Xét xử vụ Phương Nga: Lữ Minh Nghĩa giao nộp chứng cứ quan trọng
Hàng chục bức thư gửi qua lại giữa bị cáo Thùy Dung và người yêu trong thời gian Dung bị tạm giam, đã được nhân chứng giao nộp cho HĐXX.
Hôm nay (27.6) phiên tòa sơ thẩm xét xử Trương Hồ Phương Nga (còn gọi là Hoa hậu Phương Nga, 30 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) và Nguyễn Đức Thùy Dung (28 tuổi, ngụ TP.HCM) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bước sang ngày làm việc thứ 4. Tại tòa, một chứng cứ quan trọng liên quan đến vụ án đã được cung cấp cho HĐXX, đó là những bức thư qua lại giữa bị cáo Thùy Dung và Lữ Minh Nghĩa (người yêu Dung) trong thời gian Thùy Dung bị tạm giam.
Hai bị cáo trong phiên tòa sáng nay.
Trong phần trả lời thẩm vấn, bị cáo Thùy Dung cho biết những bức thư chủ yếu nói về tinh thần của bị cáo không ổn định và thắc mắc về việc vì sao Nghĩa lại khuyên Dung nhận tội và khắc phục hậu quả cho ông Cao Toàn Mỹ. Trong khi đó Mỹ và Nga có mối quan hệ tình cảm, chứ không phải là hợp đồng gì khác. Tổng cộng Dung đã gửi cho Nghĩa khoảng 10 bức thư trong 5 – 7 lần lúc bị cáo này đang bị tạm giam.
Luật sư hướng dẫn Lữ Minh Nghĩa giao nộp chứng cứ cho HĐXX.
Còn nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Lữ Minh Nghĩa cho biết nhận được thư từ 5 – 7 lần do Thùy Dung gửi. Các bức thư đã được ông Nghĩa giao nộp cho thư ký ngay tại phiên tòa. Tuy nhiên, nhân chứng này cho biết vẫn còn một số bức thư do bà Nguyễn Mai Phương giữ. Giải thích điều này, Nghĩa cho biết lúc nhận được thư Dung, Nghĩa và bà Mai Phương cùng đọc, trong đó bà giữ lại khoảng 4 – 5 bức.
Video đang HOT
Ông Lữ Minh Nghĩa cũng khai, sở dĩ cho bà Mai Phương đọc thư vì cán bộ chuyển thư của Thùy Dung ra ngoài do bà giới thiệu, bà nói có gì thì thông báo cho bà biết. Ông Nghĩa từng gặp bà Mai Phương tại 1 quán cà phê và 1 quán ăn trên đường Nguyễn Trãi, Q.1 (TP.HCM).
Trước đó trong phiên tòa ngày 26.6, bị cáo Nguyễn Đức Thùy Dung khai nhận trong thời gian làm việc với cơ quan điều tra, bà Nguyễn Mai Phương đã giới thiệu một cán bộ để giúp bị cáo thông cung với ông Nghĩa và bà Mai Phương. Trong thời gian tạm giam, bị cáo lại được cán bộ điều tra giúp bị cáo chuyển thư qua lại với Nghĩa.
Cũng trong ngày hôm qua, chủ tọa phiên tòa đã ký quyết định triệu tập bà Nguyễn Mai Phương nhưng bà không xuất hiện. Đến 9h sáng nay, tại phiên tòa vẫn chưa thấy sự xuất hiện của nhân vật được xem là giữ vai trò quan trọng trong vụ án này.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục với phần xét hỏi.
