“Xin thề anh nói thật” và câu chuyện trách nhiệm
Chuyện các đạo diễn thanh minh mỗi khi phim mình bị chê là không hiếm, nhưng cách nói sao cho thuyết phục mới quan trọng.
Bên cạnh đó, thái độ tiếp nhận lời chê cũng được xem là thước đo bản lĩnh của họ. Đáp trả phản ứng của dư luận quanh bộ phim Xin thề anh nói thật, đạo diễn Phi Tiến Sơn trong thời gian vừa qua đã “phủ sóng” các báo bằng những bài trả lời phỏng vấn, kèm theo một bài tự bạch để bênh vực phim của mình.
Cũng là thanh minh
Hồi phim Có lẽ nào ta yêu nhau phát sóng và bị chê, đạo diễn Tống Thành Vinh đã gặp gỡ báo chí để giải thích về phong cách làm phim mới mẻ của ông mà khán giả truyền hình không quen. Khi được hỏi về phản ứng trước những bài viết chê, Tống Thành Vinh nói: “Trước tiên, tôi muốn cảm ơn các bài báo đó. Nhờ có nó, người chịu trách nhiệm chính là tôi có dịp nhìn lại mình”. Sự thẳng thắn nhận trách nhiệm ấy chỉ có được khi người ta dám đối diện với sự thật. Tống Thành Vinh đã đứng ở vị trí khán giả để tìm hiểu vì sao người ta chê phim ông mà không tìm cách đổ lỗi quanh. Cho nên dù không thích phim nhưng khán giả vẫn thông cảm được với đạo diễn và nhất là trân trọng nhân cách của một con người điềm tĩnh và cầu thị.
Video đang HOT
Đạo diễn Phi Tiến Sơn đã so sánh bộ phim truyền hình Xin thề anh nói thật của ông với tác phẩm điện ảnh Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Nhưng với đạo diễn Phi Tiến Sơn, ông cho rằng mình “bình tĩnh trước mọi sự chê bai”, nhưng cách phản ứng lại cho thấy ngược lại. Trong các bài phỏng vấn, ông phát biểu: “Ai đánh giá phim nhảm thì hoặc là người đó không hiểu, hoặc là người đó nhảm”. Thậm chí, ông còn chỉ trích những ai chê phim ông là “nông nổi, kém hiểu biết, có vấn đề”. Nếu bình tĩnh, tự tin, lẽ ra ông cần tìm xem người chê không chính xác ở chỗ nào để lập luận cho chắc, thay vì dùng những từ ngữ gây tổn thương mà không nêu được ra một lý lẽ bảo vệ nào xác đáng.
Đạo diễn nói: “Một số bài báo chỉ nhìn thấy vỏ ngoài của hình tượng nhân vật, chứ không nhận ra nội dung phê phán cũng như thông điệp đằng sau nó”. Đồng ý là phim ông có thông điệp, nhưng khoác cho nó lớp áo thế nào là trách nhiệm của đạo diễn. Và đó chính là nghệ thuật giữ khán giả. Một món ăn rất bổ mà không biết cách nấu cho ngon thì không thể khiến thực khách thích thú. Một bộ phim có thông điệp hay, mà cách thể hiện gây khó chịu thì khán giả có quyền lên tiếng. Nếu đạo diễn này chịu khó ghé qua các diễn đàn mạng, chắc ông không khó khăn gì nhận ra phần đông người xem dị ứng với phong cách mà ông cho là lần đầu tiên được làm ở Việt Nam này.
Bị “đánh nhầm”?
Trong một bài phỏng vấn, Phi Tiến Sơn nói: “Đồng nghiệp nói với tôi rằng ông hãy xác định đây là một tai nạn, vì phim ông chiếu đúng vào lúc người ta đang cảnh báo về chất lượng phim Việt, tự nhiên phim của ông lại đứng cạnh phim nọ phim kia. Đây chỉ là bị “đánh nhầm” thôi, may là còn chưa bị đánh hội đồng đấy”.
Một cảnh trong phim ảnh Thương nhớ đồng quê
Để minh chứng cho sự “oan uổng” của mình, vị đạo diễn này còn kéo cả phim Thương nhớ đồng quê của Đặng Nhật Minh vào cuộc, vì cả hai phim đều cùng bị “đánh”. Thực ra, nguyên nhân bị “đánh” của hai phim không hề giống nhau. Thương nhớ đồng quê, theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, bị cho là “có vấn đề quan điểm”, một nguyên nhân mang tính lịch sử xã hội, nằm ngoài bộ phim, trong khi Xin thề anh nói thật bị “đánh” bởi chất lượng của chính nó. Việc đặt Xin thề anh nói thật ngang hàng với tác phẩm kinh điển Thương nhớ đồng quê có phần giống như “bắt quàng làm họ” vậy.
Một độc giả trên trang vietnamnet phản ứng về bài tự bạch của Phi Tiến Sơn: “Đạo diễn nên dũng cảm đối đầu với sự thật, hơn là đi tìm sự an ủi, đồng cảm của người trong nghề, vì như thế chẳng bao giờ tiến bộ được. Phải biết chấp nhận, sửa đổi, đừng chỉ nói là không hiểu tại sao bị chỉ trích thế”.
Theo PLXH
ĐD Phi Tiến Sơn: 'Tại sao Xin thề anh nói thật bị đánh ghê gớm đến vậy?'
"Xin thề anh nói thật" đang phát sóng trên VTV1 vừa bị một số tờ báo phê phán với những từ khá nặng nề: "nhảm", "vớ va vớ vẩn", thậm chí có tờ đòi ngừng phát sóng.
Điều đó khiến nhóm làm phim chúng tôi phát hoảng, phải ngồi lại với nhau tìm nguyên nhân. Nghĩ đi nghĩ lại thấy đây là một kịch bản viết kỹ càng, câu chuyện sinh động hấp dẫn, lời thoại khá sắc đời thường đúng tâm lý giới trẻ, các nhân vật có tính cách ấn tượng. Khi triển khai làm, bộ phim được dàn dựng, góc máy, ánh sáng, thiết kế, âm thanh khá bài bản. Các diễn viên được lựa chọn cẩn thận và đều hoàn thành tốt vai diễn...
Vậy tại sao bộ phim bị đánh ghê gớm đến vậy?
Bắt đầu từ một vài bài báo đánh giá phim "cường điệu", nhân vật "vớ vẩn, thiếu i ốt"... Điều này thật đáng mừng vì đúng với thông điệp tác giả muốn gửi gắm, là dùng thủ pháp hài để chế diễu thói xấu, cách sống thực dụng, thiếu lý tưởng của một bộ phận thanh niên trong xã hội tiêu dùng. Tác giả mấy bài báo trên do chưa hiểu ý đồ của tác giả vì xem phim chưa kỹ, chưa hết nên đã chụp mũ là "nhảm", là "vớ vẩn".
Sự vội vã và nông nổi trên lại rơi đúng thời điểm báo chí đang muốn cảnh báo về chất lượng phim Việt chiếu trên truyền hình. Thế là một loạt bài viết hùa theo, chê bộ phim đủ điều. Tới lúc này tôi tin chắc rằng nhiều người trong số họ đã không theo dõi kỹ lưỡng bộ phim, xem bữa đực bữa cái rồi phán theo kiểu thày bói xem voi, về điều này đoàn phim chúng tôi sẵn sàng trao đổi, tranh luận công khai.
Để khách quan, một số tờ báo còn trích phản hồi của khán giả, chủ yếu là những phản hồi ủng hộ quan điểm của tờ báo. Trong khi trên thực tế, đây là bộ phim có số khán giả xem đông, đem lại tiếng cười sảng khoái và bổ ích. Riêng lượng khác giả trẻ theo dõi phim trên mạng cũng lên tới hàng trăm ngàn với những comment thiện chí.
Khi tôi thổ lộ sự cố này với một đồng nghiệp lớn tuổi, ông liền an ủi: "Cậu bị đánh nhầm và thế là may, vì đó chẳng qua chỉ là tai nạn. Nhiều người, nhiều tác phẩm khác còn bị "đánh hội đồng" kia. Một kiểu đánh cho gục luôn!". Ông lấy ví dụ phim Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Khi mới ra đời, bộ phim này đã bị đánh tơi tả vì cho là có "vấn đề quan điểm", đến nỗi vị đạo diễn nổi tiếng này sau đó gần như tuyệt giao với cánh nhà báo viết mảng văn hóa- nghệ thuật.
Gần đây, bộ phim lịch sử Lý Công Uẩn - đường về Thăng Long cũng điêu đứng vì dư luận. Rất ít người được xem bộ phim này. Chỉ qua một đoạn ngắn giới thiệu phim và thông tin "đạo diễn Trung quốc, quay tại Trung Quốc" đã đủ bùng lên ngọn lửa phê phán về bản sắc dân tộc, về tính thuần Việt... Toàn những lời lẽ quy chụp nặng nề đến mức sau khi Hội đồng duyệt phim quốc gia góp ý kiến, nhà sản xuất đã chỉnh sửa mà phim vẫn không lên sóng nổi. Thiết nghĩ, trong khi chúng ta còn ít kinh nghiệm và điều kiện để làm một phim lịch sử cho chỉn chu, thì việc sử dụng thế mạnh của nước láng giềng có gì là sai. Thế giới phẳng, biết đâu mai sau có nhà sản xuất Việt Nam thuê Hollywood thực hiện một bộ phim về chiến thắng Khe Sanh?
Thời gian gần đây, một số tờ báo nhân sự cố của vài bộ phim đã đánh giá: Chất lượng phim việt yếu kém, bị khán giả quay lưng lại. Đây là sự đánh giá chưa chuẩn. Tỷ lệ người xem phim Việt vẫn cao so với các chương trình giải trí khác. Nhân đây tôi muốn nói đến một vấn đề lớn hơn, là sự phát triển của dòng phim Việt trên truyền hình.
Trước hết, nhờ sự sáng suốt của một chủ trương lớn (luật điện ảnh) và sự sáng tạo, quyết tâm của các đài truyền hình, phim Việt đã chiếm vị trí thống lĩnh trên các kênh, giờ vàng. Sau là sự cố gắng nỗ lực của rất nhiều nghệ sĩ, của rất nhiều đơn vị tham gia sản xuất phim (VFC, TFS, BHD, Galaxy, FPT, Sao thế giới...) chúng ta đã cho ra đời hàng vạn tập phim gần gũi, có tác dụng tích cực với khán giả Việt.
Nền sản xuất phim truyền hình của chúng ta còn rất mới mẻ, phim có hay có dở là đương nhiên. Các công ty do còn thiếu kinh nghiệm nên để xảy ra sự cố này nọ là chuyện dễ hiểu. Nhưng có một thực tế là, chưa bao giờ việc xã hội hóa trong truyền hình lại rộng khắp và mạnh mẽ như lúc này. Xã hội hóa được hiểu theo nghĩa bỏ vốn và cả ý nghĩa xã hội, văn hóa nữa. Việc nhìn lại, đánh giá hoạt động này là cần thiết, nhưng phải trên cơ sở xây dựng, ủng hộ một xu hướng phát triển tích cực.
Đánh giá, phê bình một bộ phim, một tác phẩm nghệ thuật cần có trình độ chuyên môn, năng lực thẩm định và sự công tâm. Những ý kiến thiên lệch dễ làm tổn thương các nghệ sĩ - những người nhạy cảm và có ít khả năng tự vệ. Những đóng góp đúng đắn, chân thành, khoa học luôn là mong muốn của một xã hội công bằng văn minh.
Vừa qua, trong đại hội báo chí toàn quốc, ông Trương Tấn Sang, thường trực ban bí thư, đã nhấn mạnh: báo chí cần xác định "chống để xây". Trong phạm vi bài báo này đã dùng từ "đánh", nên có thể hiểu là "đánh để xây". Nhưng khi đã không có sự công tâm khi "đánh" thì liệu có "xây" được không?
Theo vietnamnet
Phim dừng phát sóng - Ai sẽ xin lỗi khán giả? Không phải đợi đến khi Anh chàng vượt thời gian bị dừng phát sóng, khán giả mới biết chất lượng phim truyền hình Việt yếu kém đến mức nào. Đã bàn cãi nhiều năm. Các nhà làm phim đã có trăm nghìn lý do để bào chữa. Và sẽ còn bào chữa đến bao giờ? Đã có cả thập kỷ chúng ta bàn...