Xử lý nợ xấu: Sẽ có đột phá từ BIDV, Agribank và VietinBank?
Ngân hàng Nhà nước đặt yêu cầu BIDV, Agribank và VietinBank tập trung xử lý cơ bản nợ xấu ngay trong năm nay.
Dự kiến Agribank và BIDV sẽ tất toán xong nợ tại VAMC trong năm nay, riêng VietinBank có thể vào đầu năm tới.
Như BizLIVE đề cập ở một bài viết gần đây, cuối tháng 4 vừa qua Ngân hàng Nhà nước có văn bản đốc thúc tới các ngân hàng thương mại, nêu yêu cầu tiếp tục tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu, với các mức độ cụ thể trong năm 2019.
Nợ xấu ở đây bao gồm nội bảng, nợ đã bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.
Theo đó, toàn hệ thống tập trung thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu với vùng nhận diện mở rộng trên về mốc 3%, sau khi đã giảm được tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% cập nhật đến thời điểm này.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán sang VAMC và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu tính đến cuối năm 2018 vẫn ở mức 5,85%, sau khi đã giảm được từ mức 10,08% cuối 2016. Giảm được về mốc 3% nói trên đang là thử thách của hệ thống.
Trao đổi với BizLIVE cuối tuần qua, lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, giảm được về dưới mốc 3% – ngưỡng được đánh giá là an toàn và phù hợp với điều kiện của Việt Nam – là một mục tiêu khó thực hiện được ngay trong năm nay.
Tuy nhiên, với lộ trình và yêu cầu quyết liệt thực hiện, mục tiêu trên dự kiến sẽ đạt được trong năm 2020. Và ngay trong năm 2019 Ngân hàng Nhà nước đang trù tính sẽ tạo được đột phá trong xử lý tại những thành viên có con số tuyệt đối lớn.
Video đang HOT
Cụ thể, từ năm 2017 và tập trung trong 2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đặt yêu cầu cụ thể với các thành viên lớn như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thực hiện phân loại nợ chặt chẽ, tiến hành trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và tiến tới tất toán toàn bộ nợ đã bán sang VAMC.
Đến giữa năm 2018, VietinBank là thành viên lớn tiếp theo, sau Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thực hiện tất toán xong nợ tại VAMC. Tuy nhiên, cuối 2018, ngân hàng này buộc phải thực hiện cơ cấu lại tài sản và phát sinh lượng khá lớn tại đây (13.400 tỷ đồng).
“Sau chuẩn bị trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu và bản thân họ cũng đã có sự chuẩn bị, dự kiến BIDV sẽ thực hiện tất toán được hết nợ tại VAMC trong năm nay. Agribank hiện cũng đã cơ bản sẵn sàng để tất toán toàn bộ. Riêng trường hợp VietinBank, do có phần bán sang cuối năm 2018, nhưng tinh thần là cũng sẽ tập trung xử lý tương tự vào đầu năm tới”, vị lãnh đạo chuyên trách trên cho biết.
Theo định hướng và kế hoạch trên, dự kiến đến cuối năm nay hệ thống sẽ có ít nhất hai thành viên lớn tạo đột phá trong xử lý nợ xấu là BIDV và Agribank (trường hợp Agribank đã sớm khẳng định đủ lực để thực hiện), sau đó dự kiến đến lượt VietinBank.
Đây là ba ngân hàng thương mại có số dư con số tuyệt đối nợ xấu lớn đã bán sang VAMC; như vào cuối 2018 VietinBank có 13.400 tỷ, BIDV hơn 14.100 tỷ, Agribank cập nhật đến giữa năm 2018 có hơn 25.000 tỷ đồng…
Với lộ trình và kế hoạch tất toán dự kiến trên, từ nhóm có cấu phần lớn này, đến cuối năm nay và triển vọng đầu 2020, tỷ lệ nợ xấu được nhận diện đầy đủ của toàn hệ thống sẽ hướng đến mục tiêu giảm được xuống 3%.
Với các ngân hàng thương mại cổ phần khác, vị lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định hiện nay đã rõ ràng: những trường hợp nào còn dư nợ tại VAMC thì không được trả cổ tức bằng tiền mặt, phải tập trung tăng vốn và chủ động tạo nguồn để đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Quy định trên được dẫn ra, khi mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vừa qua, một số ngân hàng thương mại có đề nghị được trả cổ tức trước “sức ép” từ cổ đông, nhưng quan điểm trên của Ngân hàng Nhà nước không thay đổi.
