Xuất hiện dự án ‘ma’ kiểu Alibaba ở Hà Nội
Đất được giao cho cá nhân với mục đích trồng cây lâu năm được “phù phép” thành dự án trăm tỷ và rao phân lô bán nền. Trong khi chính quyền địa phương khẳng định không có dự án khu đất đã được quy hoạch xây trung tâm dưỡng lão.
Tự “vẽ” dự án, rao bán cả đất quy hoạch viện dưỡng lão
Thời gian vừa qua, dự án Golden Lake Hòa Lạc được giới thiệu rao bán trên nhiều trang mua – bán bất động sản như Alonhadat.com.vn, batdongsan.com.vn, ancu.me…
Theo đó, Golden Lake Hòa Lạc được giới thiệu là dự án biệt thự, liền kề, nhà phố, đất nền Sơn Tây đang được tập kết quy hoạch thành khu dân cư. Tổng diện tích của dự án 8ha, giai đoạn thứ nhất gồm 100 lô đất nền và giai đoạn thứ 2 là 50 lô biệt thự. Vị trí nằm tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Cổng Vàng. Hấp dẫn hơn, tại dự án này, các lô đất được giới thiệu là có diện tích 70-150m2/lô, giá 9,5-18,5 triệu đồng/m2, có cơ hội sinh lời cao.
Dự án Golden Lake Hòa Lạc (Sơn Tây, Hà Nội) được giới thiệu rao bán trên nhiều trang mua – bán bất động sản (Ảnh chụp màn hình).
Tuy nhiên, chiều ngày 20/9, ghi nhận thực tế tại khu đất được giới thiệu là dự án Golden Lake Hòa Lạc là vẫn chỉ là bãi đất phần lớn cỏ mọc um tùm, một số khu vực được trồng bưởi, nuôi cá không có bất cứ dấu hiệu nào của một dự án bất động sản như thông tin rao bán vẽ ra.
Một người dân bán nước trong khu vực khu đất này cho biết: Tôi ở đây nhưng không biết có dự án bất động sản nào cả. Cách đây 1-2 tháng thấy có đoàn từ Hà Nội dẫn rất nhiều khách xuống xem đất nhưng gần đây thì không thấy.
Phối cảnh dự án Golden Lake Hòa Lạc được giới thiệu quảng cáo.
Trước những thông tin về dự án Golden Lake Hòa Lạc, trao đổi với PV VietNamNet, ông Khuất Văn Trường – Chủ tịch UBND xã Cổ Đông cho biết, trên địa bàn không có dự án nào có tên là Golden Lake Hòa Lạc. Lô đất được rao bán giới thiệu do Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Cổng Vàng làm chủ đầu tư được Sở TN&MT TP Hà Nội cấp cho ông Nguyễn Thanh Hải và bà Ngô Thị Chanh. Mục đích sử dụng đất được ghi trong GCN QSD đất là trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản, với thời hạn sử dụng đất 46 năm (từ năm 2018 đến năm 2064).
Cũng theo vị Chủ tịch xã Cổ Đông, khu vực này được quy hoạch là trung tâm dưỡng lão.
“Khu vực này được quy hoạch là trung tâm dưỡng lão của thành phố không phải quy hoạch đất dân cư. Ai mua ở đó theo đất ở là bị lừa vì chắc chắn không thể chuyển sang mục đích khác được” – ông Trường khẳng định.
Thực tế, khu đất được giới thiệu dự án Golden Lake Hòa Lạc đang trồng cây, nuôi cá. (Ảnh: Hồng Khanh).
Ông Trường cũng cho biết thêm, ngay khi có thông tin về dự án Golden Lake Hòa Lạc chính quyền xã Cổ Đông đã mời ông Hải và Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Cổng Vàng. Tại buổi làm việc ông Hải cho hay có thuê Công ty Cổng Vàng bán đất nhưng không biết về việc đơn vị này rao bán dự án. Còn phía Công ty Cổng Vàng đến nay vẫn chưa đến làm việc với xã.
