Xuân này về đâu?
Năm nào đếnTết tôi thấy nhà bà cũng khóa cửa im ỉm. Hàng xóm ai hỏi, bà trả lời thật thà: “Về ăn Tết với chồng”.
Lấy chồng từ năm 20 tuổi nhưng không có con. Mới đầu hàng xóm bà con ai cũng khen bà có phước, lấy chồng hiền lành, không có con mà vợ chồng vẫn hạnh phúc. Họ bảo nhiều người đàn ông chỉ vài năm không sinh con đẻ cái là họ tìm người phụ nữ khác ngay. Nhưng cuộc đời đâu ai biết trước chữ ngờ, đến khi ông về hưu thì trở chứng, cưới cô vợ bé dở duyên chỉ mới 35 tuổi.
Thời gian đầu, hàng xóm tưởng bà hóa điên khi nghe tin ông có vợ nhỏ. Ngày nào bà cũng khóc lóc, kêu gào thảm thiết. Bà đóng cửa tạp hóa, suốt ngày đi rình bắt ghen. Nhiều bận ông bà cãi nhau, đập đồ rầm rầm. Thời gian ấy, tổ trưởng dân phố phải nhiều lần xuống nhắc nhở, giúp vợ chồng ông bà giảng hòa. Ông luôn một mực phủ nhận chuyện có vợ nhỏ. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông công khai dẫn vợ nhỏ về nhà ra mắt bà. Ông bảo: “Bà không có con thì phải để tôi đi tìm con”…Hôm ấy, bà ngã lăn ra nhà, hàng xóm phải phụ đưa bà vào bệnh viện cấp cứu.
Nhắm không thể “hai ông một bà” chung trong một nhà, ông đành dẫn vợ nhỏ về Vũng Tàu sống. Căn nhà chung cư ở thành phố, ông để lại cho bà, xem như món quà đền bù cho bà sau 30 năm làm vợ. Khóc lóc chán ông cũng không về, bà vực dậy buôn bán tiệm tạp hóa nhỏ kiếm sống qua ngày. Quê tận Nghệ An, đi về tàu xe xa xôi cách trở, xung quanh con cháu đều lạnh nhạt, ngày xuân ai về nhà nấy nên bà quanh quẩn chỉ có một mình.
Hai năm đầu vắng chồng, bà mở cửa tạp hóa suốt ngày Tết dù chẳng mấy khách mua. Đến cái Tết thứ ba, bà khoe với hàng xóm ông vừa điện thoại, rủ bà về quê ăn Tết với vợ chồng ông. Hóa ra vợ chồng sống lâu năm không còn tình cũng còn nghĩa. Bà bảo ngày ông mới đi, bà căm hận ông nhưng những ngày sống lủi thủi một mình, bà lại nhớ thương ông tha thiết. Mỗi năm, bà chỉ mong gặp ông một vài ngày, ăn cùng ông vài bữa cơm.
“Vợ nhỏ của ông có ghen không?”. Tôi hỏi nửa thật, nửa đùa. Bà im lặng vài giây, giọng nghèn nghẹn: “Ghen lắm…nhưng mà kệ. Tôi già rồi, chỉ về có mấy ngày Tết. Cả năm nó ở với chồng tôi, tôi có ghen đâu?”. Nghe bà trả lời, ai cũng thấy bà tội nghiệp. Bà vẫn một mực khẳng định ông là chồng bà dù hai người đã ra tòa li hôn để con riêng ông có giấy khai sinh mà đi học. Lần nào từ nhà chồng về, bà cũng xách đùm đề trái cây, rau củ. Bà khoe “cây nhà lá vườn” của chồng. Bà hay tíu tít kể chuyện hai đứa con riêng của ông lanh lợi, thông minh ra sao? Nhưng tuyệt nhiên trong những câu chuyện ấy, người ta thấy bà hiếm khi nhắc đến cô vợ nhỏ của ông.
Năm nay không thấy bà hào hứng nhắc chuyện chuẩn bị về quê chồng, hàng xóm lại hỏi thăm. Bà rầu rĩ: “Cả nhà ông về Nghệ An ăn Tết. Hôm qua mới gọi điện bảo tôi năm nay đừng về Vũng Tàu nữa. Nhà khóa cửa, không có ai…”. Trong từng lời của bà nghe buồn như muốn khóc. Vậy là Tết này, bà lại mở cửa tiệm tạp hóa suốt ba ngày xuân. Nhiều lần, tôi bắt gặp bà thở dài, giọng não nề: “Ngày xuân người ta có nơi, có chốn để về còn tôi quanh năm suốt tháng chỉ có một thân một mình, chẳng biết về đâu…”.
Theo PNO