Xoài Đồng Tháp tự tin khi có ‘giấy thông hành’ sang Mỹ
Từ ngày 18/2, trái xoài của Việt Nam đã chính thức được cấp phép vào Mỹ, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu ngành hàng xoài của Việt Nam.
Xoài Đồng Tháp tự tin khi có “ giấy thông hành” sang Mỹ. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN
“Giấy thông hành” để trái xoài mang thương hiệu Việt được đến Mỹ đã có, nhưng làm thế nào để nâng cao, ổn định chất lượng trái xoài đạt chất lượng xuất khẩu, mang lại giá trị cao và “tự tin sang Mỹ” là vấn đề Đồng Tháp rất quan tâm.
Xoài là một cây trồng chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo thống kê, cả nước có gần 85.000 ha xoài, sản lượng đạt gần 930.000 tấn/năm, tập trung nhiều nhất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 55% diện tích, hơn 60% về sản lượng); trong đó, Đồng Tháp hiện là địa phương dẫn đầu về diện tích (với khoảng 9.300 ha) và thứ hai về sản lượng (gần 100 nghìn tấn/năm).
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, xoài cũng được chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và hướng tới tầm nhìn năm 2030.
Để phát triển bền vững ngành hàng xoài, tỉnh Đồng Tháp tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như cải tạo giống, xử lý để ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến việc sản xuất xoài theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); công nghệ sau thu hoạch đã từng bước được áp dụng như xây dựng nhãn hiệu, mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain (lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian) vào việc truy xuất nguồn gốc xoài.
Canh tác hơn 2.000 m2 xoài cát chu tại xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh, ông Phan Ngọc Văn cho biết, trước đây người dân chủ yếu làm theo phương pháp truyền thống, chỉ quan tâm đến sản lượng mà chưa quan tâm tới yêu cầu thị trường, dẫn đến thực trạng dồn hàng dội chợ. Thêm vào đó, vấn đề sử dụng quá liều thuốc bảo vệ thực vật khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà thu mua. Chính điều này khiến giá trị trái xoài luôn trong trái thái bấp bênh, giá cả lên xuống thất thường.
Nhận thấy sản xuất xoài theo kiểu cũ đã không còn phù hợp, ông Văn cũng như nhiều nhà vườn tại cù lao Tân Thuận Đông mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, thực hiện bao trái để sản xuất xoài an toàn. Tính nên nay 100% diện tích trồng xoài nơi đây đều thực hiện bao trái để hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, cho biết, giống chủ lực của địa phương hiện là xoài Cát Chu và xoài Cát Hòa Lộc, tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Đa phần người trồng xoài hiện đã thực hiện bao trái kết hợp xử lý ra hoa rải vụ để cung cấp cho thị trường quanh năm.
Hiện tỉnh Đồng Tháp nhân rộng mô hình bao trái xoài được thực hiện gần 90% diện tích. Bao trái giúp ngăn chặn côn trùng xâm nhập, hạn chế được số lần phun thuốc hóa học từ 5 – 7 lần/vụ, giúp vỏ trái bóng đẹp hơn, gia tăng lợi nhuận cho nhà vườn, tăng năng suất từ 20 – 30%. Đây là biện pháp góp phần nâng chất lượng trái xoài, giảm thất thoát sau thu hoạch, dễ tiêu thụ và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Video đang HOT
Ông Phan Văn Thương – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh nói, với diện tích trồng xoài lớn của tỉnh với hơn 2.500 ha, thành phố Cao Lãnh vận động người dân cơ cấu lại mùa vụ và hợp tác liên kết để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, sản lượng lớn. Ngoài ra, địa phương đang xây dựng các vùng trồng xoài có liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại 70% diện tích trồng xoài đã có liên kết với doanh nghiệp.
Không chỉ quan tâm đến nguồn hàng được sản xuất, đầu ra của sản phẩm, Đồng Tháp còn chú trọng đến việc bảo quản nông sản sau thu hoạch. Vì đây là khâu quan trọng trong quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ xuất khẩu.
Với mong muốn, nâng cao giá trị quả xoài – sản phẩm chủ lực của địa phương, Đồng Tháp đã đưa vào hoạt động Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Nhung, thành phố Cao Lãnh. Đây là mô hình đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xử lý xoài áp dụng công nghệ tiên tiến, giúp xử lý triệt để và không còn dính da gây ra bệnh cháy da hay thối đầu cuống. Từ đó, xoài Cát Chu, xoài Đài Loan (hay xoài tượng da xanh) có thể bảo quản trên 30 ngày.
