Xu hướng số hóa thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng
Nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam có khả năng giúp đưa đất nước trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Dù sẽ có những thách thức cần vượt qua, song hành trình phát triển này cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho đầu tư trên các lĩnh vực. Đây là nhận định của trang eastspring.com trong bài đăng ngày 10/2.
Chị Trần Gia Minh Châu, chủ cơ sở kinh doanh Xứ Phan (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm), bán hàng online thông qua website thương mại điện tử của cơ sở và mạng xã hội. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Bài viết khẳng định Việt Nam được biết đến với dân số “vàng”, trong đó gần 56% người dân dưới 35 tuổi, tỷ lệ cao nhất so với các nước có mức thu nhập tương tự trong khu vực. Với việc thế hệ X và thế hệ Y đang hình thành hầu hết lực lượng lao động và thị trường tiêu dùng của đất nước, trong khi thế hệ Z nhanh chóng nổi lên như một làn sóng người tiêu dùng tiếp theo, Việt Nam sẽ tăng 8 bậc lên vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng toàn cầu về 30 thị trường tiêu dùng lớn nhất trước năm 2030.
Ước tính tầng lớp thu nhập trung bình có thu nhập trên 700 USD/tháng tại Việt Nam sẽ chiếm 1/3 dân số và dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô vào năm 2030. Sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp thu nhập trung bình tại Việt Nam sẽ tạo cơ sở cho tiêu dùng nội địa đối với dịch vụ và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Hơn nữa, tầng lớp trung lưu trẻ luôn sẵn sàng đón nhận các xu hướng mới như số hóa và tính bền vững. Điều này có thể sẽ mang lại cơ hội đầu tư mới vào các dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng và các sản phẩm “xanh”.
Theo bài viết, số hóa hiện đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng tại Việt Nam. Nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước đang tăng trưởng ở mức 2 chữ số và tổng giá trị thị trường dự kiến đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam được củng cố bởi sự phát triển mạnh mẽ về thương mại điện tử, tài chính số và giáo dục.
Thương mại điện tử sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất. Với mức độ thâm nhập Internet ngày càng tăng, việc sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi hơn và sự đa dạng các nền tảng mua sắm trực tuyến, thị trường thương mại điện tử dự kiến sẽ tạo ra mức tăng trưởng cao hơn 25% mỗi năm và có giá trị thị trường là 35 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 1/10 tổng doanh số bán lẻ theo tầm nhìn dài hạn của Việt Nam. Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam. Thương mại điện tử Việt Nam, được thúc đẩy bởi xu hướng số hóa và kết hợp với nguồn vốn tăng nhanh, đang trên đà đạt được tốc độ tăng trưởng cao.
Video đang HOT
Trong khi đó, là lĩnh vực quan trọng của đất nước, dịch vụ tài chính đang tận dụng xu hướng số hóa. Theo kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành dịch vụ tài chính đã được chỉ định đóng vai trò tiên phong trong việc thiết lập một hệ thống số hóa hoàn toàn, lấy con người làm trung tâm.
Do đó, các ngân hàng Việt Nam đang theo đuổi các chiến lược phát triển kỹ thuật số. Cũng giống như thương mại điện tử, sự dễ dàng và thuận tiện của ngân hàng số sẽ thay đổi cách mọi người thực hiện các giao dịch tài chính. Số lượng người dùng ứng dụng ngân hàng tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 73% trong 9 tháng đầu năm 2020, mức cao nhất trong toàn khu vực. Tuy nhiên, mức độ thâm nhập của ngân hàng số vẫn ở mức vừa phải và dịch vụ tài chính số của Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển trong những năm tới.
Theo một nghiên cứu của McKinsey, vào năm 2030, 40% tiêu dùng của Việt Nam sẽ do thế hệ ra đời trong giai đoạn kỹ thuật số, tức là sinh ra vào những năm 1980 đến 2012, thúc đẩy. Nhóm này có xu hướng sử dụng Internet nhiều và sử dụng điện thoại thông minh. Sở thích và nhu cầu mua hàng của họ được quyết định bởi các yếu tố khác nhau. Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ phải cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số sáng tạo để tăng độ hài lòng của khách hàng.
Tận dụng khung chuyển đổi số để tăng tốc, bứt phá sau đại dịch COVID-19
Hiện cả nước có khoảng 870.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa (doanh nghiệp SMEs).
Trên thực tế, hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Chuyển đổi số là giải pháp then chốt giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sống sót vượt qua dịch COVID-19 đến tăng tốc bứt phá hậu đại dịch.
Để vượt qua rào cản, khó khăn khi tiến hành chuyển đổi số, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tham khảo Khung hướng dẫn chuyển đổi số để đạt được kết quả tối ưu.
Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương chuyên may các sản phẩm áo sơ mi, quần jeans, quần âu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Thách thức trong quá trình chuyển đổi số
Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, doanh nghiệp công nghệ số là chính là hạt nhân, là nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thành doanh nghiệp số, mọi tổ chức Việt Nam thành tổ chức số, mọi công dân Việt Nam thành công dân số.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết : hiện nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới. Tuy nhiên doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều rào cản để chuyển đổi số thành công.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với trên 1.300 doanh nghiệp Việt Nam về chuyển đổi số, có đến 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao. Đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn do giảm doanh thu, thiếu hụt nguồn vốn, ảnh hưởng đến mức chi phí đầu tư, triển khai, duy trì các giải pháp cho chuyển đổi số của doanh nghiệp. Có 52,5% doanh nghiệp nhận thấy rào cản khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh truyền thông.
