Xóa ma tuý trong các quán bar, karaoke
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội cho biết: Thủ đoạn chung của các đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện, trong đó có quán karaoke thường là ở bên ngoài đóng cửa, lắp đặt đồng thời nhiều camera giám sát hoặc thuê các đối tượng cảnh giới nhằm hạn chế sự phát hiện của Công an.
Ở bên trong, các đối tượng chứa chấp, tổ chức thậm chí mua bán trái phép chất ma túy hoạt động khép kín, chỉ nhận khách hàng là những người quen…
Điển hình, vào ngày 27/3, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội triệt phá tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý tại tại quán karaoke KINGDOM, ở thôn 2, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Để thuận lợi cho việc thực hiện hành vi phạm tội, chủ quán thiết kế quán thành 2 tầng. Tầng 1 có 6 phòng được thiết kế vừa để hát karaoke, vừa có thể “bay, lắc” (có đèn chớp, cách âm và hệ thống loa có thể phát nhạc mạnh).
Một địa điểm tổ chức bay, lắc bị Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội triệt phá.
Nếu khách hát karaoke bình thường thì quán sẽ thu 359 nghìn đồng/giờ hát; nếu khách vào để “bay, lắc” quán sẽ bán 1 “combo” với giá từ 3 đến 3,5 đồng (bao gồm 1 thùng bia cùng hoa quả, bánh kẹo sẵn trong phòng với thời gian từ lúc khách vào quán đến lúc khách nghỉ tùy theo quan hệ quen biết với khách hoặc tùy vào số lượng khách đông hay ít). Khi khách đến “bay, lắc” nhân viên phục vụ phòng sẽ dùng các tấm che nắng của ôtô để che kín các ô cửa kính với mục đích không để người bên ngoài nhìn thấy các hoạt động diễn ra bên trong phòng.
Video đang HOT
Quán bắt đầu cho khách “bay, lắc” sau 24 giờ đêm. Khi tổ chức cho bay, lắc, quán sẽ đóng kín cửa ra vào; bố trí nhân viên cảnh giới bên ngoài, bên trong, hệ thống nhân viên của quán được phân công nhiệm vụ chặt chẽ. Đồng thời, khi khách có nhu cầu “bay, lắc” tất cả các nhân viên đều phải được sự đồng ý của chủ quán. Khi đó, các đối tượng quản lý của quán sẽ sắp xếp phòng “bay” cho khách và chỉ đạo nhân viên chuẩn bị các loại dụng cụ phục vụ việc sử dụng trái phép chất ma túy như đĩa “xào ke”, thẻ quẹt… đồng thời bán ma túy cho khách khi có nhu cầu.
Tại quán karaoke Blue Bar, địa chỉ tại thôn Bặt Trung, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội bị Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội triệt phá thành công vào tháng 3/2022, thủ đoạn của đối tượng rất tinh vi. Quán được xây dựng thành 3 tầng. Tại mỗi tầng có 1 phòng được thiết kế phục vụ hoạt động “bay, lắc” (có đèn Laze, đèn chớp, cách âm và hệ thống loa có thể phát nhạc mạnh). Ngoài ra, xung quanh có lắp nhiều camera giám sát để cảnh giới khi có cơ quan chức năng kiểm tra hoặc có người lạ qua lại. Quán có hai lớp cửa, thường xuyên đóng khi có khách đến để “bay, lắc” sẽ nhận diện qua camera nếu là khách quen mới mở cho vào.
Cá biệt, một số chủ quán còn thuê người tổ chức hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý. Trường hợp của Nguyễn Ngọc Phương (SN 1988, trú tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội), chủ quán karaoke Linh Anh là một ví dụ. Khoảng tháng 1/2021, Phương mua quán karaoke của Nguyễn Mạnh Sơn và của một người đàn ông tên Trực với giá 800 triệu đồng, mục đích để tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Đến tháng 4/2021, Phương thuê thêm quản lý là Hồ Sỹ Huy, trả lương 10 triệu đồng/tháng. Nhiệm vụ của Huy là quản lý, nhận đặt, sắp xếp phòng bay, lắc, bưng bê, dọn dẹp quán.
