Xưa kia ‘thét ra lửa’, về già lại sợ con
Xã hội tiến lên văn minh chả thấy đâu, chỉ thấy cha mẹ già ‘ lộ ra hết’ cái lạc hậu… Thế nên vợ chồng tôi rất sợ con về nhà.
Vợ chồng tôi chưa đến mức già yếu lú lẫn, vẫn tự lo được cho mình, nhưng bà xã trước đây “thét ra lửa” nay sợ con lắm.
Mỗi lần con ở thành phố về, bả lo lắm, tính toán ăn gì mua gì đã đành, bả còn bắt tôi dọn dẹp nhà cửa. Rồi đó thành một dịp bả xài xể tôi. Nào là tác phong sinh hoạt bừa bãi, cái gì cũng trữ trong nhà như… sạp ve chai. Riết rồi chính tôi cũng… sợ con về nhà.
Con đi xa làm ăn vất vả, vậy chúng tôi ở nhà không vất vả sao? Mong con về vui vẻ, con có dịp chăm sóc cha mẹ già đâu không thấy, mình đâm ra sợ hãi, đảo lộn sinh hoạt là sao? Tôi nói vậy thì bà bảo, thế mới biết chỉ đàn bà thương con hết lòng, chả có ai nghĩ đến mình, chỉ mong con được vui vẻ.
Rồi bà bảo tôi ích kỷ chị ạ. Xã hội tiến lên văn minh chả thấy đâu, thấy cha mẹ già “lộ ra hết” cái lạc hậu, mà già rồi làm sao sửa? Mong chị tiếp xúc nhiều, có kinh nghiệm gì hay trao đổi với tôi. Kính chúc chị sức khỏe.
Phạm Văn Tú (Đồng Nai)
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Kính gửi bác Tú,
Cũng có nhiều người gặp chuyện như bác, khiến tôi nghĩ đến việc thay đổi như một xu hướng cuộc sống hiện nay. Nhiều người lớn (chứ chưa cần… già) đã mắc “bệnh sợ con”. Các mẹ “bỉm sữa” nhìn quán xuyến quyền uy thế chứ cũng… không thoát nỗi sợ này. Ý thích của con như là mệnh lệnh với họ vậy, phải cố xoay xở đáp ứng cho được.
Lý lẽ là: con cái chúng ta cũng… khổ lắm, cha mẹ không thương con thì thương ai bây giờ? Nhất là mấy đứa phải sống xa cha mẹ, chả có ai lo cho, vậy chiều nó là hợp lý.
Các nhà nghiên cứu còn gọi thế hệ chúng nó là “nõn nà tự kiêu”, thế hệ… bấm bấm công nghệ sành sỏi. Lớn chút chúng thích có phòng riêng, mỗi khi người lớn ra vào tùy tiện, chúng còn… lườm nguýt vì xâm phạm riêng tư. Có khách đến bắt ra chào là khổ lắm. Có đứa đồ đạc bừa bộn, mẹ lừa lúc nó đi vắng, lẻn vào phòng dọn, về nhà nó la toáng lên “mẹ làm lung tung hết đồ của con, tìm muốn chết! Lần sau đừng có mà… tùy tiện vậy nữa nha”.
Nhiều thói quen do môi trường sống và do chính chúng ta đã tạo ra cho con.
Những đứa ở nông thôn như con của bác, sau lớn lên, trưởng thành, quen nếp sống đô thị, khi về nhà đã không chịu nổi thói quen ở nhà. Người già lại còn trái tính, lú lẫn nữa. Con nó cho ăn, không chịu, bị ép ăn thì cằn nhằn “phức tạp quá”, thấy… khổ vì được chăm sóc.
Bác nên thấy vợ bác, cũng già đi rồi, nhưng vất vả vì lo làm đẹp lòng con ở xa về, nên có lúc cáu kỉnh nặng nhẹ. Cần được thông cảm, mỗi người nỗ lực cố sống sạch sẽ ngăn nắp đón con về cho con vui. Nhưng đến nỗi bác gái phải “quy kết lên án chồng” thì hơi quá, ít nghĩ sâu xa.
Trong các cuộc trò chuyện với con cái ở xa về, nên cho chúng biết những cái khó của cha mẹ – chứ không chỉ cố làm đẹp lòng con, cứ về “xả hơi” rồi ba mẹ lo hết. Cũng nên vui vẻ cho con biết, các anh chị sau này cũng sẽ thế, là người già sửa sai không… nhanh được, nhiều “bệnh”- kể cả bệnh… phi lý.
Thí dụ như ai chả biết ăn được là tốt, nhưng với người sợ ăn, có khi cần sự thông cảm và hỗ trợ, chứ đừng có… dọa hay giận.
Bác chỉ cần không cãi, “tỏ ra ủng hộ chủ trương” là bác gái vui. Kính chúc hai bác sức khỏe.
