trăm đơn hàng với vài trăm món khác nhau. Nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát, phần lớn đơn hàng đồ ăn được mua đều đặt qua các ứng dụng (app).
Theo chủ một doanh nghiệp kinh doanh hàng ăn uống, đơn hàng có từ 6h sáng đến hơn 23h đêm. Chỉ khi nào app đóng, cơ sở kinh doanh ăn uống mới tổng hợp đơn hàng và xuất hóa đơn.
“Mỗi cơ sở kinh doanh có liên kết với vài app nên với số lượng đơn hàng khổng lồ mà đến cuối ngày phải tổng hợp bằng phương thức thủ công hàng trăm đơn hàng để xuất trong ngày là không khả thi. Tôi đã phản ảnh việc này đến cơ quan thuế nhưng cán bộ thuế quản lý nói cứ làm đi, nhưng càng làm càng thấy bế tắc”, vị này than thở.
Ông P.D.H. – phó giám đốc chuỗi kinh doanh nhà hàng trên phố Tống Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) – cũng cho rằng yêu cầu xuất hóa đơn trong ngày với các cơ sở kinh doanh ăn uống là điều không tưởng. Chỉ kế toán mới có thể nhập đơn hàng và xuất hóa đơn điện tử.
Video đang HOT
Tuy nhiên, kế toán không thể làm việc đến 12h đêm và ngày nào, bất kể ngày lễ, Tết để nhập thủ công cả trăm đơn hàng xuất hóa đơn trước 0h ngày hôm sau được.
“Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện hóa đơn điện tử theo quy định mới, cả hai kế toán đã xin nghỉ việc dù tăng thêm lương. Nếu không xuất hóa đơn điện tử trong ngày, doanh nghiệp sẽ bị phạt, khác nào chỉ còn cách đóng cửa”, anh H. than thở.
Theo một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, việc phát hành hóa đơn điện tử để cơ quan thuế quản lý nắm được doanh thu là rất chính đáng để tránh thất thoát tiền thuế với những đối tượng làm ăn gian lận.
“Nguyên tắc phát sinh doanh thu là phải nộp thuế. Tuy nhiên, chính sách phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh một cách bình thường chứ không thể loay hoay trong việc thực hiện được”, chủ một doanh nghiệp nói.
Thâu đêm chờ… xuất hóa đơn
Trao đổi với doanh nghiệp, kế toán nhiều doanh nghiệp cho hay muốn xuất được hóa đơn điện tử trong ngày phải phụ thuộc vào hệ thống của Tổng cục Thuế.
Theo chị N.T.K. – kế toán một công ty tại TP.HCM, để xuất hóa đơn điện tử, trước đây doanh nghiệp chỉ cần đăng ký phát hành, đẩy lên nhà cung cấp dịch vụ là xong. Nhưng theo quy định mới, hóa đơn phải có mã của cơ quan thuế nên doanh nghiệp phải làm thêm một khâu là xin mã của cơ quan thuế.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp doanh nghiệp xin mã thì bị báo lỗi, hóa đơn của doanh nghiệp nằm trong diện “chưa hợp lý, hợp lệ”, buộc phải hủy hóa đơn đó để phát hành lại.
“Chừng nào được cơ quan thuế cấp mã mới xuất được hóa đơn cho khách hàng. Do lỗi liên tục và quá tải nên nhiều khi doanh nghiệp phải chờ đến 11h đêm để xin mã nhưng rốt cuộc vẫn lỗi nên chạy qua 0h hôm sau. Khi đó, doanh nghiệp bị vi phạm quy định vì xuất hóa đơn không đúng thời điểm. doanh nghiệp khổ không kể xiết”, chị N.T.K. nói.
Anh Ngọc Vũ (quận Bình Thạnh) – kế toán một doanh nghiệp – cho rằng doanh nghiệp đang chịu cảnh “một cổ hai tròng” khi áp dụng hóa đơn điện tử có áp mã của cơ quan thuế.
Đầu tiên, do nhà cung cấp hóa đơn phải chuyển đổi toàn bộ hệ thống, thiết kế lại toàn bộ mẫu hóa đơn dẫn đến quá tải, thắt nút cổ chai. Sau khi lọt qua cửa nhà cung cấp hóa đơn, doanh nghiệp lại phụ thuộc vào “ông thuế”. Nếu xin mã không được là thua. Đặc biệt thời điểm 31-12-2021, kế toán các doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa.
“Gọi điện thoại cầu cứu cũng không biết cầu cứu ai vì tất cả phải đẩy lên server tổng cục mới xuất được tờ hóa đơn. Có cầu cứu nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử cũng không giải quyết được”, anh Ngọc Vũ nói, đồng thời cho rằng lẽ ra ngành thuế nên đi từng bước thay vì “đùng một phát” bắt 90% doanh nghiệp thuộc 6 địa phương thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
“Việc này cũng không phù hợp với quy định của luật vì luật quy định chỉ có DN thuộc diện rủi ro cao mới phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Giờ cơ quan thuế lại ép doanh nghiệp sử dụng hóa đơn có mã, quy định ngặt nghèo mà hệ thống lại liên tục nghẽn thì không khác gì đẩy doanh nghiệp vào chỗ vi phạm quy định, trong khi đó không phải lỗi của doanh nghiệp”, anh Vũ bức xúc.
