Xóa tiền phạt chậm nộp cần đảm bảo đúng đối tượng
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước đang được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 8.
Ngành Thuế quyết liệt xử lý tình trạng lợi dụng chính sách khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp thuế.
Theo đó, dự kiến có 07 nhóm đối tượng được áp dụng, với tổng số tiền khoảng 16.300 tỷ đồng. Vậy các nhóm đối tượng trong Dự thảo Nghị quyết đã thực sự phù hợp với tình hình thực tế? Nguyên tắc, cơ chế nào để giám sát trong quá trình xem xét đối tượng được khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp? Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng các quy định trong Nghị quyết cần đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và gắn trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan…
Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước được kỳ vọng sẽ tạo cơ chế để xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm nhưng thực tế không có khả năng thu hồi mà hiện tại cơ quan thuế các cấp vẫn phải theo dõi, quản lý, gây lãng phí nguồn nhân lực. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Phạm Văn Hòa về nội dung này.
PV: Thưa đại biểu, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước đang được Quốc hội cho ý kiến. Đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết ban hành Nghị quyết này?
Đại biểu Phạm Văn Hòa.
Video đang HOT
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Thời gian qua, tình trạng chậm nộp, hoãn nộp, không có khả năng nộp thuế cho nhà nước đã diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Đây là vấn đề quan trọng mà ngành tài chính cần có đề xuất đối với Chính phủ, Quốc hội để ban hành nghị quyết để xử lý vấn đề này.
Cá nhân tôi rất ủng hộ Quốc hội ban hành Nghị quyết xử lý nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp đối với các cá nhân, tổ chức không còn khả năng nộp thuế.
Dự thảo Nghị quyết đã nêu 07 nhóm đối tượng được khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Đại biểu có đồng tình với nội dung trong Tờ trình của Chính phủ?
Tôi thấy những nhóm đối tượng đưa ra trong Dự thảo Nghị quyết theo tờ trình của Chính phủ là phù hợp, vì đây là những đối tượng không còn khả năng nộp thuế. Tuy nhiên, những đối tượng này cũng tùy theo tính chất, điều kiện, hoàn cảnh mà xem xét cho thật kỹ lưỡng, khách quan khi tiến hành xóa nợ thuế.
Mặc dù đối tượng là phù hợp nhưng phải công tâm, vô tư, tránh mức thấp nhất tình trạng tiêu cực của cơ quan công quyền khi xóa nợ thuế cho các tổ chức, cá nhân.
Đại biểu có kỳ vọng gì nếu Nghị quyết được thông qua, sẽ có tác động như thế nào khi đi vào cuộc sống?
Nghị quyết được thông qua thì ngành thuế không còn day dứt về tình trạng nợ đọng thuế đối với những trường hợp không còn khả năng nộp thuế. Còn những đối tượng được xóa tiền phạt chậm nộp cũng được an tâm khi họ không còn là đối tượng nợ thuế, để họ yên tâm sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Vì thực tế, hệ thống công nghệ thông tin đang kết nối rộng rãi, đơn vị nào nợ thuế thì được liên kết với toàn hệ thống, sẽ gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hợp tác với các đối tác trong nước và nước ngoài.
Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
Theo ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa có thể thấy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước là cần thiết.
Tuy nhiên, cũng cần nêu rõ trách nhiệm chủ quan của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế lớn, kéo dài qua nhiều năm; báo cáo rõ việc khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các khoản nợ liên quan và có đánh giá tác động cụ thể.
Bên cạnh đó, việc xử lý nợ phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và đảm bảo điều kiện quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Thực hiện xóa nợ thuế cần công khai, minh bạch, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, giám sát của người dân. Việc xử lý nợ nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế.
Theo Lan Hương/quochoi.vn
Tỷ nợ xấu vay đóng tàu theo Nghị định 67 là 33%
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về chủ trương cho vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, khi nhiều tàu vỏ thép đang nằm bờ, nợ xấu cao, ngư dân bỏ cuộc.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo động lực cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, nhiều tàu vỏ thép dừng hoạt động, nhiều tàu không bảo dưỡng, không đăng kiểm trở lại khi đến hạn, nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng. Đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân của tình trạng, đề nghị Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng nêu rõ giải pháp nào để các ngân hàng thu được nợ, tránh trục lợi chính sách.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay hiện nay tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 khoảng 10.500 tỷ đồng và nợ xấu hiện nay là 33%.
Từ cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động báo cáo Thủ tướng có chỉ đạo các bộ, ngành, cùng với các địa phương liên quan để triển khai các biện pháp.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thẩm quyền của mình tiến hành các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước và nợ lãi sau, thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu.
Tuy nhiên, trước những diễn biến tình hình nợ xấu còn tiếp tục phát sinh, cuối tháng 10/2019, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các bộ, ngành, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tới đây sẽ phải tham mưu cho Chính phủ để phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi thủy sản, các nhóm nghề và ngư trường khai thác, hướng dẫn ngư dân và các địa phương để tổ chức lại sản xuất, hoạt động khai thác một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng đã có từ cuối năm 2018. Trong đó, tập trung phối hợp với ngành ngân hàng để rà soát các trường hợp. Những trường hợp bất khả kháng thì tiếp tục hỗ trợ để cùng với ngành ngân hàng cơ cấu lại nợ. Những trường hợp khác có biểu hiện ỷ lại, chây ỳ thì cũng phối hợp với ngành ngân hàng để tiến hành thu hồi nợ.
"Đối với ngành ngân hàng, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Đặc biệt, có các giải pháp để xử lý chênh lệch giữa giá trị thực tế của tàu được định giá lại và dư nợ của chủ tàu cũ ở thời điểm bàn giao. Hướng dẫn bổ sung các giải pháp để hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận lại toàn bộ khoản nợ vay, bao gồm cả nợ quá hạn và nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Các giải pháp này đòi hỏi các bộ, ngành, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố và ngành ngân hàng sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới để triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu./.
Nguyễn Hoàng
Theo Baochinhphu.vn
Vì sao ông "trùm" cao tốc VEC bị cưỡng chế hơn 1.000 tỷ tiền thuế? Cục Thuế TP Hà Nội vừa thông tin chính thức cưỡng chế thu hơn 1.000 tỷ tiền thuế đối với Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế về việc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với dự án...