Xuất hiện trào lưu ‘ra riêng’ của giới trẻ
“ Ra riêng” là cách gọi tắt của giới trẻ về chuyện các bạn thuê nhà, sống độc lập với gia đình. Đây là xu hướng đang ngày càng phổ biến để nhiều người trẻ bản lĩnh khẳng định mình.
Hành trình “ra riêng”
Sang kì cuối của năm thứ hai đại học, Nguyễn Thanh Hải – ĐH FPT khiến cả bố và mẹ… điên đầu vì cô đòi ra ở riêng. Hải nói với bố mẹ: “Bố mẹ luôn muốn con tự lập, con sẽ ra riêng để cho bố mẹ thấy con tự lập thế nào”. Nghe cô con gái tuyên bố như đinh đóng cột, bố mẹ Hải chỉ biết ôm đầu…
“Từ nhỏ, mình luôn phải sống giữa những nguyên tắc và những kỳ vọng của bố mẹ. Bây giờ 20 tuổi, mình muốn làm một điều gì có ý nghĩa” – Hải tâm sự. “Ban đầu cũng vất vả vì số tiền mình có rất hạn hẹp. Mọi chi tiêu phải tính toán và tằn tiện. Làm việc nhà cẩu thả, hỏng đồ, bị bỏng, cơm bữa nhão bữa sống… Rồi còn bị trộm “khiêng” mất vài đồ giá trị. Có lúc chán nản đến phát khóc…” – Hải kể lại những ngày chân ướt chân ráo ra riêng, tạo lập cuộc sống.
Tính độc lập cần được khuyến khích ở giới trẻ Việt (Ảnh minh họa)
“Nhưng bù lại, mình rất tự tin và… tự hào. Mình sống thoải mái. Có nhớ bố mẹ, thèm cảnh đoàn tụ ở nhà, nhưng cái cảm giác tự do cũng rất tuyệt” – Hải khoe.
Một tuần lại về thăm nhà, Hải thấy mình ở một vị thế khác hẳn trước bố mẹ. Không còn là con nhóc hay nhõng nhẽo, Hải đã biết thương và lo cho bố mẹ hơn.
“Nhiều lúc mẹ cũng dỗ dành mình về, bảo nhà cửa có không ở, đi ở nhà thuê, mang tiếng bố mẹ. Nhưng mình quyết không lung lay…” - cô gái 20 tuổi nói vui, ánh mắt lấp lánh.
Còn với Lan Anh, Học viện Báo chí Tuyên truyền thì hành trình ra riêng còn là cách để cô bắt đầu sự nghiệp của mình. Học nghề báo, Lan Anh luôn khao khát được dấn thân. Những khi đi viết bài, phải đi xa hay về muộn, nhìn cảnh bố mẹ chờ cơm hoặc ngóng ra ngóng vào lo lắng, Lan Anh cũng thấy xót xa.
Video đang HOT
Sang năm thứ ba đại học, cô mạnh dạn đề xuất ra riêng. Mẹ phản đối kịch liệt, nhưng bố thì ủng hộ. Lan Anh nói: “Vì bố biết con gái nghĩ gì. Bố cũng luôn muốn tôi bay cao và bay xa”. Và Lan Anh dọn ra ở riêng rất nhanh và gọn.
“Điều quan trọng là mình ý thức được mình ra riêng để làm gì. Để tự do làm những điều có ích, những điều cần cho cuộc sống của mình, chứ không phải để tự do thác loạn, tự do chơi bời” – Lan Anh khẳng định.
Không độc lập tài chính, đừng mong “ở riêng”
Nhiều bạn trẻ rất háo hức khi phác họa ra cuộc sống “riêng” của mình, nhưng bước vào thực tế lại bị “khớp”, và không thể duy trì cuộc sống ấy lâu dài được. Lý do đầu tiên chính là “tiền đâu?”. “Nếu không độc lập được tài chính, tốt nhất bạn đừng tính chuyện ra riêng” – Lan Anh đưa ra lời khuyên ngắn gọn.
Cuộc sống riêng không hề đơn giản. Ở với bố mẹ, mọi thứ đều miễn phí, từ bữa ăn sáng đến áo quần bạn mặc, đồ trang sức bạn đeo. Nhưng ra riêng thì mọi thứ đều gọi đến tiền. “Không có nguồn thu ổn định, hàng tháng lại về xin trợ cấp của bố mẹ thì xin thôi, ở riêng làm gì cho xấu mặt”, Hằng, SV năm cuối trường ĐH Ngoại thương chia sẻ.
