Xử phạt xe không chính chủ: Cần hiểu đúng quy định pháp luật
Trong những ngày gần đây, dân mạng đang hết sức xôn xao về quy định tăng mức phạt tiền đối với hành vi “ xe không chính chủ” tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Vậy thực chất quy định này là gì? Ai phải lo lắng về quy định này? Liệu người điều khiển xe mượn, xe thuê có bị xử phạt về hành vi này hay không?
Ảnh minh họa.
Theo quy định hiện hành, ngay cả Luật giao thông đường bộ 2008 và các văn bản hướng dẫn cũng không có hành vi nào là “xe không chính chủ”. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA và Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì ta có thể hiểu lỗi “xe không chính chủ” ở đây chính là hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.
Video đang HOT
Theo đó, chủ phương tiện mô tô, ô tô và các loại xe tương tự khi có phát sinh giao dịch như mua bán, tặng cho, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản mà không thực hiện việc đăng ký sang tên xe trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe thì sẽ bị phạt tiền, trong đó, đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy, mức phạt tối đa lên đến 600.000 đồng nếu là cá nhân, 1.200.000 đồng nếu là tổ chức, đặc biệt, đối với chủ xe ô tô, mức phạt tối đa này sẽ lên đến 4.000.000 đồng nếu là cá nhân, 8.000.000 đồng nếu là tổ chức.
Có thể thấy, rõ ràng theo quy định tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, việc xử phạt đối với hành vi “xe không chính chủ” chỉ áp dụng đối với người điều khiển phương tiện là chủ xe mô tô, xe máy, xe ô tô và các loại xe tương tự, tức phải là chủ sở hữu của phương tiện.
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu phương tiện là người có 03 quyền sau: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Như vậy, đối với người điều khiển phương tiện không đủ 3 quyền trên, tức là không phải chủ sở hữu phương tiện thì không thuộc phạm vi điều chỉnh, không phải là đối tượng xử lý của các điều khoản trên. Điều đó có nghĩa, người điều khiển phương tiện đi thuê, đi mượn hoặc sử dụng chung phương tiện với người thân trong gia đình để tham gia giao thông sẽ không bị xem xét, xử lý về hành vi “xe không chính chủ”.
Ngoài ra, Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100 quy định việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm lỗi “xe không chính chủ” của chủ phương tiện chỉ được thực hiện khi cá nhân, tổ chức đến cơ quan CSGT đề thực hiện thủ tục đăng ký, di chuyển xe hoặc trong quá trình điều tra giải quyết các vụ tai nạn giao thông. Lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường khi tiến hành kiểm tra giấy tờ xe sẽ không xác minh và xử phạt đối với hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (tức xe không chính chủ).
Như vậy, nếu người điều khiển xe mang theo đầy đủ giấy tờ của xe như đăng ký xe, bảo hiểm xe, GPLX,… và không có hành vi vi phạm giao thông nào thì lực lượng CSGT cũng không được quyền dừng xe kiểm tra, xác minh và xử phạt đối với hành vi điều khiển xe không chính chủ này.
Tấn Quang – Thanh Hải
Theo phapluatplus.vn
Từ năm 2020, tăng gấp đôi mức phạt lỗi xe không chính chủ
Mức xử phạt đối với lỗi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe có thể bị phạt tiền lên tới 8 triệu đồng kể từ năm 2020, tăng gấp 2 lần so với quy định trước đây.
Phạt lỗi xe không chính chủ tăng lên gấp đôi so với trước. (Ảnh minh họa: Internet)
Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016 của Chính phủ vừa chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020 nêu rõ mức xử phạt tăng lên gấp đôi khi chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên, xe không chính chủ (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển hoặc được thừa kế.
Cụ thể, theo quy định mới, các cá nhân có thể bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng khi không làm thủ tục đăng ký sang tên các loại ô tô. Hành vi này đối với với tổ chức sẽ bị phạt từ 4 - 8 triệu đồng. Mức xử phạt theo quy định mới tăng gấp đôi so với quy định trước đây.
Tương tự, đối với chủ xe máy, việc không làm thủ tục đăng ký sang tên xe có thể bị phạt từ 400 - 600.000 đồng (trước đây mức phạt là 100 - 200.000 đồng); Trường hợp chủ xe là tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng (trong khi trước đây bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng).
Nghị định mới cũng nhấn mạnh, các phương tiện chưa làm thủ tục đăng ký xe hoặc đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tải sản thì cá nhân, tổ chức đã mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện.
Thông tin tham khảo thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện gồm các hồ sơ thủ tục như sau: Bản khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đó thường trú; Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe; Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng; Giấy chứng nhận đăng ký xe. Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Trong trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe thì hồ sơ đăng ký sang tên gồm: Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đó thường trú; Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe; Giấy chứng nhận đăng ký xe.
Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Theo HN/ICTnews
Tài xế cố thủ 3 giờ, liên tục uống nước khi bị kiểm tra nồng độ cồn Khi CSGT kiểm tra nồng độ cồn, nam tài xế khóa cửa, cố thủ trong xe và liên tục uống nước. Hơn 3 giờ sau, ông này bước ra ngoài khi thấy cảnh sát dán niêm phong xe. Khoảng 13h ngày 8/1, trên quốc lộ 5, đoạn qua thôn Bầu, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, CSGT Hải Dương kiểm tra nồng...