Xử phạt nguội vi phạm giao thông: Vì sao hiệu quả chưa được như mong muốn?
Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang triển khai thực hiện xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh camera (phạt nguội). Thế nhưng, một số bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện đã khiến công tác này vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong áp dụng công nghệ thông tin vào việc giám sát, xử lý vi phạm giao thông.
Vẫn còn nhiều bất cập
Phạt “nguội” không chỉ thể hiện chính xác hành vi vi phạm mà còn giúp giảm bớt sự có mặt thường xuyên của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên đường, hạn chế tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm. Vì vậy, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông được nâng cao, góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.
Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, truy tìm và xử lý đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được nhiều nước thực hiện. Ở Việt Nam, từ năm 2008, Cục CSGT đã thử nghiệm hệ thống giám sát, xử lý vi phạm giao thông trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Đến nay, hệ thống giám sát giao thông đã được triển khai tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Nai… và trên một số tuyến cao tốc.
Thông qua hệ thống giám sát, các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông được ghi nhận và truyền dữ liệu về Trung tâm chỉ huy để sàng lọc, phân tích. Ngay sau đó, thông tin này có thể được thông báo đến các tổ công tác làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ngoài hiện trường biết, dừng phương tiện kiểm soát, xử lý theo đúng quy định.
Trường hợp chưa có điều kiện dừng được phương tiện tại thời điểm đó, dữ liệu được biên tập báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức xác minh, gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện, đến cơ quan công an nơi có vi phạm bị phát hiện để giải quyết.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chủ trương phạt nguội hiện nay vẫn chưa rộng, tỷ lệ phạt nguội còn thấp và đối tượng tập trung xử lý chủ yếu vẫn chỉ là trường hợp vi phạm của xe ô tô.
Ngoài ra, hành lang pháp lý để xử lý phạt nguội cũng chưa đầy đủ. Cụ thể, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục xử lý đối với các trường hợp phát hiện các phương tiện vi phạm nhưng không dừng ngay được phương tiện, nhiều quy định còn chung chung.
Việc đóng phạt chủ yếu dựa trên tinh thần tự giác của chủ phương tiện chứ chưa có chế tài xử lý chủ phương tiện cố tình không đến làm việc theo thông báo vi phạm hoặc không thừa nhận là người điều khiển phương tiện vi phạm, không biết người điều khiển là ai. Một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về chuyển quyết định xử phạt, thu tiền phạt qua tài khoản… còn chưa đầy đủ, rõ ràng.
Ngoài ra, thiết bị phục vụ cho việc giám sát chưa đầy đủ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn trong việc xử lý phạt nguội. Hiện nay, hệ thống giám sát mới chỉ tập trung ở những khu vực trọng điểm nội đô và các tuyến quốc lộ, chưa rộng khắp nên chưa thể triển khai việc phạt nguội một cách rộng rãi. Cùng với đó, sự kết nối trong hệ thống camera giám sát giao thông vẫn chưa đồng bộ, dẫn đến lãng phí trong đầu tư nguồn lực.
Video đang HOT
Theo Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội, hiện đơn vị này đang quản lý, sử dụng 450 camera giám sát, phát hiện vi phạm giao thông tại các nút giao thông trọng điểm và các tuyến phố ở khu vực nội đô. Với số lượng trang thiết bị như hiện nay thì không thể bao quát và xử lý vi phạm trên toàn địa bàn TP. Trong khi đó, việc đầu tư lắp đặt trang thiết bị cho việc xử lý vi phạm qua hình ảnh theo hình thức xã hội hóa chưa thực hiện được do chưa được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Làm sao để việc phạt nguội được khả thi hơn
Phạt nguội là chủ trương văn minh, nhưng nếu thực hiện không đến nơi đến chốn dễ tạo hoài nghi trong dư luận. Vì vậy, theo một số chuyên gia, cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phạt nguội để kịp thời khắc phục những “lỗ hổng”, bất cập.
Trong đó, cần tập trung quy định về các chế tài mạnh bắt buộc người vi phạm đến nộp phạt (như: cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, mức phạt lũy tiến và phương tiện vi phạm không được đăng kiểm; quy định chặt chẽ về trách nhiệm ràng buộc giữa chủ sở hữu và người sử dụng phương tiện; khuyến khích chủ phương tiện làm thủ tục sang tên, đổi chủ.
Nghiên cứu luật hóa quy định lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng hình ảnh ghi nhận về hành vi vi phạm hành chính về giao thông do tổ chức, cá nhân cung cấp để làm cơ sở xử phạt; phương thức thông báo quyết định xử phạt lỗi vi phạm qua trang web, tin nhắn, facebook…
Một biện pháp quan trọng không thể thiếu là tăng cường tuyên truyền cho người dân ủng hộ chủ trương phạt nguội và chấp hành nộp phạt nếu vi phạm, tính toán những đợt cao điểm xử lý kết hợp tuyên truyền ở những tuyến đường trọng điểm để nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Về giải pháp căn cơ lâu dài, cần triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý thông tin của người lái theo địa chỉ, về xử lý vi phạm hành chính để xử lý phạt nguội thuận lợi hơn.
