Xứ cù lao vào vụ rau màu
Chợ Mới (An Giang) có diện tích trồng rau màu lớn, với hơn 25.000 ha/năm. Kết quả thu nhập bình quân diện tích chuyển đổi sang trồng màu tăng gấp 3,44 lần so trồng lúa; giá trị sản xuất bình quân rau màu đạt 392,36 triệu đồng/ha.
Sản xuất và thu hoạch rau màu ở xã Kiến An
Có thể thấy, hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở huyện Chợ Mới đã và đang mang lại những kết quả quan trọng. Từng bước đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân, mở ra nhiều cơ hội để Chợ Mới đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới, vụ hè thu 2020, toàn huyện xuống giống gần 5.400ha rau màu, tập trung ở các xã: Mỹ An, Hội An, Kiến An, Long Kiến, Kiến Thành, Mỹ Hội Đông…
Nông dân trồng chủ yếu các loại rau ăn lá, cải xanh, cải ngọt, dưa hấu non, khoai cao, bắp non, bắp ngọt, dưa leo, đậu đũa, hành, gừng, mè, ớt… Đến nay đã thu hoạch hơn 2.100ha rau các loại, khoai cao, bắp non, cải xanh, cải ngọt, hành… năng suất đạt cao, giá cả tăng so tháng trước. Bà con nông dân sản xuất rau màu ở đây cho biết, trồng rau màu mùa mưa thời tiết thuận lợi cho cây phát triển, đỡ tốn công chăm sóc và chi phí tưới. Tuy nhiên, sản xuất mùa này cũng đối mặt nhiều khó khăn nếu như gặp thời tiết bất lợi, mưa bão kéo dài.
Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng rau màu, bà con đã cho lên liếp, tạo rãnh để thoát nước thật nhanh khi gặp mưa nhiều và kéo dài, để tránh bị ngập cục bộ. Vì nếu bị ngập quá lâu rễ cây sẽ bị mất ô-xy, người dân quen gọi là bị ngộp, khả năng hấp thu dinh dưỡng kém, nếu kéo dài cây sẽ bị chết hoặc tuột lá dẫn đến năng suất giảm.
Anh Nguyễn Văn Hà (nông dân chuyên sản xuất rau màu) cho biết: “Để rau màu thích ứng tốt với thời tiết, nông dân chọn giống kháng được những bệnh thường gặp trong mùa mưa, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học, ủ với phân hữu cơ để bón lót nhằm hạn chế một số loại nấm bệnh hoặc khi cây được 5-7 ngày tuổi. Không nên làm đất quá nhuyễn dẫn đến đất bị nén, thiếu ô-xy sẽ gây nên tình trạng nghẹt rễ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây. Định kỳ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị một số loại sâu bệnh thường gặp. Nhiều mảnh ruộng nông dân sử dụng màng phủ có 2 mặt hoặc dùng rơm rạ phủ lên luống cây rau màu”.
Dọc tuyến đường cộ Hai Thới (xã Kiến An, Chợ Mới), nông dân trồng rau màu san sát. Bà Nguyễn Thị Út đang thu hoạch cải ngọt cho biết: “Giá cả hiện nay đang thuận lợi, cải xà lách có giá 12.000 đồng/kg, thương lái tới tận ruộng để thu mua, nên đỡ chi phí”.
Chị Tư đang loay hoay tỉa bỏ bớt cây cải xanh con cho biết: “Tôi có mảnh ruộng hơn 500m2 trồng tía tô, cải xanh, rau thơm, ngò rí. Mùa mưa đỡ tốn tiền tưới, chăm sóc khỏe. Cải xanh trồng 25 ngày thu hoạch, hiện có giá 10.000kg. Riêng rau tía tô giá 27.000 đồng/kg, nhưng loại này giống đắt và khó trồng hơn các loại rau màu khác, nhưng năng suất khá cao. Sau khi trồng 2 tháng thu hoạch đợt 1 cắt ngang cây, sau thời gian chăm sóc thu hoạch tiếp đợt 2″.
Nhiều nông dân sản xuất rau màu chia sẻ, vòng quay của đất trồng rau màu đạt 4-7 vòng/năm. Trồng rau, cải có chi phí sản xuất thấp, được giá sẽ lời rất nhiều. Như các loại rau ăn lá nếu giá 4.000-5000 đồng/kg thì huề vốn, còn được giá như hiện nay 1 công đất thu hoạch có thể lời hơn 10 triệu đồng sau 2 tháng trồng và chăm sóc.
Video đang HOT
Xã Kiến An được xem là vùng chuyên canh rau màu lớn của huyện Chợ Mới và tỉnh. Hệ số vòng quay sản xuất 5-7 vụ/năm. Mỗi ngày, nơi đây cung cấp ra thị trường 80-100 tấn rau màu các loại. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất đa dạng các chủng loại, nông dân Kiến An đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản. Theo những người nông dân này, 1 công đất ở đây mỗi năm trồng được 5-7 vụ rau, mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, xà lách… Nếu tình hình sản xuất thuận lợi, “trúng mùa, trúng giá”, lợi nhuận thu được rất cao.