MINH ĐỨC
Theo bizlive.vn
Dùng tiền ngân sách tăng vốn ngân hàng có phá rào?
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 25/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có báo cáo bổ sung đánh giá kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2018 và các tháng đầu năm 2019.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị.
Phát biểu tại phiên họp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, có một điểm rất khó khăn với bốn ngân hàng thương mại nhà nước, đó là vấn đề tăng vốn.
Bà Hồng nhấn mạnh rằng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các đoàn làm việc của các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến vấn đề này. Bởi các ngân hàng này nếu không được tăng vốn thì sẽ hạn chế đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Theo Phó thống đốc, khó khăn nằm ở chỗ Nghị quyết của Quốc hội quy định không sử dụng ngân sách để cấp vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước, và nội dung bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước cũng không có trong danh mục đầu tư công trung hạn.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ kiến nghị nghiên cứu sửa đổi quy định để tháo gỡ khó khăn nói trên cho bốn ngân hàng thương mại nhà nước.
Đây cũng không phải lần đầu tiên kiến nghị sử dụng ngân sách để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước được đề cập. Trước đó, tại một số hội nghị, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng kiến nghị bố trí ngân sách để tăng vốn cho nhóm các ngân hàng thương mại lớn.
Tăng vốn cho nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, Vietinbank, BIDV, và Vietcombank đang là nhu cầu cấp bách của nhóm "big 4" ngân hàng. Ngay ngày đầu tiên của năm mới (01/01/2019), Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là Chính phủ yêu cầu cần có giải pháp để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại nhà nước chiếm cổ phần chi phối; Thúc đẩy áp dụng Chuẩn mực an toàn Basel II; Tạo chuyển biến căn bản về quản trị ngân hàng, hiệu quả và an toàn hoạt động. Tập trung xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
Cách đây không lâu, tại Hội nghị triển khai công tác ngành ngân hàng diễn ra giữa tháng 1/2019, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ đặt vấn đề tăng vốn cho VietinBank giai đoạn này là "vấn đề đặc biệt cấp bách" khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã giảm tới sát mức tối thiểu trong bối cảnh ngân hàng này đã khai thác kiệt các biện pháp tăng vốn tự có (cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2). Chính vì vậy, từ tháng 9/2018, VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng.
Cũng theo ông Thọ, phương án tăng vốn của VietinBank đã được NHNN báo cáo Chính phủ. Bên cạnh đề nghị bố trí vốn để tăng vốn điều lệ, VietinBank cũng xin chia cổ tức bằng cổ phiếu trong 4 năm liên tiếp, từ năm 2017 - 2020 và giữ lại lợi nhuận tăng vốn. Phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để giữ lại lợi nhuận tăng vốn cũng được các ngân hàng còn lại tính đến.
Khó khăn không kém là Agribank, việc tăng vốn của nhà băng này gắn chặt với tiến trình cổ phần hóa. Trong khi hiện tiến trình cổ phần hóa của Agrribank đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ khâu định giá doanh nghiệp cho tới việc tìm cổ đông chiến lược... Do chậm cổ phần hóa nên hiện nhà băng này có mức vốn điều lệ thấp nhất trong nhóm "big 4".
Theo tính toán của Moody's, nếu không tăng được vốn, tỷ lệ vốn cấp 1 của các ngân hàng có vốn nhà nước được xếp hạng giảm xuống chỉ còn 6,1% thay vì mức 6,9% như cuối năm 2017. "Việc cơ cấu vốn tiếp tục suy yếu sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các ngân hàng quốc doanh và ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng ", Moody's cảnh báo.
Theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết cuối tháng 2/2019 là 2,09%. Tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến 31/12/2018 ở mức 5,85%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 7,36% cuối năm 2017.
Ngân Giang
Theo infonet.vn
Vì sao lãi suất liên ngân hàng giảm mà lãi suất huy động vẫn neo cao? Mặc dù lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm, thậm chí có thời điểm chạm đáy thấp nhất trong 5 tháng, tuy nhiên lãi suất huy động vẫn cao. Khảo sát của PV báo Lao Động tại 30 Ngân hàng thương mại (NHTM) trong tháng 4.2019, lãi suất ngân hàng cao nhất trên thị trường hiện nay là Viet Captial Bank và...