Xóa tận gốc nạn ‘cò’ khám chữa bệnh
Bạn đọc đề nghị tăng mức phạt, đồng thời mong khâu giám sát sau xử phạt vi phạm trong khám chữa bệnh phải thực chất hơn để không tái diễn cảnh ‘cò’ khám chữa bệnh lộng hành.
Như Thanh Niên đề cập, sau loạt bài “Cò” khám chữa bệnh lộng hành đăng trên Thanh Niên các ngày 6 – 7.2, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Công an TP.HCM, Sở Y tế và các địa phương liên quan vào cuộc kiểm tra nhiều phòng khám (PK) xung quanh PK đa khoa Medic – Hòa Hảo (Q.10), Bệnh viện Da liễu (Q.3) và Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh), xử lý nghiêm các vi phạm. Nhiều PK, bác sĩ bị Sở Y tế TP.HCM tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đồng thời xử phạt hành chính hàng chục triệu đồng.
Sau loạt bài “Cò” khám chữa bệnh lộng hành của Báo Thanh Niên, nhiều phòng khám, bác sĩ bị Sở Y tế TP.HCM tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Ảnh Duy Tính
Đa số các PK bị kiểm tra đều vi phạm các lỗi: nhân viên không đeo biển tên, lập sổ khám chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; người hành nghề không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật; người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật không có mặt tại cơ sở trong thời gian đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật; không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.
Một điểm chung nữa là các PK này đều có hiện tượng cấu kết với “cò” dẫn dụ bệnh nhân đến đây khám chữa bệnh.
Sao cứ để tái diễn ?
Nhắc đến “một phen hoảng hồn” vì bị chèo kéo trước cổng PK đa khoa Medic – Hòa Hảo, bạn đọc (BĐ) phamthithuvan chia sẻ: “Mới vừa đến cổng chưa kịp định thần thì đã có người đến hỏi rồi chỉ qua một PK phía bên kia đường. Tôi chần chờ nói khám trong bệnh viện nhưng người này đẩy tôi đi luôn, nói là đăng ký bên đó xong sẽ qua bệnh viện. Tôi đi thử xem sao, thấy một số người đang chờ sẵn, người ta đưa tờ đăng ký cho tôi. Chờ 10 phút, tôi đi ra, nhân viên PK chạy theo hỏi tôi đi đâu, đòi giấy lại. Tôi chạy thẳng vào trong PK Hòa Hảo, đăng ký khám bệnh. Giờ nhớ lại còn sợ”.
Rất nhiều bệnh viện, PK chuyên khoa quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội là theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng người dân không dễ biết được bệnh viện, PK nào thật, cái nào không phép, làm ăn dối trá… Chỉ đến khi “đụng” chuyện mới hay. Vai trò quản lý, thanh tra chuyên ngành cần nâng cao hơn nữa. Võ Trọng
Phải có thêm các biện pháp xử lý mạnh tay hơn chứ phạt tiền như vậy chẳng thấm tháp gì với khoản tiền họ “móc túi” bệnh nhân. Trung Lê Chí
Nói thật, bệnh viện, PK mà phải nhờ “có” dắt mối thì chắc chắn chất lượng rất tệ, không cạnh tranh được mới dùng chiêu này. Bà con cứ nhớ điều này mà tránh xa. Vũ Sĩ
Câu chuyện của BĐ Truc Anh Nguyen cũng không khác mấy: “Chiêu trò dẫn dụ khách đến phòng khám tư kiểu này mình từng gặp. Mà may sao mình nhanh trí quay đầu xe chạy ra hẻm luôn. Lúc đó mấy “cò” còn đứng đầu đường, chặn lại nữa chứ”.
Nhiều BĐ lưu ý việc người dân từng nhiều lần phản ánh “cò” khám chữa bệnh chèo kéo, cơ quan quản lý từng nhiều lần ra quân xử phạt, nhưng tại sao vẫn cứ tái diễn? BĐ Đào Huy Hoàng bức xúc: “Nói thẳng ra là mấy cái vụ cò khám chữa bệnh này xảy ra hoài, như bắt cóc bỏ đĩa. Báo chí lên tiếng, dăm ba hôm lắng xuống rồi không hiểu sao đâu lại vào đấy. Có cần tôi lục báo cũ cho đọc lại không?”.
