Xót xa: Rau Đà Lạt chết già vì rẻ quá, do rau Trung Quốc đột lốt?
Trái với thường lệ là mùa mưa giá rau cao nhất, những ngày đầu tháng 8, giá rau Đà Lạt (Lâm Đồng) tụt dốc không phanh, người trồng để rau chết già ngoài ruộng mà không buồn thu hoạch do giá rẻ quá. Nguyên nhân được người dân cho là do nhập quá nhiều rau Trung Quốc và có sự “rửa” rau Trung Quốc thành rau Đà Lạt.
Nhiều loại rau chủ lực của Đà Lạt như bắp sú, cải thảo, cải cúc…đã quá ngày thu hoạch từ lâu nhưng vẫn bị gia chủ bỏ mặc ngoài trời dẫn đến hư hỏng. Nguyên nhân là do giá cả các loại nông sản này xuống rất thấp, kéo dài trong nhiều tháng qua, ngay cả vào mùa mưa, khiến nhà vườn, thương lái không mấy mặn mà với việc thu hoạch.
Nhiều vườn bắp sú tại phường 8, TP. Đà Lạt đã già, đang hư hỏng nhưng vẫn chưa được thu hoạch.
Chị Nguyễn Thị Dương, ngụ đường Vòng Lâm Viên, TP Đà Lạt cho biết, vụ hè thu này gia đình chị canh tác hơn 5 sào rau, trong đó 70% diện tích được trồng bắp sú, số còn lại là cải thảo. Khi xuống giống bắp cải được một tháng, chị Dương bán nguyên vườn cho thương lái với giá 5.000 đồng/gốc.
Đạp cho bật gốc để rau chậm lớn
Nay vườn bắp cải này đã quá thời kỳ thu hoạch, khoảng 20% diện tích đã hư hỏng vì cây bị già, thối gốc, nứt bắp, nhưng người mua vườn bắp cải trên vẫn không quay lại thu hoạch vì giá đang xuống rất thấp. Theo chị Dương, bắp cải tại vườn ở Đà Lạt hiện chỉ dao động trên dưới 1.500 đồng/kg, tức bằng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với giá này, nếu thuê nhân công thu hoạch, chi phí vận chuyển… người mua vườn bắp cải của gia đình chị Dương sẽ thua lỗ nặng. Trước thực trạng trên, không ít nhà vườn đang có bắp cải trong thời kỳ thu hoạch và những thương lái đã thu mua bắp cải nguyên vườn từ trước phải chấp nhận để rau ngoài trời mặc dù rau đã già.
Ông Trần Thanh Nhân, một thương lái chuyên thu mua rau Đà Lạt vận chuyển đi TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ cho biết: “Những năm trước, vào mùa mưa giá bắp cải Đà Lạt lên rất cao, có thời điểm khan hiếm hàng giá tăng gần 10.000 đồng/kg nên vào tháng 5 vừa qua, vợ chồng tôi bỏ tiền mua gần 2 ha bắp cải mới được nhà vườn xuống giống 1 tháng với giá từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. Tưởng như mọi năm, vào mùa mưa giá bắp cải sẽ lên cao. Ai ngờ… thua lỗ thảm!”.
Tương tự, cải thảo Đà Lạt tại vườn hiện chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, bằng 50% so với cùng kỳ. Ông Phạm Văn Hưng, ngụ đường Nguyên Tử Lực, TP. Đà Lạt cho biết, mặc dù giá xuống rất thấp nhưng lượng tiêu thụ cải thảo trên thị trường vẫn rất chậm nên cả nhà vườn và thương lái đều đang lâm vào cảnh khốn đốn, vì bán không ai mua.
Video đang HOT
Các loại rau ngắn ngày như cải cúc, xà lách xoăn…cũng chỉ đạt hơn 2.000 đồng/kg. Điều đáng nói, giá cả nhiều loại rau trồng ngoài trời tại Đà Lạt xuống thấp trong mùa mưa là điều rất hiếm khi xảy ra. Bước vào mùa mưa, các loại rau trồng ngoài trời tại Đà Lạt rất dễ bị hư hỏng, sâu bệnh gây hại, sản lượng sụt giảm đáng kể nên giá cả thường cao nhất trong năm.
