Xử lý hình sự tội lợi ích nhóm: Đơn giản mà!
“Bây giờ nói lợi ích nhóm, nhưng lợi ích nhóm là gì, cụ thể là gì thì phải có Luật quy định”.
Chắc chắn làm được, nên ủng hộ
Trước thông tin, Dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung hàng loạt tội danh mới trong đó có đề xuất xử lý hình sự tội lợi ích nhóm.
Trao đổi với Đất Việt, ngày 10/4, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục chống tham nhũng cho biết: “Đây mới chỉ là ý kiến được đưa ra cho dự thảo Bộ Luật hình sự, chắc chắn còn phải xin ý kiến rộng rãi, mới đưa ra được quyết định”.
Bên cạnh đó, theo ông Đạt, trước đề xuất này, chắc chắn, mỗi người có một quan điểm khác nhau, chính vì vậy, cần đưa ra nhận định chung, thảo luận rồi sau đó mới kết luận, rồi trình Quốc hội để thông qua. Bởi cũng có người cho rằng đưa tội lợi ích nhóm vào xét xử hình sự là tốt, nhưng có người thì cho rằng việc này không khả thi, cho nên cần để cho Quốc hội quyết định.
Xảy ra chuyện mâu thuẫn như vậy, ông Đạt cho rằng: “Thực ra chưa ai định nghĩa, xác định được hành vi lợi ích nhóm là gì? Mà tất yếu phải trả lời, xác định được thì mới có thể nhận diện. Vì vậy, xác định được thế nào là lợi ích nhóm, rồi giải trình, xác định được hành vi cụ thể thì sẽ khách quan”.
Video đang HOT
Trong khi, biểu hiện về mặt khách quan, chủ quan đã rõ, để xét xử được, theo ông Đạt, quan trọng nhất là hành vi, khách quan, khách thể, vi phạm ra sao, như vậy mới xét xử được.
Và khi tất cả đã thành Luật thì vừa mang tính chất thực tiễn, vừa lý luận, phát hiện, phòng ngừa, cụ thể thì thực hiện đơn giản không có gì khó khăn. Bởi vì, chuyện xuất hiện lợi ích nhóm, trong thực tế cũng đã xuất hiện, bây giờ làm Luật chỉ là rút ra từ thực tế biến thành lý luận.
“Cho nên tôi nghĩ nếu đưa vào xét xử hình sự lợi ích nhóm, thì sẽ làm được chứ không phải không làm được. Khó khăn đầu tiên, bây giờ là phải làm Luật, những người soạn Luật xuất phát từ thực tế, từ quá trình đúc rút ra thì mới nghiên cứu.
Đặc biệt, căn cứ vào thực tiễn, hiến pháp, pháp luật mới triển khai cụ thể, cụ thể rồi thì mọi người phải thi hành, nên chắc chắn làm được”, ông Đạt nhấn mạnh.
“Nếu Luật chi tiết, cụ thể thì dễ làm”
Nhìn nhận ở góc độ khác, theo ông Đạt, thì nếu đã thành Luật, quy định cụ thể thì không có gì khó khăn. Có thể là mình biết chuyện đó nhưng chưa có Luật thì chưa làm được, có Luật rồi thì chắc chắn sẽ làm được. Tôi khẳng định điều đó”.
Tự đưa ra nhìn nhận, ông Đạt chia sẻ thêm: “Những lĩnh vực xét xử các đối tượng tham nhũng đã rất phức tạp khó khăn do nhiều yếu tố, nhưng một trong những cái đó phải có Luật, mới triển khai và làm được”.
Cần xác định rõ lợi ích nhóm là gì?
Còn xét cụ thể về lợi ích nhóm thì phải làm rõ, bởi dù có thế nào thì lợi ích nhóm hay không thì cũng là một dạng của tham nhũng, nhưng lợi ích nhóm thì mang tính chất tập thể, một nhóm người, tất nhiên có khó khăn hơn nhưng nếu Luật chi tiết, cụ thể thì dễ làm.
“Luật càng quy định cụ thể bao nhiêu thì thi hành ngoài thực tế thực hiện dễ hơn bấy nhiêu.
Tất nhiên phải có trong Luật thì mới triển khai, hướng dẫn kiểm duyệt được, như bây giờ nói lợi ích nhóm, nhưng lợi ích nhóm là gì, cụ thể là gì thì phải có Luật quy định, hành vi được coi là tội phạm, vi phạm thì mới triển khai điều tra, xét xử được”, ông Đạt khẳng định.
Trước đó, ngày 8/4, khi thảo luận về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), ngày 7/4, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt ra câu hỏi: “Có nên đề xuất xử lý hình sự tội lợi ích nhóm?”.
Trả lời câu hỏi, đại diện ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Về vấn đề suy thoái đạo đức cũng quy định rất đầy đủ với các tội danh khác nhau trong luật hiện hành. Còn liên quan đến lợi ích nhóm, vì lợi ích nhóm mà hối lộ, mà chạy chọt cái này cái khác thì nội hàm nằm trong nhóm tội về kinh tế và tham nhũng.
Dự thảo luật lần này mạnh dạn đề nghị quy định truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân thì cũng giúp xử lý vấn đề lợi ích nhóm về tính chất tổ chức”.
Thái Linh
Theo_Báo Đất Việt