Đăng ký xe phải kèm theo có tài khoản ngân hàng
Theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Đoàn Luật sư TP HCM, quá trình xử phạt gặp khó khăn và không hiệu quả chủ yếu do hai nguyên nhân chính: Một là việc mua bán xe không sang tên đổi chủ dẫn tới lực lượng chức năng khó xác định người vi phạm. Về vấn đề này, chúng ta cần làm gắt gao hơn, quy định chặt chẽ hơn về việc sang tên, đổi chủ xe.
Nguyên nhân thứ hai là việc CSGT mời chủ xe đến làm việc, thực hiện đóng phạt vẫn thực hiện thủ công, rườm rà nên mất thời gian. Người vi phạm sẽ có lý do lẩn tránh. Ở các nước trên thế giới, họ khấu trừ luôn vào tài khoản tại ngân hàng của chủ xe.
Tại Việt Nam, chúng ta cũng nên áp dụng việc khi công dân đi đăng ký xe thì kèm theo tài khoản ngân hàng. Khi vi phạm giao thông, bị rơi vào trường hợp phạt nguội mà người vi phạm không chấp hành thì sẽ bị trừ tài khoản ngân hàng. Ngân hàng sẽ gửi đầy đủ nội dung bị khấu trừ cho người dân.
Cần có quy chế phối hợp chặt chẽ hơn trong việc phạt nguội giữa công an và cơ quan đăng kiểm.
S.Nguyễn (ghi)
Theo Phapluat
Phòng ngừa tiêu cực xử lý vi phạm giao thông bằng ứng dụng công nghệ giám sát
Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành, xử lý vi phạm giao thông không những nâng cao hiệu quả các mặt công tác này, mà còn giúp tăng cường giám sát, phòng ngừa tiêu cực nảy sinh từ người thực thi công vụ, nhất là tình trạng "tham nhũng vặt".
Công nghệ thông tin đã và đang được ứng dụng mạnh trong công tác giám sát, xử lý vi phạm giao thông
Khai thác kỹ các "kênh" thông tin
Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương có số lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) nhiều nhất cả nước. Mặc dù vậy, so với yêu cầu thực tế trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) hiện nay, lực lượng CSGT lúc nào cũng trong tình trạng thiếu người. Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết: "Dù rất cố gắng, song CSGT cũng chỉ có thể phát hiện ra vi phạm tại nơi mình làm nhiệm vụ.
Ở những tuyến đường có hệ thống camera giám sát, những vi phạm này sẽ bị các "mắt thần" này ghi lại. Tuy nhiên, không phải bất cứ tuyến đường nào, khu vực nào hiện cũng có CSGT hay được trang bị đầy đủ camera. Những vi phạm tại các vị trí này rất cần được người dân ghi lại, thông tin đến lực lượng CSGT để xử phạt".
Vậy làm thế nào để người dân có thể gửi được những hình ảnh, video, thông tin về vi phạm của các phương tiện khác trên đường tới lực lượng CSGT? Có cần lập một cổng thông tin để tập hợp hình ảnh vi phạm giao thông do người dân ghi lại, làm căn cứ phạt "nguội"? Đây là câu hỏi và ý kiến đề xuất của không ít người dân cũng như trăn trở của lãnh đạo Cục CSGT, Bộ Công an.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT khẳng định: "Nghị định 46 đã quy định và Cục CSGT cũng luôn mong muốn nhận được những hình ảnh, video vi phạm Luật Giao thông mà người dân gửi đến để CSGT xác minh xử lý. Hiện Cục CSGT đang chủ động nghiên cứu, xây dựng các phần mềm ứng dụng để nâng cao hiệu quả việc tương tác giữa CSGT với người dân, lái xe".
Được biết, từ năm 2018, nhằm tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình TTATGT, hoạt động của lực lượng CSGT, Cục CSGT đã công bố số điện thoại đường dây nóng là 0995.67.67.67. Trước đó, Cục CSGT đã có đường dây nóng, tuy nhiên là số điện thoại cố định nên việc tiếp nhận thông tin vẫn còn hạn chế. Nếu hệ thống tương tác trực tuyến gửi hình ảnh, video vi phạm Luật Giao thông của Cục CSGT cũng như CSGT toàn quốc được triển khai, chắc chắn hiệu quả xử lý cũng như ý thức của người dân sẽ được nâng cao hơn rất nhiều.
Cục CSGT hay các Phòng CSGT ở Công an địa phương khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh người dân cung cấp đều nhanh chóng xác minh, xử lý vi phạm "nguội". Thống kê của Cục CSGT cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, có hàng chục trường hợp lái xe đi ngược chiều trên cao tốc đã bị đơn vị xử lý. Những hình ảnh về phương tiện vi phạm đều được người dân, cơ quan chức năng chuyển đến CSGT. Tại Hà Nội, từ năm 2016 đến tháng 6-2019, CSGT đã xử phạt "nguội" hơn 200 trường hợp vi phạm Luật Giao thông do người dân gửi hình ảnh vi phạm của phương tiện đến.