Ngoài ra, Phương còn nuôi ăn, ở tại chỗ từ 8-10 gái dịch vụ nhằm phục vụ khách bay, lắc, trả lương theo giờ phục vụ 120 nghìn đồng/giờ. Tại thời điểm bị kiểm tra, Phương đang nuôi ăn, ở 8 gái dịch vụ gồm Sầm Thị Liên, Sầm Thị Thanh, Sầm Thị Tuyết, Sầm Thị Na, Võ Thị Hảo, Trần Thuỳ Linh, Hoàng Thị Oanh, Nguyễn Thị Thanh Huyền và Nguyễn Khánh Linh…
Phương thức hoạt động tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý của quán phức tạp: Khách muốn đến bay, lắc thì liên hệ đặt phòng trước với Huy (quản lý). Sau đó, Huy sẽ sắp xếp, bố trí phòng và “điều” gái dịch vụ phục vụ bay, lắc. Khách phải trả từ 350 đến 400 nghìn đồng/giờ bay, hoa quả, đồ uống tính riêng còn gái dịch vụ là 160 nghìn đồng/người/giờ; quán trả cho nhân viên 120 nghìn đồng/giờ. Qua quan hệ xã hội, khoảng năm 2020, Phương quen và biết Đăng bán ma tuý nên đã nhiều lần mua ma tuý của Đăng về bán cho khách đến “bay, lắc” tại quán karaoke Linh Anh…
Dự báo tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, bar, karaoke thời gian tới sẽ diễn biến hết sức phức tạp, ngày 14/8, Công an TP Hà Nội đã mở đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về ANTT. Xử lý vi phạm liên quan đến “bóng cười” trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội là đơn vị chủ công đã tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và trấn áp tội phạm. Đến thời điểm này, đã bắt giữ một số vụ việc.
Thượng tá Phạm Quỳnh cho biết: Hiện nay, người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh karaoke chủ yếu đều ở lứa tuổi thanh niên. Với nhận thức pháp luật còn hạn chế cùng với quan điểm hiện nay hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đã được đưa ra khỏi Bộ luật Hình sự…, nên một số người tự cho rằng việc sử dụng trái phép chất ma túy của mình chỉ bị xử phạt hành chính mà không bị xử lý hình sự. Cũng do không nhận thức được rằng hành vi cùng sử dụng ma túy với người khác rất dễ cấu thành hành vi phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, vì vậy đã dẫn đến tình trạng nhiều đối tượng từ việc được rủ rê cùng sử dụng trái phép chất ma túy trở thành đồng phạm trong việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Cụ thể, đối với vụ án xảy ra tại quán karaoke KINGDOM: Trong số 27 khách đến sử dụng trái phép chất ma túy thì có 21 đối tượng bị xử lý hình sự về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (đáng lưu ý có 15 đối tượng thuộc lứa tuổi thanh niên, dưới 35 tuổi). Đối với vụ án thứ hai xảy ra tại quán karaoke Blue Bar, trong số 8 khách đến sử dụng trái phép chất ma túy thì có 3 đối tượng bị xử lý hình sự về hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Với các dẫn chứng trên có thể thấy rằng trong các vụ án này, đối tượng bị xử lý hình sự về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đều là khách đến quán; cá biệt như vụ karaoke KINGDOM có 21/27 khách bị xử lý hình sự về hành vi này.
Với sự chặt chẽ, nghiêm khắc của pháp luật hiện nay đối với công tác phòng, chống ma túy cùng với nhân dân cả nước nói chung, người dân trước hết phải nhận diện được hiểm họa của tệ nạn ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội. Sau đó, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật nếu không chúng ta sẽ trở thành người phạm tội về ma túy.
Chặt đứt các đường dây "tuồn" ma túy vào Huế
Thời gian gần đây, với nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng phạm tội ma túy liên tỉnh (chủ yếu là ở Quảng Trị) đã móc nối, câu kết với các đối tượng tại Thừa Thiên-Huế để "tuồn" một số lượng lớn ma túy vào Huế nhằm cung cấp cho các quán bar, vũ trường, karaoke, chung cư, các con nghiện.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế, tội phạm về ma túy trên địa bàn Cố đô Huế ngày càng diễn biến phức tạp. Thời gian qua, đã có nhiều đối tượng ma túy liên tỉnh bị TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế kết án tử hình, tù chung thân, nhưng do lợi nhuận khổng lồ từ việc mua bán ma túy nên nhiều đối tượng vẫn bất chấp, chọn Cố đô Huế để hoạt động. Trong 7 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn nổi lên số đối tượng ở tỉnh Quảng Trị câu kết, móc nối với các đối tượng tại Huế để "tuồn" số lượng lớn ma túy vào Huế tiêu thụ...
Đối tượng Trần Ngọc Đạt (ngồi) và tang vật.
Mới đây, tại phòng 302 nhà nghỉ Cát An nằm trên đường Ngô Quyền (phường Vĩnh Ninh, TP Huế), Công an TP Huế phát hiện, bắt giữ Trần Ngọc Đạt (SN 2002, trú tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tàng trữ 20 túi nilon bên trong đều là ma túy tổng hợp. Số ma túy được đối tượng khai mua từ biên giới Quảng Trị đưa vào Huế tiêu thụ. Hay giữa tháng 5/2022, Công an TP Huế triệt phá chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng chuyên cung cấp ma túy cho các con nghiện, dân chơi tại quán bar, karaoke, khu chung cư... trên địa bàn tỉnh.
Qua công tác nghiệp vụ, tại nhà xe CT1 chung cư ARAYA, Công an TP Huế bắt giữ Đặng Đại Bình (SN 2001, trú phường Xuân Phú, TP Huế) khi đang tàng trữ một lượng lớn ma túy tổng hợp chuẩn bị giao bán. Quá trình mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế bắt giữ thêm Nguyễn Viết Lâm (SN 2000, hộ khẩu thường trú tại huyện Hải Lăng, Quảng Trị), chủ mưu của vụ án. Lâm khai mua ma túy từ một người chưa rõ lai lịch tại Quảng Trị, sau đó đưa vào Huế cung cấp cho các con nghiện và dân chơi...
Bên cạnh việc các đối tượng Quảng Trị móc nối, câu kết với đối tượng tại Thừa Thiên-Huế để đưa ma túy vào Huế tiêu thụ thì một số đối tượng ở Huế trực tiếp ra Quảng Trị giao dịch, rồi vận chuyển từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn viên ma túy tổng hợp... Điển hình, mới đây, tại QL9 thuộc thôn Tân Xuân 2 (xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), Đoàn 2 thuộc Cục Phòng chống tội phạm và ma túy (PCTP&MT), Phòng PCTP&MT thuộc Biên phòng tỉnh Quảng Trị và Công an tỉnh Quảng Trị đã phát hiện vụ vận chuyển ma túy số lượng lớn.
Cụ thể, lực lượng chức năng dừng xe taxi biển số 74A-08332 lưu thông hướng Lao Bảo - Đông Hà. Quá trình kiểm tra, ở dãy ghế sau có đối tượng Trần Hoàng Minh Nhật (SN 1997, trú tại phường Thuận Hòa, TP Huế) và 1 bao màu đen, bên trong có chứa 19.000 viên ma túy. Nhật khai, được một người thuê đến cầu Đầu Mầu (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) vận chuyển số ma túy này vào TP Huế với với tiền công 2 triệu đồng. Hiện, vụ án đang được điều tra mở rộng...
Thượng tá Trần Đăng Phúc, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, hầu hết ma túy "tuồn" vào các quán bar, vũ trường, khu chung cư, các resort, khách sạn... tại Thừa Thiên-Huế thời gian qua đều được mua từ tỉnh Quảng Trị. Lực lượng Công an tỉnh cũng như Công an 9 địa phương của tỉnh tiếp tục tập trung đấu tranh mạnh mẽ, kiềm chế, bắt giữ nhiều đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép ma túy tổng hợp, nổi lên là số đối tượng ở tỉnh Quảng Trị câu kết với các đối tượng tại địa bàn để đưa ma túy với số lượng lớn vào địa bàn tiêu thụ.
Điều đáng báo động, tình trạng tổ chức sử dụng ma túy tập thể tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, quán bar, karaoke diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng; công tác quản lý người nghiện còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở cai nghiện quá tải, chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận đối tượng nghiện ở ngoài xã hội, trong khi các đối tượng nghiện, tâm thần, "ngáo đá" đang là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật khác.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Công an Thừa Thiên-Huế đã bắt, xử lý hình sự 68 vụ, với 122 đối tượng tàng trữ, mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài ra, phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 16 vụ, 82 đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm. Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thêm, Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (để thay thế Quyết định 64/2019/QĐ-UBND).
Đồng thời chủ động phối hợp với ngành Y tế xác định tình trạng nghiện để áp dụng các biện pháp pháp luật quản lý, hạn chế tình trạng nghiện, "ngáo đá" thực hiện hành vi phạm tội; phối hợp ngành LĐTB&XH tham mưu, tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai. Đặc biệt, mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh PCTP, nhất là với nước bạn Lào; kiên quyết không để ma túy xâm nhập qua 2 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; quản lý chặt chẽ người địa phương thường xuyên qua lại, làm ăn tại Lào để phòng ngừa, không để phạm tội nói chung và phạm tội về ma túy nói riêng...
Bóc gỡ đường dây cung cấp ma tuý cho các quán bar, karaoke Ngày 24/5, Công an huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cho biết: Đơn vị vừa triệt xoá thành công đường dây chuyên cung cấp ma túy cho các đối tượng "bay lắc" tại các quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn. Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Hưng Nguyên phát hiện một nhóm đối tượng trên địa bàn...