Xét xử hai cựu Thiếu tướng Quân đội trong vụ “bảo kê” trùm buôn lậu xăng
Sáng 12/7, tại trụ sở Toà án Quân sự Thủ đô Hà Nội, Tòa án Quân sự Quân khu 7 mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử 14 bị cáo trong vụ án “ Buôn lậu”, “Nhận hối lộ”, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” và “Không tố giác tội phạm” liên quan nhiều cựu sĩ quan Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng khu vực phía Nam.
Thượng tá, Thẩm phán Nguyễn Hồng Phong làm chủ toạ phiên tòa.
Đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Bộ đội Biên phòng được Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương uỷ quyền thực hiện quyền công tố tại phiên toà gồm: Đại tá Nguyễn Việt Thắng, Thiếu tá Trịnh Văn Dũng, Thiếu ta Ngô Xuân Khang.
“Trùm” buôn lậu xăng trên biển Phan Thanh Hữu (SN 1957, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) được triệu tập đến phiên toà này với tư cách người làm chứng.
Trong phần thủ tục, có bị cáo đề nghị HĐXX triệu tập thêm điều tra viên đến phiên toà; có bị cáo đề nghị HĐXX triệu tập thêm đại diện cơ quan chủ quản của họ nhằm làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến vụ án.
Tại phiên toà, một số người làm chứng dù đã được HĐXX triệu tập hợp lệ nhưng vẫn vắng mặt. Một số luật sư bào chữa cho bị cáo cũng vắng mặt. Có luật sư đề nghị HĐXX hoãn phiên toà…
Sau khi nghe ý kiến của đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà, ý kiến của các luật sư bào chữa và ý kiến của các bị cáo, chủ toạ phiên toà cho biết, do phiên toà diễn ra dài ngày nên trong quá trình xét xử, những thành phần đã được triệu tập sẽ có mặt. Với quan điểm trên, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử vụ án.
Các bị cáo (đứng) tại phiên toà.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, đầu năm 2019, tàu Glory của Phan Thanh Hữu bị lực lượng Vùng Cảnh sát biển 3 bắt giữ vì vận chuyển lậu 1,7 triệu lít dầu DO. Sau đó, Phan Thanh Hữu đã nhờ Đào Ngọc Viễn (SN 1968, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) tìm các mối quan hệ để giúp Phan Thanh Hữu không bị xử lý hình sự.
Video đang HOT
Do có quan hệ từ trước với Đại tá Phùng Danh Thoại (khi đó là Trưởng phòng xăng dầu, Cục Hậu cần thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) nên Đào Ngọc Viễn đã trực tiếp dẫn Phan Thanh Hữu đến gặp và nhờ ông Phùng Danh Thoại xử lý vụ việc tàu Glory nhưng ông Thoại từ chối.
Sau đó, Đào Ngọc Viễn nhiều lần rủ ông Phùng Danh Thoại tham gia góp vốn cùng kinh doanh xăng dầu với Thoại và Phan Thanh Hữu. Đào Ngọc Viễn đề nghị ông Phùng Danh Thoại góp 5 tỷ đồng để làm vốn mua hàng, lợi nhuận được chia hứa hẹn đến vài tỷ đồng một năm.
Đại diện Viện kiểm sát (bên phải) thực hành quyền công tố tại phiên toà.
“Vì lợi nhuận rất lớn thu được từ hoạt động buôn lậu xăng dầu, ông Phùng Danh Thoại không làm chủ được bản thân nên đã đồng ý góp vốn với Đào Ngọc Viễn và Phan Thanh Hữu để tổ chức buôn lậu xăng từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ”, cáo trạng nêu rõ.
Từ tháng 5/2019 đến7/2019, ông Phùng Danh Thoại đã chuyển cho Đào Ngọc Viễn và Phạm Hùng Cường (ở Hải Phòng) số tiền 5 tỷ đồng để góp vốn với Phan Thanh Hữu mua xăng lậu từ Singapore vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Tổng số vốn hùn hạp của nhóm ông Phùng Danh Thoại là 53,4 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, lợi nhuận thu được từ việc buôn bán xăng, Phan Thanh Hữu sẽ hưởng 40%, nhóm của ông Phùng Danh Thoại,Đào Ngọc Viễn và Phạm Hùng Cường hưởng 60%.
