Xu hướng đầu tư của bất động sản ven biển Việt Nam năm 2019
Năm 2019 có thể là một năm thách thức của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khi hàng loạt dự án được đưa vào vận hành, cộng với hàng loạt dự án mới được đầu tư. Nguồn cung mới vẫn tập trung chủ yếu ở những địa phương quen thuộc như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận.
Theo ý kiến của giới chuyên gia, thị trường BĐS biển luôn đi sau thị trường nhà ở khoảng một năm. Bắt đầu từ giai đoạn 2014, khi nhà đất TP.HCM thoát khỏi vùng trũng, ấm dần lên thì đến 2015, thị trường BĐS biển trỗi dậy với loạt dự án tầm cỡ.
Theo đó, trong giai đoạn đầu chu kỳ, các ông lớn tập trung lăng xê địa danh quen thuộc và đổ dòng tiền vào biệt thự biển xây sẵn, condotel cao cấp với mức giá chào bán khá cao. Tuy nhiên sau một thời gian có biểu hiện chững lại, nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng tạo nên bức tranh đa màu cho phân khúc ven biển.
Nửa cuối 2018, thị trường ven biển đã chứng kiến sự đổ bộ của những địa danh hoàn toàn mới với giá trị đầu tư vừa tầm, được xem là bắt đúng mạch khách hàng thời điểm hiện tại. Theo nhận định của GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thị trường bất động sản 2018 phát triển ổn định, dự báo năm 2019 thị trường sẽ tiếp tục phát triển tốt. Trong đó, với bất động sản nghỉ dưỡng không cần lo “bong bóng” hay thừa cung, dư địa còn nhiều.
Công ty nghiên cứu CBRE Việt Nam cũng vừa công bố báo cáo tiêu điểm về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng với ghi nhận mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế của Việt Nam bình quân đạt 27% trong 2 năm qua và thuộc những quốc gia có đà tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Á. Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng là một kênh đầu tư hấp dẫn và là một sản phẩm thể hiện phong cách sống của tầng lớp khá giả.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, sự bùng nổ của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng biển Việt Nam được châm ngòi bởi những yếu tố như cơ sở hạ tầng cải thiện, lượng du khách quốc tế và trong nước tăng trưởng mạnh mẽ, các sản phẩm ngày càng đa dạng và chất lượng cao.
“Cũng không thể phủ nhận một thực tế là bất động sản nghỉ dưỡng đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hội tụ đầy đủ những yếu tố này nên dễ hiểu tại sao thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam chưa bao giờ hết nóng”, bà Dung nhấn mạnh.
Video đang HOT
Đơn vị này cung cấp số liệu cho thấy hiện 4 thị trường lớn gồm Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, lượng cung giới thiệu ra thị trường vào khoảng 30.000 căn hộ khách sạn (condotel). Bên cạnh đó, cũng có khoảng 5.500 căn biệt thự nghỉ dưỡng đã được tung ra thị trường, và tỷ lệ hấp thụ cũng đạt khoảng 90%. Thị trường cũng đang xuất hiện những khu vực mới nổi khác nằm trong vòng bán kính không xa các địa điểm trên.
Đơn cử như từ giữa năm 2017, thị trường BĐS Đà Nẵng là một trong những điểm “nóng” về giá của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt dự án quy mô lớn xuất hiện mang đến nhiều sản phẩm ở các phân khúc khác nhau, khiến thị trường BĐS diễn ra rất sôi động; đặc biệt là phân khúc condotel và đất nền ven biển của các dự án phát triển đô thị.
Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều người cho rằng tỉnh này bỗng nhiên “được mùa” dự án nghỉ dưỡng khi trong một thời gian rất ngắn xuất hiện hàng loạt đại gia địa ốc toan tính rót vốn đầu tư vào đây. Chẳng hạn, tập đoàn Tuần Châu, BRG, FLC, Novaland, DIC, Hưng Thịnh Corp., đều đang làm việc với chính quyền địa phương để tìm quỹ đất cho các dự án khu nghỉ dưỡng siêu sang rộng hàng trăm hecta.