Xử lý mạnh tay hơn
Video đang HOT
BĐ Minh Nghĩa cho rằng muốn dẹp nạn “cò” khám chữa bệnh này thì cơ quan quản lý có thể áp dụng đồng loạt nhiều biện pháp: “Tôi xin nêu vài kế sách: Một là kỷ luật buộc thôi việc nếu phát hiện nhân viên bệnh viện tiếp tay với cò. Hai là thanh tra y tế kiểm tra nghiêm hoạt động của các cơ sở khám bệnh chung quanh bệnh viện, nếu phát hiện có nhờ cò dẫn dắt khách thì đóng cửa ngay. Ba là nếu đã phát hiện, xử phạt thì khâu giám sát càng phải duy trì thường xuyên, hiệu quả, tập trung vào hẳn các PK từng bị phạt”. Tán thành, BĐ Tùng Ly cho rằng cần có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn, “chứ phạt vài chục triệu như vậy theo tôi là quá nhẹ và chả thấm vào đâu”.
Đa phần BĐ đồng ý quan điểm các cơ quan quản lý một khi đã tăng cường xử phạt thì cần duy trì công tác giám sát vi phạm mới thực sự giải quyết tận gốc nạn “cò” khám chữa bệnh chèo kéo.
“Đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp giám sát chặt chẽ, không để các cơ sở và bác sĩ vi phạm tiếp tục thành lập PK chui gây thiệt hại thêm cho xã hội”, BĐ Binh Truong Thanh góp ý.
'Cò' khám chữa bệnh lộng hành: Cò 'thụt cánh', phòng khám tư đìu hiu
Sau loạt bài phản ánh "Cò" khám chữa bệnh lộng hành trên Thanh Niên, các nhóm "cò" đã biến mất, những phòng khám tư có liên kết với "cò" cũng trở nên vắng vẻ... Một số ít "cò" thì lui về hoạt động lén lút.
Trong các ngày 6, 7 và 8.2, Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài điều tra "Cò" khám chữa bệnh lộng hành, phản ánh tình trạng "cò" hoạt động gây bát nháo, lôi kéo bệnh nhân, gây mất an ninh trật tự trước cổng Phòng khám Medic - Hòa Hảo (Q.10), Bệnh viện Da liễu (Q.3), Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh) và BV Chợ Rẫy (Q.5).
Sau loạt bài, Sở Y tế TP.HCM vào cuộc, các nhóm "cò" cũng biến mất hoặc lui vào hoạt động kín đáo, những phòng khám tư liên kết với "cò" cũng trở nên đìu hiu, vắng vẻ...
Trao đổi với PV Thanh Niên, ngày 8 và 9.2, nhiều bệnh nhân đi khám chữa bệnh tại các phòng khám Medic - Hòa Hảo, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Da liễu... cho biết có theo dõi loạt bài "Cò" khám chữa bệnh lộng hành trên Thanh Niên, qua đó nhận diện, đề phòng thủ đoạn, không bị dính bẫy "cò".
"Cò" hoạt động chui rúc, hết dám lộng hành
Ngày 9.2, các "ổ cò đại" trước cổng Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 1) trên địa bàn Q.Bình Thạnh đã biến mất. Tiếp xúc một số xe ôm trước cổng bệnh viện này thì được biết do bị báo chí vạch trần và lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, các nhóm "cò" không dám ló mặt.
Còn tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP.Thủ Đức), sáng cùng ngày, ở cổng ra vào có lực lượng công an túc trực, bảo đảm an ninh trật tự.
Một số "cò" trong vỏ bọc người đi khám bệnh, chào mời khám nhanh nhưng không dám lôi kéo. Ảnh TRẦN DUY KHÁNH
Khác với cảnh tượng lộn xộn, nhiều "cò" tụ tập, rượt đuổi chèo kéo người bệnh như mọi ngày, trong hai ngày 8 - 9.2, Phòng khám Medic - Hòa Hảo đã vắng bóng "cò" khám chữa bệnh. Bệnh nhân vẫn tấp nập đến phòng khám, nhưng từng lượt người, xe máy thong thả vào cổng mà không gặp bất kỳ sự truy cản, lôi kéo nào.
Tại quán nước đối diện Phòng khám Medic - Hòa Hảo, nhóm của "P. Hòa Hảo" cùng hàng chục đàn em cũng mất dạng. Thời điểm "cò" còn lộng hành, các phòng khám tư gần Phòng khám Medic - Hòa Hảo luôn đông nghẹt bệnh nhân, ngồi chờ la liệt.
Đến ngày 9.2, từ sáng sớm đến hơn 10 giờ, các phòng khám tư này trở nên đìu hiu, vắng vẻ. Nhân viên của các phòng khám tư chỉ ngồi bấm điện thoại, tán gẫu.
Không còn cảnh bát nháo là vậy, nhưng một số ít "cò" giả dạng bệnh nhân để kín kẽ hoạt động.
Hơn 8 giờ sáng 8.2, hai "cò" trong bộ dạng người đi khám bệnh, đứng loay hoay trước cổng Phòng khám Medic - Hòa Hảo, thỉnh thoáng gọi vài bệnh nhân lại, hỏi khám bệnh gì, mời chào dịch vụ khám nhanh (không dám lôi kéo như trước).
Lúc 9 giờ 30, PV tiếp cận thì được một trong hai 'cò" tư vấn ra phòng khám tư (cạnh Phòng khám Medic - Hòa Hảo) để khám nhanh khỏi xếp hàng, chỉ xin 50.000 đồng tiền "cò".
Đang nói chuyện, hai "cò" vội vàng kéo nhau rời đi khi thấy xe cảnh sát xuất hiện. Sau đó, lực lượng chức năng cũng có mặt, túc trực trên đường Hòa Hảo.
Cò (áo đen, nón đen) mời chào BN khám nhanh, nhưng khi thấy lực lượng chức năng suất hiện liền lẳng lặng lẫn vào người đi khám bệnh (ảnh góc phải). Ảnh TRẦN DUY KHÁNH
Trao đổi với PV, chị L.T.T (37 tuổi, ngụ Long An) đi khám tại Phòng khám Medic - Hòa Hảo sáng 8.2, cho biết chị cũng gặp một "cò" tiếp cận chào mời khám nhanh, nhưng do trước đó chị có theo dõi loạt bài "Cò" khám chữa bệnh lộng hành đăng trên Thanh Niên nên qua đó nhận dạng, đề phòng được thủ đoạn của "cò", và đã từ chối.
Tương tự, trước cổng Bệnh viện Da liễu, các nhóm "cò" cũng mất dạng, lực lượng chức năng tuần tra sát sao.
Cẩn thận với "cò" xe cấp cứu
Từ ngày 8.2, khu vực bến xe ôm tự quản (trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy), dán một tờ giấy với nội dung: "Thông báo, tất cả anh em xe ôm tự quản tuyệt đối không làm cò số khám bệnh, nếu xảy ra sự việc, bị bắt quả tang, công an phường đuổi ra khỏi bến". Thông báo được ông Nguyễn Hồng Nhựt (tổ trưởng) ký tên.
Trong vai người nhà bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy muốn bốc số nhanh, PV tiếp cận nhóm xe ôm thì được trả lời vừa bị báo chí phản ánh, công tác quản lý đang siết chặt, không dám nhận bốc số giúp.
Lực lượng chức năng túc trực trên đường Hòa Hảo (Q.10).Ảnh TRẦN DUY KHÁNH
Tại đây, nhóm của bà "Th. Chợ Rẫy" (cò bốc số trực trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy mà trước đó Thanh Niên phản ánh) cũng đã biến mất. Tuy nhiên, khi PV hỏi một người đàn ông mặc áo xe ôm tự quản thì người này cho hay, cứ liên hệ qua số điện thoại của bà này, bà sẽ làm việc từ xa.