Khi vụ án bị phát giác, nhóm của ông Phùng Danh Thoại đã buôn lậu hơn 198,7 triệu lít xăng RON 95-III, trong đó đã tiêu thụ 196,2 triệu lít, còn hơn 2,5 triệu lít chưa kịp tiêu thụ thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ. Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự tỉnh Đồng Nai xác định, tổng trị giá 198,7 triệu lít xăng RON 95-III là hơn 2.794 tỷ đồng.
Với hành vi buôn lậu với số lượng xăng lậu như trên, Phan Thanh Hữu hưởng lợi số tiền 105 tỷ đồng. Nhóm ông Phùng Danh Thoại, Đào Ngọc Viễn và Phạm Hùng Cường hưởng lợi hơn 157 tỷ đồng. Trong đó, riêng ông Phùng Danh Thoại được 17 lần chia lợi nhuận với tổng số tiền 18,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, tháng 2/2020, ông Phùng Danh Thoại còn yêu cầu Đào NgọcViễn và Phan Thanh Hữu chuyển cho 4 tỷ đồng để ông ta thanh toán tiền mua ô tô Volvo XC90. Như vậy, tổng số tiền ông Phùng Danh Thoại hưởng lợi do nhóm buôn lậu chia là 22,3 tỷ đồng. Quá trình điều tra, ông Phùng Danh Thoại đã nhận thức được sai phạm của mình, chủ động nộp 16,3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Để thực hiện được việc buôn lậu xăng với số lượng lớn trong thời gian dài mà không bị kiểm tra bắt giữ, Phan Thanh Hữu cùng đồng phạm đã thống nhất chi hối lộ hàng tháng cho các cá nhân thuộc lực lượng Hải quan, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng… Toàn bộ số tiền chi hối lộ được lấy từ nguồn tiền mà các đối tượng đã thực hiện việc buôn lậu 198,7 triệu lít xăng.
Cụ thể, cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 – Lê Văn Minh (bị cáo trong vụ án này) bị cáo buộc “vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn” đã trực tiếp hoặc thông qua vợ và con mình nhận của “trùm” buôn lậu xăng Phan Thanh Hữu tổng số tiền là 6,9 tỷ đồng. Phan Thanh Hữu đưa tiền cho ông Lê Văn Minh để được “tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê” cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng trên biển vào nội địa mà không bị bắt giữ, xử lý.
Đến nay, tổng số tiền thu được trong quá trình bắt giữ, khám xét và các bị cáo nộp khắc phục hậu quả là hơn 34 tỷ đồng. Ông Lê Văn Minh và người đồng cấp là cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3-Lê Xuân Thanh (bị cáo trong vụ án này) là 2 trong số 7 người đã khắc phục xong toàn bộ thiệt hại.
Được biết, cùng vụ án buôn lậu xăng dầu do Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ và Đào Ngọc Viễn cầm đầu, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã ban hành cáo trạng truy tố 74 bị can liên quan, trong đó bị can Ngô Văn Thụy (Đội trưởng Đội 3, Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.
Trong vụ án này, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương truy tố 14 bị cáo. Bị cáo Phùng Danh Thoại (cựu Đại tá, cựu Trưởng phòng xăng dầu, Cục Hậu cần thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) bị truy tố về tội “Buôn lậu”. Bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” và tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Các bị cáo bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”gồm: Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4), Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3), Lưu Thế Đức (cựu Thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ tư lệnh Cảnh sát biển), Phạm Văn Trên (cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh), Nguyễn Văn Hùng (cựu Thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh), Nguyễn Thanh Lâm (cựu Trung tá, cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng), Lê Văn Phương (cựu Thượng tá, cựu Phó phòng trưởng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh) và nhóm các bị cáo thuộc các đơn vị dân sự là Sơn Hoàng Ngự, Phan Thị Xuân, Nguyễn Văn An và Phạm Hồ Hải.
