Xuất hiện “Ngõ không sợ vợ” tại Hà Nội gây sốt cộng đồng mạng
Một con ngõ gắn dòng chữ “Ngõ không sợ vợ” tại Hà Nội những ngày qua đang gây sốt cộng đồng mạng.
Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh chia sẻ về một con ngõ đặc biệt. Con ngõ với tấm biển “Phòng chống bạo lực gia đình, thanh niên khu phố 1″, phía dưới kèm dòng chữ “Ngõ không sợ vợ”.
Điều đặc biệt, chữ “không” có kích thước nhỏ, nếu nhìn lướt qua nhiều người sẽ không nhìn thấy chữ “không” mà đọc thành “ngõ sợ vợ”. Bức ảnh nhanh chóng thu hút sự thích thú và tò mò của cộng đồng mạng.
Được biết, “ngõ không sợ vợ” nằm trên con phố thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cạnh con đường ven sông Hồng.
Mỗi lần đi qua con ngõ “đặc biệt” này, ngước nhìn tấm biển, chị Loan (34 tuổi) không khỏi thích thú và bật cười. Chị cho biết, xã hội hiện bình đẳng nên không có chuyện sợ vợ hay không sợ vợ, tấm biển đơn giản nhắc nhở mỗi gia đình đoàn kết và gắn bó.
“Nhiều người hài hước nói ‘ngõ của những người đàn ông dũng cảm’, ai cưới vợ xong nên chuyển đến đây sinh sống.Tấm biển giúp xóm sạch sẽ và gọn gàng, mọi người đều vui vẻ”, chị Loan chia sẻ.
Con ngõ đặc biệt với dòng chữ đặc biệt gây sốt cộng đồng mạng
Trao đổi với phóng viên Đời sống & Pháp luật, ông Đào Xuân Thưởng, từng là tổ trưởng tổ dân phố số 1, nay là tổ trưởng tổ bảo vệ, cho biết tấm biển được dựng lên cách đây 2 năm, xuất phát từ ý tưởng ngẫu hứng của các nam thanh niên trong xóm.
Các chàng trai ngồi lại bàn bạc một cái tên đặc biệt cho ngõ, rồi quyết định đặt “ngõ không sợ vợ”. Tấm biển hài hước nhằm mục đích gắn bó thêm tinh thần đoàn kết trong xóm, tạo niềm vui cho mọi người. Đầu “ngõ không sợ vợ” có 6 hộ dân sinh sống, đi sâu vào hai ngách có thêm 50-60 gia đình. Họ trang trí thêm đèn nháy dọc con ngõ, bật sáng rực rỡ vào các dịp lễ, Tết.
Người dân trong ngõ hy vọng truyền tải tinh thần đoàn kết, vợ chồng yêu thương và nhường nhịn.
Ông Thưởng chia sẻ thêm, ban đầu mới đọc nội dung tấm biển, người dân trong ngõ đều bật cười, cảm thấy hài hước. Về sau, người dân trong ngõ nâng cao ý thức đoàn kết, dùng tấm biển che bớt đường dây điện chằng chịt phía trên, nhắc nhở nhau giữ con ngõ sạch sẽ và gọn gàng.
Cô gái Hà Nội tìm được bạn thất lạc 23 năm nhờ MXH và cuộc đoàn tụ xúc động
Nhờ một hội nhóm trên mạng xã hội, Diệu Linh tìm được người bạn thời thơ ấu. Cả hai gặp gỡ và nói chuyện sau 23 năm thất lạc, xúc động nhớ về những ký ức xưa.
Video đang HOT
Nhờ cộng đồng mạng tìm người bạn thơ ấu
Những ngày cuối năm 2023, Nguyễn Diệu Linh (30 tuổi, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đăng bài lên một hội nhóm đông thành viên nhờ tìm kiếm người bạn thời thơ ấu.
Linh nhớ bạn nữ tên Mai Phương Bình, sinh năm 1994, con mẹ Thanh, bố Thường, gia đình gốc Thanh Hóa.