Ứng dụng tra cứu phương tiện vi phạm trên website rất thiết thực với người dân và lái xe
Việc tiếp nhận và xử lý thông tin người dân chuyển đến qua các "kênh" khác nhau bước đầu đã đạt hiệu quả. Theo đại diện Cục CSGT, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thành lập Ban nghiên cứu Đề án ứng dụng Công nghệ thông tin của Cục CSGT. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục CSGT đang phối hợp với các chuyên gia công nghệ bàn thảo xây dựng ứng dụng trên điện thoại di động để tiếp nhận thông tin, hình ảnh, video phương tiện, người tham gia giao thông vi phạm được người dân chuyển về.
Đại diện Cục CSGT khẳng định, đơn vị đang nghiên cứu triển khai cách thức giám sát của người dân với lực lượng chức năng sao cho "vừa đảm bảo an ninh, an toàn và phù hợp với văn hoá ứng xử".
Ngăn ngừa "tham nhũng vặt"
Để phòng ngừa cán bộ chiến sĩ sai phạm trong quá trình làm nhiệm vụ, Cục CSGT cũng như chỉ huy các đơn vị, địa phương đã ban hành các kế hoạch, thông báo, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành điều lệnh Công an nhân dân, quy trình quy định công tác. Cùng với đó là ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào giám sát, quản lý đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Cục CSGT cũng đang nghiên cứu công khai tuyến, địa bàn, kế hoạch tuần tra kiểm soát của CSGT trên website của Cục CSGT để người dân biết. Khi người dân và CSGT tăng cường tương tác thông qua công nghệ, thiết bị thông minh, sẽ không chỉ hỗ trợ và hiệu quả trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm mà còn nâng cao tính giám sát, phòng ngừa tiêu cực từ chính lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội đánh giá: "Chắc chắn, việc xây dựng "app" trên điện thoại thông minh sẽ giúp triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, phòng ngừa và xử lý nghiêm đối với vi phạm. Căn cứ vào những hình ảnh, thông tin, video mà người dân gửi đến, CSGT có thể xác minh, có thêm căn cứ để xử lý phạt "nguội".
Chỉ huy phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết, bên cạnh sự quyết liệt trong việc siết chặt lại tư thế, lễ tiết, tác phong, phòng ngừa sai phạm của CBCS, thì việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý, đã tăng cường hiệu quả trong giám sát, hạn chế tiêu cực, vi phạm của cán bộ chiến sĩ.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trên lĩnh vực tuần tra, giám sát giao thông của CSGT giúp nâng cao tính minh bạch, tăng hiệu quả giám sát, phòng ngừa tiêu cực và tạo thuận tiện cho chủ phương tiện, người dân. Ngoài trung tâm chỉ huy giao thông có đầy đủ thông tin mang tính hệ thống và kết nối đồng bộ các thiết bị đầu, cuối, ô tô Cảnh sát sẽ được trang bị, tích hợp hệ thống tra cứu dữ liệu kết nối với trung tâm chỉ huy để tra cứu nhanh phương tiện, giấy phép lái xe.
Khi đó, việc xử phạt của CSGT cơ bản theo chứng cứ thu được từ hệ thống quản lý phương tiện. Hệ thống này hoạt động tự động phát hiện và báo lỗi vi phạm về trung tâm chỉ huy hoặc xe cảnh sát. Rõ ràng, khi công nghệ hỗ trợ sức người, đặc biệt quá trình xử lý, nộp tiền phạt qua máy tính, tài khoản, hệ thống ngân hàng, hạn chế sử dụng tiền mặt, sẽ khiến hiện tượng "tham nhũng vặt" không còn "đất sống".
"Nghị định 46 đã quy định và Cục CSGT cũng luôn mong muốn nhận được những hình ảnh, video vi phạm Luật Giao thông mà người dân gửi đến để CSGT xác minh xử lý. Hiện Cục CSGT đang chủ động nghiên cứu, xây dựng các phần mềm ứng dụng để nâng cao hiệu quả việc tương tác giữa CSGT với người dân, lái xe".
Đại tá Đỗ Thanh Bình (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an)
"Chắc chắn, việc xây dựng "app" trên điện thoại thông minh sẽ giúp triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, phòng ngừa và xử lý nghiêm đối với vi phạm. Căn cứ vào những hình ảnh, thông tin, video mà người dân gửi đến, Cảnh sát giao thông có thể xác minh, có thêm căn cứ để xử lý phạt "nguội".
Thượng tá Nguyễn Thanh Hải (Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội)
Theo ANTD
Xử lý 'anh hùng mạng': Luật có vẫn khó làm! Luật an ninh mạng đã có, nhưng văn bản hướng dẫn vẫn còn đang chờ. Tuy nhiên, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe khiến những người vô cớ trở thành nạn nhân của các "anh hùng mạng" vẫn đang sống dở, chết dở. Đại biểu chia sẻ nhiều ý kiến nóng xung quanh mạng xã hội Tọa đàm "Văn hóa ứng...