Việc chuyển đổi số sẽ thay đổi thói quen và cách làm việc của người lao động. Một số doanh nghiệp đã ứng dụng phần mềm nhưng nhân viên, người lao động không ứng dụng hoặc chỉ ứng dụng một phần, khiến mục tiêu chuyển đổi số của doanh nghiệp không đạt được mục tiêu đề ra. Các doanh nghiệp có quy mô khác nhau sẽ gặp những rào cản ở mức độ khác nhau. Doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ có tiềm lực tài chính hạn chế nên gặp khó khăn nhiều nhất về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ, tìm đối tác cung cấp giải pháp phù hợp với nhu cầu.
Các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có tiềm lực tài chính tốt hơn thì gặp rào về thay đổi thói quen làm việc, cách thức kinh doanh. Các doanh nghiệp đang tăng trưởng và có nhu cầu chuyển đổi số để tăng tốc lại gặp vấn đề về tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi số để thay đổi các quy trình về phân tích dữ liệu, báo cáo thông minh, quản lý hệ thống khách hàng, kênh bán hàng; hoạch định tài nguyên, đảm bảo an toàn dữ liệu và bảo mật thông tin.
Những doanh nghiệp muốn chuyển đổi số để thúc đẩy xuất khẩu lại phân vân khi lựa chọn các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, tìm kiếm hỗ trợ về việc khởi tạo và duy trì tài khoản, xây dựng mô hình kinh doanh, tiếp thị, tìm kiếm giải pháp vận chuyển, kho bãi, logistics xuyên biên giới, thanh toán quốc tế...
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, tuy doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam nhưng trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp. Có đến 80 - 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là công nghệ cũ từ những năm 1980-1990. Theo kết quả khảo sát trong năm 2021 của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), tới 69% doanh nghiệp khó khăn khi lựa chọn đối tác triển khai chuyển đổi số; 72% không biết bắt đầu từ đâu và 92% không biết chuyển đổi số như thế nào.
Ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI cho biết: Còn có thể kể đến những thách thức khác như thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp...
Chuyển đổi số theo khung hướng dẫn
Nắm được khó khăn chồng khó khăn của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam, năm 2021, Hiệp Hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) đã thành lập hội đồng chuyên gia xây dựng Khung hướng dẫn Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm gần 40 chuyên gia là lãnh đạo cao cấp các doanh nghiệp công nghệ đang dẫn đầu về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực...
Ông Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch VINASA cho biết, Hội đồng hướng đến mục tiêu tạo ra một bộ bản đồ chuyển đổi số bài bản, đầy đủ nhưng đơn giản từ phương pháp luận đến giải pháp cụ thể. Bản đồ chuyển đổi số sẽ giúp một doanh nghiệp dù ở bất cứ quy mô nào, thuộc ngành nghề hoạt động gì cũng có thể tham khảo để biết mình đang ở đâu trong tiến trình chuyển đổi số, cần chuẩn bị những gì hành trang gì, hành trang do đơn vị nào cung cấp để chuyển đổi số thành công, hiệu quả.
Bộ tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số có thông tin chuyển đổi số cho các danh nghiệp thuộc 26 lĩnh vực riêng biệt trong 3 khối thương mại, dịch vụ và sản xuất (quy mô nhỏ). Tiêu biểu là các lĩnh vực như bán lẻ, giáo dục đào tạo, vận tải kho bãi (logistics), dịch vụ thực phẩm, du lịch khách sạn, vận tải hành khách, may mặc, thủy sản, sắt thép...
Khung hướng dẫn chuyển đổi số cho mỗi lĩnh vựa bao gồm 5 phần cơ bản là: Thực trạng và xu hướng phát triển; Khung hướng dẫn chuyển đổi số; Bộ giải pháp chuyển đổi số; Khuyến nghị những kỹ năng số cần đào tạo cho nhân sự, và Bộ tiêu chí đánh giá. Trong đó, phần quan trọng nhất là khung hướng dẫn chuyển đổi số được chia làm 2 loại là khung cơ bản và khung chuyên dụng.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80 hướng dẫn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy định sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng công nghệ số, chuyển đổi số. Theo đó, mỗi hợp đồng tư vấn chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ thêm 50% giá trị hợp đồng với tổng giá trị không quá 50 triệu đồng/năm.
Chương trình chuyển đổi số cho doanh nhiệp vừa và nhỏ đã xác định khoảng 7-8 nền tảng quan trọng doanh nghiệp cần như: nền tảng tăng doanh số bán hàng, quản lý hoạt động kinh doanh, tài chính, nhân sự, tìm kiếm các kênh phân phối mới... Chương trình cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua sử dụng các nền tảng số xuất sắc. Chương trình đã lựa chọn 20 nền tảng số xuất sắc công bố trên cổng SMEdx.vn với mục tiêu mỗi năm hỗ trợ 30.000 doanh nghiệp sử dụng và trải nghiệm các nền tảng...
Hiện nay, có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đặc biệt là hỗ trợ về tài chính, nhiều nền tảng chuyển đổi số trên thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tham khảo sử dụng Bộ tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp SMEs và Khung hướng dẫn chuyển đổi số cho SMEs (cung cấp miễn phí tại website www.dx4sme.vn) như một công cụ hữu hiệu để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thích ứng, phát triển trong với tình hình mới.
Theo ông Nguyễn Trọng Đường, với sự chung tay của nhà nước, các hiệp hội và doanh nghiệp, công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới, đóng góp cho phát triển kinh tế số đạt được mục tiêu đóng góp 20% GDP vào năm 2025...
Chính sách xoay chuyển kịp thời, tăng trưởng dần đảo chiều Việc ban hành và triển khai kịp thời các chính sách trong phòng chống dịch Covid-19 đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp. Nhìn lại năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội....