Xử lý nợ xấu: Nhà băng cần “hy sinh” nhiều hơn
Mặc dù đã nỗ lực làm “sạch” báo cáo tài chính, song gánh nặng nợ xấu vẫn đang đè nặng lên các nhà băng khi quá trình xử lý nợ vẫn còn nhiều gian nan. Vì thế, để có thể giải quyết được bài toán này, đòi hỏi sự hy sinh của cả khách hàng và ngân hàng.
Cả ngân hàng và khách hàng đều cần phải nắm bắt được cơ hội mua-bán nợ
Sau khi đẩy mạnh việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam ( VAMC), kéo tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%, các ngân hàng đã ra sức xử lý, với kỳ vọng thu hồi được nợ, nhưng thực tế cho thấy, nợ xấu vẫn là “bóng ma” ám ảnh nhiều nhà băng. Báo cáo tài chính quý II/2016 của các ngân hàng cho thấy, tình trạng nợ xấu tăng xuất hiện ở hầu hết các nhà băng.
Thống kê tại 9 ngân hàng niêm yết cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2016, các nhà băng này đang mang hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28% so với mức 33.868 tỷ đồng của cuối năm 2015. Trong đó, xét về tỷ lệ, Eximbank là nhà băng có nợ xấu tăng cao nhất, từ mức 1,86% cuối năm 2015, lên tới 5,3% cuối quý II/2016 (tương đương hơn 4.200 tỷ đồng). Nợ xấu tăng đã làm xói mòn lợi nhuận các ngân hàng do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP. HCM cho biết, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố đầu năm 2016 là 4,02%, nhưng đến 30/6/2016 đã giảm nhẹ còn 3,89%, nếu trừ đi 3 ngân hàng “0 đồng” (CB, OceanBank, GPBank), thì nợ xấu chỉ còn 2,01%. Tuy nhiên, trước tình hình nợ xấu tăng nhanh như hiện nay, các ngân hàng sẽ phải báo cáo cụ thể lên NHNN, đồng thời từng bước đẩy mạnh việc xử lý để kéo giảm nợ xấu.
Theo tổng giám đốc một ngân hàng, để giảm nợ xấu, các nhà băng thường sử dụng 2 cách. Một là, bán nợ xấu cho VAMC và cách này đã được áp dụng trong những năm gần đây. Hai là, tăng mạnh dư nợ tín dụng để giảm tỷ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, thời gian qua, 2 cách này dường như đã dần mất tác dụng, bởi VAMC nửa năm nay có dấu hiệu giảm tốc trong việc mua nợ mới để lo tập trung xử lý số nợ cũ, trong khi các ngân hàng cũng khó tăng mạnh dư nợ tín dụng trong bối cảnh hiện nay.
Chẳng hạn, tại Eximbank, lãnh đạo ngân hàng cho hay, sau khi bán khoảng 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong những năm trước đây, thì từ đầu năm 2016 đến nay, Eximbank chưa có chủ trương và cũng chưa bán bất kỳ khoản nợ xấu nào khác cho VAMC. Ngược lại, công tác xử lý và thu hồi nợ trực tiếp, kể cả nợ đã bán cho VAMC, được Eximbank coi là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2016.
Video đang HOT
Tổng giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, 6 tháng đầu năm nay, SCB xử lý được khoảng 1.200 tỷ đồng nợ xấu (trong tổng số nợ xấu đã bán cho VAMC). Một phần là nhờ kinh tế có dấu hiệu đi lên, cho nên các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, đầu tư bắt đầu có nhu cầu mua lại các dự án đang trong quá trình xử lý nợ, trong khi phía ngân hàng cũng nhận ra rằng, cần phải hy sinh nhiều hơn trong quá trình xử lý nợ. Tức là, trước đây, khi giá bán nợ của cả phía ngân hàng và khách hàng còn duy trì ở mức cao, nhưng sau một thời gian chờ đợi mà vẫn chưa xử lý được, nên không chỉ ngân hàng, mà cả khách hàng đều thấy cần phải nắm bắt cơ hội bán nợ.
