Xuân về nơi từng bị lũ dữ cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà
Sau trận mưa lũ cuối tháng 8/2018, hàng trăm ngôi nhà bên bờ sông Mã tại huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn. Hiện nay những ngôi nhà mới ở khu Tái định cư (TĐC) nằm dưới chân thủy điện Trung Sơn đã hoàn thành cho người dân để kịp đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Khu TĐC khang trang với những ngôi nhà mới san sát nhau.
Những ngôi nhà mới sau lũ dữ
Nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa gần 200km về phía Tây, xã Trung Sơn (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) nằm giáp ranh với các huyện Mai Châu (Hòa Bình), huyện Vân Hồ (Sơn La), huyện Mường Lát (Thanh Hóa) và nằm bên bờ sông Mã hùng vĩ.
5 tháng trôi qua kể từ trận mưa lũ xảy ra khiến hàng trăm ngôi nhà dọc 2 bên bờ sông Mã bị nước nhấn chìm và cuốn trôi hoàn toàn, nhân dân cùng chính quyền địa phương nơi đây đã chung tay khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Trung Sơn đã hồi sinh trở lại!
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, chúng tôi có dịp ngược núi trở lại xã Trung Sơn, nơi đây đang từng ngày đổi thay khi đời sống nhân dân được ổn định, những ngôi nhà mới được dựng lên khang trang tại khu TĐC mới.
Những ngôi nhà xây kiên cố ở khu TĐC thay thế cho đống đổ nát, hoang tàn bên bờ sông Mã trước đây.
Có mặt tại khu TĐC bản Co Me (xã Trung Sơn), một trong những bản gần như bị xóa sổ hoàn toàn sau lũ, giờ không còn khung cảnh hoang tàn, đổ nát, không lo lắng sợ hãi, không lo cái đói, không lo chỗ ở mà thay vào đó là những ngôi nhà mới xây bằng tường kiên cố được lợp bằng những tấm tôn màu xanh nằm san sát nhau. Người dân nơi đây đang khẩn trương để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trong ngôi nhà của mình để kịp đón Tết.
Anh Phạm Bá Thược (trưởng bản Co Me) vẫn còn nhớ như in trận lũ cách đây 5 tháng: “Khi đó mưa to lắm, trời thì tối, khoảng 20h ngày 29/8, tôi cùng mọi người đi giúp dân di chuyển người và tài sản đến chỗ cao hơn để tránh lũ. Khi quay về nhà thì hoảng sợ vì không thấy ngôi nhà mình đâu nữa. May mắn vợ và các con tôi vẫn an toàn nhưng toàn bộ tài sản của gia đình bị cuốn trôi hết”.
“Bây giờ đến nơi TĐC mới chúng tôi được cấp đất, hỗ trợ tiền để xây dựng nhà mới ở khu đất cao hơn, an toàn hơn, bằng phẳng hơn. Dân chúng tôi vui lắm và cũng đã họp bàn thống nhất cả bản sẽ tổ chức ăn Tết tập trung đón xuân vui mới”, anh Thược chia sẻ.
Anh Phạm Bá Thược vẫn nhớ như in về trận lũ kinh hoàng xảy ra vào tháng 8/2018.
Trong tâm trạng vui mừng, phấn khởi khi ngôi nhà mới kiên cố hoàn thành trước tết, chị Phạm Thị Huế (40 tuổi) cho hay: “Ở nhà mới tôi thấy thuận tiện hơn, tốt hơn và không sợ mưa gió như trước đây nữa vì mỗi lần mưa gió thì không sợ nhà bị sập cũng như không sợ bị nước lũ cuốn trôi mất nhà nữa”.
Video đang HOT
Còn tại khu TĐC bản Chiềng (xã Trung Sơn), hàng chục ngôi nhà sàn mới cũng được dựng lên ở đây để chuẩn bị đón xuân về.