Đắng họng khi thấy họ hạnh phúc
Em nghĩ, nếu em khăng khăng giữ anh ấy, không đồng ý chia tay, có thể em đã có được hạnh phúc của mình...
Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em năm nay 31 tuổi, hiện đang đi làm và còn độc thân. Số phận em không may mắn, quen biết người nào cũng gặp trắc trở. Lần gần nhất em quen một người đã có gia đình, đang sống ly thân. Mối quan hệ của tụi em kéo dài hơn một năm, trong thời gian đó anh đã mấy lần nộp đơn ly hôn, nhưng cuối cùng thì không ly hôn nữa. Lý do là vợ anh bị phát hiện mắc bệnh nặng, hình như là ung thư, chị ấy xin anh trở về với gia đình, nuôi dạy các con.
Bạn trai em rất dằn vặt về trách nhiệm với mấy đứa nhỏ. Chuyện nhà họ hoàn cảnh quá. Em nghĩ mình cũng không thể giành giật trong vụ này, nên nói anh muốn quyết định sao cũng được. Cuối cùng họ đã về với nhau.
Một lần, em gặp lại bạn trai cũ đang đưa cả nhà đi siêu thị. Chị vợ anh ấy đi cùng, trông vẫn khỏe mạnh, cao lớn, có bệnh tật gì đâu. Hai đứa nhỏ con anh hiếu động, đùa giỡn um sùm, đòi mua món gì đó, em còn nghe chị ấy la con, cũng lớn tiếng lắm.
Em cảm giác như mình bị lừa, thấy hạnh phúc của người ta trước mắt mà nghe đắng cổ họng. Nếu như cách đây mấy tháng em khăng khăng giữ anh ấy, không đồng ý chia tay, có thể em đã có được hạnh phúc của mình...
Bình Mi (TP.HCM)
Ảnh minh họa
Em Bình Mi thân mến,
Nhiều sự việc, người ngoài khó có thể kết luận được là tốt hay không tốt, khỏe mạnh hay ốm đau, hạnh phúc hay bất hạnh. Em mới gặp gia đình người ta một lần ở siêu thị, một hình ảnh thoáng qua, dù trực quan có thể cho mình vài nhận xét ban đầu, nhưng cũng chưa thể chắc chắn hoàn toàn. Vậy em đừng "đắng họng" làm gì, có lỡ lần này thì nuốt xuống.
Rất có thể gia đình họ không hạnh phúc như em nghĩ đâu. Họ cũng đã qua một lần trục trặc đến ly thân, nối lại chắc không dễ dàng. Em chẳng cần quan tâm xem đó có phải là "cú lừa" hay không, bởi mọi chuyện đã qua rồi. Cứ trăn trở, băn khoăn mãi về những hình ảnh ấy, gia đình ấy, em sẽ lãng phí thời gian của mình, không được gì cả. Em cần dứt khoát, tránh tình trạng khi ai đó trở lại thở than, mình lại mềm lòng thương cảm thì không nên chút nào.
Về phía mình, em nên nghĩ đó là chuyện may cho mình. Đặt trường hợp khác, nếu họ ly hôn thật, những đứa trẻ phải chia ra theo cha hoặc mẹ, rồi mẹ chúng lại bệnh nặng thật, chắc cha chúng cũng khó mà yên ổn tận hưởng hạnh phúc mới. Bản thân em trong trường hợp đó chắc cũng khó có hạnh phúc trọn vẹn.
Bây giờ họ trở về với nhau, thật giả, hay dở, anh bạn em là người hiểu hơn ai hết. Nếu có gì, chính anh ta mới là người phải tiếc nuối, không phải em. Nếu chị vợ chỉ bịa ra câu chuyện ấy để kéo chồng về, sớm muộn gì cũng vỡ lở. Tuy nhiên, mình xác định không sống để đợi cái ngày ấy, phải không em, mình có cuộc đời của mình. Cuộc đời ấy đáng giá hơn nhiều.
Hãy bình an, vui vẻ sống và đón đợi hạnh phúc của mình. Tuổi 30 với phụ nữ hiện đại vẫn là rất trẻ. Thanh xuân của em vẫn chưa hết. Ông bà vẫn dạy "chớ thấy duyên muộn mà phiền" đó thôi. Thay đổi nếp sống cũ của mình, không nghĩ về chuyện ai lừa ai nữa, tìm thêm những hoạt động mới, những niềm vui mới... sau một thời gian nữa em sẽ lấy lại được tinh thần tự lập như vốn có. Chúc em mạnh mẽ lên nhé, và nhiều niềm vui.
Những lời chúc ngày Gia đình Việt Nam hay và ý nghĩa Nhân ngày Gia đình Việt Nam, hãy gửi lời chúc đến người thân yêu của mình bạn nhé. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn. Lời chúc tặng bố mẹ Ngày Gia đình Việt Nam, con muốn gửi lời chúc tới những người quan trọng nhất đối với con, đó chính là bố mẹ. Chúc bố mẹ kính yêu của con...