Xu hướng mua lại cổ phiếu tại châu Âu tăng mạnh
Mùa báo cáo lợi nhuận phá kỷ lục ở châu Âu đã cho thấy sự gia tăng mạnh số công ty sẽ mua lại cổ phiếu của họ, mang đến hy vọng cho các nhà đầu tư về lợi nhuận “kiểu Mỹ” tại một thị trường có truyền thống tập trung vào việc trả cổ tức thay vì mua lại cổ phiếu.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Phân tích của nhà cung cấp thông tin thị trường Alphasense cho thấy, trong các cuộc họp trực tuyến công bố lợi nhuận trong 180 ngày tính đến ngày 2/8 có 808 cuộc đề cập đến việc mua lại cổ phiếu, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và là cao nhất kể từ cuối năm 2016.
Tại Mỹ, nơi mà việc mua lại cổ phiếu phổ biến hơn nhiều so với tại châu Âu, các thị trường chứng khoán đã tăng gấp gần ba lần so với các thị trường chứng khoán châu Âu trong thập kỷ qua.
Việc những khác biệt trong cách trả thưởng cho nhà đầu tư ảnh hưởng đến mức nào tới việc các thị trường châu Âu tăng trưởng nhanh hơn so với thị trường Mỹ là điều khó xác định.
Tuy nhiên, hoạt động mua lại cổ phiếu là một nguyên nhân, khi điều này làm tăng nhu cầu và giảm nguồn cung cổ phiếu của một công ty. Việc lượng cổ phiếu giảm cũng làm tăng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu, thậm chí khi tổng lợi nhuận ròng ổn định.
Theo nhà quản lý danh mục đầu tư tại Janus Henderson, Tom OHara, việc hướng tới mua lại cổ phiếu một cách ổn định sẽ tạo động lực cho châu Âu, có thể giúp giá cổ phiếu có sự điều chỉnh mạnh.
Một loạt các doanh nghiệp và lĩnh vực đã thông báo việc mua lại cổ phiếu, từ nhà bán lẻ Carrefour đang bắt đầu mua lại lần đầu tiên trong một thập kỷ đến chương trình trị giá 2,2 tỷ USD của tập đoàn sản xuất thép ArcelorMittal.
Danh sách trên cũng có tên tập đoàn dầu mỏ Royal Dutch Shell, công ty bảo hiểm Allianz, nhà sản xuất chip TMicro và tập đoàn thực phẩm Danone.
Video đang HOT
Goldman Sachs gần đây đã nâng dự báo giá cổ phiếu tại châu Âu và Anh, với một trong những nguyên nhân là hoạt động mua lại cổ phiếu.
Morgan Stanley ước tính ít nhất các chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 35 tỷ USD đã được thông báo trong mùa báo cáo lợi nhuận này và dự báo hoạt động của năm 2021 sẽ vượt mức đỉnh 100 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2019.
Vì sao tâm lý thận trọng vẫn đè nặng lên một thị trường chứng khoán đang "thăng hoa"?
Chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã tăng khoảng 15% từ đầu năm và hiện cách mức cao nhất mọi thời đại không xa.
Tuy nhiên, làn sóng bán tháo vào cuối tuần qua đã cho thấy sự lo lắng trong tâm lý đầu tư.
Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Chỉ số đo lường cảm tính thị trường Fear & Greed, được phát triển bởi CNNMoney và sử dụng 7 thước đo tâm lý khác nhau, đang cho thấy dấu hiệu của "Nỗi sợ hãi tột độ", khi có đến 4 trong số 7 chỉ báo nằm ở "vùng đỏ".
Trong khi đó, nhu cầu mua trái phiếu để "trú ẩn an toàn" đang tăng lên, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm xuống chỉ còn 1,3% so với mức trên 1,75% được ghi nhận hồi tháng Ba.
Các nhà đầu tư cũng đang mua vào nhiều hợp đồng chọn bán (put option) hơn. Đây là loại hợp đồng cho phép người sở hữu bán tài sản với một mức giá xác định và vào một ngày cụ thể.
Số lượng các công ty có giá cổ phiếu rơi xuống mức thấp mới của 52 tuần đang tăng cao, trong khi khối lượng giao dịch của các cổ phiếu giảm cũng cao hơn khối lượng cổ phiếu tăng.
Tín hiệu sáng hiếm hoi làm "trụ đỡ" cho thị trường những ngày này có lẽ là nhóm cổ phiếu FAANG - cổ phiếu của 5 công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ, bao gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Alphabet của Google.
