Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Ngày 13/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một ổ dịch bệnh sởi tại huyện Cư Kuin.
Ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đang triển khai các biện pháp để khống chế ổ dịch, không để bệnh lây lan trên địa bàn.
Cán bộ y tế điều tra, giám sát ổ dịch bệnh sởi tại huyện Cư Kuin. Ảnh: Mai Lê.
Ổ dịch sởi xảy ra trên địa bàn 2 xã Ea Bhốk và Dray Bhăng, huyện Cư Kuin với 2 trường hợp dương tính bệnh sởi. Trường hợp mắc bệnh mới nhất là bệnh nhi T.N.U.N sinh năm 2023, trú tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin.
Theo người nhà bệnh nhi, ngày 5/7, bệnh nhi xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, ở nhà có uống thuốc. Đến ngày 10/7, người nhà đưa trẻ đi khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán: Sốt xuất huyết Dengue ngày 5 có dấu hiệu cảnh báo, viêm mũi họng, theo dõi tổn thương gan, theo dõi rối loạn đông máu. Đến ngày 12/7, trẻ tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán: sốt xuất huyết Dengue ngày 7, sởi.
Cùng ngày, kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ dương tính với bệnh sởi. Điều tra tiền sử tiêm chủng, trẻ chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi.
Trước đó, ngày 5/7, ngành y tế địa phương cũng đã ghi nhận bệnh nhi N.T.Đ 1 tuổi, trú xã Đray Bhăng, huyện Cư Kuin, ở đối diện nhà bệnh nhân mắc bệnh sởi, được điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh sởi tại xã Đray Bhăng, Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk và Trạm Y tế xã tiến hành điều tra, giám sát ca bệnh, triển khai xử lý môi trường bằng hóa chất Cloramin B 0,5% nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh nhà bệnh nhân bán kính 200m với tổng cộng 15 hộ gia đình; hướng dẫn gia đình trẻ khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ ăn uống, nơi sinh hoạt của trẻ…và truyền thông trực tiếp công tác phòng chống bệnh sởi khu vực xung quanh nhà bệnh nhân; đồng thời tiến hành điều tra, rà soát thống kê tất cả đối tượng dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử đã tiêm vaccine phòng bệnh sởi, sởi-rubella.
Video đang HOT
Theo kết quả rà soát, có 100 trẻ tại xã Đray Bhăng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi, Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin đã nhanh chóng triển khai tiêm cho tất cả các đối tượng này. Riêng trường hợp bệnh nhi thứ 2 ghi nhận mắc sởi tại xã Ea Bhốk, bên cạnh việc nhanh chóng điều tra, giám sát cũng như triển khai các biện pháp phòng bệnh.
Ngay trong chiều 12/7, Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin cùng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trạm Y tế tiến hành lấy 4 mẫu huyết thanh những trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân xét nghiệm để chẩn đoán, triển khai xử lý môi trường bằng hóa chất Cloramin B 0,5% nhà bệnh nhân và khu vực chung quanh nhà bệnh nhân bán kính 200m với tổng 30 hộ gia đình; hướng dẫn gia đình trẻ khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ ăn uống, nơi sinh hoạt của trẻ… và truyền thông trực tiếp công tác phòng chống bệnh sởi khu vực xung quanh nhà bệnh nhân. Đồng thời tiến hành rà soát các đối tượng trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn xã Ea Bhốk chưa được tiêm vaccine sởi, lập kế hoạch và tổ chức tốt các hoạt động tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng này ngay trong tuần tới.
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, cả 2 nhi mắc sởi đều nhập viện trong tình trạng nặng, phát ban, thở mệt, khó thở, tím tái, sốt cao liên tục không hạ. Sau khi trẻ được chẩn đoán mắc sởi, trẻ đã được Bệnh viện điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Đến sáng 12/7, bệnh nhi mắc sởi ở xã Đray Bhăng đã được xuất viện. Riêng bệnh nhi T.N.U.N đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Minh, sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất đối với trẻ em nhỏ tuổi dưới 3 tuổi. Bệnh sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm màng não, biến chứng thần kinh, biến chứng mắt-loét giác mạc… Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi có diễn biến rất nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Khi trẻ mắc bệnh sởi, các triệu chứng của bệnh sẽ khiến phụ huynh dễ nhầm lẫn với bệnh viêm phổi thông thường nên trẻ được phát hiện, nhập viện và điều trị muộn dẫn tới tình trạng bệnh nặng.
Bác sĩ Minh khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm ngừa vaccine phòng bệnh sởi. Khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như ho, sốt, sổ mũi… thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khi trẻ mắc sởi, phải cho trẻ nhập viện điều trị và cách ly tại bệnh viện, chăm sóc trẻ mắc bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ theo từng giai đoạn cũng như mức độ nặng của bệnh.
Bệnh sởi quay trở lại, cảnh báo 'khoảng trống miễn dịch' trong cộng đồng
Thời gian gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành khu vực phía Nam nói chung đang ghi nhận sự quay trở lại của bệnh sởi.
Phụ huynh nên đưa trẻ đến Trạm y tế để được tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Đáng lo ngại, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi trong cộng đồng đang rất thấp, tạo nên những "khoảng trống miễn dịch" khiến nguy cơ sởi bùng phát là rất lớn.
Các ca mắc sởi hầu hết chưa được tiêm chủng đầy đủ
Bé trai T.T.A (7 tháng tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) phải nhập viện sau khi sốt cao 3 ngày, kèm viêm kết mạc mắt, nổi ban đỏ khắp người. Đưa con đi khám bệnh, chị Nguyễn Thị Kim Mai bất ngờ khi được các bác sĩ cho biết con trai mình mắc bệnh sởi. Bé trai mới 7 tháng tuổi nên trước đó chị chưa tiêm phòng vaccine cho con. Ngoài bé T.A, hiện Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị cho 3 trẻ khác mắc bệnh sởi. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận điều trị cho 8 ca mắc sởi, trong đó có ca bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, có ca từ các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ chuyển đến.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết, hầu hết các trẻ mắc sởi có biến chứng nặng do có bệnh nền như: teo đường mật bẩm sinh, viêm phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu. Đáng chú ý, tất cả các bệnh nhi này đều chưa được tiêm phòng vaccine sởi do chưa đến tuổi hoặc phụ huynh chưa cho đi tiêm. "Những đối tượng này rất dễ gặp nguy hiểm khi bị sởi tấn công", bác sĩ Quy nhận định.
Tương tự, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận điều trị cho 14 trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, tình trạng trẻ mắc sởi bắt đầu xuất hiện trong những tuần gần đây, dự báo sắp tới số ca bệnh có nguy cơ tăng lên bởi sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), đến ngày 10/6, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 16 ca mắc bệnh sởi xác định, phân bố tại 4/22 quận, huyện gồm: Bình Tân (8 ca), Hóc Môn (5 ca), Bình Chánh (2 ca) và Quận 8 (1 ca). Tương tự Thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho thấy, từ ngày 7/4 đến ngày 8/6, đia phương này ghi nhận liên tiếp 159 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 95 ca sởi xác định (chiếm 60%). Còn tại tỉnh Bến Tre, từ ngày 29/4 đến 7/6 cũng ghi nhận 12 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Có 8/12 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm với kết quả 4 ca dương tính với sởi.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, năm 2024, khu vực phía Nam ghi nhận 317 trường hợp sốt phát ban nghi sởi xuất hiện tại 19/20 tỉnh, thành. Trong đó, đã có một trường hợp tử vong tại tỉnh Bến Tre.
"Việc bệnh sởi xuất hiện trở lại là điều đáng lo ngại, cần có những biện pháp mạnh mẽ và nhanh chóng hơn để tránh dịch lây lan, chúng tôi đề xuất phương án mở rộng độ tuổi, đối tượng được tiêm chủng vaccine", Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng nhận định.
Khẩn trương tiêm bù vaccine sởi cho trẻ
Thành phố Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương dẫn đầu của khu vực phía Nam về tỷ lệ tiêm chủng vaccine. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự gián đoạn vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng nên tỷ lệ tiêm chủng các loại vaccine nói chung và vaccine sởi nói riêng tại địa phương này trong những năm gần đây ở mức thấp.
Tính đến hết tháng 4/2024, tỷ lệ trẻ tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đối với lứa trẻ sinh năm 2018, 2019, 2020, 2021 trên địa bàn lần lượt là 93,2%; 90,1%; 91,7% và 93,6%. Mức bao phủ này đạt chỉ tiêu tối thiểu theo yêu cầu của Bộ Y tế nhưng chưa đạt chỉ tiêu mà Thành phố Hồ Chí Minh đề ra là trên 95%. 95% cũng là tỷ lệ bao phủ cần thiết để có thể tạo miễn dịch cộng đồng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Không chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi trong cộng đồng khu vực phía Nam những năm gần đây thấp và không đồng đều. Khảo sát của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine sởi ở khu vực phía Nam rất thấp.
Năm 2021, tỷ lệ tiêm chủng sởi của khu vực phía Nam chỉ đạt 83,2% mũi sởi đơn và 75,6% mũi sởi tổng hợp (vaccine sởi, quai bị, rubella). Đặc biệt, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine sởi rất thấp, chỉ đạt 52%. Một số địa phương khác như Đồng Tháp, Đồng Nai, Sóc Trăng... cũng có tỷ lệ tiêm chủng dưới 70%.
Sang năm 2022 và 2023, tỷ lệ tiêm vaccine sởi ở các tỉnh khu vực phía Nam có tăng lên so vơi năm 2021 nhưng tại một số địa phương vẫn chỉ đạt mức thấp. Các tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine sởi thấp phải kể đến là Bình Phước, Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh... Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, chỉ có 6 địa phương đạt chỉ tiêu bao phủ vaccine sởi theo quy định của Bộ Y tế.
Nhìn trên tỷ lệ tiêm chủng của khu vực phía Nam, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng lo ngại nguy cơ bệnh sởi sẽ lây lan trong cộng đồng trong thời gian tới, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, điểm trông giữ trẻ và tại các cơ sở khám chữa bệnh. Do đó, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương cần rà soát lại tình trạng tiêm chủng, đánh giá nguy cơ và tiến hành tiêm bù, tiêm vét vaccine ngay cho trẻ để hạn chế nguy cơ sởi bùng phát.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp là nguyên nhân bệnh sởi và các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine quay trở lại. "Khi tiêm phòng không đúng, không đủ thì chỉ cần một vài ca bệnh thì nguy cơ sẽ lây lan thành dịch. Virus sởi lây lan rất nhanh và sẽ tấn công những người chưa được tiêm phòng như trẻ em chưa đủ tháng để tiêm, những người không thể tiêm phòng như trẻ bị bệnh tim, trẻ mắc bệnh mạn tính... Để phòng ngừa nguy cơ bệnh sởi bùng phát thành dịch thì cần khẩn trương tiêm bù nhanh nhất có thể", bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Mới đây, tại Hội nghị công tác phòng, chống dịch khu vực phía Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã yêu cầu các địa phương lên ngay phương án ứng phó với nguy cơ bệnh sởi và các bệnh có thể bằng vaccine quay trở lại. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các Cục, Vụ trực thuộc nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên môn với Tổ chức Y tế thế giới để sớm triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung cũng như mở rộng đối tượng tiêm chủng đối với bệnh sởi.
Người dân TPHCM đưa con đi tiêm vaccine ngừa bạch hầu tăng đột biến Lo ngại về bệnh bạch hầu, nhiều ông bố, bà mẹ ở TPHCM vội vàng đưa con đi tiêm vaccine phòng ngừa dẫn đến lượng người tiêm tăng đột biến. Tuy nhiên, vaccine phòng bệnh bạch hầu không phải là vaccine hiếm, các điểm tiêm chủng của trung tâm y tế quận, huyện luôn có sẵn vaccine. Những ngày qua, bệnh bạch hầu...