Xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên: ACB và VietinBank ‘đá’ trách nhiệm cho nhau
Ngày 5.12, HĐXX vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm dành gần hết thời gian cho các luật sư xét hỏi các bị cáo và người có nghĩa vụ liên quan đến sai phạm của Nguyễn Đức Kiên và lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu ( ACB), xoay quanh chủ trương ủy thác gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Công thương ( VietinBank) gây thiệt hại cho ACB hơn 718 tỉ đồng.
Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa ngày 5.12 – Ảnh: chụp qua màn hình
Trong đó, có vai trò quan trọng của Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM). Bởi số tiền này được ACB ủy quyền cho các nhân viên gửi VietinBank đã bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại tòa, Huyền Như thừa nhận số tiền đó do mình lập giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nhân viên ACB. Về lý do chiếm đoạt, Huyền Như khai chịu sức ép từ những khoản vay nợ bên ngoài nên có ý định vay tạm tiền, đến khi không trả được thì chuyển sang ý định chiếm đoạt.
Phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi trách nhiệm của ACB và VietinBank đối với khoản tiền này. Tòa đặt câu hỏi đối với đại diện VietinBank về quan điểm xử lý khi nhân viên ACB gửi tiền vào VietinBank bị Huyền Như chiếm đoạt. Đại diện VietinBank nói tiền của nhân viên ACB được chuyển khoản vào tài khoản cá nhân mở tại VietinBank, theo quy định thì chủ tài khoản là chủ sở hữu của những số dư tài khoản này nên VietinBank không chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) lại nói VietinBank phải có trách nhiệm về khoản tiền này. “Nhân viên ACB mở tài khoản tiền gửi thanh toán. Tài khoản này là của VietinBank mở cho khách biết số dư là bao nhiêu. Dù tiền tiết kiệm hay có kỳ hạn thì đều phát sinh nghĩa vụ của VietinBank”, bị cáo Hải nói.
Đại diện VietinBank nói trước tòa rằng hiện VietinBank không lưu các hợp đồng nhân viên ACB gửi tiền. Đây là các hợp đồng gửi tiền, chỉ phát sinh khi có gửi tiền, khách hàng chưa gửi vào VietinBank nên chưa phát sinh hiệu lực. HĐXX đặt câu hỏi: Nguyên tắc người ta gửi tiền vào VietinBank, VietinBank mở tài khoản thì người ta mới gửi vào, sau đó mới có hợp đồng. Giờ người ta mang hợp đồng đến thì giải quyết thế nào? “Tài khoản tiết kiệm thì ngân hàng quản lý, với tài khoản thanh toán họ có quyền sử dụng bất cứ lúc nào”, đại diện VietinBank trả lời.
Video đang HOT
Có mặt tại tòa, đại diện ACB không đồng ý với ý kiến của VietinBank khi cho rằng hợp đồng ACB ký với VietinBank do các phó giám đốc VietinBank ký, đóng dấu hợp pháp. Sau đó, nhân viên ACB đã gửi tiền vào. “Huyền Như nói 17 nhân viên chuyển thông tin mở tài khoản trước, sau đó mới chuyển tiền, việc chuyển trước hay sau không quan trọng. Quan trọng là đã gửi tiền, hồ sơ đã hoàn tất, VietinBank không thể nói là tiền chưa vào”, đại diện ACB nói và đề nghị tòa buộc VietinBank phải có trách nhiệm đối với khoản tiền này.
Nguyễn Đức Kiên bức xúc vì đơn kháng cáo bị rút
Trả lời HĐXX chiều qua về việc đã có đơn kháng cáo nhưng sau đó lại có đơn trình bày kháng cáo, bà Đặng Ngọc Lan (Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại B&B), vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên, cho biết không hiểu rõ về việc kháng cáo nhưng thực hiện theo tư vấn của luật sư và yêu cầu của chồng từ trong trại giam.