Do rau Trung Quốc đổ bộ quá nhiều?
Theo nhiều nhà vườn, riêng năm nay là trường hợp ngoại lệ. Từ đầu năm đến nay, giá cả nhiều nông sản chủ lực của Đà Lạt luôn duy trì ở mức thấp khiến nhiều vụ sản xuất của nông dân chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Một số thương lái chuyên thu mua nông sản Đà Lạt vận chuyển đi các nơi tiêu thụ cho biết, nguyên nhân khiến không ít loại rau của Đà Lạt giá cả xuống thấp là do mặt hàng cùng loại của Trung Quốc đổ vào thị trường Việt Nam với số lượng rất lớn khiến cung vượt quá cầu.
Tình trạng nông sản giá rẻ của Trung Quốc được các tiểu thương nhập vào Đà Lạt rồi “ nhập nhèm, đội lốt” xuất bán với mác “nông sản Đà Lạt” cũng gây ảnh hưởng tới thương hiệu và nền nông nghiệp Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán nông sản Trung Quốc không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, có hành vi gian lận thương mại.
Ngày 25/7 vừa qua, Chi Cục quản lý thị trường Lâm Đồng đã phối hợp với CSGT Công an huyện Đạ Huoai kiểm tra hành chính xe tải lưu thông hướng TP. Hồ Chí Minh đi Đà Lạt, phát hiện gần 4 tấn cà rốt, 200kg tỏi Trung Quốc không hóa đơn chứng từ.
Tình trạng nông sản Trung Quốc từ TP. Hồ Chí Minh được chở ngược lên Đà Lạt để “hợp thức hóa nguồn gốc” sau đó lại chuyển về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ đã diễn ra. Hành vi gian lận này làm ảnh hưởng xấu tới thương hiệu nông sản Đà Lạt và gây thiệt hại cho người nông dân vì sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh được với mặt hàng cùng loại giá rẻ của Trung Quốc.
Theo Văn Báu (Báo Lâm Đồng)
Lạc vào thế giới trồng nhiều loại quả siêu độc lạ của chàng kỹ sư trẻ
Bỏ làm ở một công ty tại Sài Gòn mới mức lương khá, anh Nguyễn Định (32 tuổi, ngụ phường 8, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) đã về Đà Lạt lập nghiệp với niềm đam mê làm nông nghiệp với những giống trái cây độc lạ.
Bỏ phố về rừng
Gặp anh Định tại trang trại rau trong nhà kính ít ai nghĩ rằng anh là chủ của một trang rau củ quả nổi tiếng tại Đà Lạt. Bởi anh luôn trong trang phục của nhà nông giản dị, chân luôn đi ủng và đội chiếc mũ tai bèo.
Trò chuyện với PV, anh Định cho biết anh tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp. Sau khi học xong, anh "đầu quân" cho một công ty chuyên về lĩnh vực nông nghiệp tại Sài Gòn với mức lương khá cao, thế nhưng anh đã có quyết định bất ngờ...
Anh Nguyễn Định bên trong vườn dưa pepino độc đáo của mình. Ảnh: Văn Long.
"Chỉ làm được vài tháng tại thành phố, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, bố mẹ tôi ở Đà Lạt có một mảnh vườn nhưng ít canh tác, trong khi đó mình lại phải đi làm thuê thì thấy vô lý quá. Trong khi mình có kiến thức về nông nghiệp, rất phù hợp với mảnh đất của gia đình, vả lại đó lại là thủ phủ rau hoa của cả nước", anh Nguyễn Định chia sẻ.
Chính vì những đắn đo đó mà anh đã quyết định rời thành phố công nghiệp lớn nhất cả nước để trở về với núi rừng. Kỹ sư trẻ cho hay: "Mục tiêu duy nhất và lâu dài của tôi khi làm nông nghiệp là làm sao nâng cao được chất lượng sản phẩm. Tất cả các phản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap được Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cấp chứng nhận theo Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN". Kể từ đó trang trại rau, củ, quả Định Farm ra đời và được mọi người biết đến.
Dưa pepino, một loại dưa độc đáo anh Định đang trồng thử nghiệm trong farm của mình. Ảnh: Văn Long.
