Xử vụ ông Đinh La Thăng: “Đề nghị chỉ rõ nhóm lợi ích có những ai?”
“Có phải các bị cáo này vì quá nóng vội, quyết liệt, muốn góp phần vào công nghiệp hóa, điện khí hóa đất nước mà mắc phải sai lầm là đã đồng ý chuyển tiền cho Ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 để chuyển tạm ứng cho PVC hay vì lợi ích nhóm?”, luật sư Đỗ Ngọc Quang nói.
Sáng nay (13.1), phiên tòa xét xử vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư (LS) cho các bị cáo.
Phiên tòa sáng nay, bị cáo Trịnh Xuân Thanh ngồi hàng ghế đầu tiên. Ảnh: TTXVN
LS Đỗ Ngọc Quang – người bào chữa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh và Lê Đình Mậu – mở đầu phần tranh luận đã nói thấy đau lòng khi lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đứng trước công đường sau nhiều năm đóng góp.
LS Quang nêu vấn đề, có phải các bị cáo này vì quá nóng vội, quyết liệt, muốn góp phần vào công nghiệp hóa, điện khí hóa đất nước mà mắc phải sai lầm là đã đồng ý chuyển tiền cho Ban quản lý dự án NMNĐ Thái Bình 2 để chuyển tạm ứng cho PVC hay vì lợi ích nhóm?
“Nếu thực sự có lợi ích nhóm trong vụ án này thì phần luận tội của VKS cũng kính đề nghị đại diện VKS chỉ ra nhóm lợi ích này có những ai và lợi ích của nhóm này thể hiện như thế nào để kết luận chắc chắn vì lợi ích nhóm nên các lãnh đạo PVN đã có hành vi nêu trong cáo trạng”, LS Quang nêu.
Theo LS Quang, qua các lời khai của bị cáo đều khẳng định, lãnh đạo PVN, nhất là Chủ tịch HĐTV Đinh La Thăng lúc đó rất quyết liệt chỉ đạo xây dựng cho được NMNĐ Nhiệt điện Thái Bình 2 đúng thời gian, tiến độ, thiết kế, pháp luật.
“Ngay tại phiên tòa, bị cáo Ninh Văn Quỳnh – nguyên Trưởng ban Kế toán – Kiểm toán PVN đã khai rõ điều này và nhận thấy bản thân mình có hành vi làm trái có liên quan đến việc chuyển tiền từ PVN sang Ban quản lý dự án NMNĐ Thái Bình 2 để chuyển sang Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC). Mong HĐXX xem xét rõ vấn đề này do bị cáo buộc phải làm vì chịu áp lực của Tập đoàn lúc bấy giờ”, LS Quang nói.
Đối với bị cáo Lê Đình Mậu – nguyên Phó Trưởng ban Kế toán – Kiểm toán PVN, theo LS Quang, tại phiên toà, bị cáo Ninh Văn Quỳnh cũng đã khai bị cáo Mậu đã làm đúng theo sự uỷ quyền, không trái với các nhiệm vụ được Tập đoàn PVN giao. LS bào chữa đề nghị HĐXX xem xét cho Mậu được hưởng một số tình tiết giảm nhẹ như người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải; có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác…, xem xét cho Mậu được áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo.
Cũng trong sáng nay, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó Tổng giám đốc PVN, LS Lê Đình Ứng cho biết: Ở giai đoạn điều tra, ông Sơn không muốn nhờ LS mà muốn tự bào chữa. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu nên bị cáo Sơn mới nhờ LS bào chữa.
Bị cáo Sơn là người từng bị TAND TP.Hà Nội tuyên án tử hình trong đại án OceanBank về 3 tội: Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện Nguyễn Xuân Sơn đang kháng cáo bản án này.