Đó cũng là sai lầm của Hằng khi lần đầu tiên cô quyết định ra ở riêng. “Lúc đó mình có đi gia sư tiếng Anh, lương tháng hòm hèm 2 triệu, nghĩ đã là khá rồi. Vậy là đòi nằng nặc ra ngoài. Sau ba tháng không chịu được cảnh mì gói, cơm hàng, sống tằn tiện lại muối mặt xin về… ở chung với bố mẹ. Dù buồn, nhưng cũng nhờ đó mà mình rút ra một kinh nghiệm nhớ đời về chuyện ra riêng!” , Hằng tâm sự.
Nhiều học sinh, sinh viên thể hiện sự tự lập bằng cách xin tách gia đình ra ở riêng
“Nhiều bạn sinh viên ở các tỉnh, về Hà Nội thuê nhà trọ sống nhưng vẫn phải có viện trợ từ bố mẹ. Thế không tính là ra riêng. Khi nào bạn tự chủ, được cuộc sống cả về tài chính thì mới được coi là tự lập” – Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan niệm của mình về việc tạo lập sống riêng.
Quyết tâm xin ra riêng, Hải đã phải chăm chỉ “cày cuốc” làm thêm cho một công ty phần mềm 6 tháng trời mới có được chút “vốn” ban đầu. Đến khi “trình bày” ý tưởng ra ngoài ở với phụ huynh, Hải cũng không quên trình cả ngân quỹ lâu dài và trước mắt của mình để bố mẹ yên tâm. “Thấy con gái có khả năng tài chính, bố mẹ mình mới nghe đấy chứ” – Hải chia sẻ.
Lan Anh thì dễ dàng thuyết phục bố mẹ hơn, một phần vì đi viết báo từ sớm, có nhuận bút và lương cộng tác viên ổn định, cô đã sớm không phải xin tiền của bố mẹ.
Ra ngoài ở rồi, bên cạnh việc thu xếp học hành, Lan Anh cũng dành thời gian để đi và viết nhiều hơn: “Vừa tăng thu nhập, vừa là rèn nghề. Nhờ đó mà tôi lớn thêm nhiều!”, Lan Anh cho biết.
Nói về trào lưu các bạn trẻ “vòi” tiền của bố mẹ, ra ngoài ở để tiện tụ tập bạn bè, chui lủi “sống thử” với nhau, Lan Anh khẳng định: “Đó chẳng qua là nổi loạn, là một kiểu vòi vĩnh, mè nheo của những cậu ấm cô chiêu học đòi mà thôi”.
Gắn kết gia đình
Nhiều bạn trẻ cho rằng, ra riêng giúp họ thấy mình lớn thêm, sống tích cực hơn, có trách nhiệm hơn. “Có lần bận quá, ngót ba tuần mình không vác mặt về nhà, lúc về thăm thì bố chỉ im lặng. Rồi bố gọi vào cùng uống cà phê với bố, và chỉ nhẹ nhàng nói: “Thời gian bố mẹ ở bên con chẳng còn nhiều đâu”. Câu nói ấy đủ khiến mình rớt nước mắt, hiểu ra mình đã vô tâm với bố mẹ ra sao. Dù ra ở riêng, nhưng không bao giờ được quên giành quan tâm, thương yêu cho bố mẹ” – Lan Anh kể lại kỉ niệm khó quên của mình.
Và nhiều bạn trẻ đã nhận ra, ra ở riêng, không có nghĩa là lơ là gia đình. Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc, là “tổ ấm” dù bạn có đi đâu, ở đâu. Tìm kiếm sự độc lập, thể hiện bản lĩnh của mình nhưng không quên sợi dây kết nối thiêng liêng với gia đình, đó mới là cách ứng xử thông minh của người trẻ.
Theo Vietnamnet
Teen 12 mong gì khi là sinh viên?
Bước chân vào giảng đường ĐH cũng là lúc teen phải thay đổi chính mình. Đây là ngưỡng cửa quan trọng trong cuộc đời mỗi người.
Bước chân ra khỏi mái trường cấp 3 cũng là lúc teen có sự thay đổi rõ rệt về cách sống và tính cách. Hầu như teen 12 nào cũng mong mình sẽ trở thành một sinh viên có ích cho xã hội, được giao lưu kết bạn thật nhiều và quan trọng nhất là chứng tỏ sự trưởng thành của mình trong con mắt của ba mẹ, mọi người.
