Xu hướng gia tăng ung thư phụ khoa ở phụ nữ trẻ
Nhiều bệnh nhân nữ còn quá trẻ đã bị ung thư phụ khoa. Đặc biệt, có bệnh nhân chưa lập gia đình, chưa có con và chưa có quan hệ tình dục vẫn bị ung thư thân tử cung, cổ tử cung.
Nữ giới trong độ tuổi 9 – 26 nên chích ngừa HPV để phòng ngừa ung thư cổ tử cung – Ảnh: shutterstock
Ung thư tử cung dưới tuổi 30
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1 – Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết vừa phẫu thuật cắt cổ tử cung bảo tồn sinh sản cho 2 bệnh nhân 29 và 30 tuổi. Một bệnh nhân phát hiện u tế bào gai xâm lấn khi đi tầm soát ở bệnh viện phụ sản. Một bệnh nhân cũng đi tầm soát sang thương 0,5 cm và sinh thiết ra kết quả ung thư tế bào gai. Cả hai trường hợp này đều mới lập gia đình và chưa có con. Vì vậy, bác sĩ phải vô cùng cẩn trọng, chọn phương pháp tối ưu, tư vấn rất kỹ cho bệnh nhân và gia đình để điều trị bảo tồn sinh sản.
“Căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phụ khoa, không chừa bất kỳ phụ nữ ở độ tuổi nào. Vì vậy, một lối sống lành mạnh, cân bằng là điều vô cùng cần thiết để giảm bớt nguy cơ”
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Trưởng khoa Ngoại 1 – Bệnh viện Ung bướu TP.HCM)
Đó vẫn chưa phải là trường hợp trẻ nhất bị ung thư phụ khoa mà các bác sĩ gặp phải. Bác sĩ Tiến cho biết gần đây Khoa Ngoại 1 – Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp bị ung thư phụ khoa còn rất trẻ, chưa lập gia đình, chưa có con, đặc biệt là ung thư thân tử cung và ung thư cổ tử cung. Có trường hợp ung thư thân tử cung mới 25 tuổi và ung thư cổ tử cung mới 19 tuổi (chưa quan hệ tình dục). Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân mới 14 tuổi vừa có kỳ kinh nguyệt đầu tiên đã phát hiện có khối u cổ tử cung rất to, xâm lấn hoàn toàn cơ tử cung, bàng quang và xuống gần hết âm đạo trên 10 cm.
“Mặc dù chưa có số liệu báo cáo cụ thể nhưng ghi nhận thực tế qua khám chữa bệnh cho thấy có nhiều bệnh nhân nữ còn quá trẻ đã bị ung thư phụ khoa. Điều này làm ngạc nhiên cho các y bác sĩ làm công tác điều trị bệnh lý này”, bác sĩ Tiến nhận định.
Theo bác sĩ Tiến, phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể bị ung thư phụ khoa, bao gồm ung thư cổ tử cung, thân tử cung, buồng trứng, âm hộ và âm đạo. Những năm gần đây, tỷ lệ mắc những căn bệnh này đang tăng lên ở phụ nữ dưới 30 tuổi. “Đây là tình trạng rất đáng lo ngại. Trước đây, bệnh ung thư phụ khoa thường xuất hiện ở tuổi trên 50 – 60″, bác sĩ Tiến đánh giá.
Tiến triển nhanh, ác tính cao
“Ung thư phụ khoa (ung thư cổ tử cung, buồng trứng, nội mạc tử cung) ở phụ nữ trẻ tuổi có khuynh hướng tiến triển nhanh và ác tính cao hơn so với bệnh nhân lớn tuổi”, bác sĩ Tiến cho biết.
Video đang HOT
Ở người trẻ, những áp lực tâm lý thường nặng nề hơn vì họ là trụ cột gia đình và có một tương lai còn rất dài phía trước. Việc suy sụp tâm lý cũng làm cho căn bệnh tiến triển nhanh hơn và giảm đi hiệu quả điều trị.
Vì vậy, theo bác sĩ Tiến, điều cực kỳ quan trọng là cần được chẩn đoán phát hiện sớm để điều trị hiệu quả. Đồng thời, một thách thức đặt ra cho các bác sĩ là cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị ưu việt nhất để có thể bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân trẻ.
Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm có thể được cắt cổ tử cung tận gốc bảo tồn thân tử cung, tạo hình tử cung, giúp vẫn có thể duy trì khả năng sinh sản. Đối với các trường hợp bệnh nhân trẻ, đặc biệt là người chưa lập gia đình, nếu bị ung thư buồng trứng, phát hiện sớm, các bác sĩ có thể cố gắng phẫu thuật lấy được khối u nhưng vẫn bảo tồn tử cung và buồng trứng để có thể sinh con sau này.
“Căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phụ khoa, không chừa bất kỳ phụ nữ ở độ tuổi nào. Vì vậy, một lối sống lành mạnh, cân bằng là điều vô cùng cần thiết để giảm bớt nguy cơ. Bên cạnh đó, phụ nữ cần trang bị kiến thức về việc phòng ngừa, đi khám tầm soát định kỳ để phát hiện sớm bệnh, chích ngừa HPV, đi khám ngay khi có các triệu chứng báo động… Trong đó, ung thư cổ tử cung có thể phát hiện được ở giai đoạn sớm thông qua tầm soát và có tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao nếu được phát hiện sớm”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Các nguy cơ
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, hiện nay nhiều nghiên cứu khoa học đã tìm thấy nguyên nhân gây ra 70% trường hợp ung thư cổ tử cung (UTCTC) là từ vi rút HPV, nhưng khi nhiễm HPV thì chỉ dưới 10% bệnh nhân tiến triển thành ung thư sau 10 – 15 năm.
Ở bệnh nhân ung thư trẻ tuổi, y học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân chính xác nhưng một số nghiên cứu cho thấy có mối liên quan về di truyền.
Một lý do được cho là liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ UTCTC ở phụ nữ trẻ là việc thay đổi thói quen tình dục của người trẻ. Cụ thể, hiện tại, phụ nữ có khuynh hướng quan hệ tình dục lần đầu trẻ hơn, tỷ lệ có nhiều bạn tình cũng cao hơn. Do đó, tỷ lệ nhiễm HPV ở phụ nữ trẻ là khá cao.
Các ước tính hiện tại cho thấy tỷ lệ nhiễm HPV ở phụ nữ từ 20 – 24 tuổi và từ 25 – 29 tuổi lần lượt là 59% và 50%. Nguy cơ UTCTC, buồng trứng cũng thường xảy ra ở phụ nữ có quan hệ tình dục trước tuổi 18 hoặc những người quan hệ với nhiều bạn tình, sẩy thai, nạo hút nhiều lần.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy yếu tố nguy cơ cho ung thư nội mạc tử cung (thân tử cung) và buồng trứng ở phụ nữ trẻ là do tăng tiết estrogen quá mức liên quan đến tình trạng béo phì và dậy thì sớm; bên cạnh các bệnh lý di truyền khác như hội chứng Lynch.
Mặt khác, nếu cơ thể sớm tiếp xúc với các tác nhân tiêu cực như môi trường ô nhiễm, rượu bia, thuốc lá, chất kích thích thì càng sớm thúc đẩy quá trình phát triển ung thư.
Theo Thanh niên
Những cách nghĩ sai lầm về ung thư
Những quan niệm sai lầm về ung thư có thể gây ra những lo lắng không cần thiết cho sức khỏe của bạn. Thông tin sai có thể làm bệnh nhân phản ứng sai lệch, hoặc phản ứng thái quá ảnh hưởng đến việc chấp nhận điều trị bệnh.
Qua nghiên cứu nhiều tài liệu và kinh nghiệm điều trị ung thư hơn 20 năm, dưới đây là một số quan niệm sai lầm về ung thư phổ biến:
Ăn đường làm ung thư phát triển nhanh hơn
Sự thật, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các tế bào ung thư hấp thụ nhiều đường hơn các tế bào bình thường. Nhưng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy ăn đường hoặc thực phẩm ngọt sẽ làm trầm trọng thêm bệnh ung thư. Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều đường có thể khiến bạn tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Những người béo phì hoặc mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu về sự an toàn của chất ngọt nhân tạo và đưa ra kết luận: tất cả các chất ngọt nhân tạo trừ cyclamate đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FAD phê duyệt để lưu hành trên thị trường.
Ung thư không được đụng dao, kéo
Quan điểm nếu "đụng dao kéo" sẽ làm bướu phát triển nhanh hơn không phải hoàn toàn sai. Vấn đề này có thể giải thích bằng 2 hướng. Giải thích dễ hiểu cho cộng đồng là ung thư như một ổ kiến trên cành cây, muốn lấy và tiêu diệt ổ kiến an toàn không bị "cắn", chúng ta phải đốn nguyên cành cây có chứa ổ kiến để tiêu diệt chúng. Không nên chọc vào tổ sẽ khiến kiến túa ra khắp nơi.
Ung thư cũng vậy, nếu cắt ngang, hay cắt lằn giới không an toàn, tế bào ung thư sẽ bùng phát dữ dội, từ giai đoạn đầu có thể trị khỏi bệnh sẽ lây lan nhanh đến giai đoạn cuối. Còn giải thích theo chuyên môn, nguyên nhân là khi phẫu thuật nếu không lấy được toàn bộ bướu sẽ kích thích phản ứng viêm, làm tăng sinh mạch máu và thúc đẩy các tế bào ung thư ở trạng thái "ngủ yên" chuyển sang trạng thái hoạt động, tăng sinh.
Chính vì vậy điều trị ung thư phải là bác sĩ chuyên ngành, phải có cái nhìn về ung thư (nhìn đâu cũng thấy tế bào ung thư), như vậy mới hạn chế thấp nhất tái phát và di căn của ung thư. Tuy nhiên, ngày nay phẫu trị vẫn được xem là một trong những phương pháp điều trị cơ bản và khoa học nhất trong điều trị ung thư. Thậm chí trong một số loại ung thư, phẫu trị còn được xem là phương pháp điều trị khỏi "duy nhất", thí dụ trong bệnh lý melanôm hoặc sarcôm sau phúc mạc.
