Xuân ấm vùng biên cương Quảng Ninh
Dưới cái lạnh mùa đông điểm xuyết thêm những giọt mưa xuân của vùng cao biên giới Quảng Ninh, đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ trong trang phục dân tộc rực rỡ hòa cùng màu xanh của các lực lượng Quân sự, Biên phòng, Công an, Đoàn thanh niên có mặt tại nhà văn hóa xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu cùng nhau gói bánh chưng tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Quang cảnh ngày hội gói bánh chưng tại xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu.
Từ xa, mùi thơm của gạo nếp, lá kim lông cùng với tiếng cười nói thắm tình quân dân vọng lại. Mỗi người một việc, người cắt lá, người đong gạo, người thái thịt làm nhân, người băm lá kim lông, người khéo tay thì gói bánh. Tất cả tạo nên một không khí tết vui tươi, rộn rã. Những chiếc bánh chưng xanh đậm tình quân dân xếp đầy trên bàn, 1.200 chiếc bánh lần lượt được đặt vào những chiếc nồi lớn, bắc trên bếp củi đỏ lửa.
Đông đảo hội viên phụ nữ cùng các chiến sỹ tham gia gói bánh.
Trong trang phục dân tộc Sán Chỉ, chị Trần Thị Mến (đến từ bản Ngàn Pạt, xã Lục Hồn) cho biết, tiết tin hội phụ nữ, đoàn thanh niên và quân sự tổ chức gói bánh chưng tặng người nghèo tại nhà văn hóa xã, bà con ai nấy đều háo hức muốn tham dự. “Riêng tôi, mặc dù gia đình chưa gói bánh chưng nhưng cũng cố gắng bớt thời gian để đến gói bánh cùng mọi người. Tôi thấy chương trình này rất có ý nghĩa, vừa giúp các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được đón tết, vừa giúp bà con các dân tộc cùng với cán bộ và bộ đội được giao lưu, thêm tình gắn kết tạo nên không khí chuẩn bị tết thêm vui tươi và phấn khởi”, chị Mến nói.
Cô gái Sán Chỉ địu con đến tham gia ngày hội.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ban chỉ huy quân sự huyện, Lâm trường 156, Hội Liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên huyện phối hợp tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết – Tết biên cương” trên địa bàn 2 xã Hoành Mô và Lục Hồn để người nghèo vùng biên viễn được đón một cái tết đầm ấm.
Thượng tá Tăng Văn Tĩnh – Chính trị viên Ban CHQS huyện Bình Liêu cho biết, để chuẩn bị tết cho hộ nghèo, 3 đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền xây dựng kế hoạch để tuyên truyền, vận động các tổ chức, đơn vị đặc biệt là nhà hảo tâm ủng hộ nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động gói 1.200 cái bánh chưng, tặng 92 suất quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 100 triệu đồng.
“Năm nay, chúng tôi không những tặng quà và tổ chức các chương trình văn nghệ, mà còn xuống tận các gia đình chính sách già yếu để thăm hỏi, động viên, tuyên truyền bà con chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”, thượng tá Tăng Văn Tĩnh nói.
Video đang HOT
Tiếng đàn tính của các cô gái Tày lay động tình quân dân biên giới.
Bà Chu Thị Long – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện chia sẻ: “Trong đợt vận động này đã có 24 đơn vị, cơ quan ban ngành, nhà hảo tâm tham gia, chúng tôi đã hỗ trợ, động viên được 492 hộ gia đình hội viên, đoàn viên, nhân dân hộ nghèo, gia đình chính sách đón một cái tết ấm áp, tạo một tâm thế mới, nhiệm vụ mới trong năm 2020 sẽ đạt được nhiều thành công”.
Những gói quà cho các hộ chính sách, hội viên nghèo làm ấm tình quân dân ngày tết.
Lần đầu tiên được gói bánh chưng dài, đồng chí Bùi Hữu Tài – cán bộ đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Bình Liêu không giấu nổi cảm xúc của mình. Đồng chí Tài chia sẻ: “Đây là một hoạt động rất nhân văn, vừa giáo dục cán bộ, chiến sĩ, nét đẹp truyền thống văn hóa, tinh thần tương thân tương ái, đồng thời tạo không khí đoàn kết, gắn bó quân dân, góp phần củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh”.
Một mùa xuân nữa đang về, với người nghèo ở vùng cao, biên giới Bình Liêu, xuân đã về với họ từ những tấm lòng tình nghĩa hảo tâm do cán bộ, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên, chiến sĩ Ban CHQS huyện và nhân dân tạo nên.