Bà Đinh Kim Nhung, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kim Nhung, thành phố Cao Lãnh cho biết, trước đây, công ty là cơ sở thu mua xoài nguyên liệu với số lượng từ 15 – 20 tấn, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình xuất bán, đơn vị đã từng có những lô xoài khi giao đến khách hàng chỉ 3-4 ngày sau đã bị hư hỏng.
Dưới sự hỗ trợ từ Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), phân viện cơ điện và công nghệ sau thu hoạch, doanh nghiệp đã đầu tư lại cơ sở vật chất trang thiết bị (hệ thống điện mặt trời, máy rửa xoài, thổi kho, hệ thống băng chuyền, kho lạnh,…). Từ đây, xoài sau khi được phân loại sẽ được rửa trong bồn xử lý mủ. Sau đó cho vào dây chuyền hiện đại bao gồm các khâu rửa xoài bằng nước nóng, xử lý hóa lý, sấy khô và cuối cùng là dán nhãn, đóng gói. Toàn bộ dây chuyền đều được máy móc đảm nhận, giúp tiết kiệm nhân công và giảm đáng kể lượng nông sản hao hụt.
Bà Nhung chia sẻ, năng lực kinh doanh của công ty được nâng cao rõ rệt, năng suất thu mua tăng lên 40 – 45 tấn/ngày, cao điểm đạt 60 tấn/ngày. Không chỉ vậy, giúp quả xoài bước đầu thâm nhập vào thị trường khó tính như Australia, Nga, Hàn Quốc,… Trước thông tin xoài đã vào thị trường Mỹ, bà Nhung tự tin rằng “không có gì là khó khăn”.
Ông Võ Thành Ngoan – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, xoài là loại quả tươi thứ 6 của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sau thanh long, chôm chôm, nhãn và vải, vú sữa. Việc chinh phục lòng tin của người tiêu dùng, tự tin nhập cuộc thị trường ngoài nước, đòi hỏi phải thay đổi trong tư duy canh tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ tiến tới cùng mua chung, bán chung.
Mặt khác, với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, người nông dân, doanh nghiệp không dừng lại khai thác xoài ở sản lượng trái mà cần tiếp tục hướng đến những giá trị cao hơn như: chế biến xoài sấy xuất khẩu, nước ép xoài, dưa xoài, rượu xoài, sản xuất xoài gắn với du lịch,… Đây là những cách Đồng Tháp đã và đang hướng đến để nâng giá trị ngành hàng chủ lực cũng như đưa trái xoài nhập cuộc tự tin khi có “giấy thông hành” sang Mỹ.
Theo Chương Đài (TTXVN)
ĐBSCL: Trái cây Tết mất mùa, giá sẽ tăng
Những ngày này nông dân các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre... tập trung chăm sóc các loại trái cây để thu hoạch đúng thời điểm Tết nhằm bán được giá. Cái khó năm nay là thời tiết không thuận lợi khiến nhiều vườn cây đậu trái không như mong muốn.
Thời gian qua, bưởi da xanh là trái cây được người tiêu dùng các nơi ưa chuộng bởi chất lượng tuyệt ngon và tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, bưởi da xanh cũng là trái cây được nhiều gia đình thích chưng cúng trong dịp Tết cổ truyền, do đó bưởi luôn hút hàng. Đi dọc các vườn bưởi ở xã Kế Thành (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) chúng tôi chứng kiến nhiều nhà vườn khẩn trương chăm sóc vườn bưởi phục vụ nhu cầu tiêu thụ Tết.
Quýt hồng đặc sản Lai Vung Tết này sản lượng giảm, dự báo giá tăng - Ảnh: Uyên Phương
Trái cây tết giảm sản lượng
Ông Đặng Văn Nám, canh tác 3,3 ha bưởi da xanh ở xã Kế Thành, bộc bạch: "Càng gần đến Tết, thương lái các nơi kéo về khá đông để hỏi mua bưởi. Năm nay thời tiết không thuận lợi nên bưởi giảm sản lượng khoảng 30% so mọi năm, vì vậy nhà vườn chưa vội bán sớm".
Ông Nám cho hay cách đây 1 tháng, vườn bưởi da xanh của ông đã "tuyển" khoảng 10 tấn để bán trước với giá hàng xô là 35.000 đồng/kg. Hiện gia đình ông tập trung "o" hàng tết khoảng 18 tấn bưởi da xanh "loại xịn", hy vọng bỏ túi hơn 1 tỉ đồng để ăn tết lớn...