Đường vào khu TĐC là một sắc đỏ với sức sống mới, niềm vui mới khi 2 bên được cắm những lá cờ Tổ quốc, cuộc sống nhân dân đã ổn định trở lại, người dân chăm lo sản xuất, cố gắng hoàn thiện những công việc còn dở dang để đón Tết cổ truyền.
Người dân đã ổn định cuộc sống.
Lo sinh kế lâu dài cho bà con
Theo thống kê của UBND xã Trung Sơn (huyện Quan Hóa), đợt mưa lũ diễn ra vào cuối tháng 8/2018 đã khiến 277 ngôi nhà bị thiệt hại, hư hỏng bởi thiên tai.
Trong đó, có 189 ngôi nhà bị thiệt hại nặng; 66 ngôi nhà bị sập, trôi và thiệt hại trên 70%; 25 nhà bị hư hỏng (từ 50-70%); 98 nhà phải di dời khẩn cấp cùng nhiều tài sản, hoa màu bị cuốn trôi hoàn toàn.
Ngay sau đó, các cơ quan chức năng cùng với chính quyền địa phương đã bố trí 4 khu TĐC với diện tích 6,2ha cho 143 hộ TĐC (gồm bản Co Me 68 hộ, bản Chiềng 43 hộ, bản Pạo 24 hộ, bản Bó 8 hộ).
Ông Trịnh Văn Chiến – Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thăm và tặng quà cho các hộ dân TĐC.
Trong những ngày cuối tháng 1/2019, ông Trịnh Văn Chiến – Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà và chúc Tết đối với các hộ dân khu TĐC bản Co Me. Tại đây, ông đã trò chuyện và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân.
Tại buổi làm việc với huyện Quan Hóa và xã Trung Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa biểu dương những kết quả đạt được của xã Trung Sơn cũng như đánh giá cao sự đoàn kết, hỗ trợ, chỉ đạo điều hành khắc phục có hiệu quả những hậu quả nặng nề của thiên tai để lại.
Người dân đang từng ngày phát triển đời sống sau trận lũ.
“Về việc khắc phục hậu quả, tôi đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ người dân, nhanh chóng hoàn thiện nhà để người dân yên tâm ăn Tết, có một cái nhà mới. Bên cạnh đó, phải thực hiện việc cung cấp nước và điện cho người dân”, ông Chiến nói.
Những ngôi nhà mới hoàn thành để đón Tết.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng rất trăn trở về việc lo sinh kế lâu dài cho bà con. Ông đề nghị huyện và xã quan tâm, chỉ đạo vấn đề này, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương phải cố gắng tổ chức vui Tết, đón xuân cho người dân, nhất là khu TĐC thật đầm ấm và tiết kiệm.
Trần Nghị
Theo Ibfornet
Sạt trượt mái đào hạ lưu đập thủy điện Trung Sơn
Do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài và việc vận hành xả lũ khiến khu vực phía hạ lưu, cách chân đập nhà máy thủy điện Trung Sơn, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) xuất hiện vết sạt trượt mái đào vai phải hố xói đập tràn. Đơn vị này cũng đã báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa và khẳng định hiện trạng đập an toàn và vận hành bình thường.
Ngày 12/9, Công ty TNHH MTV thủy điện Trung Sơn (TSHPCo) đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc sạt trượt mái đào vai phải hố xói đập tràn.
Theo đó, vào khoảng 8h, ngày 31/8 tại khu vực vai phải mái đào hố xói đập tràn của nhà máy thủy điện Trung Sơn từ cao độ 95m lên trên bị sạt trượt vào thời điểm mưa to và lũ lớn. Vết sạt có xu hướng phát triển lên trên đỉnh mái đào.
Vết sạt trượt tại khu vực vai phải mái đào hố xói đập tràn của nhà máy thủy điện Trung Sơn
Nguyên nhân gây sạt trượt là do ảnh hưởng từ cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới, khu vực dự án thủy điện Trung Sơn mưa liên tục với cường độ lớn và kéo dài.