Bà Thanh là giáo viên Tiểu học Yên Bình B (xã Yên Bình, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, nay là huyện Thạch Thất, Hà Nội). Còn ông Thường không rõ công việc, thường đi công tác, lâu ngày mới về nhà.
Hai gia đình sống đối diện, Linh và Bình chơi thân từ nhỏ, ăn ngủ và lớn lên cùng nhau. "Tôi vẫn nhớ rõ những ký ức thơ ấu đó", Linh nói.
Năm 2002, bà Thanh chuyển công tác, Bình theo gia đình vào Thanh Hóa. Từ đó, hai người bạn mất liên lạc.
Nhớ lại năm đó, Linh nói cảm xúc hụt hẫng khi gia đình bạn chuyển đi trong đêm, không có lời từ biệt.
"Mong cộng đồng mạng giúp tôi tìm lại bạn. Mấy chục năm rồi mà tôi vẫn nhớ và muốn biết bạn sống có tốt không", Linh viết.
Đoạn tin nhắn khi hai người mới trò chuyện (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Bài viết nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với hơn 3.700 lượt yêu thích và hàng trăm bình luận. Linh nghĩ nhóm đông thành viên, tương tác cao, nuôi hy vọng tìm thấy bạn.
Tuy nhiên, dưới bài viết, nhiều người cho rằng cô gái tìm bạn để... "mời cưới" hay "đòi nợ" khiến cô có chút thất vọng.
Lúc sau, một tài khoản tên T.P. nhắn tin cho Linh, cung cấp nhiều thông tin trùng khớp, từ họ và tên bố mẹ đến năm sinh của Bình. Người này đưa cho Linh một số điện thoại, mong rằng "đúng người cần tìm".
Ban đầu, Linh không dám gọi điện, vì không biết nói gì, sợ không đúng người thì làm phiền đối phương. Cô tra cứu số điện thoại vào tài khoản Zalo, thấy tên người dùng là "Mai Bình", bèn kết bạn để hỏi chuyện, nhưng người đó mãi không trả lời.
4 ngày sau, người dùng số điện thoại đó mới phản hồi. Câu hỏi đầu tiên: "Bố bạn làm bác sĩ đúng không?" của đối phương khiến Linh chắc chắn đây là người bạn thơ ấu của mình.
"Lúc đó tôi đang công tác ở TPHCM, không kiềm chế được cảm xúc mà bật khóc nức nở", Linh nói.
Mai Thị Bình cho biết, cô rất bất ngờ khi Linh liên hệ, không nghĩ "bạn vẫn đi tìm mình". Ngày bé, Bình theo bố mẹ chuyển về Thanh Hóa sinh sống, cô nói "bố mẹ đi đâu thì đi đó, không kịp nói lời chia tay".
Lớn lên, cô nhiều lần có ý định tìm bạn, nhưng bị "cuốn đi" theo cuộc sống bộn bề. Mỗi lần đi chơi, Bình đều nhớ đến bạn, nhưng chưa từng có cơ hội tìm kiếm, nên đành từ bỏ.
"Tôi không ngờ Linh vẫn kiên trì như thế", Bình nói. Sau này, cô kết hôn, rồi chuyển ra Hà Nội sinh sống.
Cuộc đoàn tụ xúc động
Nhận điện thoại của con gái, bà Nguyễn Thị Hương (54 tuổi, mẹ Diệu Linh) chưa kịp nói gì đã nghe thấy tiếng khóc từ đầu dây bên kia. Sau khi bình tĩnh, cô gái kể với mẹ "đã tìm được bạn Bình, con cô Thanh, chú Thường".
Bà Hương lập tức nhớ ngay gia đình hàng xóm sống trong khu tập thể, hai đứa trẻ cùng tuổi chơi thân với nhau. Những ngày bố đi công tác, Bình thường sang nhà Linh ở, đến tối thì mẹ đón về.
