Xét xử ‘đại án’ Bình Dương: Cựu chủ tịch tỉnh Bình Dương mong được hưởng khoan hồng
Bị cáo Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thừa nhận có sai sót trong vụ án nhưng mong HĐXX đánh giá tình tiết vụ án và cho hưởng khoan hồng để có cơ hội về với gia đình, xã hội, đi trị bệnh.
Sáng 22.8, TAND TP.Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ 7 xét xử 28 bị cáo trong đại án kinh tế tham nhũng trao “đất vàng” cho tư nhân, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng ngân sách nhà nước xảy ra tại Tổng công ty sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt là Tổng công ty Bình Dương) với phần tranh luận.
Các bị cáo trong vụ án. Ảnh TRẦN CƯỜNG
Tại tòa, luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đồng tình với việc truy tố thân chủ mình về tội “vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đồng ý với bản luận tội của Viện KSND TP.Hà Nội về việc xác định thiệt hại của vụ án đã được khắc phục hoàn toàn, tài sản đã trả lại chủ sở hữu và không đề nghị các bị cáo phải khắc phục, trong đó có bị cáo Liêm.
Tuy nhiên, LS cho rằng đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đề nghị thân chủ của mình mức án từ 9 – 10 năm tù là quá nghiêm khắc, chưa đánh giá chính xác vai trò, hành vi phạm tội cũng như các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Liêm.
Mong được khoan hồng
Sau khi dành hơn 40 phút để nêu những luận cứ liên quan đến vụ án để HĐXX xem xét giảm nhẹ cho thân chủ mình, LS đã nêu ra hàng loạt thành tích của bị cáo Liêm đã đạt được, cũng như sự đóng góp của gia đình, ông bà, bố mẹ,… để HĐXX làm căn cứ giảm nhẹ mức hình phạt.
Video đang HOT
Theo LS, từ năm 1986 đến 2020, khi Bình Dương còn là tỉnh Sông Bé, bị cáo Liêm đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, được tặng thưởng tổng cộng 45 bằng khen, huân, huy chương, danh hiệu của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều bộ, ngành và địa phương. LS cho rằng việc này đã phản ánh sự nỗ lực trong công tác và các đóng góp quan trọng của bị cáo Liêm trong việc xây dựng tỉnh Bình Dương.
Bị cáo Trần Thanh Liêm. Ảnh TRẦN CƯỜNG
Bên cạnh đó, LS cho hay bị cáo Liêm phạm tội khi tuổi đã cao, đang phải điều trị nhiều bệnh nền nguy hiểm như đái tháo đường, tăng huyết áp,… và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho thân chủ của mình.
Được đứng lên tự bào chữa, bị cáo Trần Thanh Liêm thừa nhận có sai sót trong vụ án. Tuy nhiên, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng bản thân vô ý, không có động cơ, mục đích vụ lợi cho cá nhân, mong HĐXX xem xét tình tiết vụ án, mức độ vi phạm để mình được hưởng khoan hồng, có mức án nhẹ nhất để có cơ hội trở về với gia đình, xã hội và đi điều trị bệnh.
Trong vụ án, cơ quan tố tụng cáo buộc năm 2017, với vai trò Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, bị cáo Trần Thanh Liêm đã đồng ý để Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, thực chất là chuyển nhượng khu đất 43 ha đất trái quy định. Việc này gây thất thoát hơn 984 tỉ đồng tài sản nhà nước.
Cũng trong năm 2017, bị cáo Liêm ký quyết định đồng ý cho Tổng công ty Bình Dương đưa 145 ha đất từ danh mục tài sản đang dùng thành tài sản chờ thanh lý. Khu đất do đó không được đưa vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa gây thất thoát hơn 4.030 tỉ đồng.
Do vậy, bị cáo Trần Thanh Liêm phải liên đới cùng các bị cáo trong vụ án gây thất thoát tổng số tiền hơn 5.000 tỉ đồng.
Hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương chuẩn bị hầu tòa tại Hà Nội
Tháng 8 tới đây, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội sẽ mở phiên sơ thẩm, xét xử hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng đồng phạm trong đại án kinh tế tham nhũng trao "đất vàng" cho tư nhân.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, dự kiến ngày 15.8 tới, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội sẽ mở phiên sơ thẩm, xét xử 28 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương).
Trong 28 bị cáo có tới 13 người từng là quan chức Tỉnh uỷ, UBND và các sở, ngành tỉnh Bình Dương, trong đó có 3 người từng giữ các chức vụ cao nhất, gồm: ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư Tỉnh uỷ, cựu Chủ tịch HĐND Bình Dương.
3 cựu lãnh đạo này và 19 bị cáo bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Ông Trần Văn Nam khi còn đương chức. Ảnh NGỌC THẮNG
Các bị cáo Võ Hồng Cường, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Hưng Vượng; Nguyễn Thục Anh, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phát triển; và đồng cấp là Trần Đình Như Ý bị truy tố về tội "tham ô tài sản".
3 bị cáo còn lại bị truy tố với cả 2 tội danh, gồm: Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương; Trần Nguyên Vũ, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương; và Huỳnh Thanh Hải, cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương, cùng bị truy tố về cả 2 tội danh kể trên.
Phiên tòa do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa, dự kiến kéo dài trong 20 ngày. HĐXX làm việc cả thứ 7 và chủ nhật. Thực hành quyền công tố tại tòa có 4 kiểm sát viên của Viện KSND TP.Hà Nội, gần 60 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Dương, Cục Thuế tỉnh Bình Dương, các sở: Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, cùng hàng loạt doanh nghiệp liên quan vụ án được triệu tập đến với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Khu "đất vàng" 43 ha ở P.Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương). Ảnh ĐỖ TRƯỜNG
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, năm 2012, Tổng công ty Bình Dương được UBND tỉnh Bình Dương giao 2 khu đất 43 ha và 145 ha ở Thủ Dầu Một để liên kết làm dự án khu dân cư, thương mại, dịch vụ Tân Phú.
Thời điểm này, ông Trần Văn Nam giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã căn cứ đề xuất của các bị can thuộc Cục thuế Bình Dương và tham mưu từ nhóm bị can tại Văn phòng UBND tỉnh ký quyết định đồng ý giao đất cho Tổng công ty Bình Dương, nhưng lại áp mức giá bằng mức ban hành từ năm 2006 để thu tiền sử dụng đất.
Hành vi áp giá đất trái quy định của ông Nam cùng các đồng phạm gây thiệt hại cho nhà nước hơn 760 tỉ đồng.
Giai đoạn 2015 - 2021, với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, ông Trần Văn Nam biết Tổng công ty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43 ha cho doanh nghiệp tư nhân, không bàn giao lại đất cho công ty nhà nước theo quy định, nhưng ông Nam không yêu cầu Tổng công ty Bình Dương giao đất để bảo toàn vốn, khiến khu đất thuộc sở hữu nhà nước bị chuyển sang công ty tư nhân. Hành vi này của ông Nam và các bị can gây thiệt hại 984 tỉ đồng.
Trong quá trình Tổng công ty Bình Dương tiến hành cổ phần hóa, bị can Trần Thanh Liêm, với cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp kiêm Trưởng ban Chỉ đạo cổ phần hóa Tổng công ty Bình Dương, biết rõ các sai phạm tại doanh nghiệp, nhưng không có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ tài sản nhà nước, hành vi này gây thất thoát hơn 5.015 tỉ đồng.
Bảo kê xe dừng đón và trả khách sai quy định tại Bình Dương Hôm nay (21/8), Công an thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, đang truy tìm đối tượng nhận 100.000 đồng/1 lượt xe khách khi dừng đón trả khách sai quy định tại cây xăng Hoa Mai, khu phố Bình Đường 1, phường An Bình. Xe khách dừng đón, trả khách sai quy định tại cây xăng Hoa Mai. Theo thông tin...