Đồng thời, do lũ lớn từ thượng nguồn sông Mã đổ về, nhà máy phải vận hành tràn xả lũ dẫn đến hiện tượng mực nước ngầm dâng cao làm bão hòa, cưỡng bức nước trong đất... dẫn đến bị sạt trượt lớp đất đá phong hóa của vai phải mái đào hố xói đập tràn.
Vị trí sạt trượt từ cao độ 95m lên trên
Khoảng cách từ vết sạt đến vị trí đập khoảng 100m. Nền đập nằm trên nền đá gốc ở cao độ 75m-79m, trong khi chân vết sạt là đá gốc cứng chắc ở cao độ 95m.
Sau khi xảy ra sạt trượt, TSHPCo đã thường xuyên quan trắc chuyển vị, ứng suất của công trình, kết quả cho thấy các số liệu quan trắc vẫn bình thường và nằm trong giới hạn cho phép, đặc biệt lưu lượng thấm qua đập bê tông rất nhỏ.
Chân vết sạt là đá gốc cứng chắc ở cao độ 95m
Theo ông Ngô Quốc Phương, Phó giám đốc TSHPCo: Sau khi phát hiện vết sạt trượt, công ty đã mời chuyên gia, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát đến làm việc tại hiện trường. Vết sạt lớp ngoài, không có tác dụng chịu lực, không ảnh hưởng đến an toàn của đập.
Cũng theo ông Phương, để vết sạt không phát triển thêm và đảm bảo giao thông vai đập, giải pháp ưu tiên trước mắt là bổ sung neo gia cố phạm vi từ vết sạt đến chân đập; đào, giảm tải một phần mái đào trên cao.
Vết sạt có xu hướng phát triển lên trên đỉnh mái đào
Về lâu dài, sẽ rà soát và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp cho toàn bộ khu vực hạ lưu vai phải, vai trái.
Theo đánh giá của chuyên gia địa chất và tư vấn thiết kế (Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 4) thì đập thủy điện Trung Sơn là đập bê tông trọng lực, được đặt trên nền đá gốc cứng chắc, nên hiện trạng đập hiện nay an toàn và vận hành bình thường.
Giải pháp ưu tiên trước mắt là bổ sung neo gia cố phạm vi từ vết sạt đến chân đập; đào, giảm tải một phần mái đào trên cao
Hiện nay, đơn vị thường xuyên theo dõi, quan trắc vết sạt trượt và quan trắc đập; đào dỡ tải và khoan neo gia cố theo phương án xử lý của tư vấn thiết kế.
Trên cơ sở theo dõi hiện trạng vết sạt trượt, điều kiện địa chất nền đập, các số liệu quan trắc đập, TSHPCo khẳng định đập và nhà máy thủy điện Trung Sơn an toàn và vận hành bình thường.
Nhà máy điện Trung Sơn có công suất 260 MW, bao gồm 4 tổ máy sản xuất 1.018,61 triệu kWh. Dự án khởi công năm 2012 với tổng mức đầu tư 410,68 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) là 330 triệu USD, vốn đối ứng của EVN 80,68 triệu USD.
Nhà máy có dung tích hơn 300 triệu m3, bắt đầu tích nước từ tháng 12/2016, vận hành tổ máy đầu tiên vào tháng 2/2017, đến nay cả 4 tổ máy đều đã vận hành.
Duy Tuyên
Theo Dantri
Sạt lở vùi lấp phòng học và nhiều nhà dân ở miền núi Thanh Hóa Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã khiến khối lượng lớn bùn đất sạt xuống, vùi lấp 4 phòng học và nhiều nhà dân ở xã Trung Sơn, huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa), khiến người dân phải tháo chạy trong đêm. Sáng nay (30.8), ông Phạm Văn Diện - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa)...