TS Nguyễn Ngọc Tú – giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội – cũng cho rằng cơ quan thuế cần có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.
“Với những loại hình kinh doanh đặc thù, nhất là trong thời buổi công nghệ , chính sách cũng phải đảm bảo phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Tú nói.
Tập trung mọi nguồn lực triển khai hóa đơn điện tử
Thống kê của Tổng cục Thuế đến cuối tháng 12-2021, sau 1 tháng kích hoạt hóa đơn điện tử, có 263.182 doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, chiếm 71% tổng số DN, tổ chức kinh tế của 6 tỉnh, TP thí điểm hóa đơn điện tử theo quy định mới.
Cơ quan thuế cũng liên tục ra văn bản hối thúc. Chẳng hạn tháng 12-2021, Tổng cục Thuế ra văn bản đôn đốc tiến độ triển khai hóa đơn điện tử, trong đó nhấn mạnh các cục thuế phải tập trung mọi nguồn lực, lập kế hoạch triển khai đến từng cán bộ/phòng/đội; báo cáo tiến độ theo ngày về Tổng cục Thuế đảm bảo đạt mục tiêu, kế hoạch đặt ra.
Lo ảnh hưởng đến kinh doanh
Ghi nhận trên các diễn đàn hay group kế toán, nhiều doanh nghiệp kêu ca về những vướng mắc khi áp dụng hóa đơn điện tử rất nhiều. Trao đổi với Tuổi Trẻ, các doanh nghiệp kiến nghị tăng đối tượng được sử dụng hóa đơn không có mã của cơ quan thuế để giảm nghẽn server vì theo luật, chỉ có những đối tượng thuộc diện rủi ro cao mới buộc phải sử dụng hóa đơn có mã.
Chị S. – kế toán một doanh nghiệp mỹ phẩm lớn tại TP.HCM – cho hay dù hệ thống đang bị nghẽn khiến doanh nghiệp “lo đứng lo ngồi” nhưng vẫn liên tục nhận được các email nhắc nhở lẫn đốc thúc của cơ quan thuế về việc phải nhanh chóng chuyển đổi sang hóa đơn điện tử theo quy định mới.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đi trước, chị S. cho biết chưa vội. Bởi nếu đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới, doanh nghiệp phải hủy hết hóa đơn cũ trong khi xuất hóa đơn áp mã của cơ quan thuế nếu gặp trục trặc, doanh nghiệp không thể kinh doanh được vì phải xuất đến 20.000 số hóa đơn mỗi tháng.
“Thời gian giải quyết đơn hàng cũng rất ngặt nghèo nên không thể cả hệ thống ngồi chờ xuất hóa đơn như vậy được. Chúng tôi kiến nghị cơ quan thuế làm đúng quy định là chỉ những doanh nghiệp nào thuộc diện rủi ro cao mới phải sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế.
Ngược lại, nếu cơ quan thuế muốn áp mã cho 90% doanh nghiệp thì phải sửa luật”, chị S. nói.
Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai hóa đơn điện tử
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Thông tư quy định một số nội dung về hóa đơn điện tử gồm ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử; mẫu hiển thị các loại hóa đơn điện tử; ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử, ký hiệu hóa đơn điện tử; chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; áp dụng hóa đơn điện tử đối với một số trường hợp khác.
Đồng thời, thông tư cũng quy định hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn và các dịch vụ khác có liên quan.
Theo Thông tư nội dung về hóa đơn giấy gồm tên loại hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, tên liên hóa đơn do Cục Thuế đặt in; việc sử dụng biên lai thu thuế, phí, lệ phí của cơ quan thuế đối với cá nhân; và hướng dẫn xử lý chuyển tiếp.
Để triển khai hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố cần tập trung rà soát, phân loại người nộp thuế gồm doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn là đối tượng sử dụng các loại hoá đơn điện tử theo quy định. Cục Thuế các tỉnh, thành phố thông báo đến từng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh về kế hoạch triển khai áp dụng hoá đơn điện tử. Các đơn vị cũng sẵn sàng chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng, giải pháp công nghệ thông tin để thực hiện lập, chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế, gửi hóa đơn điện tử cho người mua và các nội dung khác về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.
Cục Thuế các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn cho người nộp thuế và cán bộ thuế các quy định về hóa đơn điện tử tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC và tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử có kết quả.
Thông tư số 78/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022, tuy nhiên thông tư nêu rõ khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo hướng dẫn tại thông tư này và của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP trước ngày 1/7/2022.
Hóa đơn điện tử cũng được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh kể từ ngày 1/7/2022. Riêng trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.
99,5% số doanh nghiệp ở Hà Nội thực hiện thành công hóa đơn điện tử Nhận thức được những ưu điểm vượt trội của hóa đơn điện tử trong việc quản lý, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, nên ngay từ khi có chủ trương triển khai, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tập trung tổ chức thực hiện và đến nay luôn là một...