Đáng chú ý, khi nghe người đại diện Công ty CP phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam rút đơn kháng cáo tội kinh doanh trái phép, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tỏ vẻ bức xúc cho rằng bản thân bị cáo là chủ tịch HĐQT, chưa hề bị cắt chức, mà không hề biết việc này. Tuy nhiên, chủ tọa giải thích người rút đơn kháng cáo là Tổng giám đốc Công ty CP phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam, theo pháp luật đây là người có toàn quyền thực hiện mọi giao dịch và nghĩa vụ pháp luật của công ty.
Anh Vũ – Thái Sơn
Theo Thanhnien
Đường đi lắt léo của dòng tiền đầu tư ACB
Tiền được chuyển đi Vietbank, KienLongbank, vào hai công ty ACI và ACI - HN của Nguyễn Đức Kiên để đầu tư cổ phiếu, sau đó quay trở lại ACB rồi bị thâm hụt gần 688 tỷ đồng.
Trong ngày 5/12, HĐXX và các luật sư tập trung xét hỏi hành vi Cố ý làm trái của Nguyễn Đức Kiên và các cựu quan chức ACB. Toà tiếp tục thẩm vấn các bên liên quan về việc ACB "rải" tiền để đầu tư mua cổ phiếu, trái phiếu của chính ngân hàng này. Trả lời về ACI và ACI - HN của bầu Kiên mua cổ phiếu ACB, đại diện ngân hàng ACB cho hay, nguồn tiền đến từ ACBS (công ty 100% vốn của ACB).
Trong khi đó, theo quy kết của án sơ thẩm, để ACBS có tiền mua cổ phiếu, ACB đã cho KienLongbank và Vietbank vay liên ngân hàng 1.500 tỷ đồng. Mục đích để hai ngân hàng này cho ACBS vay lại qua hình thức mua trái phiếu (hai ngân hàng mua trái phiếu của ACBS với lãi suất từ 11,05% đến 14%/năm). Sau khi ACBS trả lãi cho Vietbank và KienLongbank, đối trừ lãi trả cho ACB, số tiền ngân hàng này bị thiệt hại là hơn 60 tỷ đồng.
Đại diện KienLongBank phủ nhận quy kết trên và cho rằng, việc mua trái phiếu của ACBS dựa trên thông tin của kế toán trưởng ACB Nguyễn Văn Hoà và thành viên HĐQT KienLongbank. Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc có hay không KienLongbank sử dụng tiền của ACB để mua trái phiếu của ACBS, đại diện ngân hàng này cho hay: "Nguồn tiền thì có nhiều kênh, liên ngân hàng là một nguồn quan trong. Việc ACB gửi tiền vào KienLongBank là nghiệp vụ bình thường".
Khi có tiền, ACBS đã chuyển cho ACI và ACI - HN để mua cổ phiếu ACB. Mặt khác, để hai công ty này có tiền trả lại cho ACBS, ACB đã "đổ" tiền cho Vietbank vay liên ngân hàng. Sau đó Vietbank cho hai công ty này vay lại toàn bộ gần 1.700 tỷ đồng theo hình thức mua trái phiếu. Trước quy kết này, đại diện Vietbank phủ nhận và cho rằng hoạt động liên ngân hàng là bình thường.
Để chứng minh dòng tiền trên được quay vòng, HĐXX đã công bố lời khai tại cơ quan điều tra của ông Lê Vũ Kỳ cho thấy, việc ACB chuyển tiền liên ngân hàng là để Vietbank, KienLongBank lấy tiền đó chuyển vào hai công ty của bầu Kiên (ACI, ACI - HN), chuyển sang cho ACBS. Ông Kỳ cho rằng, việc tạo nguồn vốn là chuyện bình thường của ngân hàng.
Ông Lý Xuân Hải tại toà.
Trả lời thẩm vấn, kế toán trưởng Hoà cho rằng khi có chỉ thị của tổng giám đốc Lý Xuân Hải bảo mua trái phiếu của ACBS, đã liên hệ với Vietbank và KienLongbank. Song, thời điểm đó, hai ngân hàng này có thông báo phải thanh khoản mới mua được. Trong khi đó, ACB đang dư tiền nên đã chuyển cho Vietbank và KienLongbank.