Anh Dư (Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiến An) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, nông dân xã Kiến An gieo trồng gần 2.500ha màu. Được tỉnh đầu tư hệ thống tưới công nghệ cao, Hội Nông dân xã phối hợp Ban Nông nghiệp xã đã vận động nông dân trong vùng dự án đấu nối hệ thống tưới phun sương trên rau, màu được 22 hộ đăng ký, đang triển khai thực hiện”.
Hợp tác xã Nông sản an toàn Kiến An – Chợ Mới xuống giống hơn 600m2 dưa leo thực hiện trong mô hình nhà ươm cây con, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Để sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng, huyện Chợ Mới đã hình thành các vùng chuyên canh rau màu ở xã Kiến An, đồng thời đang thực hiện được 33 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: mô hình trồng rau màu trong nhà lưới, nhà màng ươm cây con công nghệ sinh học.
Nông dân đánh giá rất cao sự hỗ trợ tích cực của chính quyền trong đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm sản xuất như đầu tư khôi phục lại các tuyến kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất. Đồng thời, mong muốn đầu tư các mô hình điểm như: sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho nông dân… giúp người nông dân thu được lợi nhuận cao hơn trên chính mảnh ruộng của mình.
Làm hàng bông ngỡ "3 chìm 7 nổi", thế mà có tiền tỷ mua đất xây nhà
Nhiều người cho rằng, làm hàng bông là nghề "ba chìm, bảy nổi" bởi giá cả thị trường trồi sụt, phụ thuộc thời tiết mưa nắng thất thường.
Tuy nhiên, với anh Bảy Đệ (Nguyễn Hữu Đệ) ở xã Qui Đức, huyện Bình Chánh, TP.HCM, làm hàng bông là mua đất, xây nhà...
Đi nhiều, gặp nhiều nông dân, thấy nhiều cách làm thành công, thất bại, nhưng chưa ai làm tôi ngạc nhiên như cách làm giàu của anh Bảy Đệ: Bám thị trường để quyết định trồng hàng bông.
Thợ "đụng"...
Anh Bảy Đệ ngồi nghỉ tay nơi hàng ba ngôi nhà lầu sau một lúc tắm tưới cho vườn lan Denbrobium. Trước khi có vườn lan 4.000m2 này, anh Bảy Đệ nổi tiếng ở Bình Chánh về sở trường làm hàng bông bán ở chợ. Người ta làm lời một, anh làm lời hai..., cứ thế mà tích tụ ruộng đất.
Anh Đệ đang chăm sóc vườn lan. Ảnh: T.C.L
Tôi hỏi "đời làm nông anh đã trải qua bao nhiêu giống cây trồng? - anh Bảy xòe bàn tay chai sần ra đếm một hồi rồi cười khà khà: "Thua, đếm không xiết!". Quả thật, nghe anh kể mà tôi chỉ nhớ nổi vài loại hàng bông đã xây dựng nên "thương hiệu" Bảy Đệ, như: Mướp hương, quế...
Năm 2006, khi UBND TP.HCM ban hành chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố (giai đoạn 2006 - 2010) và các quyết định về phê duyệt đề án xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại 13 xã, phường, thì anh Bảy Đệ đã "cầm còi chạy trước ôtô" trước đó khoảng... chục năm.
Anh Bảy kể, năm 1984, đang làm công nhân cho Xí nghiệp Cơ khí Bình Chánh, không lo nổi cho gia đình với khoản lương "quá hẻo", anh đành xin nghỉ về nhà lấy miếng đất ruộng hương hỏa gần 1ha của cha mẹ để làm nông. Có được đất, anh Bảy manh nha tự "chuyển dịch cơ cấu kinh tế".
Ngặt cái, do đất nằm trong khu vực nước lợ nên từ đất ruộng lúa, anh phải be bờ, lên luống trồng hàng bông. Để tránh bị chính quyền biết và phạt, mỗi đêm anh ra ruộng làm từng khoảnh. Nhưng rồi chính quyền địa phương cũng biết. "Mấy ổng đến nhà làm rùm beng, nhưng rồi thấy tôi giải thích hợp tình, hợp lý, lại gia đình có công với cách mạng nên... đã cho qua" - anh Bảy cười vui.
Từ đây, anh Bảy bắt đầu tìm hiểu nhu cầu thị trường và xuống giống làm hàng bông với đậu bắp, bí, dưa leo, ngò gai, quế, đậu rồng... Cứ mùa nào, anh trồng thức ấy, nên có hàng bán quanh năm đáp ứng đúng nhu cầu người tiêu thụ.
Năm 2001, anh mạnh dạn làm giàn trồng đậu rồng xen mướp hương. Mướp hương trồng sau 50 ngày là có trái thu hoạch, thời gian thu hoạch từ 3 - 3,5 tháng. Nhờ chăm sóc tốt, mướp phát triển khá nhanh, trái to, màu đẹp nên dễ bắt mắt người tiêu dùng. Bình quân một ngày anh thu hoạch 200kg mướp hương, bán tại ruộng giá 1.000 - 1.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lời hơn 6 triệu đồng/tháng.
