Xử lý nghiêm ngân hàng che giấu nợ xấu
Trước phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 29-9, đại diện NHNN cho biết, sẽ quy định chặt chẽ để tránh các tổ chức tín dụng lợi dụng việc cơ cấu nợ để che giấu nợ xấu.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), đến cuối tháng 7-2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%). Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, TCTD áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu, từ đó thúc đẩy xử lý nợ xấu.
Song, tính từ đầu năm, tháng 7-2014 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước) cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện. NHNN tiếp tục cho phép các TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính và hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho khách hàng vay, tuy nhiên quy định chặt chẽ hơn để tránh các TCTD lợi dụng việc cơ cấu nợ để che giấu nợ xấu.
Cụ thể, ngày 18-3-2014, NHNN đã ban hành Thông tư số 09/2014/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN, cho phép các TCTD tiếp tục được thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ kể từ ngày 20-3-2014 đến hết ngày 1-4-2015 nhưng mỗi khoản nợ chỉ được cơ cấu lại một lần.
Nhiều ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để tăng dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu (ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, các TCTD tiếp tục tích cực chủ động xử lý nợ xấu. Trong 7 tháng đầu năm các TCTD đã xử lý được hơn 40,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu thông qua: (1) Khách hàng trả nợ: 14,3 nghìn tỷ đồng; (2) Bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ: 1,56 nghìn tỷ đồng; (3) Bán cho các tổ chức, cá nhân: 14,49 nghìn tỷ đồng; (4) Xử lý bằng dự phòng rủi ro: 8,3 nghìn tỷ đồng…
Đến cuối tháng 8-2014, VAMC đã mua được 3.281 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc hơn 56 nghìn tỷ đồng nợ xấu, giá mua hơn 46 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, VAMC đang tiếp tục thực hiện rà soát, phân loại các khoản nợ đã mua để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật (cơ cấu lại, bán nợ, xử lý tài sản bảo đảm…).
Tính đến cuối tháng 8-2014, VAMC đã thu hồi được 1.462 tỷ đồng nợ xấu thuộc 31 TCTD; thực hiện điều chỉnh lãi suất cho 4 khách hàng với tổng dư nợ được điều chỉnh lãi suất là 226 tỷ đồng; miễn, giảm lãi/phí cho 16 khách hàng với tổng số tiền miễn, giảm là 60,91 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 11 khách hàng với dư nợ gốc được cơ cấu là 446 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp với TCTD cấp bổ sung hạn mức 950 tỷ đồng (đã giải ngân được 425 tỷ đồng) để hoàn thiện 2 dự án dở dang của 2 khách hàng. VAMC đã thực hiện bán nợ của 7 khách hàng với tổng dư nợ gốc của các khoản nợ là 623 tỷ đồng, giá bán nợ là 484 tỷ đồng; bán 11 tài sản bảo đảm của khách hàng, thu hồi được 212 tỷ nợ gốc.
NHNN cho rằng, dù hoạt động hệ thống TCTD an toàn, việc triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn gặp những khó khăn. Vì thế, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành chỉ đạo và giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại của các TCTD theo đúng mục tiêu, lộ trình đã đề ra; đề xuất, triển khai các giải pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình cơ cấu lại các TCTD. Thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD và nhà đầu tư tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD.
NHNN cũng cam kết triển khai xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng thông qua phối hợp với các Bộ, ngành triển khai việc thoái vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng; xử lý cổ đông sở hữu vượt quá giới hạn quy định của pháp luật; sáp nhập, hợp nhất TCTD cùng sở hữu của nhóm cổ đông lớn…
Theo ANTD