Hôm 7/1, hai người bạn hẹn gặp nhau tại một trung tâm thương mại ở quận Long Biên. Cuộc gặp gỡ kéo dài 4 tiếng đồng hồ, là dịp cả hai ôn lại những kỷ niệm thơ ấu và hỏi thăm cuộc sống hiện tại.
Họ gọi điện video với bà Hương. Nhìn cô gái ngồi bên cạnh con gái mình, bà Hương nhận ngay ra Bình. "Đường nét khuôn mặt của Bình vẫn thế, không thay đổi nhiều", bà nói.
Diệu Linh (bên phải) gặp lại người bạn thân sau 23 năm mất liên lạc (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Linh cho hay hai người bạn tìm được nhau nhưng người xúc động hơn cả là bố mẹ hai bên. Hàng xóm cũng liên tục hỏi thăm, cô gọi điện cho từng nhà để họ nói chuyện với Bình.
"Chúng tôi gặp lại nhau sau 23 năm mà cứ ngỡ như vài tháng, không hề ngại ngùng, nói chuyện mãi chẳng hết, các ký ức cứ thế ùa về", Linh nói.
Điều trùng hợp là Linh và Bình đều bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, nhờ vậy cả hai thường xuyên trao đổi công việc. Chồng của họ cùng công tác trong lĩnh vực quảng cáo.
"Tôi không nghĩ trên đời lại có nhiều chuyện trùng hợp như vậy, càng nói càng giật mình", Linh tâm sự.
Sau buổi đoàn tụ, Linh đăng bài lên hội nhóm, thay lời cảm ơn người đã làm cầu nối, cộng đồng mạng liên tục gửi lời chúc mừng.
"Đúng là triệu hạt mưa không hạt nào rơi nhầm chỗ. Người ta gặp không người nào là ngẫu nhiên. Có những mối quan hệ thật sự là dùng cả đời để tìm kiếm, khoảnh khắc và kỷ niệm mãi còn trong lòng và đi theo mình cùng năm tháng", Đức Trung bình luận.
"Tôi mất liên lạc của người bạn suốt 6 năm. Do cuộc sống bận rộn nên nhiều lần muốn hỏi thăm tin tức nhưng rồi lại thôi. Đến một ngày tôi hay tin bạn đã mất 3 năm trước, cảm xúc lúc đó thật khó tả", Phương Hoa chia sẻ.
Dù bận công việc, Linh hy vọng hai gia đình có thể sắp xếp du lịch cùng nhau trong tương lai. Họ từ những đứa trẻ 7 tuổi, giờ đều đã trưởng thành và có gia đình riêng, song vẫn trân quý tình bạn vô giá.
Còn bà Hương tự hào về cô con gái sống tình cảm, xúc động tình bạn của hai người bạn thơ ấu. Người mẹ nói chính tình bạn đã thôi thúc Linh tìm kiếm Bình.
"Mẹ ơi, mẹ có nhớ bạn Bình không?" - câu hỏi từ những ngày đầu nhen nhóm ý định của Linh đã khiến bà Hương nghẹn ngào. Bà biết con gái nhớ bạn, nên gợi ý đăng bài trên các kênh thông tin, mạng xã hội.
"Bao nhiêu năm, hai đứa trẻ từng nghĩ chả có cơ hội gặp nhau. Những ký ức trẻ thơ vụn vặt, nhưng vẫn hướng về nhau, cái duyên 23 năm cho một cuộc đoàn tụ ý nghĩa", bà nói.
Cuộc sống bên trong những hộp ngủ 2m2 ở Hà Nội Mô hình hộp ngủ nở rộ ở TPHCM nhiều năm qua đã xuất hiện tại Hà Nội. Nhiều sinh viên, người lao động tìm kiếm hộp ngủ 2m2 với nhu cầu "chỉ cần một chỗ để ngủ" đúng nghĩa. Nở rộ mô hình hộp ngủ 2m2 ở Hà Nội Cách đây một năm, Ngọc Hân (24 tuổi) bắt đầu thuê "một chỗ ngủ"...