Xử lý nợ xấu của ngân hàng: Có nên dùng Ngân sách Nhà nước?
Hiên nay đang có nhiều ý kiến trái chiều vê đê xuât dùng Ngân sách Nhà nước đê xử lý nợ xấu của ngân hàng.
Trong dự thảo Đề án Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ dùng ngân sách Nhà nước xử lý nợ xấu ngân hàng. Vấn đề này đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Giảm nợ xấu trong hệ thống tín dụng trở thành nhu cầu bức thiết (Ảnh minh họa: Internet)
Theo một số chuyên gia tài chính thì Chính phủ cần hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu, do nợ xấu đã vượt khả năng xử lý của ngân hàng, nhiều ngân hàng không thể tự xử lý được. Nợ xấu của ngân hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và tình trạng lạm phát. Nếu xử lý được nợ xấu sẽ góp phần giảm được lãi suất cho vay, tác động tích cực đến nền kinh tế, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Nhưng vấn đề hiện nay là sử dụng nguồn vốn nào để xử lý nợ xấu đó?
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: không nên sử dụng tiền thuế của dân để xử lý nợ xấu mà sử dụng từ các nguồn quỹ khác. Nguồn quỹ này được tạm ứng trước cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (gọi tắt là VMAC) để mua, bán nợ.
Theo TS. Trần Du Lịch, Chính phủ nên sử dụng một số nguồn mà không sử dụng tiền thuế của người dân. Đó là nguồn tiền từ Quỹ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, Quỹ cổ phần hóa, thoái vốn… dùng 1 khoản này để cấp vốn cho Công ty Mua bán nợ để có “tiền tươi, thóc thật” trong việc mua, bán tài sản nợ xấu.
Điều quan trọng khi có nguồn vốn xử lý nợ xấu thì phải sử dụng thế nào để hiệu quả nhất. Việc “bơm” tiền vào Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng thì không biết bao nhiêu là đủ. Nếu nền kinh tế không khơi thông được cơ chế mua, bán nợ thì những tài sản nợ xấu vẫn được Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng “đắp chiếu” để đó. Vì vậy, cái gốc của vấn đề là giải quyết được những vướng mắc, cản trở trong mua bán nợ. Nếu không làm được điều này thì có “bơm” tiền vào cũng không giải quyết được vấn đề.
TS. Lê Đình Hạc, Phó Trưởng Khoa Quản trị – Kinh doanh, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phải có một thị trường mua bán nợ rõ ràng, thủ tục, cơ chế mua bán, cơ chế pháp luật phải rõ ràng. Việc định giá cũng phải theo thị trường.
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nhân và chuyên gia kinh tế thì Chính phủ không nên sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của ngân hàng. Biện pháp này hiện nay chưa cần thiết phải áp dụng và hơn nữa, ngân hàng cũng là một loại hình doanh nghiệp. Lúc ngân hàng kinh doanh lãi cao thì họ chia nhau hưởng với mức lương, thưởng cao ngất, nhưng lúc khó khăn thì lại muốn nhà nước hỗ trợ.
Video đang HOT
Trong khi đó, nhiều thành phần doanh nghiệp khác rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, như doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là thành phần sản xuất, kinh doanh đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội.
Theo các doanh nghiệp, để giải quyết nợ xấu của ngân hàng thì ngành chức năng nên tiếp tục tái cơ cấu ngân hàng. Ngân hàng nào quá yếu kém thì xử lý bớt, chỉ để tồn tại và phát triển những ngân hàng thật sự vững mạnh.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu cho ngân hàng thì chúng tôi không đồng ý. Lúc ngân hàng làm nên họ cũng rất o ép doanh nghiệp chứ không phải dễ dàng hỗ trợ doanh nghiệp đâu. Họ cũng là đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp khác cũng là đơn vị kinh doanh sao không hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất khó khăn và cần vốn. Ngân sách thì đang khó khăn tại sao dùng tiền để đi hỗ trợ mấy ông ngân hàng, tôi thấy không hợp lý.
Điều đáng nói là hiện nguồn vốn cho vay của các ngân hàng thương mại trong lĩnh vực bất động sản đang tăng cao. Nếu các ngân hàng không điều chỉnh kịp thời và giữ ở mức hợp lý thì sẽ có nguy cơ “bong bóng bất động sản” trở lại. Bài học cay đắng năm 2007 do “bong bóng bất động sản” đã gây lạm phát nặng nề lên nền kinh tế. Hiện nhiều ngân hàng vẫn chưa giải quyết hết hậu quả nợ xấu trước đó.
Vì vậy, bên cạnh việc tích cực xử lý nợ xấu thì các ngân hàng cần điều chỉnh vốn cho vay bất động sản ở mức hợp lý để tránh tình trạng nợ xấu cũ chưa xử lý xong, lại phải đối mặt với những khó khăn mới do cho vay bất động sản tăng nhiều./.
Theo VOV
Doanh nghiệp nhà nước nợ khủng: Ai mua để gánh nợ?