Chủ Định Farm chia sẻ, khi mới thành lập và có sản phẩm anh đã phải đi tiếp thị rất nhiều và vất vả, bởi thời điểm đó thị trường ít người biết đến, quan tâm đến rau sạch. "Chúng tôi biết được sự lo lắng của người tiêu dùng khi hằng ngày phải đối mặt với nhiều loại thực phẩm có nguy cơ mất an toàn, thấp chí đe dọa đến tính mạng người sử dụng ngay tức khắc khi trúng độc hoặc tích tụ chất độc lâu ngày từ việc sử dụng các loại thực phẩm không an toàn bùng phát thành bệnh nan y nên mọi loại rau củ đều phải chăm sóc theo tiêu chuẩn", kỹ sư nông nghiệp chia sẻ.
Nhưng với sự tâm huyết của mình cùng đội ngũ công nhân miệt mài chăm sóc, nên chất lượng sản phẩm cao, hình thức đẹp mắt, các sản phẩm nông nghiệp của anh Định nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và được nhiều cơ sở tại TP HCM đặt hàng và ký bao tiêu nông sản lâu dài.
Nhiều giống cây độc lạ
Đến nay, toàn bộ 5ha của Định Farm đều áp dụng sản xuất công nghệ cao với hệ thống nhà kính bao phủ. Trung bình 1.000m2 nhà kính tại trang trại có giá đầu tư trên 200 triệu đồng, trong đó có nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống tưới phun, quạt thông gió, lưới cách nắng.
Du khách đến tham quan khu vườn trồng rau, củ, quả của Định Farm. Ảnh: Văn Long.
Định Farm thật sự nổi tiếng khi tháng 9 - 2015, họ cho ra mắt sản phẩm dưa pepino, một loại trái cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ đã thực sự "gây sốt" cho người tiêu dùng. Loại dưa này có khoảng 10 mùi vị của những loại trái cây khác nhau như chuối, mít, xoài, ổi, sa bô chê...Đặc biệt, sản lượng ổn định vào tất cả thời gian trong năm. Với diện tích 3.000m2, mỗi ngày anh Định thu hoạch từ 150-300kg.
Du khách tỏ ra thích thú với nhiều loại trái cây tại trang trại của anh Định. Ảnh: Văn Long.
Cũng từ đó mà anh Định đã nảy ra ý định phát triển du lịnh canh nông. Du khách đến tham quan có thể tự tay thu hoạch những quả dưa mình yêu thích và sau đó mua lại với giá ưu đãi của trang trại. Với dưa pepino, kỹ sư trẻ trồng trên luống cao 20cm, rộng 1,5m, mỗi luống 2 hàng, khi cây trưởng thành cao khoảng 2m. Loại dưa này có thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch quả trong vòng 4 tháng và có thể trồng 2 vụ mỗi năm, một cây thường cho từ 5 đến 10kg dưa mỗi vụ.
Ngoài ra, tại trang trại của mình anh Định còn trồng ớt chuông, ớt sừng bò, bí ngô khổng lồ, cà chua beef, đỏ chùm, đỏ nhọn, sô cô la, hồng, đen được mọi người rất ưa chuộng và thích thú khi đến tham quan.
Hiện nay, Định Farm lại cho ra mắt loại sản phẩm mới là dưa Pepino sọc tím được trồng độc nhất ở Đà Lạt. Loại dưa này được anh Định nhập trực tiếp giống từ người đối tác Thái Lan với giống 35 ngàn đồng/cây. Anh cho biết anh đang trồng thử nghiệm 500m2 để đưa sản phẩm vào thị trường tết phục vụ người tiêu dùng.
Theo Danviet
"Cơn sốt" của lạ ở Đà Lạt: Dưa pepino tím độc nhất Việt Nam Giống dưa Pepino tím đang gây "sốt" tại Đà Lạt (Lâm Đồng) khi anh kỹ sư trẻ Nguyễn Định (31 tuổi, đường vòng Lâm Viên, phường 8, TP. Đà Lạt) trồng thử nghiệm và đã thành công. Với diện tích nhỏ trồng thử nghiệm khoảng 500 cây dưa Pepino trong nông trại của mình, anh Định đã thành công khi chăm sóc giống...