“Đây là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng này trên địa bàn xã. Chính quyền đã thông tin về việc không có dự án Golden Lake Hòa Lạc tại đây. Thông qua các kênh truyền thông chúng tôi cũng đề nghị người dân khi mua bán giao dịch đất đai đến cơ quan nhà nước để kiểm tra xem thông tin. Thực tế không có khách hàng nào đến kiểm tra thông tin từ chính quyền cả. Hiện công an cũng đã vào cuộc điều tra việc mua bán dự án trên” – ông Trường nói.
“Vẽ” đất vườn thành dự án
Video đang HOT
Trên các trang mua bán bất động sản thời gian qua cũng xuất hiện nhiều thông tin giới thiệu rao bán dự án tại các huyện, thị xã quanh Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây. Các dự án nói đều được quảng cáo hấp dẫn như: Hạ tầng đồng bộ; gần “siêu đô thị vệ tinh Hòa Lạc”; được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vĩnh viễn…
Khu đất giới thiệu là dự án Golden Lake Hòa Lạc theo quy hoạch là Trung tâm dưỡng lão (phần khoanh đỏ – PV).
Tại thôn 6, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai cũng có dự án được rao bán rầm rộ trên các trang mạng với tên gọi Dự án Adoland Capital 8. Theo thông tin quảng cáo Adoland Capital là dự án đất nền tọa lạc đắc địa tại trung tâm “siêu đô thị vệ tinh Hòa Lạc” với 45 lô đất nền diện tích từ 72 – 90m2, sổ đỏ trao tay, sở hữu vĩnh viễn, giá hấp dẫn chỉ 11- 12 triệu đồng/m2.
Liên hệ với số điện thoại trên trang rao bán nhà đất, chúng tôi được “cò” giới thiệu xuống khu vực dự án để trao đổi. Trong vai người đi mua đất chúng tôi được mời vào văn phòng của Công ty CP Tập đoàn Adoland tại Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội.
Khi đề cập đến việc tìm mua đất tại dự án Adoland Capital 8, ông Nguyễn Văn Hưng – người tự giới thiệu là Giám đốc công ty CP Tập đoàn Adoland khẳng định: Không có dự án trên việc vẽ dự án là do nhân viên môi giới để câu khách chứ bản thân công ty không lập dự án gì.
“Bản thân chúng tôi đang bán, tư vấn cho khách những lô đất trong dân. Chúng tôi cũng không có đủ khả năng làm dự án” – ông Hưng cho biết.
Được biết, từ đầu tháng 6/2019, UBND xã Phù Cát đã làm việc với đại diện Công ty CP Tập đoàn Adoland. Tại buổi làm việc, ông Hưng cũng khẳng định công ty chỉ phối hợp với các chủ đất tư nhân để bán hàng và giới thiệu khách hàng mua đất.
Đối với khu đất được giới thiệu là dự án Adoland Capital 8, đây là đất của ông Nguyễn Xuân Nam được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích 4.500m2.
Đất của tư nhân được “vẽ” thành dự án rao bán đất nền (Ảnh chụp màn hình).
“Công ty tư vấn giới thiệu cho khách hàng để mua đất chứ không phải công ty tự phân lô, bán nền” – Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Adoland nói.
Chính quyền xã Phú Cát đã yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Adoland không đăng bài bán đất với tên dự án khi chưa có căn cứ pháp lý, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở.
Hay tại xã Tiến Xuân, dự án Tiến Xuân Green cũng được mời chào là nơi sát trung tâm Hòa Lạc. Các lô đất tại dự án đều được quảng cáo có giấy tờ pháp lý rõ ràng, sổ đỏ chính chủ, đã có đường nội khu 6m, vỉa hè 1,2m…
Tuy nhiên, ông Quách Đình Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết, khu đất đang được quảng cáo là Khu dân cư Tiến Xuân Green thuộc sở hữu của ông Trần Văn Hồng (địa chỉ ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) với tổng diện tích hơn 1ha. Ngoài khoảng 400 m2 đất ở phần còn lại là đất nông nghiệp chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Lãnh đạo xã Tiến Xuân cũng cảnh báo người dân phải cảnh giác để tránh bị mắc lừa.
Trước thực trạng dự án “ảo” phân lô bán nền vùng ngoại thành Hà Nội, chuyên gia bất động sản cho rằng: Thực tế đã cho thấy quá nhiều bài học cay đắng về những dự án ma nhưng không ít người dân vẫn bị mắc lừa. Bởi người dân không có thông tin thêm vào đó là khả năng tung hỏa mù của nhiều chủ đầu tư rất tài tình.
“Nếu không có biện pháp cảnh báo và ngăn chặn thì thị trường bất động sản Hà Nội sẽ xuất hiện nhiều dự án ma hơn nữa trong thời gian tới” – vị chuyên gia đặt vấn đề.
Hồng Khanh
Theo Vietnamnet
CEO địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện: Ảo tưởng và luôn "nổ" về mức độ thiên tài
Nguyễn Thái Luyện và Alibaba không phải trường hợp duy nhất có dấu hiệu lừa đảo khách hàng bằng những hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ trá hình, nhưng chắc chắn là trường hợp hiếm hoi dám ngang nhiên thách thức pháp luật đến mức như vậy.
Luyện vốn là nhân viên môi giới BĐS dạng nhỏ lẻ
Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, quê Gia Lai, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), từng học trường ĐH Mở TP.HCM. Luyện vốn là nhân viên môi giới bất động sản dạng nhỏ lẻ, kiếm sống bằng nghề môi giới đất nền ở khu vực vùng ven TP.HCM.
Trong quá trình môi giới thấy dễ làm ăn, năm 2010 khi mới 25 tuổi Luyện thành lập công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Ali, trụ sở tại nhà trọ của ở Q.Bình Thạnh, có vốn điều lệ 100 triệu đồng.
25 tuổi, Luyện bắt đầu lập công ty môi giới BĐS.
Chính vì có thâm niên trong nghề làm nhân viên môi giới, am hiểu tình hình kinh doanh đất vùng ven, giữa năm 2016, Luyện chính thức... vươn vai, với việc thành lập công ty Alibaba và giao cho người em ruột đứng tên đại diện pháp luật.
Luyện tổ chức ra cái gọi là "tập đoàn địa ốc Alibaba" phát triển theo hình thức đa cấp và dùng thủ đoạn tinh vi lập ra các dự án "ma", lừa hàng ngàn người.
Vận hành địa ốc Alibaba theo cách không giống ai
Sau khi địa ốc Alibaba được thành lập, Luyện giao cho những người thân tín trong đó có Lĩnh, ông Nguyễn Thái Lực (em ruột của 2 người này) đi thu gom đất nông nghiệp, rồi tự phác họa thành dự án khu dân cư cao cấp. Luyện chỉ đạo toàn bộ cán bộ công nhân viên thông qua các kênh mạng xã hội, các trang web thông tin để rao bán đất nền của các dự án "ma" nhằm lừa khách hàng.
Có thể nói CEO Nguyễn Thái Luyện tổ chức, vận hành công ty địa ốc Alibaba theo cách không giống ai. Luyện liên tục gây chú ý bởi những phát ngôn, cách hành xử gây sốc.
Cái sốc đầu tiên là mức độ tăng trưởng "Thánh Gióng" ở các công ty mà Luyện lập ra. Điển hình công ty gốc, tức công ty CP địa ốc Alibaba, tháng 5/2016 khi thành lập vốn 1 tỷ đồng. Hơn 4 tháng sau, trong lần thay đổi đầu tiên, Luyện loan báo vốn điều lệ đã lên đến 20 tỷ đồng. Và hơn 1 năm khi thành lập, tức lần thay đối thứ 2, Luyện "nổ" vốn điều lệ là 1.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, Luyện còn chỉ đạo một số nhân viên cấp quản lý tiến hành lập ra các công ty bất động sản, tưởng chừng như là hoạt động độc lập nhưng đều là vệ tinh của địa ốc Alibaba và trong sự kiểm soát, chỉ đạo của Luyện.
Luyện vận hành địa ốc Alibaba theo mô hình đa cấp.
Luyện còn chủ trương hoạt động công ty theo hình thức đa cấp, đội ngũ nhân viên cũng tham gia đóng góp "cổ phần" vào.
Chính vì thế, không mấy khó hiểu khi xảy ra các vụ việc như: bị cưỡng chế ở các dự án ma, bị cơ quan pháp luật điều tra, bị báo chí phản ánh... thì đội ngũ nhân viên của Alibaba vẫn... sống chết, vì hơn hết có phần tiền đóng vào, có quyền lợi trong đó.