Trong kinh tế thị trường, bất kể doanh nghiệp nào có nợ xấu không ai mua để gánh nợ.PGS.TS Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM trao đổi về tình trạng nợ nần của DNNN, nhất là trong bối cảnh cổ phần hóa DNNN không đạt tốc độ như kỳ vọng.
PV: - Một báo cáo mới đây của Chính phủ cho hay, số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi kết thúc năm 2014 đã lên đến 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013. Trong đó, nợ nước ngoài phải trả của khối tập đoàn, tổng công ty nhà nước là hơn 380.000 tỷ đồng. Ông bình luận như thế nào về những con số này? Thưa ông, phải hiểu thế nào về thực trạng các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không có lãi, hoặc tỷ suất lợi nhuận thấp so với vốn chủ sở hữu nói trên?
PGS.TS Phương Ngọc Thạch: - Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, không có lãi dư luận xã hội đã nói nhiều nhưng tại sao không cải thiện được?
Theo tôi có 2 lý do. Thứ nhất, DNNN phải thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ: kinh doanh theo cơ chế thị trường hiệu quả và thực hiện nhiệm vụ chính trị an sinh xã hội (như điều tiết, bình ổn giá cả, đảm bảo các cân đối lớn, phát triển vùng sâu vùng xa, công bằng xã hội...). Nếu đầu tư cho xã hội thì không bao giờ tính toán bằng con số, bằng tiền. Cho đến nay Việt Nam chưa có chính sách để DNNN thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
Các DNNN đang cổ phần hóa với tốc độ không như kỳ vọng. Ảnh minh họa
Thứ hai, quản lý Nhà nước thiếu chặt chẽ, còn để tình trạng tham ô lãng phí trong chi tiêu Nhà nước phổ biến. Qua báo cáo của Chính phủ có thể thấy tình hình thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) rất căng thẳng. Trong 5 năm qua tình trạng bội chi ngân sách luôn diễn ra với mức trung bình hàng năm khoảng 5,4% GDP. NSNN chi quá nhiều vào chi thường xuyên. Tỷ trọng chi thường xuyên trên tổng cơ cấu chi tăng từ mức 60% giai đoạn 2011-2012 lên mức 67-70% năm 2014. Trong 2 năm gần đây chi thường xuyên mỗi năm gấp đến 4 lần chi đầu tư phát triển từ NSNN.
PV: - Theo cách tính nợ công hiện nay, khoản nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói trên đã được tính vào chưa và vì sao? Đứng từ góc độ điều hành chính sách, theo ông, có nên tính đúng tính đủ nợ công hay không? Nhìn nhận thực chất vấn đề nợ công sẽ giúp chúng ta trong vấn đề tái cơ cấu nợ và tính toán khả năng trả nợ như thế nào?
PGS.TS Phương Ngọc Thạch: - Cách tính nợ công của Việt Nam và quốc tế có sự khác nhau.Tại Việt Nam, nợ của DNNN, nợ của tổ chức thuộc Nhà nước không được tính vào nợ công của quốc gia. Trong khi đó, khối nợ của các doanh nghiệp Việt Nam trong thực tế rất lớn. Tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ nợ công Việt Nam so với GDP đã là 57,3%, khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015 vượt mức 50% GDP. Theo tính toán quốc tế thì nợ công của Việt Nam đã lên đến 106% GDP, đã vượt ngưỡng an toàn.
Nợ công có xấu không? Nợ công có vai trò quan trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nợ công đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn cho đầu tư phát triển và cân đối NSNN. Singapore là nước có nợ trên GDP lớn nhất Đông Nam Á (93,1%), theo sau là Indonesia (25,9%). Nhờ có lượng tiền nợ công khổng lồ, Nhật Bản đã đầu tư phát triển kinh tế xã hội rất hiệu quả, đưa đất nước tan hoang sau Đại chiến thế giới thứ 2 lên nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tại Việt Nam, trong 30 năm qua nhiều dự án cơ sở hạ tầng, các dự án tăng trọng quốc gia... được đầu tư bằng nguồn vốn vay công. Tuy nhiên, đầu tư công kém hiệu quả (ICOR 6-7), thâm hụt ngân sách ở mức cao đã kéo nợ công ngày một "phình ra".
Thực chất nợ công an toàn hay rủi ro phụ thuộc vào các yếu tố đó là: nợ chính phủ là vay nợ trong nước hay vay nợ nước ngoài; tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, hay tình trạng "sức khỏe" nói chung của nền kinh tế ổn định và tốt không.
Vậy vay trong nước hay vay ngoài nước tốt hơn? Có ý kiến cho rằng vay ngoài nước với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, tốt hơn vay trong nước. Thực tế trên thế giới cho thấy ở các nước đang phát triển thời kỳ đầu trong khi nguồn vốn trong nước hạn chế thì vay vốn nước ngoài, sau đó phải thực hiện vay vốn trong nước, có thể lãi suất cao hơn và thời gian trả ngắn hơn, nhưng đảm bảo an toàn.
