Xử ‘bầu Kiên’: HĐXX ‘gặp khó’
Hôm nay (16/4), TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm.
Nguyễn Đức Kiên – bầu Kiên trong thời gian bị tạm giam
Hôm nay (16/4), TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “cố ý làm trái…”, “trốn thuế” và “kinh doanh trái phép”. Trước phiên xét xử, vụ án đã từng bị trả hồ sơ để điều tra lại vì cho rằng bị sót người, lọt tội. Qua điều tra bổ sung, đã có thêm hai người bị khởi tố, truy tố, thế nhưng vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về tính pháp lý của việc buộc tội các bị cáo.
Trực tiếp phiên xét xử vụ án Bầu Kiên
4 thương vụ “khủng”
Vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm bởi số tiền bị cáo buộc phạm tội lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Không chỉ có vậy, hành vi của những bị cáo còn bị cho rằng, đã gây ra sự mất ổn định sự hoạt động bình thường của hệ thống ngân hàng.
Vì lẽ đó, vụ án đã trở thành 1 trong 8 vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng trong những năm qua, khiến Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương đưa vào diện đôn đốc xử lý.
Cơ quan điều tra đã kết luận, từ ngày 15/5/2007 đến 3/8/2012, Nguyễn Đức Kiên – nguyên thành viên hội đồng sáng lập ACB – đã thành lập 6 Cty để làm chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên để kinh doanh tài chính, kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền 21.491 tỉ đồng.
Theo cơ quan điều tra, trong năm 2009, Cty B&B do Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch HĐQT đã thực hiện các lệnh ủy thác cho ACB mua bán vàng trạng thái thu lãi hơn 100 tỉ đồng, nhưng trốn thuế thu nhập DN số tiền hơn 25 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao cũng khẳng định, Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến đã thông qua Cty ACBI do Kiên là Chủ tịch HĐQT, Thanh là giám đốc, Yến là kế toán trưởng đã tạo dựng chứng từ, lừa đảo Cty TNHH MTV thép Hòa Phát 264 tỉ đồng. Cơ quan điều tra, truy tố kết luận, nhóm bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá (nguyên Bộ trưởng Bộ KHĐT, nguyên thành viên thường trực HĐQT ACB) và các thành viên HĐQT ACB như Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Huỳnh Quang Tuấn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng bằng việc ủy thác trái quy định của pháp luật cho nhân viên ACB gửi tiền vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè, khiến Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718,9 tỉ đồng, gây thiệt hại cho ACB.
Đồng thời, cơ quan truy tố cũng cho rằng, các bị cáo nêu trên đã có hành vi “cố ý làm trái…” trong việc đầu tư cổ phiếu ACB gây thiệt hại cho ACB số tiền 687,7 tỉ đồng.
“Làm khó” cho HĐXX
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp nên TAND TP.Hà Nội đã phân công Phó Chánh án TAND TP.Hà Nội Nguyễn Hữu Chính làm chủ tọa xét xử vụ án.
Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, hàng loạt luật sư của các bị cáo đã đồng loạt gửi đơn tới TAND TP.Hà Nội đề nghị hoãn phiên tòa cho tới khi bản án vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hiệu lực.
Các luật sư đều có chung quan điểm cho rằng, hiện bản án sơ thẩm số 46/2014/HSST ngày 27/1/2014 của TAND TP.Hồ Chí Minh xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 718 tỉ đồng đang bị kháng cáo. Vì thế, việc ACB có bị thiệt hại số tiền nêu trên hay không vẫn chưa được xác định.
Theo các luật sư, việc xác định thiệt hại của ACB trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như có ý nghĩa rất quan trọng, vì đó là yếu tố xác định tội danh “cố ý làm trái…”, xác định trách nhiệm dân sự của các bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn.
Cũng theo ý kiến của các luật sư bào chữa cho các bị cáo, thì nếu kết quả phiên tòa phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như buộc VietinBank phải chịu trách nhiệm hoàn trả tiền cho người gửi tiền, trong đó có ACB, thì ACB không có thiệt hại; như vậy không đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý làm trái…” để buộc tội các bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn trong thương vụ 718 tỉ đồng.
Không chỉ có vậy, đối với tội danh “kinh doanh trái phép”, các luật sư cũng cho rằng, Luật DN cho phép các tổ chức, cá nhân được quyền thành lập, quản lý DN, mua cổ phần của Cty cổ phần, góp vốn vào Cty TNHH, Cty hợp danh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không yêu cầu các DN phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề góp vốn, mua cổ phần khi DN này góp vốn, mua cổ phần DN khác, vì vậy, căn cứ để truy tố Nguyễn Đức Kiên về tội “kinh doanh trái phép” sẽ là thiếu căn cứ.
