Xét xử cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và đồng phạm: Hội đồng xét xử gồm những ai?
Theo TAND tỉnh Phú Thọ, Hội đồng xét xử (HĐXX) trong phiên tòa xét xử cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và 91 đồng phạm gồm 5 người, 2 thẩm phán chính, 3 hội thẩm nhân dân.
Ngày 12/11 tới, TAND tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và 91 đồng phạm. Để chuẩn bị cho phiên tòa, TAND tỉnh Phú Thọ bố trí khu vực sân rộng 1.000m2 để phục vụ hơn 200 người tham gia tố tụng phiên xử dự kiến kéo dài 20 ngày.
Theo TAND tỉnh Phú Thọ, HĐXX gồm 5 người, 2 thẩm phán chính, 3 hội thẩm nhân dân. Trong đó thẩm phán – Chủ toạ phiên toà là bà Nguyễn Thị Thuỳ Hương – Chánh toà kinh tế (TAND tỉnh Phú Thọ), thẩm phán Đỗ Ngọc Tuấn, thẩm phán dự khuyết Tạ Văn Thành.
Các hội thẩm nhân dân là bà Nguyễn Thị Phẩm, bà Bùi Thị Hảo, ông Nguyễn Bá Điền. Còn hội thẩm nhân dân dự khuyết có 2 người là ông Nguyễn Bá Thắng và Nguyễn Thị Tần.
Thư ký phiên tòa gồm 2 người là bà Phan Thị Huyền, ông Nguyễn Thành Long. Hai thư ký dự khuyết là bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga và bà Đào Thị Hằng.
Khu vực sân rộng khoảng 1.000m2 nằm giữa ba tòa nhà xếp thành hình chữ U được TAND tỉnh Phú Thọ lợp mái tôn, trang bị đầy đủ để chuẩn bị cho phiên xử sắp tới.
Đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ tham gia phiên tòa có 4 kiểm sát viên là ông Lê Xuân Lộc, ông Nguyễn Duy Hưng, ông Nguyễn Quang Hồng, bà Phạm Thị Bích Liên.
Trong số 33 luật sư có 30 luật sư bào chữa cho các bị cáo, 3 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam và Tổng công ty viễn thông Mobifone; Công ty cổ phần thanh toán điện tử.
Video đang HOT
Cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hoá, mỗi người có 3 luật sư đăng ký tham gia bào chữa.
Bị cáo Phan Sào Nam có 3 luật sư bào chữa. Người có nhiều luật sư đăng ký tham gia bào chữa nhất (5 người) là bị cáo Nguyễn Văn Dương.
Trước đó, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 với khung hình phạt tối đa 10 năm tù.
Cơ quan tố tụng cáo buộc đường dây tổ chức đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương (chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC) cầm đầu.
Đường dây này gồm 25 đại lý cấp 1 cùng 5.877 đại lý cấp 2 và gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, doanh thu tổ chức đánh bạc lên tới gần 10.000 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Vĩnh với chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã lợi dụng Quyết định số 450/BCA ngày 4/2/2010 và Quyết định số 2436/QĐ-BCA ngày 11/5/2015 của Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của C50 để cùng ông Nguyễn Thanh Hóa chỉ đạo cấp dưới tham mưu ban hành Quyết định số 158/QĐ-C41 (C50) ngày 14/5/2015 về việc thành lập công ty bình phong thuộc C50 (Công ty CNC) trái với quyết định của Bộ Công an.
Đồng thời, những người này cho Công ty CNC được thuê sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám (quận Đống Đa, TP Hà Nội) do Tổng cục Cảnh sát quản lý.
Điều này khiến các đơn vị chức năng lầm tưởng Công ty CNC là công ty nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát để tạo vỏ bọc cho Nguyễn Văn Dương và các đồng phạm tổ chức đánh bạc trên mạng Internet được thuận lợi.