Khi thu hoạch hết mướp trái, cây mướp tự rụng lá thì cũng là lúc cây đậu rồng bắt đầu phát triển. Khoảng 70 ngày sau khi trồng thì cây đậu rồng bắt đầu có trái thu hoạch. Trung bình một ngày anh bán được 150kg, lúc rộ lên đến 200kg, với giá tại ruộng từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, lãi ròng trên 12 triệu đồng/tháng.
Nhờ những vườn hàng bông VietGAP này, anh Bảy Đệ đã thành tỷ phú. Ảnh: T.C.L
Ngoài ra, mỗi năm anh còn thu nhập thêm 18 triệu đồng từ bán hoa sống đời, 5 triệu đồng bán cây giống, 10 triệu đồng bán lá quế, hột giống quế... "Nói thật, thu nhập từ lúa chả ăn thua gì với mấy loại hàng bông này. Chỉ với cây quế, một đêm vợ chồng tôi thu 30kg hạt, quy ra giá trị gần bằng 2 chỉ vàng lúc bấy giờ" - anh Bảy thổ lộ.
Ngày ấy, thanh long ở vùng Bình Chánh còn trồng chơi kiểng, thì Bảy Đệ đã cho trồng thành vườn thu trái bán. Để có vườn thanh long 2.000m2, anh phải đi tìm giống từ những cây thanh long mọc hoang hay trồng làm kiểng ở các tỉnh, thành lân cận rồi mang về nhân giống, chăm dưỡng. Anh Bảy cho biết, trái thanh long anh trồng chất lượng ăn đứt các nơi khác do thơm, ngọt và dai. Cứ mỗi khi thu hoạch, anh chỉ việc mang ra cầu ông Thìn để vợ ngồi bán là nhanh chóng hết sạch.
Nhiều nông dân thấy anh trồng thanh long kiếm ăn khấm khá cũng xin giống đem về trồng. "Thu nhập từ vườn thanh long gấp mấy lần ha đất trồng lúa" - anh Bảy chia sẻ.
Theo anh Bảy, tất cả sản phẩm hàng bông đều có thương lái ở địa phương và chợ Cần Giuộc (Long An) đến mua tận ruộng. Thu hoạch tới đâu, thương lái tiêu thụ hết đến đó, ít khi bị ép giá.
Anh Bảy Đệ kết luận: Nói chung làm hàng bông khá cực, sớm hôm không ngơi tay. Nhưng nếu thương nó, theo nó thì sẽ có thành quả ngọt ngào.
Bén duyên với hoa lan
Ở cái tuổi lục tuần, vợ chồng anh Bảy có lẽ cũng chẳng còn hơi sức đâu gồng gánh cái nghề hàng bông cơ cực. Trên mảnh đất 1.200m2, giờ vẫn còn một diện tích khá lớn để trồng hàng bông theo quy trình VietGAP. Đây là "nồi cơm" để vợ chồng anh "lấy ngắn nuôi dài" cho vườn hoa lan Denbrobium rộng 4.000m2 mới cho thu hoạch.
Chị Trần Thị Nhung - vợ anh Bảy cho biết, làm hàng bông cực lắm, thức đêm thức hôm, nắng mưa suốt, nhưng trồng lan thì nhàn hơn. Trồng lan như nuôi gà công nghiệp, tắm tưới, phun thuốc có giờ giấc. Vả lại đầu tư một lần đầu, dù tốn kém, nhưng sau đó sẽ cho thu hoạch hoa nhiều năm, không như làm hàng bông cứ thu hoạch là phải lại trồng mới.
"Nếu so với hoa lan thì thu nhập vườn mướp không bằng, nhưng nếu lấy mướp so với lúa thì trái mướp cho thu nhập gấp nhiều lần. Quan điểm làm nông của tôi là không để mất vốn khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tệ lắm là hòa vốn" - chị Nhung nói.
Theo anh Bảy, một số thương lái hoa lan cho biết vườn lan của anh phát triển tốt và cho hoa rất đẹp. Dù vườn lan mới cho thu hoạch ban đầu, nhưng năm vừa qua cũng đem lại cho gia đình anh gần nửa tỷ đồng. Anh Bảy chia sẻ, với đà này, dần dà anh sẽ cho cho chuyển hết diện tích đất đang trồng hàng bông sang trồng lan. "Tôi sẽ cho phát triển diện tích vườn lan hơn nữa. Bên cạnh làm lan cắt cành, hướng sắp tới tôi sẽ làm lan chậu bán" - anh Bảy Đệ bộc bạch.
Ve đen hại lúa Những năm qua, các vùng trồng lúa tại khu vực các tỉnh miền Bắc thường xuyên xuất hiện một loài ve đen gây hại, nông dân quen gọi là 've đen 8 chấm'. Triệu chứng gây hại của ve đen 8 chấm nhìn từ xa, tại Yên Thành, Nghệ An, 2020. Đây là loài dịch hại nông nghiệp tuy không mới, nhưng các...