Trong khi đó, riêng tại thị trường Phú Quốc (Kiên Giang), nhiều nhà đầu tư sau một thời gian ồ ạt bung tiền gom đất đón đầu cơ hội nơi này trở thành đặc khu, nay đã và đang âm thầm rút vốn để chuyển hướng đầu tư mới. Trước đó, Ninh Thuận cũng nhanh chóng trở thành ẩn số đáng gờm với sự xuất hiện của loạt dự án nghỉ dưỡng hạng sang dọc những vị trí đắc địa ven biển.
Điển hình nhất là “hiện tượng” tập đoàn Novaland chuyển hướng đầu tư sang mô hình dự án nghỉ dưỡng khép kín khi “thử nghiệm” một bước tiến mới tại TP Cần Thơ với dự án nghỉ dưỡng hợp túi tiền, kéo theo đó là FLC cũng đang làm việc với chính quyền địa phương này để đầu tư một khu nghỉ dưỡng khác tại Cồn Ấu, Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền…
Song song đó, Novaland cũng đang triển khai đầu tư một siêu dự án rộng gần 1.800ha tại Mũi Né và dự án Nova Hills ngay thiên đường nghỉ dưỡng Phan Thiết. Mới đây, Novaland vừa công bố chiến lược đầu tư năm 2019, trong đó BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục là phân khúc đầu tư mạnh của doanh nghiệp này, mở rộng sang nhiều địa phương khác như tại Cam Ranh (Khán Hoà), TP. Vũng Tàu….
Không bỏ lỡ cơ hội thị trường này, “ông lớn” FLC cũng đang làm việc với tỉnh Bình Thuận về việc xúc tiến đầu tư khu nghỉ dưỡng rộng hơn 1.000ha.. Cạnh đó là siêu dự án Khu đô thi du lich nghỉ dưỡng Dubai Viêt Nam tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận do Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Thương mại Nông thị Dubai Việt Nam làm chủ đầu tư, dự án có diện tích đất hơn 1.169 ha, với tổng vốn đầu tư 14.602 tỷ đông cũng đang được gấp rút thực hiện các thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng trong quý 1/2019…
Đánh giá về thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian tới, đại diện CBRE cho biết: “Bất chấp việc nguồn cung tăng mạnh tại các phân khúc khác nhau trên cả nước, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt. So sánh những điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á như Phuket (Thái Lan), tổng số sản phẩm của bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn còn thấp và tiềm năng tăng trưởng vẫn lớn”.
Nguyên Minh
Theo Nhịp sống kinh tế
Chiến tranh thương mại và thị trường bất động sản Việt Nam
Chiến tranh thương mại và thị trường bất động sản là hai phạm trù kinh tế thoạt nghe qua sẽ khó nhận thấy được mối liên hệ của nó.
Tổng thống Donal Trump đã phát động chiến tranh thương mại nhắm đến Trung Quốc được gần 1 năm, và cũng gần 1 năm qua thị trường bất động sản Việt Nam có những diễn biến khá đặc biệt.
Thông tin từ các sàn môi giới thuộc Hội môi giới bất động sản Việt Nam ghi nhận có sự đột phá tăng giá, tăng nhu cầu nhà ở, nhà cho thuê của người nước ngoài đối với sản phẩm trong phân khúc bất động sản nhà ở hạng sang ở các Thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, tăng nhu cầu đối với bất động sản văn phòng và nhà xưởng, đất đai, tuy nhiên ở chiều ngược lại Bất động sản nghỉ dưỡng đã không có được sự tăng trưởng tốt như trong những năm 2016-2017.
Tại các dự án bất động sản nhà ở cao cấp có mức giá phù hợp Room 30% cho người nước ngoài nhanh chóng được lấp đầy, người nước ngoài tranh nhau mua thậm chí ghi nhận nhiều trường hợp đầu cơ sang tay chuyển nhượng suất mua giữa khách hàng nước ngoài với nhau.
Về mức giá chào bán trong phân khúc BĐS hạng sang cũng có sự gia tăng với biên độ chưa từng thấy, nếu như những năm trước sản phẩm cao cấp có mức giá 3.000USD - 4.000USD thuộc hàng hiếm và khó tiêu thụ thì chỉ trong một năm qua mức giá này đã được đã liên tiếp tạo thêm những kỷ lục, được các chủ đầu tư đẩy lên đến 7.000USD - 8.000USD thậm chí có dự án dự kiến chào giá đến 10.000USD mà vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn của người mua nhà.