Riêng bị cáo Cao Phước Hoài (SN 1996, quê Bình Định, là lao động tự do) bị truy tố về tội “Không tố giác tội phạm”.
Phiên toà dự kiến diễn ra trong ba ngày (từ 12/7 đến 14/7).
Đà Nẵng: Án tham nhũng, chức vụ tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2022
Số vụ án tham nhũng, chức vụ tại TP.Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2022 được phát hiện tăng cao so với cùng kỳ; so với cùng kỳ năm 2019 thì tăng đến 450%.
Ngày 12.7, tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP.Đà Nẵng khóa 10, UBND TP cho biết đã có báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm 2022.
Theo báo cáo kết quả công tác, trong lĩnh vực kinh tế tham nhũng, chức vụ, ngành chức năng đã phát hiện, khởi tố mới 22 vụ/20 bị can (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021 và 450% so với cùng kỳ năm 2019). Ngoài ra, ra quyết định xử phạt hành chính 102 vụ, 98 cá nhân, 10 tổ chức (giảm 26% số vụ so với cùng kỳ năm 2021 và 4,5% so với cùng kỳ năm 2019), phạt tiền trên 1,1 tỉ đồng; tạm giữ, tịch thu tang vật trị giá hơn 2,8 tỉ đồng.
Về tình hình tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, nổi lên là tội phạm liên quan đến chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chính sách của nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, các lĩnh vực ngoài nhà nước.
Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng làm việc với Giám đốc CDC Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh về những sai phạm trong việc mua sắm kit test, thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19. Ảnh CTV
Trong đó, điển hình là vụ "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần EB, Công ty TNHH Interflour, tổng giá trị thiệt hại tài sản hơn 2 tỉ đồng; vụ "Vi phạm các quy định về quản lý Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty Phát triển nhà Đà Nẵng, gây thiệt hại ước tính hàng trăm tỉ đồng; vụ "Đưa và nhận hối lộ, Làm giả tài liệu cơ quan tổ chức" xảy ra trên địa bàn do Trần Thị Phương Dung, Tôn Thất Huy Minh, Đàm Quang Hưng (nguyên Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu) thực hiện; vụ sai phạm liên quan đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng)...
Liên quan đến công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, ngành chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 31 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực cư trú, phạt tiền 19,7 triệu đồng.
Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2022, tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, kéo giảm (giảm 8,4%); tỉ lệ điều tra khám phá án đạt tỉ lệ cao (88,32%), án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng điều tra đạt 100%. Các vụ án dư luận quan tâm được khám phá kịp thời, điều tra mở rộng; công tác đấu tranh, xử lý tội phạm ma túy, kinh tế, tham nhũng, môi trường đạt kết quả tốt.
Ông Lê Trung Chinh đề nghị HĐND TP.Đà Nẵng xem xét, kiến nghị với Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan lập pháp có cơ chế kiểm soát việc chủ nhà cho thuê nguyên căn, chủ căn hộ khách sạn (condotel) và căn hộ trong khu chung cư cho người nước ngoài thuê nâng cao trách nhiệm của chủ hộ đối với việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ Công an, Bộ LĐ-TB-XH rà soát, kiểm tra lại quy trình cấp thị thực, giấy phép lao động cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện chuyên gia đảm bảo đúng quy định và đúng đối tượng, có cơ chế phối hợp theo dõi, quản lý chặt chẽ, không để các đối tượng lợi dụng tổ chức, nhập cảnh trái phép.
Vợ cựu thiếu tướng cảnh sát biển bị truy tố vì giúp chồng nhận hối lộ Cùng với chồng là cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 Lê Xuân Thanh, bà Phan Thị Xuân cũng bị truy tố về tội nhận hối lộ với vai trò giúp sức cho chồng. Bà Xuân bị cáo buộc có 11 lần nhận tổng số tiền 1,8 tỉ đồng từ 'trùm buôn lậu' xăng. Hai cựu thiếu tướng cảnh sát biển Lê...