Trong vụ án này, bi cáo Nguyễn Xuân Sơn bị đề nghị mức án từ 10 – 11 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. VKS cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2, Nguyễn Xuân Sơn biết rõ hợp đồng EPC số 33 được ký trái quy định nhưng vẫn chỉ đạo Ban quản lý dự án tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.321 tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng sai mục đích gần 1.116 tỷ đồng, không đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, Viện KSND Tối cao truy tố các bị cáo về tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Tham ô tài sản là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.”Hành vi phạm tội của các bị cáo là biểu hiện một phần của tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, không chỉ thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động xấu đến chính trị, xã hội, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân”, vị đại diện VKS nói.
Theo Danviet
Luật sư đề nghị dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản con trai Trịnh Xuân Thanh
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét xử lý giải quyết việc dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản đứng tên con trai Trịnh Xuân Thanh.
Sáng nay (12.1), phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận của luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS đề nghị tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an để đảm bảo cho việc thi hành án gồm: biệt thự tại một khu đô thị sinh thái, căn hộ số 15F05 (The Costa 32-34 Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa) và xe ô tô Mazda CX5 màu trắng đã giao cho Trịnh Hùng Cường (con trai bị cáo Trịnh Xuân Thanh) bảo quản và phong tỏa tài khoản, sổ tiết kiệm của vợ, chồng Trịnh Xuân Thanh - Trần Dương Nga cùng 2 con trai (Trịnh Hùng Cường, Trịnh Hùng Phương).
Đại diện VKS cũng đề nghị phong tỏa chứng khoán của Trịnh Xuân Thanh và vợ, không cho chuyển nhượng.
Sáng nay, luật sư của Trịnh Xuân Thanh, bà Trần Hồng Phúc trong phần tranh luận đã đề nghị HĐXX xem xét lại việc xử lý tài sản kê biên của vụ án này.
Theo luật sư Phúc, việc kê biên tài sản trước đây là hoàn toàn đúng pháp luật. Nếu xác định đây là tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham ô của bị cáo, thì đây là biện pháp để bảo đảm thi hành án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước.
Nhưng theo lời khai của anh Cường, những tài sản nói trên là tài sản ông bà nội cho. Anh Cường hoàn toàn không có lời khai nào xác định đây là tiền do bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho con trai.
Điều này được thể hiện trong hợp đồng tặng cho tiền, ông bà Trịnh Xuân Giới tặng cho anh Cường số tiền trong 6 sổ tiết kiệm.
Anh Cường khai việc anh mua các tài sản (đã bị kê biên) bằng số tiền ở 6 sổ tiết kiệm ông bà cho. Hợp đồng tặng cho tiền nói trên được lập năm 2011, ở thời điểm chưa xảy ra hành vi tham ô ở PVC.
Vẫn theo luật sư Phúc, số tài sản trên không phải là tài sản anh Cường có được từ nguồn tiền tham ô của bố (nếu có), mà đây là tài sản hợp pháp mà anh Cường được ông bà nội cho. Còn trách nhiệm chứng minh vấn đề này thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.
"Đề nghị HĐXX xem xét xử lý giải quyết việc dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản", luật sư Phúc đề nghị.
Luật sư Phúc nêu: "Tại phiên tòa hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục nộp biên lai của Chi cục Thi hành án Hà Nội đã thu tiếp số tiền 2 tỷ đồng. Như vậy, chúng tôi mong HĐXX lưu tâm, xem xét, đánh giá ý thức trách nhiệm của bị cáo Thanh đối với việc xảy ra tham ô tại PVC về phần khắc phục hậu quả".
Con số đáng chú ý trong phiên xử ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Nguồn: Zing
Theo T.Nhung (VNN)
Luật sư nêu vụ Hoa hậu Phương Nga để bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh Luật sư Nguyễn Văn Quynh - bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nói: Nội dung bản luận tội vẫn cáo buộc bị cáo Trịnh Xuân Thanh quanh co, chối tội là rất khiên cưỡng, không phù hợp với các quy định có lợi cho người phạm tội. Ông Quynh đề nghị VKS lưu tâm, xem xét lại, áp dụng những...