Với những quan điểm như vậy, có lẽ phiên tòa sẽ diễn ra hết sức căng thẳng và các luật sư sẽ tìm mọi cách “làm khó” cho HĐXX.
Video đang HOT
Theo xahoi
Những bị can "đại gia" trong đại án bầu Kiên
Liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Kiên, một loạt "đại gia" nguyên là lãnh đạo ngân hàng sừng sỏ, chuyên gia kinh tế kỳ cựu cũng sẽ phải đứng trước vành móng ngựa.
Trong phiên tòa xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm dự kiến bắt đầu vào ngày mai (16/4) tới, sẽ có 9 bị can tham gia hầu tòa.
Trong đó 6/9 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bao gồm: Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn bị truy tố với tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng".
Trong giai đoạn từ tháng 5/2010 - 11/2011, các bị can này cùng với bầu Kiên đã họp bàn thống nhất chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền vào 26 ngân hàng, thu lãi trên 4.000 tỷ đồng.
Việc làm này là trái quy định theo Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (có hiệu lực từ 1/1/2011).
Cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá
Đây là trường hợp khiến nhiều người tiếc nuối, ngỡ ngàng nhất. Bởi không ai nghĩ một người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, có nhiều đóng góp trong việc xây dựng Luật Doanh nghiệp, từng tham gia giúp việc cho Thủ tướng... mà cuối đời lại phải vướng vào vòng lao lý.
Ông Trần Xuân Giá sinh năm 1939, tại Thừa Thiên - Huế. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp ĐH Kinh tế ở Liên Xô, ông làm giảng viên tại ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Năm 1977, sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ kinh tế ở Liên Xô, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Vật giá, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Năm 1989, ông là Phó chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ). Những năm tiếp theo, ông Giá đảm nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Thứ trưởng Bộ KH-ĐT.
Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ KH-ĐT. Trong giai đoạn này, dấu ấn lớn nhất của ông là góp phần xây dựng và triển khai Luật Doanh nghiệp năm 1999.
Năm 2003, sau khi rời Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ông sang làm Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, giúp việc cho Thủ tướng Phan Văn Khải.
Từ cuối năm 2006, sau khi nghỉ hưu, ông Giá quyết định về làm việc cho ACB với vai trò cố vấn Hội đồng quản trị (HĐQT).
Hơn 1 năm sau đó, vào tháng 3/2008, sau đại hội cổ đông, ông Trần Xuân Giá được bầu làm Chủ tịch HĐQT ACB nhiệm kỳ 2008- 2012 dù không có cổ phần lớn. Ông tham gia với tư cách thành viên HĐQT độc lập.
Ngày 19/9/2012, ông Trần Xuân Giá từ nhiệm chức vụ Chủ tịch ACB vì lý do sức khỏe.
Ngày 27/9/2012, ông Trần Xuân Giá bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Lý Xuân Hải
Ông Lý Xuân Hải sinh năm 1965 tại Hà Nội, trước khi bị bắt giữ cư trú tại TP.HCM.
Với trình độ Thạc sĩ Kinh tế Đại học Paris Dauphine (Pháp) và Tiến sĩ Toán-Lý - Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus (Belarus), ông Hải gia nhập ACB năm 1996 với cương vị Phó giám đốc chi nhánh Hải Phòng sau đó là Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) trong 3 năm từ 2002 - 2005.
Trong vòng 1 năm từ 2004 - 2005, ông đảm nhiệm vai trò Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính sau đó chuyển lên làm Tổng giám đốc ACB vào tháng 6/2005 và trúng cử thành viên Hội đồng quản trị ACB từ 2008 đến nay.
Ông Hải từng 2 lần được "The Asian Banker" bình chọn là "Lãnh đạo ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam" năm 2007 và 2010 và nổi tiếng với triết lý sống: "Để chiến thắng sự sợ hãi phải biết tham lam một cách hợp lý".
Trong giới tài chính, ông Hải được nhiều người đánh giá cao về độ nhạy bén, quyết đoán và là một diễn giả giỏi.
18h30 ngày 23/8/2012, ông Lý Xuân Hải bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam.
Trước đó ông Hải đã được ACB chấp thuận đơn từ nhiệm với lý do cá nhân, do phải làm việc với cơ quan điêu tra sau khi Nguyễn Đức Kiên bị bắt.
Tại Cơ quan CSĐT, các bị can Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang đều khai rằng: Lý Xuân Hải là người đề xuất phương án ủy thác cho các nhân viên Ngân hàng ACB mang tiền của ngân hàng này đi gửi vào các ngân hàng khác. Phương án này được Nguyễn Đức Kiên đồng ý và chỉ đạo các thành viên Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ký biên bản ngày 22/3/2010 thông qua chủ trương.