Theo danviet.vn
Quảng Ninh: Chuyện buồn ở những xã đặc biệt khó khăn
Sinh năm 1989 nhưng Tằng Thị Sinh (thôn Khe O, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) đã có đến 8 đứa con. Việc sinh đẻ vô tội vạ là một trong nhiều lý do khiến các hộ dân ở bản đặc biệt khó khăn này bao năm nay vẫn không thoát được cảnh đói, nghèo.
Nỗi buồn Khe O
Đồng bào dân tộc Dao ở huyện Bình Liêu sinh sống chủ yếu ở các bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, cuộc sống của bà con chủ yếu là tự cung tự cấp. Với quan niệm, học không giúp cho "cái bụng no được" nên trước đây, người Dao ít được đi học, việc tiếp cận các kiến thức khoa học càng khó khăn hơn. Nếu gia đình có người ốm thì thay vì đưa người ốm đi viện điều trị, các hộ gia đình người Dao sẽ để ở nhà, nhờ thầy mo đến cúng. Trẻ em sinh ra không được chăm sóc và không được đến trường học chữ.
Các hủ tục lạc hậu như kết hôn cận huyết, tảo hôn, ép gả cưới... thường xuyên xảy ra. Đặc biệt là tình trạng uống rượu triền miên trong đồng bào Dao dẫn đến sức khỏe suy yếu, không có sức lao động.
36 hộ dân thôn Khe O chủ yếu sống trong những căn nhà đất, không có nhà vệ sinh, không có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Điển hình là thôn Khe O có 36 hộ dân với 217 nhân khẩu, trong đó có đến 23 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo.
Anh Choỏng Quay Sinh - Bí thư, Trưởng thôn Khe O cho biết, nguyên nhân của việc đói nghèo là do người dân quen trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước, không cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Ốm đau bệnh tật không đưa đi chữa trị mà chỉ mời thầy mo đến cúng, nhà có bao nhiêu lợn, gà đều thịt hết, do đó, cuộc sống của người dân đã nghèo lại càng nghèo thêm.
Trong căn nhà đất lụp xụp của chị Tằng Thị Sinh (người phụ nữ vừa tròn 30 tuổi nhưng đã có tới 8 đứa con) không có bóng người lớn, chỉ có lũ trẻ nheo nhóc đùa nghịch, hoặc đang mò nồi cháo ngô đặt trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Anh Choỏng Quay Sinh cho biết, bố mẹ của những đứa trẻ đi rừng mót lâm sản phụ, tuy là hộ nghèo nhưng từ chục năm nay, vợ chồng Tằng Thị Sinh năm nào cũng đẻ 1 đứa, đến nay đã có 8 đứa con. Đứa bé nhất mới được 7 tháng tuổi nhưng đã phải ở nhà với các anh chị để bố mẹ đi rừng kiếm miếng ăn.
"Huyện cũng đã nhiều lần tổ chức xuống tận nhà tuyên truyền sinh đẻ kế hoạch, nhưng vợ chồng Sinh như là không để ý đến. Nên mỗi năm cứ đẻ thêm một đứa lại thấy nghèo hơn", Trưởng thôn than thở.
Ngoài việc sinh đẻ không có kế hoạch, một nguyên nhân nữa khiến người dân thôn Khe O bao năm nay không thoát được cảnh đói nghèo, đó là thiếu đất sản xuất. Theo anh Choỏng Quay Sinh, trong số 36 hộ thì chỉ có 20 hộ được giao đất rừng, mỗi hộ chỉ được 1 đến 1,5ha, còn lại các hộ khác không có đất sản xuất hầu hết đều rơi vào cảnh nghèo, đói.
4 trong số 8 đứa con nheo nhóc của chị Tằng Thị Sinh.
Anh Phùn Mằn Quay, một hộ nghèo tại thôn Khe O, cho biết: "Gia đình chỉ mong ước có khoảnh rừng để trồng quế mà bao năm nay không được. Quế năm nay được giá, thấy người ta thu hoạch mang bán tới tấp, mình thì ngồi chơi cũng thấy buồn".
Choỏng Quay Si, một hộ nghèo khác trong thôn, thì than vãn: "Mấy năm trước nghe huyện vận động trồng cây dong riềng làm nguyên liệu bán cho nhà máy sản xuất miến, nhiều hộ dân thôn Khe O bỏ cả lúa để trồng dong riềng. Nhưng 2 năm nay củ dong trồng mang đến tận nơi cũng không ai mua, tiền bán dong của mấy vụ trước vẫn bị nợ. Mấy ruộng dong riềng trồng từ năm ngoái nhà tôi vẫn để đấy, củ già lắm rồi mà chán có thu hoạch đâu".