Ông Hoà cho rằng, người chỉ đạo liên hệ với hai ngân hàng này là ông Hải. Lúc đầu, ông liên hệ nhưng hai ngân hàng không đồng ý. Báo cáo lại cho ông Hải thì ông Hoà biết bầu Kiên đã liên lạc với đại diện hai ngân hàng trên. Sau đó, ông Hoà đã làm việc được với Vietbank và KienLongBank.
Ở một diễn biến khác, cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải cho rằng chức danh là do HĐQT bổ nhiệm. Theo quy định của ACB, với cương vị là thường trực HĐQT, thành viên làm sai sẽ chịu trách nhiệm, nhưng vi phạm đến đâu thì người có thẩm quyền quyết định. "Nếu làm vì lợi ích cổ đông, chưa có ai đòi bồi thường thì sẽ được miễn trừ", ông Hải bào chữa.
Tiếp đó, ông Hải cho rằng việc uỷ thác gửi tiền của thường trực HĐQT là không sai phạm. Tại thời điểm ACB uỷ thác, theo bị cáo, có nghe một số ngân hàng khác làm nhưng các lỗi này không bị xét. Trên thực tế, theo ông Hải trình bày, số tiền 718 tỷ đồng bị Huyền Như chiếm đoạt hiện vẫn còn, chứ chưa mất.
"Tôi không nghĩ việc ủy thác gửi tiền là sai phạm vì khi cơ quan công an vào làm việc chúng tôi đã trình bày, báo cáo và không thấy ai nhắc nhở gì", ông Hải nói. Theo ông, kỳ họp Quốc hội vừa qua đã thông qua Luật Doanh nghiệp, với tinh thần mới, doanh nghiệp được phép làm những gì pháp luật không cấm. "Việc ủy thác chúng tôi tiến hành vào thời điểm pháp luật chưa có quy định. Tôi rất mong muốn tòa đánh giá lại hình phạt cho tôi", cựu tổng giám đốc ACB trình bày.
Cuối phiên xử chiều 5/12, HĐXX cho rằng đã thẩm vấn hết các bị cáo và những người liên quan. Tuy nhiên, hội đồng vẫn dành ít phút để chất vấn đại diện của B&B. Công ty này vẫn giữ nguyên kháng cáo khi cho rằng không kinh doanh trái phép, việc góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu chỉ là hoạt động đầu tư thông thường. B&B cũng không trốn thuế, được thể hiện qua hồ sơ và hạch toán. Theo đó, công ty đã kê khai vào sổ sách kế toán và báo cáo thuế, chưa có kết luận nào là không hợp pháp.
Phiên xét xử chững lại khi toà cho biết, bị đơn thứ hai là Công ty Thiên Nam đã rút toàn bộ kháng cáo. Lúc này, bầu Kiên nêu hàng loạt câu hỏi: "Tôi có phải là Chủ tịch HĐQT Thiên Nam? Việc rút kháng cáo có được tôi đồng ý không? Tôi đã bị cách chức chưa". Toà cho biết, luật quy định người đại diện pháp luật là người có toàn quyền thực hiện mọi giao dịch và nghĩa vụ pháp luật của công ty. Ông Tiến Anh là Tổng giám đốc Thiên Nam nên có quyền này.
Thứ hai tuần tới, toà tiếp tục làm việc.
Việt Dũng
Theo VNE
Huyền Như kháng cáo xin trả nhà trị giá 43 tỷ Không chỉ đạt kỷ lục về số tiền chiếm đoạt, khối lượng hồ sơ, bút lục vụ án...sau phiên tòa sơ thẩm vụ Huyền Như có tới 61 lá đơn bao gồm kháng cáo, kháng nghị được gửi tới tòa đề nghị cấp phúc thẩm xem xét. 61 lá đơn gửi tòa Nói đến "đại án" Huyền Như, dư luận biết đến đây...