Xử trí bị cháy nắng sau tắm biển
Bạn đọc Ngọc Diễm (Đồng Nai) hỏi: “Vừa rồi, tôi đi chơi biển ở Vũng Tàu về thì da bị rát, đỏ, sưng tấy, thậm chí bong tróc. Tôi cũng thường đi tắm biển vào mùa nắng nhưng trước nay chưa có tình trạng này. Xin bác sĩ tư vấn giúp?”.
Ảnh minh họa
TS-BS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, trả lời: Khi da bị cháy nắng, bạn cần ngưng ngay việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, làm dịu da bằng cách đắp mát, thoa các loại sữa dưỡng thể hoặc kem dưỡng ẩm làm dịu da, bù bằng đường uống nếu có mất nước nhẹ.
Nếu đỏ da, đau rát nhiều, bạn có thể sử dụng một số thuốc kháng viêm và giảm đau đường uống theo chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, như có dấu hiệu của bỏng nặng, da rộp nước nhiều hay có mất nước nhiều, bạn nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Chúng ta có thể chủ động phòng ngừa bị cháy nắng cụ thể như sau: tránh tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời trong khoảng từ 10 giờ đến 16 giờ. Khi tham gia các hoạt động ngoài trời, nên sử dụng áo dài tay, quần dài, nón rộng vành và đeo kính mát để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Video đang HOT
Thoa kem chống nắng đúng cách: chọn kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên, thoa lượng đủ dày, thoa kem chống nắng ít nhất 20 phút trước khi ra ngoài, thoa lại sau mỗi 2 giờ hoặc sau khi tắm hay ra mồ hôi nhiều. Thoa kem chống nắng cả khi thấy trời râm mát. Kết hợp thoa kem chống nắng và sử dụng viên uống chống nắng theo chỉ định của bác sĩ.
Ng.Thạnh ghi
Theo Người lao động
Tắm nắng mùa xuân coi chừng hủy hoại làn da
Nhiều bệnh nhân đã phải đến bệnh viện kiểm tra bởi những bất thường trên làn da sau khi đi tắm nắng mùa xuân. Bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần hạn chế tiếp xúc ánh nắng từ 11 giờ đến 15 giờ.
Vào mùa xuân, Bệnh viện Da Liễu TPHCM thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị dị ứng với ánh nắng dẫn đến tình trạng da xuất hiện những nốt đỏ, mảng đỏ cho đến mụn nước, bóng nước có thể gây ngứa hay bỏng rát. Phát ban thường xuất hiện ở những vùng da dễ nhận thấy nên gây mặc cảm cho người bệnh.
Không chỉ có nữ giới mà nam giới cũng đối mặt với tình trạng này, trường hợp gần đây nhất là bệnh nhân nam, M.T.D. (51 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp) đến bệnh viện thăm khám khi da vùng cổ và ngực, vai, lưng xuất hiện nhiều mảng đỏ, nổi mụn nước...
Làn da bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng khi vừa tắm biển vừa tắm nắng
Qua khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía người bệnh được biết, trước đó ông T.D. đã cùng gia đình đi tắm biển. Trong tiết trời mát mẻ, ông đã không để ý đến những tác động từ ánh nắng mặt trời nên thường xuyên vừa tắm biển, vừa phơi nắng mà không có bất kỳ biện pháp nào để bảo vệ làn da.
BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu cho biết, trường hợp của bệnh nhân M.T.D. kể trên được chẩn đoán là "phát ban đa dạng do ánh sáng". Đây là một phản ứng da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời chỉ với thời gian khoảng 20 phút. Biểu hiện với những nốt đỏ, mảng đỏ cho đến mụn nước, bóng nước và có thể gây ngứa, nóng rát.
Không chỉ những người tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, bác sĩ cảnh báo những người tiếp xúc gián tiếp cũng có thể bị phát ban khi tiếp xúc với ánh nắng xuyên qua cửa sổ và một số trường hợp xảy ra với bóng đèn huỳnh quang. Cơ chế mà ánh sáng gây phát ban chưa được sáng tỏ, có lẽ là một phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Theo BS Phương Thảo, phát ban thường xảy ra vào mùa xuân, sau khi bệnh nhân đi chơi, tiếp xúc với ánh nắng hoặc đến những quốc gia có nhiều nắng. Về đối tượng thì nữ dễ bị hơn nam. Bệnh thường khởi phát trước năm 30 tuổi và có khuynh hướng nặng dần theo thời gian. Mọi loại da đều có thể bị nhưng thường gặp ở người da sáng màu. Bệnh không lây và không liên quan đến ung thư da. Bệnh được chẩn đoán dựa trên biểu hiện của phát ban và tiền sử tiếp xúc với ánh nắng.
Cần có giải pháp bảo vệ làn da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (ảnh minh họa)
Hiện nay vẫn chưa có thuốc trị khỏi hẳn phát ban đa dạng do ánh sáng. Tuy nhiên, có thể phòng ngừa tái phát bằng cách tránh tiếp xúc với ánh nắng và sử dụng kem chống nắng. Ngoài ra, đối với một số người, bệnh có thể tự khỏi dần sau một vài năm khi da trở nên dung nạp hơn với ánh nắng.
Ước tính, có khoảng 10% dân số bị phát ban đa dạng do ánh sáng. Vì vậy, để phòng bệnh hoặc ngừa bệnh tái phát, BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo khuyến cáo cộng đồng nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng thời gian 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Khi sử dụng kem chống nắng nên chọn loại có SPF từ 30 trở lên để bảo vệ chống lại UVB, và chỉ số UVA từ 4 đến 5 (kem chống nắng phổ rộng), thoa trước khi ra nắng 15 - 30 phút, lặp lại mỗi 2 giờ, sau khi đi bơi và đổ mồ hôi.
Bên cạnh việc sử dụng kem chống nắng, cần phối hợp thêm với các biện pháp khác như mặc quần áo dài tay, ở trong bóng râm, khi có biểu hiện của bệnh, cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được khám, tư vấn và điều trị phù hợp.
VÂN SƠN
Theo Dân Trí
Thay đổi giọng ở trẻ em có đáng lo không? Phát hiện giọng nói trẻ thay đổi, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ và thay vì lo lắng hãy tìm hiểu kỹ triệu chứng này. Khàn tiếng chiếm khoảng 2% trong số các trường hợp trẻ em bị thay đổi giọng và đây là dấu hiệu mà các bậc phụ huynh phải lưu ý để đưa trẻ đi...