Lê Vũ Kỳ
Ông Lê Vũ Kỳ sinh năm 1956 tại Hà Nội, là Tiến sỹ Toán-Lý của Đại học Tổng hợp Matxcova - Nga. Trước khi gia nhập ACB, ông Kỳ từng giữ nhiều vai trò quan trọng trong các cơ quan nhà nước.
Từ 1984 -1988, ông Kỳ là cán bộ nhà máy Z181 (Bộ Quốc phòng), sau đó là Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia.
Suốt 9 năm sau đó, ông nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại nhiều doanh nghiệp lớn trong nước...
Trong vòng 11 năm, từ 1997 - 2008, ông Kỳ giữ chức Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB phụ trách mảng công nghệ thông tin.
Ông Lê Vũ Kỳ chính là một trong những gương mặt làm nên mô hình quản trị độc lập tại ACB và là người tạo nền móng cho hệ thống ngân hàng lõi (core banking) của nhà băng này.
Từ năm 2008, ông Kỳ là Phó chủ tịch HĐQT ACB.
Sau khi bầu Kiên bị bắt giữ, ngày 19/9, ông Lê Vũ Kỳ cũng đã có đơn gửi ban lãnh đạo ACB xin từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT với "lý do cá nhân".
Ngày 27/9/2012, ông Lê Vũ Kỳ bị khởi tố.
Trịnh Kim Quang
Ông Trịnh Kim Quang là một trong những nhân vật gắn bó với ACB từ những ngày đầu tiên, ông Quang đã đồng hành cùng nhà băng này gần 20 năm.
Ông Trịnh Kim Quang sinh năm 1954 tại Sóc Trăng, cư trú tại TP.HCM, là cử nhân trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1978, ông Trịnh Kim Quang đã được nhà trường giữ lại làm giảng viên trong vòng 10 năm (1978 - 1988).
Từ 1989 - 1991, ông Quang chuyển sang công tác tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC, sau đó đảm nhiệm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Thương (1991-1993).
Ông Quang gia nhập đội ngũ lãnh đạo ACB từ năm 1993 và đảm nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc cho tới năm 1998.
Giai đoạn từ năm 1998-2007, ông là Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán ACB (ACBS).
Cũng từ 1998 đến ngày 18/9/2012, ông Cang là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, nằm trong danh sách thành viên Hội đồng sáng lập ngân hàng này đồng thời là Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Tín dụng, Thành viên Ủy ban nhân sự và Thành viên Hội đồng đầu tư.
Ngày 19/9/2012, ông Trịnh Kim Quang cũng có đơn xin từ nhiệm các chức vụ trong Hội đồng quản trị của ACB với lý do cá nhân. Đến ngày 24/9, ông Trịnh Kim Quang cũng thôi giữ chức vụ thành viên Hội đồng thành viên Công ty Chứng khoán ACB.
Ngày 27/9/2012, ông Trịnh Kim Quang bị cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
Trong số các"sếp" của Ngân hàng ACB bị cơ quan công an khởi tố, ông Trịnh Kim Quang được xem là người "kín tiếng" và ít xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng nhất.
Phạm Trung Cang
Ông Phạm Trung Cang sinh năm 1954 tại Long An, cư trú tại TP.HCM, là cử nhân Kinh tế thương nghiệp, trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Từ 1978 - 1992, ông Cang là Giám đốc Công ty TNHH Nhựa Đại Hưng. 2 năm sau đó, ông trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu rồi làm Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu trong giai đoạn từ 1994- 1998.
Từ năm 1999 -2001, ông Cang đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu ACB, sau đó làm Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu từ năm 2002.
Tính đến giữa năm 2013, tổng giá trị cổ phiếu ông Cang đang nắm giữ khoảng 86 tỷ đồng.
Trong đại án bầu Kiên, ông Cang là "đại gia" suýt thoát tội do được VKS đình chỉ án vì đã có đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT Ngân hàng ACB vào ngày 31/12/2011.
Ngay khi nhận quyết định đình chỉ vụ án của VKSND Tối cao, Phạm Trung Cang đã lập tức bay sang Mỹ.
Tuy nhiên ngày 10/1/2014, VKSND Tối cao đã ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang đồng thời ra quyết định phục hồi điều tra đối với bị can Phạm Trung Cang. Sau đó, bị can Phạm Trung Cang từ Mỹ về Việt Nam theo lệnh triệu tập của cơ quan điều tra (Bộ Công an).
Cáo trạng lần 2 của VKSND Tối cao nêu rõ, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, với tư cách là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, có nhiều năm làm công tác quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB, nhưng đã tham gia vào việc thống nhất đề ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng và chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo Đ.Tâm (tổng hợp)
Vietnamnet
Vụ án "bầu" Kiên: Vì sao luật sư đề nghị hoãn xử? Phiên tòa xét xử "Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 17/4. Tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý mới nhất của vụ án là...