Khi người dân trong nước được hưởng lợi với lãi suất cao sẽ kích thích họ kinh doanh đầu tư, từ đó tăng được nguồn thu thuế. Mặt khác vay trong nước, Chính phủ dễ dàng phát hành trái phiếu mới mỗi khi trái phiếu cũ đáo hạn. Lãi suất tiền đồng dù cao nhưng lạm phát cũng sẽ làm cho món nợ về thực chất nhỏ đi nhiều lần. Với hệ thống ngân hàng và tài chính nằm trong tầm kiểm soát chặt chẽ thì việc tìm đầu ra cho trái phiếu tiền đồng là không khó khăn cho lắm.
PV: - Trong điều kiện các DNNN đang cổ phần hóa với tốc độ không như kỳ vọng hiện nay, từng có ý kiến cho rằng nếu không làm "sạch nợ" thì sẽ không ai mua lại cổ phần. Ông đồng tình ở mức độ nào với quan điểm này? Trong trường hợp này cần phải giải quyết nợ của DNNN như thế nào hay sẽ xảy ra tình trạng, doanh nghiệp trả nợ xong rồi cổ phần hóa thì số tài sản thu lại về ngân sách sẽ gần như không đáng kể?
PGS.TS Phương Ngọc Thạch: - Trong điều kiện các DNNN đang cổ phần hóa với tốc độ không như kỳ vọng hiện nay, trong đó có DNNN nợ xấu nhưng có vai trò chủ đạo, có DNNN nợ xấu không có vai trò chủ đạo, có DNNN kinh doanh có lãi không có vai trò chủ đạo. Trong kinh tế thị trường, bất kể doanh nghiệp nào có nợ xấu không ai mua để gánh nợ.
Theo tôi, cần phân loại DNNN khi bán cổ phần. Đối với DNNN nợ xấu nhưng đóng vai trò chủ đạo thì Nhà nước không nên bán, trong trường hợp này cần phải giải quyết nợ, Nhà nước mua với giá 0 đồng. Các DNNN có nợ xấu, không đóng vai trò chủ đạo thì Nhà nước có thể bán thu về NSNN không đáng kể. Các DNNN kinh doanh có lãi không đóng vai trò chủ đạo có thể bán, ưu tiên cho nhà đầu tư trong nước.
Phải quán triệt chức năng của Nhà nước là điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua sử dụng các công cụ điều tiết, trong đó công cụ quan trọng là DNNN. Chúng ta cần phải biết vai trò chủ đạo của DNNN. DNNN phải thực hiện các mục tiêu: là công cụ chính sách về ngành, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, công cụ ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các mục tiêu xã hội, an sinh xã hội. DNNN có nhiệm vụ phát triển những ngành đầu vào, tác động lan tỏa, các ngành công nghiệp nặng, công nghệ cao đòi hỏi về công nghệ và vốn cao. DNNN còn có nhiệm vụ quan trọng, phát triển dịch vụ công, cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường, giao thông công cộng, ...đó là chức năng phúc lợi, an sinh xã hội của Nhà nước.
PV: - Thực tế, nhiều chuyên gia đã từng dự báo, Việt Nam sẽ phải chấp nhận những thất thoát nhất định trong quá trình cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thưa ông, tới thời điểm này, ông nhìn nhận nhận định trên như thế nào? Nếu đây là cái giá chúng ta buộc phải chấp nhận để đưa nền kinh tế phù hợp với thị trường và những cam kết quốc tế thì phía cơ quan quản lý cần hành xử như thế nào để người dân có thể hiểu và thông cảm?
PGS.TS Phương Ngọc Thạch: - Đúng là tập đoàn, tổng công ty nhà nước nợ xấu mà cổ phần hóa thì phải chịu thất thoát. Đây là cái giá chúng ta buộc phải chấp nhận để đưa nền kinh tế phù hợp với thị trường và những cam kết quốc tế. TPP bắt loại bỏ vai trò của các công ty nhà nước, buộc những thể chế này phải cải tổ để tạo cơ hội phát triển kinh tế tư nhân.
Việt Nam nên xác định rõ liệu theo đuổi cổ phần hóa là một phần của nỗ lực nhằm chuyển sang nền kinh tế thị trường như cam kết TPP, hay nhằm nâng cao hiệu quả DNNN, giảm nợ chính phủ.
Chúng ta đang đẩy mạnh cổ phần hóa, việc thoái vốn nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính. Theo tôi, Nhà nước cần tái cơ cấu DNNN, nâng cao hiệu quả DNNN, nắm vững những lĩnh vực then chốt, trọng yếu, thoái vốn DNNN không then chốt cho nhà đầu tư trong nước mặc dù có lãi ít hơn nhằm phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, không để nước ngoài thâu tóm.
Theo Báo Đất Việt
Từ chối xóa nợ, khoanh nợ gần 14.700 tỷ đồng tiền thuế Trước đề xuất của Bộ Tài chính xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho người nộp thuế 7.963 tỷ đồng và khoanh nợ cho những trường hợp thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh 6.731 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đây là vấn đề quản lý thuế, không liên quan đến khó...