Theo đó, chỉ trong tháng 5 và tháng 6/2016, SCB đã bán được 3 nhà máy chế biến thủy sản, trong khi trước đó đã nằm tồn kho một thời gian dài. Trong 6 tháng cuối năm, SCB kỳ vọng sẽ thu hồi được thêm khoảng 1.500 tỷ đồng nợ xấu, qua đó giảm tổng số nợ xấu bán cho VAMC xuống còn 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì dự phòng rủi ro chưa thể giảm nhanh, nên lợi nhuận của SCB trong năm nay khó kỳ vọng ở mức cao.
Giám đốc khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities, ông Yun Hang Jin đưa ra nhận định, bất động sản Việt Nam ấm lên cũng tạo điều kiện tốt cho các ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu, nhất là khi Chính phủ đang “mạnh tay” hơn trong quá trình xử lý nợ xấu sẽ tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua-bán nợ xấu.
Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài hiện chưa được tham gia mua-bán nợ công khai do Việt Nam chưa hình thành thị trường mua-bán nợ, song không vì thế mà họ “buông tay”. Tuy nhiên, khối lượng nợ xấu mà VAMC “gom” về là rất lớn, nên theo ông Yun, để có thể giải quyết bài toán nợ xấu tốt hơn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có lộ trình và phương án xử lý cụ thể.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại, những nỗ lực xử lý nợ xấu của các ngân hàng đã mang lại kết quả nhất định. Tuy nhiên, chặng đường xử lý nợ xấu chỉ mới đi được một nửa. Do đó, nếu muốn nợ xấu được xử lý một cách hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng cần phải biết “hy sinh” và từ bỏ lòng tham, nếu không sẽ rất khó để thu hồi được nợ gốc, chứ chưa nói đến có lãi.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Mua theo giá thị trường có xử lý được nợ xấu?
Thống đốc NHNN thể hiện quyết tâm giảm nợ xấu trong hệ thống tín dụng bằng việc phê duyệt và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường.
Tính tới cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đã giảm về dưới 3%, còn 2,5%. Song, trên thực tế, quá trình xử lý nợ xấu còn khá chậm chạp. Chính vì vậy, vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng thể hiện quyết tâm giảm nợ xấu trong hệ thống tín dụng thông qua việc phê duyệt và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường. Đây được cho là động thái gỡ khó cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Thống đốc NHNN thể hiện quyết tâm giảm nợ xấu trong hệ thống tín dụng. (Ảnh minh họa: Internet)
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, các giải pháp xử lý nợ xấu đã phát huy tác dụng (đặc biệt là thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC) góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ.
Đến hết năm 2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,5%, hoàn thành mục tiêu đề ra giảm nợ xấu về dưới 3%. Mặc dù diễn biến nợ xấu đang trong xu hướng giảm tích cực, nhưng về bản chất, VAMC trở thành "nhà kho" để lưu giữ các khoản nợ này. Số nợ chỉ chuyển từ sổ sách của các tổ chức tín dụng sang sổ sách của VAMC.
Trong giai đoạn 2013-2015, VAMC đã "thu gom" được 245 nghìn tỷ đồng nợ xấu từ hơn 40 tổ chức tín dụng. Và đến nay, mới có hơn 22,78 nghìn tỷ đồng trong "tổng kho" nợ xấu "hồi sinh", còn hơn 90% các khoản nợ vẫn đang yên vị trong "kho nợ xấu" của VAMC.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC cho biết, mua nợ xấu theo giá thị trường thì Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung đã cho phép VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá thị trường. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của VAMC trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, để triển khai mua nợ xấu ra thị trường còn rất nhiều những vấn đề kèm theo liên quan đến tính pháp lý, xử lý như thế nào những khoản nợ xấu dưới giá ra làm sao và bên cạnh đó phải có thị trường mua bán nợ. Hiện nay trên thị trường chỉ có mỗi DATC, VAMC và các tổ chức tín dụng, như vậy người tham gia vào mua bán nợ cũng không có nhiều ngoài các tổ chức tín dụng, vì vậy nên việc xử lý, bán lại các khoản nợ đó rất khó khăn.
Việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định 618 về việc xây dựng và triển khai hương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường, được các chuyên gia ngân hàng đánh giá là có khả năng tạo nên đột phá trong tiến trình xử lý nợ xấu so với cách mua bán nợ cũ.
Theo ông Trương Thanh Đức, Ban Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng, điểm mấu chốt để thực hiện được điều này là khả năng thu hồi nợ từ việc thanh lý tài sản. VAMC sẽ phải thẩm định giá tài sản đảm bảo, từ đó, đàm phán với ngân hàng một giá mua thỏa thuận. Với cách mua bán này, ngân hàng sẽ bán đứt món nợ cho VAMC, sau đó, VAMC có thể thanh lý tài sản để thu hồi số tiền đã bỏ ra hay tiếp tục bán món nợ này cho nhà đầu tư mới. VAMC cũng có thể giúp con nợ phục hồi khả năng tài chính qua việc chuyển đổi món nợ này thành cổ phần hay tái cơ cấu.
Ông Trương Thanh Đức cho rằng: "Nếu thực hiện được việc này thì sẽ giải quyết được thực chất khoản nào mua được bao nhiêu, khoản nào bán được bao nhiêu thì mới xử lý được thật. Quan trọng nhất là phải tạo ra được thị trường, phải tạo điều kiện thông thoáng để cho tất cả các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư sẵn sàng tích cực tham gia vào. Còn theo dự thảo bây giờ đưa ra vốn pháp định, các tiêu chuẩn rất cao như là 10 tỷ, 100 tỷ, 1000 tỷ mới được tham gia việc mua bán nợ thì tôi nghĩ rằng gần như không ai dám làm việc đấy ngoài cơ quan mua bán nợ chuyên trách của nhà nước."
Quyết định 618 cho phép VAMC được phối hợp với các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút nguồn vốn và kinh nghiệm định giá, xử lý các khoản nợ xấu mua theo giá thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài có mặn mà với điểm "đột phá" này hay không lại là chuyện khác, nếu họ vẫn thấy chưa có thị trường mua bán nợ minh bạch và hiệu quả ở Việt Nam để cho các khoản nợ mua về có thể bán ra dễ dàng và có lãi.
Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, với cơ chế mới, thỏa thuận mua bán nợ xấu có thể sẽ nhiều hơn, nhưng với mức giá thấp hơn, chiết khấu cao hơn, mua bán theo thị trường hơn thì cũng có thể sẽ nhiều ngân hàng không muốn bán, trong khi người mua không muốn mua do rủi ro phải bỏ ra vốn thật.
Về lý thuyết, ông Độ phân tích: "Khi cho mua nợ xấu theo cơ chế thị trường sẽ giúp cho tăng khả năng mua bán nợ xấu, giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vật cản, thứ nhất là vấn đề pháp lý, có rất nhiều tài sản rất khó có thể thanh lý, chuyển đổi sở hữu. Một điểm nữa là việc xác định giá cả của khoản nợ xấu đó cũng không dễ dàng, bởi vì nếu mua bán theo giá thị trường thì về mặt lý thuyết hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp mua với giá tương đối cao nhưng sau đó lại không bán được với giá như thế."
Kinh nghiệm ở các quốc gia cho thấy xử lý nợ xấu luôn là công việc không dễ dàng. Ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển, có thị trường tài chính năng động, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, minh bạch việc xử lý nợ xấu cũng rất khó khăn. Đối với Việt Nam, việc xử lý nợ xấu chắc chắn sẽ khó khăn hơn khi mọi điều kiện cơ bản để xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều hạn chế.
Do đó, dù việc mua bán nợ xấu ở Việt Nam khá hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các chuyên gia cho rằng, sẽ cần một bước tiến dài trong hành lang pháp lý để thực sự xây dựng được một sàn giao dịch cho phép mua, bán nợ; tư vấn, môi giới mua, bán nợ, để hướng tới một thị trường mua bán nợ xấu công khai và minh bạch.
Theo VOV
Hiệu quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), ngày 24/7 vừa qua. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá VAMC từ khi thành lập tới nay đã rất cố gắng thực hiện các nhiệm vụ được giao về xử nợ xấu...