Xử phạt ném, thả tiền tại di tích: Đã đúng và đủ răn đe?
Hành vi ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ tại di tích tới đây sẽ bị phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng. Quy định này nhận được sự đồng thuận từ phía các nhà quản lý. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia văn hóa vẫn bày tỏ sự băn khoăn…
Băn khoăn việc thực hiện xử phạt
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó, việc ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ tại di tích sẽ bị phạt (nghị định cũ không có quy định này). Cụ thể, hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng đã khiến dư luận xôn xao, đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.
Thả, ném tiền lẻ, xoa tiền lẻ lên tượng Phật là hình ảnh dễ bắt gặp ở các di tích lịch sử hiện nay. Ảnh: Mỵ Lương
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh Triết Việt Nam cho rằng, việc ném, thả tiền xuống ao, hồ người dân nhiều nước trên thế giới cũng có hành động này, không riêng gì Việt Nam. “Tôi đi du lịch tại Nga cũng chứng kiến cảnh người dân việc ném tiền nhưng không phải tiền giấy mà họ ném tiền đồng. Với họ, đây được coi là nét văn hóa để cầu mong việc sẽ quay trở lại nơi đó. Ở ta, người dân cũng ném nhưng với mong muốn thực dụng hơn, ném xuống để cầu may, cầu phúc. Cho nên, theo tôi Chính phủ không nên phạt hoặc mỗi nơi nên quy định chỗ để người dân ném tiền có mệnh giá vài xu, không phải tiền giấy để người dân cầu may, cầu phúc theo tập tục. Đã là tập tục không nên phạt, cấm người dân” – ông Mai cho biết.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cũng bày tỏ sự băn khoăn khi đưa ra quy định phạt việc ném, thả tiền xuống ao, hồ, di tích phải chăng cần có một đội “cảnh sát văn hóa” có mặt khắp các chùa chiền? “Việc ném tiền, thả tiền như “hối lộ” thần thánh hiện nay thật ra không đáng bao nhiêu 2.000 đồng, 5.000 đồng… nhưng việc hối lộ để chạy chức quyền, tham nhũng mới là vấn đề đáng lo ngại và cần có quy định phạt thích đáng hơn mới đúng” – ông Khắc Mai nhấn mạnh.
Video đang HOT
Từ góc độ khác, ông Nguyễn Hoài Nam – hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhận định, việc nhét tiền vào tay Phật, hòm công đức nhan nhản khắp nơi hiện gây ra sự phản cảm, lãng phí nhất định, cho nên, việc xử phạt hành vi ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ tại di tích nên làm. “Tuy nhiên, ai là người xử phạt, ai là người sẽ đứng ra chịu trách nhiệm quản lý hành động này có lẽ phải nghiên cứu kỹ. Dù rằng ở đâu cũng có ban quản lý di tích, nhưng số lượng khách hành hương đến di tích, trung tâm tín ngưỡng nhất là dịp lễ hội đông đúc có thời điểm hàng ngàn người. Và việc xử phạt này có xảy ra những điều bất cập hay không? Có lẽ chúng ta nên tuyên truyền trước để việc thể hiện tấm lòng của người dân đối với di tích được văn minh hơn, tránh hình ảnh xấu, phản cảm như vậy” – ông Nam nói.
Tuyên truyền để người dân hiểu
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Trịnh Thị Thủy – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết, trong quá trình xây dựng nghị định, phía cơ quan quản lý Bộ VHTTDL cũng đồng thuận với quy định đó. “Bởi, thực tế nếu chỉ có tuyên truyền thuyết phục không đảm bảo tính răn đe. Nhiều người chấp hành nhưng cũng không ít người không thực hiện vì nhiều lý do như a dua theo đám đông hoặc có quan điểm tín ngưỡng không được đúng theo thuần phong mỹ tục của người Việt. Người ta vẫn cứ ném, cứ thả tiền lung tung khắp nơi” – bà Thủy lý giải.
Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó, việc ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ tại di tích sẽ bị phạt (nghị định cũ không có quy định này).
Theo bà Thủy, đối với hành vi ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ tại di tích, phía cơ quan quản lý sẽ thực hiện cả hai biện pháp đó là: Tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục kết hợp với việc xử lý, xử phạt những trường hợp vi phạm nếu như cố tình tái phạm.
Đề cập về tính khả thi của Nghị định 28 khi được áp dụng, bà Thủy cũng chia sẻ, cần phải có quá trình để quy định đi vào thực tế. “Nói là quy định xử phạt nhưng mong muốn của chúng ta không phải dùng đến việc xử phạt. Có quy định xử phạt để răn đe, giáo dục những hành vi chưa đúng của con người để họ hiểu làm như vậy là không đúng và không thực hiện nữa. Đó là mong muốn lớn nhất từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Việc xử phạt như thế nào sẽ có hướng dẫn, quy định xử phạt do ban quản lý nhà nước, các địa phương, ban quản lý các di tích, ban quản lý xã hội…”.
Từ phía địa phương, ông Quách Xuân Sáu – Trưởng ban Văn hóa xã Phong Châu (Đông Hưng, Thái Bình) cho biết, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 28 liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, cán bộ địa phương cũng triển khai đến người dân để mọi người được hiểu rõ hơn về hành vi ném tiền, thả tiền xuống giếng, ao hồ tại di tích là phản cảm.
Theo Danviet
Vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản có thể bị phạt tới 2 tỷ đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 33/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, trong đó mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Hoạt động khai thác cát sỏi trên sông gây bức xúc ở rất nhiều địa phương suốt thời gian qua.
Nghị định 33/2017 quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Trong đó vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước gồm: Vi phạm các quy định về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vi phạm các quy định về hồ chứa và vận hành hồ chứa; vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; vi phạm các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm các quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các vi phạm khác trong quản lý tài nguyên nước.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản gồm: Vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về sử dụng số liệu, thông tin kết quả điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; vi phạm các quy định về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; vi phạm các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vi phạm các quy định về kỹ thuật an toàn mỏ và các vi phạm khác trong lĩnh vực khoáng sản.
Nghị định 33/2017 quy định tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 - 12 tháng.
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân, 500 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Về hình thức xử phạt bổ sung, Nghị định 33 quy định tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1-24 tháng; đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1-12 tháng; tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thực hiện đầy đủ biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; buộc xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác; buộc thực hiện các giải pháp phục hồi đất đai, môi trường...
Tại Hội nghị Minh bạch trong quá trình cấp phép khai thác khoáng sản tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp Chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết sau nhiều năm tham gia rà soát các dự án khai khoáng cùng với các tổ chức phi lợi nhuận quốc gia và quốc tế tại Việt Nam, VCCI nhận thấy hoạt động này hiện đặt ra rất nhiều vấn đề quản lý từ xây dựng khung khổ pháp luật, chính sách liên quan đến quản lý thực tiễn.
Về luật pháp, các thiết chế pháp lý liên quan đến khai thác khoáng sản tương đối minh bạch, nhưng về quy hoạch thì việc lập và sửa đổi thiếu minh bạch đã khiến những quy định trở nên khó thực thi. Điều này khiến các doanh nghiệp trong ngành phải tiếp cận thông tin khoáng sản từ phần lớn là do các mối "quan hệ", đây là điều khiến cho cơ chế đấu giá thất bại.
Chính vì vậy, VCCI đề nghị cần được minh bạch về chính sách thuế, cơ chế đấu giá, đấu thầu và nghĩa vụ liên quan theo quy định bởi thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản luôn báo cáo thua lỗ nhưng ngược lại vẫn mở rộng hoạt động. Nghịch lý này cần được làm sáng rõ.
Kha Xuân Lộc
Theo Dantri
Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2017 Vứt rác nơi công cộng bị phạt từ 5 đến 7 triệu đồng; Đi vệ sinh không đúng nơi quy định bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng; Nhiều trường hợp được miễn phí làm thẻ căn cước công dân; Đổi mã vùng điện thoại cố định trên cả nước... là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2017....