Có thể nói hình thức của Luyện là biến tướng, không như các công ty hoạt động môi giới đất nền bình thường. Luyện dùng chiêu thức tinh vi, lập dự án ma, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội để lừa khách hàng.
Bị mắc bệnh ảo tưởng và luôn "nổ" về mức độ thiên tài
Đáng nói hơn trong quá trình vận hành công ty, CEO Nguyễn Thái Luyện thể hiện mình là con người không được bình thường. Mở hàng loạt khoá học môi giới bất động sản, lôi kéo nhân viên công ty hệt như mô hình đa cấp.
Trong những khoá học đó, trong những lời thuyết giảng hay trên các trang mạng của Alibaba, Luyện luôn "nổ" về mức độ thiên tài, đặt mình cao hơn những nhân vật lịch sử như: Thành Cát Tư Hãn, Gia Cát Lượng...
Mới đây ông Luyện còn viết tâm thư mong muốn "lừa" cả Thủ tướng
"Đem so với Thành Cát Tư Hãn, tôi phải giỏi hơn Thành Cát Tư Hãn ấy chứ. Tôi giỏi hơn cả Gia Cát Lượng", Luyện nói.
Vốn điều lệ ở các công ty mà Luyện "nổ" ngàn tỷ đồng đều là con số ảo, nhưng Luyện luôn nổ công ty của mình là lớn nhất, số 1 khu vực Đông Nam Á.
Mức độ ảo tưởng của Luyện lên đến đỉnh điểm khi trong lúc Công ty Alibaba và bản thân ông Nguyễn Thái Luyện, CEO Công ty Alibaba đang bị Bộ Công an, công an các địa phương điều tra về các sai phạm, thì mới đây ông Luyện còn viết tâm thư với mong muốn "lừa" cả Thủ tướng.
Trắng trợn, hiên ngang thách thức pháp luật
Không có dự án thật, không cần pháp lý, Alibaba thản nhiên "móc túi" hàng nghìn người suốt 3 năm nhưng không bị xử lý mà còn phát triển lớn mạnh với hơn 2.000 nhân viên.
Nguyễn Thái Luyện còn thể hiện sự ngạo mạn trắng trợn khi liên tục phản pháo truyền thông, luật sư và cả cơ quan chức năng vì "dám" vạch trần sai phạm của y.
Luyện "tung quân" đi khắp các "mặt trận" để sỉ vả, cãi tay đôi với bất cứ ai tố cáo, phanh phui hoạt động lừa đảo của công ty mình. Dư luận đã rất nhiều lần bất bình khi nhân viên Alibaba tụ tập đi gây hấn, tấn công lực lượng chức năng.
Nguyễn Thái Luyện bị lực lượng chức năng áp giải lên xe.
Ngay cả khi cảnh sát cơ động vây trụ sở, công an và Viện Kiểm sát đọc lệnh khởi tố, khám xét trụ sở công ty, nhân viên Alibaba vẫn đi khắp nơi tuyên bố cơ quan điều tra chỉ đang trao đổi trực tiếp công việc với anh em Luyện.
Những người này tuyên truyền rằng hàng trăm cảnh sát cơ động vây vòng trong vòng ngoài chỉ để "điều phối an ninh trật tự nhằm đảm bảo buổi làm việc diễn ra suôn sẻ, đạt kết quả như mong đợi".
Và dù không còn ai tin điều đó khi cả Luyện và Lĩnh đều đã bị công an bắt đi, nhiều người chứng kiến vẫn không hiểu, vì sao cần nhiều cảnh sát đến vậy để bắt 2 kẻ này.
Nguyên hiểm hơn đến giờ phút này, Alibaba vẫn còn tiếp tục chiêu dụ khách hàng mới, dùng chiêu thức lãi suất cao khi tham gia và tặng quà cho khách hàng tham gia lần đầu.
Nam Anh
Theo Trí thức trẻ
Khách hàng mua dự án của Alibaba liệu có mất trắng quyền lợi? Ngày 19.9, tức sau một ngày Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM khởi tố vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Cty Cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty có liên quan, đồng thời bắt giữ Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện, Giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh, hàng trăm khách hàng trót xuống tiền...