* Sợ hãi đôi khi không phải điềm xấu
Giới đầu tư đang lo lắng vì một số lý do hiện hữu. Mặc dù nền kinh tế và thu nhập của các doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng vì đại dịch vào mùa Xuân và đầu mùa Hè năm ngoái, song những lo lắng về biến thể Delta vẫn tồn tại và thực tế là nhiều người Mỹ vẫn chưa được tiêm chủng.
Trong khi đó, các triển vọng phục hồi cũng phát đi những tín hiệu trái ngược nhau. Trong khi Chính phủ Mỹ loan báo về sự bùng nổ mạnh mẽ của lĩnh vực bán lẻ trong tháng 6/2021, một báo cáo khác lại cho thấy niềm tin tiêu dùng đang sụt giảm đáng kể.
Trong khi đó, việc giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng cao cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mặc dù vậy trước tình trạng này, một số chuyên gia thị trường lại cho rằng sự hoài nghi là một tín hiệu tốt.
Có một câu nói nổi tiếng ở Phố Wall đó là "Chứng khoán dựng lên những bức tường lo lắng". Điều này có nghĩa là khi thị trường phát đi tín hiệu "xanh sàn", những lo ngại là rất chính đáng, bởi nếu không có những lo ngại này, thị trường có thể bị đầu cơ quá mức và "bong bóng" sẽ xuất hiện.
Kelly Bogdanova, Phó Chủ tịch bộ phận tư vấn danh mục thuộc cơ quan quản lý tài sản RBC, nhận định: "Việc thị trường tồn tại nỗi lo sợ kéo dài sau khi nền kinh tế gặp sự cố không phải là điều bất thường.
Do đó, giới đầu tư sẽ mất một thời gian dài để thật sự cảm thấy thoải mái với những điều chỉnh của các nhóm cổ phiếu từng chạm đáy". Chuyên gia này cho biết thêm rằng ông thà ghi nhận sự sợ hãi còn hơn là tâm lý tự mãn trên thị trường.
Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: THX/TTXVN
* Kỳ vọng vào một giai đoạn bùng nổ của khu vực tư nhân
Tuy nhiên, giới đầu tư có thể sẽ phải "chao đảo" trước những biến động mạnh hơn trong những tháng tới.
Giai đoạn được coi là là kiếm tiền dễ dàng có thể đã qua đi và Phó Chủ tịch Bogdanova cho rằng "thị trường hiện đang bước vào giai đoạn chuyển đổi", thay vì "tăng trưởng bùng nổ, đây sẽ là kiểu tiến lên hai bước và lùi một bước".
Trong khi đó, những lo ngại về lạm phát cùng sự chưa chắc chắn về cách Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phản ứng với hiện tượng này nhiều khả năng sẽ xuất hiện.
Mặc dù vậy, xu hướng sụt giảm gần đây của lợi suất trái phiếu thực sự có thể là một dấu hiệu đáng khích lệ cho các nhà đầu tư. Bởi nếu thị trường trái phiếu thực sự phản ứng với lạm phát, lợi suất sẽ tăng thay vì giảm. Thông thường, lạm phát sẽ đẩy môi trường lãi suất lên cao, chứ không phải ngược lại.
Do đó, có vẻ như các nhà đầu tư trái phiếu đồng ý với Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng chỉ số lạm phát hiện tại chỉ là "nhất thời".
Steve Wyett, chiến lược gia đầu tư của hãng tài chính BOK Financial, cho biết: "Thị trường trái phiếu đang phát đi thông điệp rằng những lo ngại về lạm phát không phải là vĩnh viễn. Ngoài ra, còn có một thực tế là thu nhập của các công ty dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Đây là một chỉ dấu tốt cho thị trường chứng khoán".
Theo công ty phần mềm và dữ liệu tài chính của Mỹ FactSet, các chuyên gia phân tích kỳ vọng lợi nhuận của khối doanh nghiệp sẽ tăng 24% trong quý III/2021 và tăng gần 19% trong quý IV/2021 so với một năm trước. Tăng trưởng dự kiến sẽ giảm nhẹ trong năm tới, nhưng các nhà phân tích vẫn dự báo lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng 11% trong năm 2022.
Trong khi đó, lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng vẫn sẽ tăng ngay cả khi nhiều công ty đang tăng lương để thu hút người lao động trở lại làm việc.
Chiến lược gia Wyett cho biết: "Các công ty có thể trả nhiều hơn cho người lao động mà không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Thu nhập sẽ tiếp tục tăng trưởng và giai đoạn này được thiết lập để chuyển từ kích thích tạo ra phục hồi sang giai đoạn bùng nổ của khu vực tư nhân".
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp trong ngày 22/7, sau khi phần lớn báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan của các doanh nghiệp cùng với các số liệu kinh tế trái chiều. Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones...