Xử lý sai phạm đất rừng Sóc Sơn: Hà Nội ra văn bản chỉ đạo “nóng”
UBND TP.Hà Nội vừa giao UBND huyện Sóc Sơn tổ chức cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lý vi phạm trong các năm 2017, 2018 trên địa bàn 10 xã, thị trấn,…
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng vừa có văn bản về việc chỉ đạo xử lý, khắc phục sau thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 10 xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn.
Theo đó, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn kiểm điểm làm rõ và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân từ năm 2006 đến năm 2018 đã buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng, để xảy ra các vi phạm như kết luận thanh tra nêu.
Đồng thời, khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội về thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Hàng loạt sai phạm đất đai xảy ra trên địa bàn huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội.
Video đang HOT
Đặc biệt, UBND TP.Hà Nội giao UBND huyện Sóc Sơn tổ chức cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lý vi phạm trong các năm 2017, 2018 trên địa bàn 10 xã (Minh Trí, Minh Phú, Phù Linh, Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Nam Sơn, Tân Minh) và thị trấn Sóc Sơn, trả lại nguyên trạng ban đầu; xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đối với các chủ sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, ông Hùng cũng yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức kỷ luật đối với Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thuỷ lợi Sóc Sơn để xảy ra vi phạm như nội dung kết luận.
Đồng thời giao Giám đốc Sở NN&PTNT kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước theo phân cấp đối với các hồ chứa nước thuỷ lợi và quản lý đất rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn. Kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức kỷ luật đối với Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội để xảy ra những vi phạm.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phải rút kinh nghiệm đối với những thiếu sót; Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Sóc Sơn trong việc làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định. Giao Giám đốc Sở Xây dựng tổ chức rút kinh nghiệm đối với thanh tra Sở Xây dựng về những thiếu sót đã được nêu tại kết luận; Giao Sở Nội vụ kiểm tra, đôn đốc việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan…
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội giao Công an TP.Hà Nội tiếp nhận hồ sơ đối với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến việc xây dựng công trình vi phạm trong quy hoạch rừng năm 2008 để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Thanh tra TP.Hà Nội đã có 2 Kết luận liên quan đến những vi phạm quản lý đất đai tại rừng phòng hộ Sóc Sơn. Cụ thể, có 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp nêu từ 2008 không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới. Đến năm 2017, huyện mới xác định 555 công trình vi phạm, nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Điển hình như chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.
Theo Danviet
'Xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn: 3 chủ công trình sai phạm xin tự tháo dỡ
Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết đã có 3 chủ đầu tư của 3 công trình sai phạm trật tự xây dựng, xâm phạm đất rừng tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) tự nguyện xin tháo dỡ công trình.
Trả lời PV vào trưa 2/11, một lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, UBND huyện vừa có văn bản chỉ đạo UBND xã Minh Phú phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý dứt điểm vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn xã này ngay trong tháng 11/2018.
Cụ thể, xã Minh Phú có 18 công trình xây dựng xâm phạm vào đất rừng. Tất cả 18 công trình này đều nằm tại thôn Lâm Trường. Hiện có 3 chủ đầu tư của 3/18 công trình vi phạm là các ông bà Phạm Đức Thắng, Đỗ Việt Anh và bà Trần Thị Kim đã có văn bản đồng ý tự tháo dỡ.
Đối với 15 công trình vi phạm còn lại, UBND huyện Sóc Sơn sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ tự khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.
Một biệt thự đang hoàn thiện tại xã Minh Phú vào tháng 10/2018.
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, UBND huyện Sóc Sơn cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, sẵn sàng phương án cưỡng chế công trình vi phạm trong trường hợp các hộ không chấp hành.
Huyện Sóc Sơn dự kiến, sẽ xử lý dứt điểm các công trình vi phạm tại tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú trong tháng 11/2018.
Vị lãnh đạo này cũng cho hay, riêng 27 trường hợp công trình xây dựng trái phép, xâm phạm vào đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí hiện vẫn đang chờ kết quả làm việc của Thanh tra TP Hà Nội, sau đó mới có phương án xử lý. UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo tạm đình chỉ thi công đối với các công trình này.
"Chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với Thanh tra TP Hà Nội rà soát lại việc chuyển nhượng, cấp giấy phép xây dựng cho các công trình này. Đây là vụ việc rất phức tạp vì có liên quan tới nguồn gốc rừng, đất rừng từ hơn 30 năm về trước. Vì vậy, chỉ sau khi có kết luận thanh tra, địa phương mới xử lý trách nhiệm cán bộ có liên quan và cưỡng chế các công trình có vi phạm" - vị lãnh đạo này nói.
Nguồn: plo.vn
Vụ "xẻ thịt" rừng Sóc Sơn: Chủ tịch xã Minh Phú sai phạm thế nào? Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn (Hà Nội) đã nghe báo cáo dự thảo kết luận tra công vụ đối với ông Nguyễn Văn Hân - Chủ tịch UBND xã Minh Phú, địa bàn có hàng loạt công trình "xé nát" rừng phòng hộ. Liên quan đến vụ "xẻ thịt" đất rừng Sóc Sơn, Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn gồm Bí thư,...