Theo cáo trạng của VKSND TP.HCM, khoảng tháng 7.2012, Phương Nga nói với ông Cao Toàn Mỹ (ngụ Q.7, TP.HCM) rằng có nhiều bạn bè trong giới địa ốc, có thể mua nhà với giá rẻ hơn thị trường. Ông Mỹ đưa Nga 6 tỷ đồng để nhờ mua một căn nhà tại quận 5 nhưng Nga không giao nhà. Sau đó Nga nói với ông Mỹ có căn nhà ở Q.1 giá 16,5 tỷ đồng, lần này ông Mỹ đưa cho Nga 10,5 tỷ đồng. Sau khi đưa cho Nga tổng số 16,5 tỷ đồng mà không được nhận nhà, ông Mỹ làm đơn tố cáo với cơ quan công an. Ngày 21.9.2016, Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên tại phiên tòa, Nga và Dung khai ra “hợp đồng tình ái” như mua bán tình dục giữa cô hoa hậu và “đại gia” Cao Toàn Mỹ và cho rằng Phương Nga không lừa Cao Toàn Mỹ. Do xuất hiện tình tiết mới nên HĐXX đã trả hồ sơ để điều tra lại vụ án. Sau khi kết thúc điều tra, VKSND TP.HCM vẫn truy cứu Nga, Dung tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Danviet
Xét xử vụ Phương Nga: "Không thể cho bà Mai Phương ngồi phòng kín"
Nếu nhân chứng làm người bí ẩn thì làm sao những người tham gia tố tụng khác có thể xác định được đây chính là cô Mai Phương thật, nhân vật mà mấy hôm nay xuất hiện nhiều trong lời khai của các bị cáo và những người được tòa triệu tập khác.
Tại phiên tòa xử Phương Nga chiều nay (27.6), nhân vật bí ẩn - bà Nguyễn Mai Phương, người làm chứng của vụ án - đã yêu cầu được ngồi trong phòng kín khi trả lời tòa và không cho (báo chí) ghi hình bà.
Vấn đề này pháp luật hiện hành quy định ra sao? Dưới đây là ý kiến của ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, về vấn đề này.
Hoa hậu - bị cáo Phương Nga.
Theo Điều 55 BLTTHS 2003, người làm chứng có quyền: Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng...
Đồng thời, người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; khai trung thực tất cả tình tiết mà mình biết về vụ án. Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng hoặc khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Do đó, nhân chứng Mai Phương có quyền yêu cầu tòa có biện pháp bảo vệ mình khi ra tòa trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ án. Đối với yêu cầu được ngồi trong phòng kín thực hiện thẩm vấn, đối chất bằng âm thanh qua micro, theo tôi tòa không thể chấp nhận. Yêu cầu này tôi chưa từng gặp trong suốt quá trình hơn 30 năm làm công tác xét xử.
Phương Nga và Thùy Dung.
Khi nhân chứng trả lời các câu hỏi, tòa có thể cách ly các bị cáo, để nhân chứng trả lời HĐXX và những người tham gia tố tụng khác.
Tuy nhiên, việc thẩm tra lý lịch nhân chứng, cam kết khai báo trung thực, thực hiện việc đối chất, trả lời phải được công khai tại tòa. Nếu không thì làm sao những người tham gia tố tụng khác có thể xác định được đây chính là cô Mai Phương thật, nhân vật mà mấy hôm nay xuất hiện nhiều trong lời khai của các bị cáo và những người được tòa triệu tập khác.
Do đó, nhân chứng Mai Phương không thể làm người giấu mặt. Tòa phải làm thủ tục công khai, nhân chứng trả lời công khai những gì mình biết liên quan đến vụ án.
Nhân chứng Mai Phương đã có lệnh dẫn giải của tòa vì không đến tòa theo giấy triệu tập. Tức là cũng không còn quyền lựa chọn hay đề nghị về khai báo riêng, mọi lời khai phải được công khai cho mọi người biết.
Riêng về hình ảnh, chủ tọa nếu xét thấy cần thì có thể yêu cầu không chụp ảnh. Tuy nhiên, mọi người tham gia tố tụng đều phải được đối xử công bằng. Mấy ngày qua, việc chụp ảnh công khai đăng báo đối với bị cáo, người bị hại, người làm chứng khác đều đã được thực hiện mà không cần hỏi. Báo chí tác nghiệp và sử dụng hình ảnh tuân thủ Luật Báo chí và pháp luật liên quan quyền hình ảnh là được.
Ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM
Theo Phương Loan (Pháp luật TP.HCM)
Vụ Phương Nga: Bà Mai Phương liên tục phủ nhận lời khai các bị cáo Trong phần trả lời của mình, bà Nguyễn Mai Phương - nhân chứng quan trọng của vụ án - đã phủ nhận lời khai của 2 bị cáo và nhân chứng tại phiên tòa Chiều nay (27.6) phiên tòa sơ thẩm xét xử Trương Hồ Phương Nga (còn gọi là Hoa hậu Phương Nga, 30 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) và Nguyễn Đức Thùy...