Tự lập là điều ai cũng muốn
12 năm sống dưới sự che chở và bảo bọc của gia đình khiến nhiều teen có cảm giác như con chim trong lồng, thèm khát cảm giác tung cánh tự do trên bầu trời. Đây là tín hiệu tốt vì teen đã chín chắn lên rất nhiều, đã dám có ước mơ đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Tự lập chính là quá trình rèn luyện bản thân qua thực tế cuộc sống. Cuộc sống sinh viên xa nhà chính là niềm mơ ước của rất nhiều teen.
Bước vào cuộc sống sinh viên teen sẽ thoải mái hơn trong các mối quan hệ, lúc này cha mẹ sẽ không cấm teen yêu đương. Và cũng lúc này teen sẽ có được những bài học đắt giá từ cuộc sống và từ chính lối sống, các mối quan hệ của mình. Khi đã là sinh viên teen sẽ được tự do, nhất là những teen xa nhà sẽ có một cuộc sống hoàn toàn khác hẳn. Teen sẽ tự mình làm tất cả từ giặt giũ, nấu ăn, tự đi kiếm tiền làm thêm, sống buông thả hơn, cực khổ hơn rất nhiều. Nhưng bù lại quá trình tự lập sẽ giúp teen trưởng thành hơn rất nhiều.
H.K (học viện Báo chí tuyên truyền): "Khi bước chân vào cuộc sống sinh viên mình mới biết được lúc trước mình đã sống sung sướng như thế nào. Ngoài việc học chính ở trường mình phải "đảm đang" trong tất cả mọi thứ, cực lắm. Nhưng bù lại mình đã trưởng thành rất nhiều, công việc làm thêm giúp mình có nhiều kinh nghiệm đáng quý, sự thất bại trong các mối quan hệ giúp mình nhận ra không nên quá tin tưởng vào một người... và còn rất nhiều thứ đáng để cho mình học hỏi".
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Môi trường năng động, tự giác cao
Khác với những năm học cấp 3, khi đã là sinh viên teen sẽ tự rèn luyện cho mình tinh thần tự giác cao. Teen sẽ không còn phải hì hục chép bài, phải đợi giáo viên nhắc nhở này nọ mà teen sẽ tự giác hơn trong việc học, tự tìm tòi kham khảo để làm ra các bài luận..., khoảng cách giữa giáo viên cũng không còn xa như lúc trước nữa.
Khi là sinh viên teen có thể vừa học vừa tìm cho mình một công việc thích hợp để chi tiêu. Đặc biệt là sinh viên ở chốn đô thành sẽ năng động rất nhiều vì chi phí ở đây rất đắc đỏ, tiền nhà gửi lên chắc chắn sẽ không đủ nên teen phải tìm cho mình một chỗ làm thêm. Sự náo nhiệt và năng động sẽ giúp những teen kém tự tin mạnh dạn lên rất nhiều. Tuy nhiên, môi trường sinh viên cũng lắm cạm bẫy và cám dỗ, những teen chưa có kinh nghiệm hay ở dưới quê mới lên thường rơi vào những cái bẫy đó. Nhưng teen không nên vì thế mà gục ngã mà phải biết nhìn quá khứ để vực dậy đến với tương lai.
P.T (ĐH CNTT): "Việc học với sinh viên thì cũng không nặng nề như những lớp dưới mà quan trọng là do mình tự học mà thôi, thư viện chính là nơi sinh viên tìm đến nhiều nhất. Chúng ta học làm sao mà đủ điểm và hoàn thành các bài tập đúng hạn là được rồi. Đặc biệt là khi là sinh viên thì nhà trường sẽ có nhiều chính sách ưu đãi và tạo nhiều điều kiện để chúng ta học hơn. Nhiều học bổng được nhà trường phát nhằm khuyến khích sinh viên học tích cực đấy"
Bước chân vào giảng đường ĐH cũng là lúc teen phải thay đổi chính mình. Đây là ngưỡng cửa quan trọng trong cuộc đời mỗi người, một là sẽ đi lên, hai là sẽ lùi lại đánh mất cả tương lai. Đồng thời, khi là sinh viên teen sẽ được hòa mình vào nền văn hóa của từng vùng miền, cuộc sống sinh viên sẽ là bài học quý giá và sâu sắc đối với mỗi teen sau này.
Theo PLXH
Điều gì hấp dẫn teen học xa nhà? Hàng năm có rất nhiều teen từ khắp mọi nơi đổ xô về thành phố để học và ôn thi. Điều gì hấp dẫn teen thật sự ở thành phố? Cơ sở vật chất tốt, trường dạy chất lượng cao, thi vui cùng bạn bè, hay là teen muốn khẳng định vị thế của mình bằng trình độ học thức, danh dự hay...