Giá bưởi da xanh bán Tết ở ĐBSCL bắt đầu nhích lên - Ảnh: Uyên Phương
Tại các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), những nơi trồng bưởi da xanh rất nhiều, nông dân đang dồn sức cho vụ bưởi Tết. Ông Đào Văn Minh, ngụ xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, cho rằng vùng này sản xuất bưởi da xanh quanh năm, nhưng Tết vẫn là vụ mùa chủ lực bởi được giá và nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Tuy nhiên, cái khó của vụ bưởi Tết là vào thời điểm tháng 5, tháng 6 âm lịch xuất hiện mưa nhiều khiến bưởi khó đậu trái. Vì vậy, không ít vườn bưởi da xanh bị giảm sản lượng.
Trong khi đó, những hộ trồng xoài Tết cũng không được vui do tình trạng thất mùa. Ông Lê Đức Đạt, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) than: "Những năm trước gia đình canh tác xoài tết khoảng 5 công (1 công = 1.000 m2), thu nhập được hơn 130 - 150 triệu đồng. Nhưng vụ Tết 2019 này chắc không nhiều được bởi sản lượng giảm". Theo ông Đạt, trong giai đoạn xử lý cho xoài tết ra bông thì bị mưa khiến xoài giảm thụ phấn và đậu trái ít.
Xoài cát Hòa Lộc bán Tết cũng tăng giá - Ảnh: Uyên Phương
UBND xã Hòa An cho biết toàn xã có hơn 480 ha xoài. Đây là loại cây thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi nên vụ xoài Tết 2019 giảm sản lượng.
Tại thủ phủ quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), sản lượng quýt Tết tới lúc này cũng không nhiều như mọi năm. Ông Đặng Thanh Lâm - Phó giám đốc HTX Quýt hồng Lai Vung nhìn nhận: "Quýt hồng là trái cây đặc sản mỗi năm chỉ thu hoạch duy nhất 1 vụ vào dịp Tết. Do quýt hồng trái to, màu da vàng óng rất đẹp, ngon... nên được nhiều người chuộng để chưng cúng trong ngày Tết.
Chính vì vậy nên thời điểm này nhiều nông dân bám miết ngoài vườn để chăm sóc cho trái quýt đẹp nhằm bán được giá. Song, bất lợi năm nay là dịch bệnh bùng phát dữ dội khiến hơn 390 ha quýt hồng bị vàng lá, từ đó nhiều vườn bị thất thu trong vụ Tết này".
Giá bắt đầu tăng...
Ông Đàm Văn Hưng, chủ doanh nghiệp kinh doanh bưởi da xanh Hương Miền Tây (Bến Tre) nhận định, thời gian qua giá bưởi da xanh dao động không cao, chỉ khoảng 30.000 đồng/kg. Nhưng mấy ngày nay giá bưởi da xanh đã tăng lên 45.000 - 50.000 đồng/kg. Dự báo càng gần Tết giá càng tăng, nhiều khả năng sẽ lên mức 55.000 - 60.000 đồng/kg trở lên, do nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng mạnh. Đồng thời thị trường xuất khẩu bưởi sang Trung Quốc, Singapore, châu Âu... cũng đang tăng nhu cầu.
Quýt hồng chín vào dịp tết và có màu vàng đẹp nên được nhiều người ưa chuộng - Ảnh: Uyên Phương
Lãnh đạo HTX Bưởi da xanh Kế Thành (Sóc Trăng) tiết lộ, hiện nay thương lái từ TP.HCM, các tỉnh phía Bắc, các tỉnh ĐBSCL... đặt mua bưởi tết loại 1 với giá từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng số lượng mà người dân bán ra vẫn chưa nhiều. Do dự báo nhiều loại trái cây đặc sản bị mất mùa, sản lượng giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ dịp tết sẽ tăng cao, vì vậy giá cả nhiều khả năng còn nhích lên thêm.
Ông Nguyễn Văn Thực - Phó giám đốc HTX Xoài Hòa Lộc (H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cũng dự báo: "Mấy ngày nay thương lái các nơi kéo về Tiền Giang hỏi mua xoài cát Hòa Lộc loại 1 từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 70.000 đồng/kg... Tuy nhiên do sản lượng xoài Tết năm nay giảm nên họ chưa mua được nhiều. Với tình hình này, càng gần đến Tết thì khả năng giá xoài cát Hòa Lộc sẽ tăng thêm từ 20.000 - 40.000 đồng/kg là trong tầm tay, bởi nhu cầu tiêu thụ rất cao...".
Uyên Phương
Theo Mot the gioi
Nhà vườn Đà Lạt dè dặt tăng sản lượng hoa Tết Sản lượng hoa Đà Lạt năm nay tăng không đáng kể, nhà vườn trồng thêm một số giống hoa mới và thời tiết khá thuận lợi nên sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp Tết, giá cả tương đối ổn định. Thời tiết năm nay khá thuận lợi nên hoa Tết sẽ đẹp, giá cả tương đối ổn định Ảnh: Tấn Thạnh...