Xử lý nợ xấu vướng từ quy định chồng chéo
Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42), công tác xử lý nợ xấu đã có những kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng ( VAMC), vẫn còn nhiều quy định chồng chéo và sự phối hợp chưa tích cực giữa các cơ quan quản lý và địa phương cần được khắc phục để nợ xấu thực sự được giải quyết hiệu quả.
Ông Đỗ Giang Nam.
Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 42, ông thấy công tác xử lý nợ xấu có những thay đổi như thế nào?
Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 42, VAMC thấy rằng, xử lý nợ xấu không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Ngân hàng mà đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, lãnh đạo Đảng, nhà nước. Nghị quyết 42 ra đời đã mang lại cho công cuộc xử lý nợ xấu rất nhiều thuận lợi. Nghị quyết 42 lần đầu tiên quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp với ngành Ngân hàng xử lý nợ xấu; cho phép tổ chức tín dụng, VAMC được áp dụng biện pháp thu giữ tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, đồng thời cho phép tổ chức tín dụng và VAMC bán các tài sản đảm bảo này cho các tổ chức, cá nhân không phải công ty mua bán nợ, qua đó góp phần hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ xấu trong thời gian tới. Đặc biệt, Nghị quyết 42 đã nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng. Cụ thể, VAMC thành lập từ năm 2013 đến nay, nhưng chỉ trong 2 năm từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực vào tháng 8/2017 đến nay, lũy kế thu hồi nợ đã chiếm tới 56% tổng nợ lũy kế từ khi thành lập VAMC.
Từ thực tiễn 2 năm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, theo ông, đâu là những khó khăn còn tồn tại và cần được giải quyết?
Video đang HOT
Mặc dù Nghị quyết 42 đã tạo ra rất nhiều thuận lợi để đẩy nhanh công tác thu hồi nợ xấu, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp việc giải quyết nợ xấu chưa nhận được sự phối hợp của chính quyền địa phương. Đặc biệt, việc xử lý nợ xấu, thu hồi nợ, mua bán nợ còn gặp vướng mắc do sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật. Tôi lấy ví dụ đơn cử như trường hợp tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Công ty TNHH Đầu tư APG mua lại tài sản của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng sản xuất Tân Thành theo hình thức đấu giá. Các bên hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng mua bán và tiến hành bàn giao tài sản từ tháng 5/2018. Sau đó, công ty này đã nộp hồ sơ để thực hiện thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Nhưng đến nay, công ty này vẫn chưa thể sang tên được Giấy nhận quyền sử dụng đất, mặc dù VAMC cũng như công ty này đã gửi rất nhiều văn bản đến các cơ quan liên quan nhưng không được giải quyết.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên, một là do vướng mắc giữa Luật Đấu giá và Luật Kinh doanh bất động sản. Theo Luật Đấu giá thì khi thực hiện đấu giá, đơn vị thực hiện không có trách nhiệm phải thẩm định năng lực của người tham gia đấu giá. Nhưng Luật Kinh doanh bất động sản lại yêu cầu, khi triển khai kinh doanh đầu tư bất động sản phải có điều kiện nhất định, nên khi làm thủ tục sang tên thì chưa làm được. Nguyên nhân thứ hai là trách nhiệm phối hợp của chính quyền địa phương trong việc sang tên, hiện đơn vị đấu giá đã nhận được văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu lý do là dự án này đang nằm trong diện thanh kiểm tra theo kết luận của Thường vụ Tỉnh ủy từ năm 2014. Nhưng kết luận này lại chưa được ban hành, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã dựa vào lý do này chưa chuyển tên cho người đấu giá.
Ngoài vướng mắc trên, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 còn gặp khó trong nghĩa vụ nộp thuế. Nghị quyết 42 đã có quy định cụ thể về thứ tự ưu tiên thanh toán. Nghĩa là khi các ngân hàng hoặc VAMC xử lý tài sản được ưu tiên sử dụng số tiền thu hồi từ việc xử lý tài sản đó để thực hiện nghĩa vụ trả nợ trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Hiện Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo, tuy nhiên khi làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng tài sản, vẫn còn một số cục thuế địa phương yêu cầu người trúng đấu giá hoặc tổ chức tín dụng, VAMC phải thực hiện thay nghĩa vụ thuế đó cho bên thế chấp. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng.
Để việc xử lý nợ xấu đạt được kết quả tốt hơn, thời gian tới, ông có kiến nghị như thế nào?
Tôi nghĩ rằng việc quan trọng nhất trong xử lý nợ xấu, ngoài nỗ lực của VAMC và các tổ chức tín dụng thì sự phối hợp của chính quyền địa phương trong việc thực hiện sang tên đổi chủ cho người đấu giá là hết sức quan trọng. Hơn nữa, ý thức tích cực của chính quyền địa phương, sự cải tiến văn bản pháp luật liên quan nhằm hỗ trợ công tác xử lý nợ xấu cũng cần được đẩy mạnh.
Xin cảm ơn ông!
Minh Nam (ghi)
Theo haiquanonline.com.vn
Mỗi tháng xử lý 9,6 nghìn tỷ đồng, nợ xấu nội bảng duy trì dưới 2%
Đó là số liệu vừa được công bố tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42) và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 1058) được NHNN tổ chức ngày 15/10/2019.
Toàn cảnh buổi hội nghị (Nguồn: NHNN)
Theo đó, Nghị quyết 42 có hiệu lực đã góp phần tháo gỡ những "nút thắt" trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện một bước quan trọng.
Số liệu được đại diện NHNN công bố tại hội nghị cho thấy, lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31/8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Tính trung bình từ 15/8/2017 đến 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng (theo Thông tư số 02) của hệ thống các TCTD tiếp tục được duy trì dưới mức 2%, đến ngày 31/8/2019 là 1,98%.
Tính đến nay, NHNN đã ban hành 16 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD 2010, (gồm 01 Quyết định và 15 Thông tư). Đồng thời, NHNN đã hoàn thiện các quy định về quản lý ngoại hối, quy định liên quan đến đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh.
Trước đó, tại Hội nghị thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng Quý 3/2019, đại diện của NHNN cho biết toàn hệ thống TCTD đã xử lý được khoảng 224,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu (được xác định theo Nghị quyết 42) lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019.
Như vậy, trong vòng 2 tháng vừa qua, đã có khoảng 12,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý./.
Nguyễn Ánh
Theo viettimes.vn
Ngân hàng mạnh tay xử lý nợ xấu Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD đến cuối tháng 12.2018 đã về mức 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Nợ xấu toàn hệ thống giảm đồng nghĩa với việc nợ xấu của hầu hết các ngân hàng đều có xu hướng...