Qua tấm danh thiếp nhặt được trước đó, PV liên hệ với "Th. Chợ Rẫy", thì bà này cho hay "đang bị dí" nên lui về hoạt động từ xa. "Đọc tên, số điện thoại, quê quán... hôm sau sẽ có người liên hệ gửi số khám chữa bệnh cho em. Phí dịch vụ 200.000 đồng", "Th. Chợ Rẫy" hướng dẫn.
Ngoài ra, "Th. Chợ Rẫy" còn mời chào dịch vụ xe cấp cứu... hảo tâm, cam kết giá mềm, chạy trước báo giá sau. Nhưng khi PV hỏi giá cụ thể và cho xem xe thì bà này cúp máy.
Nhóm "cò" xe cấp cứu sau khi nghe PV yêu cầu được xem xe trước thì các "cò" này lẳng lặng bỏ đi. Ảnh TRẦN DUY KHÁNH
Lúc 11 giờ cùng ngày (8.2), cách cổng Bệnh viện Chợ Rẫy khoảng 20 m, khi nghe PV nói muốn tìm xe cấp cứu đi tuyến TP.HCM - Cà Mau, thì một "cò" mặc áo xe ôm công nghệ tiếp cận chào mời.
"Cò" này sau đó gọi thêm "cò" tên D., tự xưng chủ của 3 xe cấp cứu hoạt động ở Bệnh viện Chợ Rẫy. D. cho hay, xe của mình có đầy đủ tiện nghi, được cấp phép, nhưng không liên kết với Bệnh viện Chợ Rẫy và giá rẻ hơn xe của Bệnh viện Chợ Rẫy rất nhiều.
D. báo giá 6 triệu đồng cho tuyến đường nói trên, bao gồm cả thuê bình khí thở và y tá chăm sóc. Nhưng khi PV yêu cầu cho xem xe cũng như biển số xe, thì Dũng tìm đủ cách để từ chối rồi lẳng lặng đi mất.
Nhiều phòng khám vi phạm
Sau khi Thanh Niên phản ánh vấn nạn "cò" khám chữa bệnh lộng hành, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cảm ơn, trân trọng ghi nhận các phản ánh của người dân và truyền thông đã phản ảnh kịp thời khi phát hiện các hành vi lợi dụng người bệnh để vi phạm pháp luật.
Sở Y tế cũng kiến nghị Công an TP.HCM chỉ đạo lực lượng công an địa phương tăng cường hỗ trợ các bệnh viện và có biện pháp quyết liệt đối với tệ nạn "cò" khám chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau loạt bài "Cò" khám chữa bệnh lộng hành đăng trên Báo Thanh Niên, Thanh tra Sở Y tế đã triển khai 3 đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật của các phòng khám tư nhân xung quanh khu vực có thông tin về hiện tượng "cò" khám chữa bệnh.
Kết quả kiểm tra (1 phòng khám đa khoa, 4 phòng khám chuyên khoa tư nhân) cho thấy, có 1 phòng khám có dấu hiệu hoạt động của "cò" dẫn dụ người bệnh đến tại phòng khám chuyên khoa nội (ở gần Bệnh viện Ung bướu) trên địa bàn Q.Bình Thạnh.
Các phòng khám còn lại đều có các sai phạm về các quy định chuyên ngành trong quá trình hoạt động khám chữa bệnh. Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành xử lý đối với các cơ sở, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt xử lý nghiêm các phòng khám có dấu hiệu liên kết với "cò".
'Cò' khám chữa bệnh lộng hành: TP.HCM tiếp tục xử phạt phòng khám vi phạm Ngày 2.3, Tranh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 17,8 triệu đồng đối với bác sĩ N.T.N.T. Ngoài ra, bác sĩ N.T.N.T còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (KCB) trong thời hạn 2 tháng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động KCB trong...