Về đích sớm chương trình 135: Không dễ
Ngoài Khe O, nhiều thôn, bản khác thuộc huyện Bình Liêu cái nghèo còn đeo bám dai dẳng. Nhiều thanh niên đang độ tuổi lao động thay vì lên rừng, lên nương canh tác thì lại ngồi uống rượu, trò chuyện là hình ảnh quen thuộc ở đây. Đáng nói hơn, hầu hết gia đình những thanh niên này đều thuộc diện hộ nghèo lâu năm.
Một số chương trình hỗ trợ như trao bò giống cho hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn chưa thực sự phát huy hiệu quả, còn mang tính hình thức. Ảnh: HG.
Khi được hỏi tại sao không lao động để thoát nghèo, anh Tằng Vĩnh Phúc (40 tuổi, dân tộc Dao, ở thôn Mạ Chạt, xã Vô Ngại), chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi cũng đã đầu tư chăn nuôi gà, lợn, với mong muốn tạo nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống bớt vất vả. Tuy nhiên, các mô hình này đều không phát huy hiệu quả kinh tế vì lý do tiêu thụ không ổn định, con giống thường bị dịch ốm, chết. Nhà có 6 miệng ăn (4 đứa con đang tuổi ăn học), trong khi nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng và 2ha rừng, nhưng trồng keo phải mất 4-5 năm mới cho thu hoạch, thời gian rỗi cũng chẳng có gì để làm nên chỉ biết gọi mấy anh em trong thôn tới uống rượu".
Các bao dong riềng đã thu hoạch nhưng không tìm được đầu ra, chất đống ở xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu).
Đối với một số dự án phát triển sản xuất như: Mô hình trồng ba kích tại Đồng Sơn (Hoành Bồ), Thanh Lâm (Ba Chẽ); trồng dong riềng (Bình Liêu); hỗ trợ chăn nuôi lợn, gà, trâu (Hoành Bồ, Ba Chẽ, Bình Liêu), không tái đàn mở rộng sản xuất được; cung vượt cầu, không tiêu thụ được, dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp, việc thu hút cộng đồng, người dân tham gia vào các dự án tiếp theo bị hạn chế.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2018, tỉnh mới hỗ trợ 6.486/15.152 lượt hộ nghèo, cận nghèo (bằng 42,8% so với đề án phê duyệt) tham gia dự án trồng cây nông, lâm nghiệp, chăn nuôi giống gia súc, gia cầm.
Ngoài ra, việc triển khai Chương trình 135 hiện khối lượng công việc dưới xã rất lớn, tuy nhiên, do năng lực cán bộ xã, thôn, bản bị hạn chế, chưa đủ năng lực quản lý đầu tư một công trình xây dựng cơ bản; công tác thanh quyết toán hay lựa chọn các mô hình sản xuất chưa sát thực tế, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng triển khai các dự án.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vũ Kiên Cường đánh giá, cái khó nhất, ảnh hưởng đến tiến độ đưa 12 xã cuối cùng của tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn vẫn là tư duy và nhận thức của bà con. Nếu như cơ sở hạ tầng yếu kém tỉnh có thể bố trí ngân sách hỗ trợ đầu tư ngay thì tư duy và nhận thức của người dân không ai có thể làm thay được. Một khi tư tưởng người dân chưa thông, tính chủ động trong thoát nghèo vẫn ỷ lại, thì dù nhà nước có hỗ trợ nhiều vốn đến mấy cũng khó có thể triển khai thành công.
Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ đưa 12 xã cuối cùng ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và hoàn thành Chương trình 135 trước kế hoạch 1 năm. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành Chương trình 135 và đưa toàn bộ các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn vào năm 2020.
Do vậy, từ nay đến cuối năm được xác định là giai đoạn nước rút để hoàn thành mục tiêu này. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều khó khăn, bất cập cho hành trình về đích trong năm nay của các địa phương, đòi hỏi phải có những giải pháp tháo gỡ cấp bách.
"Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông".
Theo Danviet
Quảng Ninh: Trao học bổng "Vì em hiếu học" cho 70 học sinh nghèo vượt khó 70 em học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn có nhiều cố gắng vươn lên đạt thành tích cao trong học tập tại các trường Tiểu học, THCS của huyện Bình Liêu vừa được nhận học bổng "Vì em hiếu học". Trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó. Vừa qua, Hội khuyến học huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) phối...