Ông Vĩnh biết Công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc nhưng không ngăn chặn, xử lý. Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện Công ty CNC vận hành hai game bài RikVip.com và 23zdo.com là đánh bạc trá hình, có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã yêu cầu báo cáo.
Tuy nhiên, ông Vĩnh không chấp hành ý kiến chỉ đạo, đến khi có văn bản lần thứ hai sau 50 ngày mới chỉ đạo C50 tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an nhưng báo cáo không đúng sự thật và không chỉ đạo ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc.
TÙNG LÂM
Theo VTC
Vụ đánh bạc nghìn tỷ: Chưa đủ căn cứ xác định 2 cựu tướng nhận hàng chục tỷ đồng
Mặc dù Nguyễn Văn Dương - "ông trùm" của đường dây đánh bạc nghìn tỷ khai cho Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng và hơn 1,7 triệu USD, cho Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng, song quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra chưa đủ căn cứ để xác định Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa hưởng lợi cá nhân.
Ngày 31/8/2018, VKSND tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất bản cáo trạng số 29/CT-VKS-P2 của vụ án "sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong vụ án trên, cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50 -Bộ Công an) bị cáo buộc "bảo kê" cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ do Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC, công ty bình phong của C50) và Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty VTC online) cầm đầu.
Bị can Phan Văn Vĩnh (trái) và Nguyễn Thanh Hóa.
Theo tài liệu điều tra, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao, tổ chức 25 "đại lý cấp 1", gần 6.000 "đại lý cấp 2" với gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club, thu lời bất chính trên 9.800 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong đó, Phan Sào Nam hưởng lợi bất chính hơn 1.400 tỷ đồng, Nguyễn Văn Dương hưởng lợi bất chính hơn 1.600 tỷ đồng.
Trong thời gian cho C50 hợp tác với Công ty CNC, Phan Văn Vĩnh thừa nhận được Nguyễn Văn Dương cho 1 chiếc áo sơ mi, 1 lọ thuốc bổ gan, hỗ trợ cho Tổng cục Cảnh sát trong các chương trình giao lưu, làm từ thiện 1,1 tỷ đồng và một số bữa tiếp khách tại Tổng cục Cảnh sát Dương có mặt (theo Dương khai, các bữa ăn Dương có mặt đều mang rượu đến, tổng trị giá khoảng hơn 10 tỷ đồng). Phan Văn Vĩnh không thừa nhận lời khai của Dương đã cho Vĩnh 27 tỷ đồng và 1.750.000 USD.
Ngoài ra, Dương còn khai tặng Phan Văn Vĩnh 1 đồng hồ đeo tay trị giá 7.000 USD, nhưng Vĩnh lại khai đã trả mua đồng hồ cho Dương 1,1 tỷ đồng, sau đó đã làm mất đồng hồ.
Ngoài ra, thời gian C50 hợp tác với Công ty CNC, Nguyễn Thanh Hóa chỉ thừa nhận Nguyễn Văn Dương đã hỗ trợ cho tập thể C50 tổng số tiền 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt vius Symantec trị giá 30.000 USD, nhưng không thừa nhận Dương cho 22 tỷ đồng.
"Do vậy, xét về bản chất thì hành vi của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ, trong đó Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy, còn Nguyễn Thanh Hóa là người thưc hành tích cực. Song quá trình điều tra, Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để xác định Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa hưởng lợi cá nhân" - cáo trạng nêu rõ.
Từ căn cứ trên, VKSND tỉnh Phú Thọ đã Quyết định truy tố bị can Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh ra trước TAND tỉnh Phú Thọ để xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự (sửa đổi năm 2017) với khung hình phạt từ 5-10 năm tù.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Điều gì đang chờ đợi ông Phan Văn Vĩnh? Ngoài các tình tiết định khung, ông Phan Văn Vĩnh không phải chịu tình tiết tăng nặng nào mà còn được VKSND tỉnh Phú Thọ kê ra nhiều tình tiết giảm nhẹ như: khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ An ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã...