Xuất hiện những động vật phương Nam tại thủ đô LB Nga
Tại Moskva, thành phố phương Bắc, xuất hiện ngày càng nhiều các loài động vật đặc trưng của vùng ấm áp phương Nam.
Các nhà khoa học giải thích hiện tượng này là do nhiệt độ trung bình tăng cao và cảnh báo những hậu quả có thể xảy ra đối với hệ sinh thái.
Người dân tắm sông tránh nắng nóng tại Moskva, Nga. Ảnh tư liệu (minh họa): Getty Images/ TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, nhiệt độ tăng làm mở rộng phạm vi sống của các loài động vật và thực vật phía Nam. Các loài côn trùng đặc trưng của vùng ấm hơn, chẳng hạn như ong bắp cày khổng lồ, ngày càng được tìm thấy nhiều ở Moskva, sứa nước ngọt đã xuất hiện trong các hồ của thành phố mà điều kiện để xuất hiện loài sứa bơi này là nhiệt độ nước cao – trung bình khoảng 29 độ C.
Đồng thời, các nhà khoa học lưu ý rằng sự xuất hiện của các loài mới đi kèm với sự biến mất của những loài khác. Những loài không chịu được nóng buộc phải di cư đến các khu vực phía Bắc.
Video đang HOT
Ngoài ra, toàn cầu hóa và sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông làm gia tăng sự xâm nhập của các loài ngoại lai xâm hại. Sên Tây Ban Nha đã xuất hiện ở vùng Moskva, gây thiệt hại đáng kể cho ngành nông nghiệp. Các nhà khoa học cho rằng sự xuất hiện của những loài nhuyễn thể này là do nhiệt độ tăng cao và quá trình xử lý hàng hóa không đảm bảo vệ sinh.
Các loài xâm lấn cũng có thể phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái, loài bướm đêm du nhập vào thành phố Sochi bên bờ Biển Đen gần như đã phá hủy những khu rừng hoàng dương còn sót lại ở đây.
Các chuyên gia cảnh báo biến đổi khí hậu và sự lây lan của các loài xâm lấn gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học. Để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực, cần thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường kiểm soát việc di chuyển hàng hóa và động vật.
Đối với Nga, biến đổi khí hậu là một vấn đề cấp bách. Tốc độ tăng nhiệt độ tại Nga nhanh gấp 2,5 lần mức trung bình của thế giới.
Ông Roman Vilfand, Giám đốc khoa học của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Nga, cho biết nhiệt độ trung bình ở nước này tăng 0,45 độ C trong 10 năm. Trong 30 năm qua, nhiệt độ vào tháng 1 ở Moskva đã tăng thêm 3 độ C. Nhiệt độ trung bình tháng 7 tăng 1,5 độ C.
Ông Vilfand cho biết, nếu khí hậu tiếp tục thay đổi với tốc độ này thì 60 năm nữa khí hậu tại Moskva sẽ tương tự như ở thành phố Krasnodar ở miền Nam.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ở Moskva sẽ không còn bão tuyết và sương giá nữa. Khi khí hậu ấm lên, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột trở thành bình thường. Nắng nóng bất thường sẽ được thay thế bằng những đợt sương giá chưa từng có.
Hiện các nhà khoa học đã dự báo những khu vực đầu tiên trên Trái đất không thích hợp cho sự sống do biến đổi khí hậu.
Hãng tin CNN trích dẫn nghiên cứu từ Đại học Purdue (Mỹ) cho biết, nắng nóng bất thường do biến đổi khí hậu tại Tây Phi và Nam Á sẽ khiến hai khu vực này có thể trở thành những khu vực nguy hiểm nhất đối với sự sống.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nắng nóng cướp đi sinh mạng của khoảng 489.000 người mỗi năm.
Nga ban bố tình trạng khẩn cấp ở Novorossiisk do cháy rừng lan rộng
Ngày 14/7, thành phố Novorossiisk ở miền Nam nước Nga, bên bờ Biển Đen, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do cháy rừng lan rộng và thiêu rụi diện tích hơn 22 ha.
Lính cứu hỏa dập đám cháy rừng tại Siberia, Nga. Ảnh tư liệu (minh họa): The Moscow Times/TTXVN
Trên Telegram, Thị trưởng Novorossiisk, Andrei Kravchenko, cho biết nhà chức trách đã điều các xe buýt tới hỗ trợ sơ tán khoảng 200 người dân khỏi khu vực nguy hiểm, trong khi trực thăng cứu hỏa được huy động để dập tắt đám cháy. Những bức ảnh do Thị trưởng Kravchenko công bố cho thấy các nhân viên cứu hỏa đang nỗ lực kiểm soát ngọn lửa bao trùm vùng đất rộng lớn và đã thiêu rụi nhiều cây cối.
Nắng nóng dữ dội, gió mạnh và dông khô (cơn dông tạo ra sấm sét chứ không gây mưa) đã gây ra các trận cháy rừng trên khắp nước Nga trong những tuần gần đây, từ Cộng hòa Tuva thuộc vùng Siberia xa xôi đến Cộng hòa Sakha, còn gọi là Yakutia, ở Viễn Đông.
Hỏa hoạn đã lan rộng khắp vùng lãnh thổ Krasnodar rộng lớn ở miền Nam, trong đó có thành phố Novorossiisk, địa danh thu hút nhiều khách du lịch Nga đến nghỉ dưỡng trong những tháng mùa Hè.
Cơ sở quân sự ở Romania thành căn cứ không quân lớn nhất châu Âu của NATO Một cơ sở nằm cách bờ Biển Đen chỉ 19 km và cách thành phố Odesa (Ukraine) 289 km đang trên đà trở thành căn cứ Không quân lớn nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu. Chiến đấu cơ F-22 của Mỹ tại căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu, Romania. Ảnh: AFP/TTXVN Tờ Business Insider (Mỹ)...