Bên cạnh nhà ở cao cấp thì giá thuê văn phòng cũng đang trong diễn biến "leo dốc" tăng 5% - 7% ở hầu hết các phân khúc và tỷ lệ lấp đầy cũng tăng cao. Rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã đặt hàng thông qua các nhà môi giới để tìm quỹ đất xây dựng văn phòng làm việc hoặc xây dựng VP cho thuê ở các khu vực trung tâm, Quận 2, Quận 7...
Từ đầu năm thông tin từ các sàn môi giới bất động sản trực thuộc Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng đã ghi nhận việc tăng nhu cầu tìm kiếm nhà sưởng, kho bãi. Các khu công nghiệp nhanh chóng được lấp đầy và nhộn nhịp thi công xây dựng. Giá thuế nhà xưởng sản xuất cũng tăng 3% - 4%, cùng theo đó là nhu cầu nhà ở bình dân, đất nền phân lô cho công nhân, người lao động thuê gần các thủ phủ Công nghiệp như Bình Dương, Biên Hoà, Đồng Nai cũng diễn ra sôi động, nhu cầu tăng rất mạnh.
Ở chiều ngược lại thị trường căn hộ nghỉ dưỡng Condotel khá ảm đạm, từ đầu năm rất ít sản phẩm mới được chào hàng, trong khi các sản phẩm, dự án tồn đọng trong những năm trước tiêu thụ khá khó khăn. Thị trường condotel đang cạnh tranh rất khốc liệt và chỉ có những tên tuổi lớn có sản phẩm thật sự chất lượng được quản lý và vận hành chuyên nghiệp, được đầu tư bài bản đúng tiến độ mới duy trì được sự quan tâm của khách hàng.
Có ý kiến cho rằng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ từ Trung Quốc dịch chuyển sang những quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác như một kịch bản thay thế, bổ sung. Thậm chí chính các nhà đầu tư và các gia đình tại Trung Quốc cũng muốn đầu tư và dịch chuyển tài sản ra nước ngoài để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội tiềm tàng có thể xảy ra do chiến tranh thương mại, tranh dành ảnh hưởng Mỹ - Trung.
Không ít các ý kiến khác lại cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây thiệt hại cho cả hai đầu tầu kinh tế, khiến cho kinh tế toàn cầu suy thoái, ảm đạm dẫn đến hệ lụy, giảm nhu cầu và suy thoái đà tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới và mọi quốc gia đều sẽ chịu ảnh hưởng, suy thoái theo.
Rõ ràng tăng trưởng hay suy thoái kinh tế sẽ là nhân tố quyết định ảnh hưởng đến suy thoái hoặc tăng trưởng của thị trường bất động sản mọi quốc gia vì thị trường Bất động sản là thị trường cốt lõi cung cấp sản phẩm dịch vụ và cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế.
Kịch bản tăng trưởng nào sẽ xảy ra đối với Việt Nam trong chiến tranh thương mại Mỹ -Trung? Kịch bản đó sẽ chỉ là ngắn hạn hay là xu hướng dài hạn? Khi dòng vốn đầu tư dịch chuyển do chiến tranh thương mại thì phân khúc bất động sản nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất?
Với mục đích hỗ trợ cho các nhà tư vấn, môi giới bất động sản có thêm thông tin và cái nhìn đa chiều, rõ nét hơn về xu hướng phát triển của thị trường bất động sản trong bối cảnh đang có sự biến động khó lường của dòng vốn đấu tư toàn cầu trong chiến tranh thương mại, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đã mời chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Nguyên thành viên tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng chính phủ, là người có rất nhiều thông tin, kinh nghiệm và kiến thức về quá trính phát triển và quản lý kinh tế Việt Nam qua các thời kỳ sẽ đến chia sẻ và nói chuyện chuyên đề về "Chiến tranh thương mại và thị trường bất động sản Việt Nam".
A.D
Theo Nhịp sống kinh tế
Hết thời bùng nổ đầu tư Trung Quốc tại Mỹ Đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm tới 83% trong năm 2018, theo một báo cáo của công ty luật Baker McKenzie. Khách sạn Waldorf Astoria thuộc sở hữu Trung Quốc Không chỉ sụt giảm đầu tư, các doanh nghiệp đến từ Đông Bắc Á còn bắt đầu một đợt bán tháo nhà đất, các dịch vụ giải trí...