Do đó, điều quan trọng là phải thực hiện phẫu thuật đúng chỉ định, đúng loại bướu, đúng giai đoạn và phải được thực hiện bởi các phẫu thuật viên chuyên khoa ung bướu, để bảo đảm lấy được toàn bộ bướu với diện cắt an toàn và tránh rơi vãi mô bướu trong lúc phẫu thuật. Phẫu thuật chia làm 2 loại, là phẫu thuật giảm nhẹ triệu chứng và phẫu thuật triệt căn.
Phẫu thuật triệt căn thực hiện ở giai đoạn bệnh phát hiện sớm, cắt bỏ khối u và nạo vét hạch. Phẫu thuật giảm nhẹ thường diễn ra khi bệnh nhân ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã di căn. Khi đó, người bệnh không còn khả năng phẫu thuật triệt căn, mục đích chính là giảm chèn ép và tránh sùi loét nhiễm trùng. Do đó, phẫu thuật lúc này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, giảm đau đớn hoặc kéo dài sự sống cho người bệnh.
Sợ bệnh và không điều trị
Bệnh nhân và người thân rất sợ hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Nhiều người nghĩ rằng, phẫu thuật hoặc sinh thiết khối u sẽ khiến ung thư lan rộng. Sự thật là mặc dù có thể, nhưng khả năng xảy ra điều này là cực kỳ thấp. Bác sĩ phẫu thuật phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt và thực hiện các bước để ngăn chặn điều này xảy ra trong khi sinh thiết. Do đó, điều cực kỳ quan trọng là bác sĩ phẫu thuật phải được đào tạo chuyên biệt để mổ bệnh nhân ung thư.
Nhiều người thường nghe từ bạn bè, người thân khi hóa trị liệu sẽ nguy hiểm, bởi đây là một chất độc cực mạnh. Do đó, nhiều bệnh nhân ung thư có thể chữa nhưng được từ chối điều trị vì sợ điều này.
Nếu không điều trị, chắc chắn bệnh nhân sẽ chết vì ung thư. Còn nếu dùng hóa trị liệu, sẽ có cơ hội sống tùy thuộc vào loại ung thư người bệnh mắc phải. Thí dụ, nếu bị ung thư hạch Hodgkin hoặc ung thư tinh hoàn, nguy cơ tử vong do hóa trị chỉ khoảng 0,1%, xác suất chữa khỏi hơn 90%.
Trong quá trình điều trị, khoảng 60% bệnh nhân không có tác dụng phụ, 30% có tác dụng phụ nhẹ và dưới 10% có tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, các bác sĩ chuyên khoa ung thư sẽ xác định và điều trị các tác dụng phụ này. Ngay cả đối với bệnh nhân hóa trị ung thư không thể chữa, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm trúng đích có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm đau và kéo dài thời gian sống thêm vài tháng đến vài năm.
Ung thư đã trở thành căn bệnh mãn tính, bệnh nhân trung bình mắc ung thư đại tràng di căn tiến triển có thể sống tới 3 năm, ung thư thận 3 năm, ung thư phổi 1,5 năm, melanoma ác tính 3 năm. Hiện nay có nhiều loại thuốc hiệu quả để kiểm soát buồn nôn và nôn do hóa trị. Vì vậy, khi mắc bệnh hãy sớm điều trị để có cơ hội sống và ít nhất có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Không bồi dưỡng quá mức
Nhiều người cho rằng, bệnh nhân ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hóa chất... còn sau đó chỉ nên ăn gạo lức, muối vừng để không nuôi dưỡng khối u, làm khối u teo dần. Nhiều người còn không ăn thịt đỏ, chất đạm, uống sữa, ăn thịt, trứng mà chỉ ăn chay. Sai lầm này khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, rút ngắn thời gian sống, đồng thời làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tình trạng tử vong.
Theo các bác sĩ, chế độ ăn uống cần đầy đủ và cân đối gồm rau, hoa quả, sữa chua, tránh thực phẩm giàu đạm, đường, lipid, kiêng đồ cay, nóng, chất kích thích trước, trong và sau quá trình điều trị. Nhờ vậy người bệnh nâng cao thể lực, đủ sức theo hết liệu trình điều trị và giảm tác dụng phụ không mong muốn.
BS. Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM
Theo SGGP
Dưới 30 tuổi mắc ung thư phụ khoa, bác sĩ chỉ ra nguyên nhân không ngờ Tỷ lệ ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trẻ gia tăng có liên quan đến việc thay đổi thói quen tình dục. Ngày nay, nữ giới thường làm "chuyện ấy" sớm và có nhiều bạn tình hơn. BSCKII Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu, cho biết thời gian qua, các bác sĩ liên tục tiếp nhận...