Xét xử bầu Kiên: Bầu Kiên bị tuyên án 30 năm tù giam, nộp phạt 75 tỷ
HĐXX tuyên bố bị cáo Nguyễn Đức Kiên phạm 4 tội danh (Lừa đảo, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép, Cố ý làm trái), tuyên phạt 30 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Xét xử bầu Kiên: Nguyễn Đức Kiên tại tòa sáng nay 9/6
11h45: Sau khi đã công bố bản kết luận của toàn bộ vụ án, chủ tọa Nguyễn Hữu Chính thay mặt HĐXX, tuyên bố bị cáo Nguyễn Đức Kiên vi phạm cả 4 tội danh mà VKS đã truy tố.
- Với hành vi vi phạm 4 tội danh, gồm Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qủa nghiêm trọng; bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã bị HĐXX tuyên phạt 30 năm tù giam. Ngoài ra, Nguyễn Đức Kiên phải nộp hơn 75 tỷ tiền trốn thuế và 100 triệu tiền lừa đảo để bổ sung công quỹ; cấm các hoạt động Ngân hàng sau 5 năm hết hạn tù.
- Nhóm bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Bị cáo Trần Ngọc Thanh: 5 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Thị Hải Yến: 5 năm tù giam.
- Nhóm bị cáo phạm tội Cố ý làm trái: Lý Xuân Hải: 8 năm tù giam; Phạm Trung Cang: 3 năm tù giam; Trịnh Kim Quang: 4 năm giam Lê Vũ Kỳ: 5 năm giam; Huỳnh Quang Tuấn: 2 năm tù giam.
Cũng tại phiên tòa này, HĐXX đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự kinh doanh trái phép tại ngân hàng ACB và Vietbank.
Tòa cũng đồng thời công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Huỳnh Thị Bảo Ngọc.
11h30: Với những căn cứ đã nêu tại tòa, HĐXX cho rằng bị cáo Nguyễn Đức Kiên cần phải nhận bản án cao nhất, nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đối với một vụ án lớn, gây hậu quả nghiêm trọng như vụ án này.
11h00: Liên quan đến số tiền 718 tỷ đồng thiệt hại, HĐXX xác định vụ việc này đã được giải quyết trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như nên tại phiên tòa này, HĐXX sẽ không xem xét.
Bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên tại tòa (ảnh: TPO)
10h45: HĐXX cho rằng, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã không thành khẩn nhận tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, cần phải có hình phạt bổ sung, phạt bị cáo Kiên số tiền 100 triệu đồng để xung công quỹ.
Hai bị cáo Thanh và Yến, mặc dù là người giúp sức tích cực cho hành vi phạm tội của bầu Kiên. Tuy nhiên, tại tòa hai bị cáo đã thành khẩn khai báo; bên cạnh đó, hai bị cáo này cũng chỉ là người làm công ăn lương, chịu sự chỉ đạo của bầu Kiên. Do đó, cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt với hai bị cáo Thanh và Yến.
10h30: Về tội danh Trốn thuế, HĐXX kết luận:
VKS truy tố Nguyễn Đức Kiên tội Trốn thuế là có đủ căn cứ và đúng người đúng tội. Trong đó, Nguyễn Đức Kiên là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện hành vi này.
Đáng chú ý, trong phần kết luận tội danh Trốn thuế, HĐXX cấp sơ thẩm đã đề nghị cơ quan CSĐT xem xét điều tra hành vi của bà Đặng Ngọc Lan (vợ bị cáo Kiên) và Nguyễn Thuý Hương (em gái bị cáo Kiên). HĐXX cho rằng hai người này đã giúp sức tích cực cho Nguyễn Đức Kiên trong hành vi trốn thuế.
10h00: HĐXX kết luận:
Thông qua việc thành lập 6 công ty, Nguyễn Đức Kiên đã quản lý chỉ để đầu tư cổ phiếu, cổ phần. Hành vi này đã thỏa mãn tội Kinh doanh trái phép.
Trước tòa, bầu Kiên đã không thành khẩn thừa nhận là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, do đó cần phải có hình phạt nghiêm khắc để răn đe.
Video đang HOT
HĐXX cũng có đủ căn cứ để xác định Nguyễn Đức Kiên là người quyết định mọi giao dịch mua bán vàng tại công ty Thiên Nam. Đây là hành vi kinh doanh trái phép.
9h50: HĐXX căn cứ vào các tài liệu đã được điều tra, căn cứ vào phần xét hỏi và tranh tụng tại tòa, qua đó kết luận có đủ cơ sở xác định bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã kinh doanh trái phép với số tiền hơn 21 nghìn tỷ đồng.
HĐXX cũng xác định, các bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Kiên về hành vi Lừa đảo.
9h35: Như vậy, với bản bản tóm tắt toàn bộ nội dung vụ án kèm kết luận, HĐXX xác định bị cáo Nguyễn Đức Kiên vi phạm cả 4 tội danh mà VKS đã truy tố.
9h15: Với việc truy tố hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qủa nghiêm trọng, HĐXX cấp sơ thẩm kết luận: Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã cùng nhau bàn bạc để nhân viên gửi tiền nội và ngoại tệ (gồm tiền VNĐ, USD) tại một số tổ chức tín dụng.
Hành vi này của các bị cáo đã làm trái quy định tại điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 718 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền 718 tỷ đồng này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Ngoài ra, HĐXX kết luận các bị cáo đã cùng nhau bàn bạc, ban hành quyết định mua cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán. Hành vi này cùng với việc đầu tư cổ phiếu của ngân hàng ACB đã làm trái quy định tại điều 29, quyết định 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính .
Hành vi phạm tội này của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB gần 687 tỷ đồng.
9h00: Với việc truy tố hành vi Trốn thuế (điều 161 Bộ luật Hình sư) của bầu Kiên, HĐXX kết luận: Nguyễn Đức Kiên là người trực tiếp chỉ đạo cấp dưới ký các hợp đồng thế chấp, uỷ nhiệm chi để chi trả các khoản nợ.
Bầu Kiên căng thẳng khi nghe tòa tuyên án
8h45: HĐXX kết luận, thông qua việc chỉ đạo 6 công ty Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội; Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty Cổ phần đầu tư ACB; Công ty Cổ phần Đầu tư Á Châu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu và Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại B Nguyễn Đức Kiên đã phạm tội Kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ luật hình sự.
8h30: Trong phần đầu bản kết luận vụ án, chủ tọa Nguyễn Hữu Chính thay mặt HĐXX đã nêu rõ 4 tội danh mà VKS truy tố bị cáo Nguyễn Đức Kiên, gồm: Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qủa nghiêm trọng.
Cùng với đó, vị chủ tọa cũng đưa ra những căn cứ lập luận chặt chẽ để làm rõ từng tội danh nêu trên.
8h20: Theo quan sát của PV, trước khi tuyên án, chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu lực lượng cảnh sát bảo vệ tháo bỏ còng tay cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Chủ tọa Nguyễn Hữu Chính đọc kết luận vụ án
Toàn cảnh phiên tòa xét xử bầu Kiên trước giờ tuyên án
8h15: Chủ tọa Nguyễn Hữu Chính thay mặt HĐXX bắt đầu đọc bản tóm tắt và kết luận vụ án.
Phóng viên các báo, đài theo dõi tòa tuyên án bầu Kiên
8h00: Từ khoảng 7h30 sáng nay, bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm đã được dẫn giải tới tòa án, chờ đợi giờ tuyên án.
Phòng tác nghiệp báo chí dành cho phóng viên tại TAND TP Hà Nội đã chật kín phóng viên các báo, đài đến theo dõi tòa tuyên án.
Bầu Kiên trong vòng bảo vệ của lực lượng cảnh sát tại tòa
Sau hơn 10 ngày xét xử vụ án, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) bị cáo buộc 4 tội danh gồm Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qủa nghiêm trọng.
Trong phần luận tội, đại diện VKS cấp sơ thẩm đã đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên với tổng hợp hình phạt của 4 tội danh nêu trên là 30 năm. Các bị cáo đồng phạm còn lại bị đề nghị từ 3 – 14 năm tù giam.
Điều đáng lưu ý trong suốt những ngày diễn ra phiên tòa, đó là việc Nguyễn Đức Kiên và bốn luật sư bào chữa đã phủ nhận hoàn toàn cáo buộc này đồng thời đưa ra những lý lẽ chứng minh bị cáo vô tội.
Trong khi đó, đại diện VKS khẳng định: Việc VKS truy tố Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tại tòa, Nguyễn Đức Kiên đã không thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật… nên cần cách ly bị cáo khỏi xã hội trong một thời gian dài.
Trong lời nói sau cùng của mình, bị cáo Nguyễn Đức Kiên vẫn khẳng định mình vô tội và cho rằng việc vô tội thế nào đã được thể hiện qua các phiên xét xử.
Mức án đề nghị của đại diện VKS đối với các bị cáo trong vụ án: 1. Nguyễn Đức Kiên (SN 1964), Phó chủ tịch HĐ sáng lập ACB: 18-24 tháng tù tội kinh doanh trái phép, phạt tiền từ 25-30 triệu, tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền bị cáo đã sử dụng kinh doanh trái phép; 4-5 năm về Tội trốn thuế, phạt từ 2-3 lần số thuế đã trốn; 16-18 năm tù về tội lừa đảo; 14-15 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qủa nghiêm trọng, cấm bị cáo giữ các chức vụ điều hành tổ chức tín dụng từ 3-5 năm sau khi mãn hạn tù. Tổng hợp hình phạt 30 năm tù. 2. Lê Vũ Kỳ (SN 1956), Phó chủ tịch HĐQT ACB: 7-8 năm tù về tội cố ý làm trái, 3. Lý Xuân Hải (SN 1965), Tổng giám đốc ACB: 12-14 năm tù về tội cố ý làm trái. 4. Trịnh Kim Quang (SN 1954), Phó chủ tịch HĐQT ACB: 6-7 năm tù về tội cố ý làm trái. 5. Phạm Trung Cang (SN 1954), Phó chủ tịch HĐQT ACB: 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm. 6. Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958), Phó TGĐ ACB: 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm. 7. Trần Ngọc Thanh (SN 1952), Tổng giám đốc ACBI: 9-10 năm tù về tội lừa đảo. 8. Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969), kế toán trưởng ACBI: 7-8 năm tù về tội lừa đảo. Đối với ông Trần Xuân Giá đã tách vụ án nên không đề nghị.
Theo Xahoi
Xét xử Bầu Kiên: Tuyên án xong Nguyễn Đức Kiên, vụ án vẫn chưa kết thúc
Theo cáo trạng của VKS và tài liệu của vụ án cho thấy, dù tòa có tuyên án Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm thì vụ án này vẫn chưa thể kết thúc.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa sơ thẩm.
Cục trưởng C46 - Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh - người trực tiếp có mặt chỉ huy phá án chia sẻ: Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với thủ đoạn hoạt động phạm tội rất tinh vi, liên quan đến một số người giữ vị trí quan trọng trong cơ quan quản lý Nhà nước nên mức độ ảnh hưởng của vụ án rất rộng, được dư luận đặc biệt quan tâm.
Mở rộng điều tra sẽ còn một số người bị truy tố
Vụ bắt giữ Nguyễn Đức Kiên có ý nghĩa rất quan trọng với vấn đề an ninh tài chính, ngân hàng của đất nước. Cơ quan điều tra đã trả lời được với công luận: Không có vùng cấm cho tội phạm, dù bất cứ ở lĩnh vực nào. Mặt khác, qua vụ án đã góp phần quan trọng buộc các ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động theo đúng quy định pháp luật, đặc biệt hoạt động về phát hành cổ phiếu tiền ảo; sở hữu chéo; thâu tóm ngân hàng; vượt trần lãi suất... được các cấp, các ngành ủng hộ, dư luận đồng tình. Qua quá trình điều tra, các cơ quan điều tra xác định, trong vụ án này, khi mở rộng điều tra tới đây, sẽ còn một số người phải truy tố trước pháp luật.
Theo dõi diễn biến của vụ án, luật sư Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty Luật Trường Sa nhận định rằng: Có thể nhìn thấy ngay đầu tiên là bị cáo Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) tới đây sẽ phải đưa ra xét xử.
Ngày 9/2, VKSND tối cao đã tống đạt cáo trạng lần 2, truy tố 9 bị can trong vụ án kinh tế lớn ở Ngân hàng ACB do Nguyễn Đức Kiên cầm đầu. Thêm một số cá nhân bị truy tố, tuy nhiên, bà Đặng Thị Ngọc Lan, vợ Nguyễn Đức Kiên, và bà Nguyễn Thúy Hương, em gái Nguyễn Đức Kiên, được xem là 2 cá nhân có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên, xét vào thời điểm thực tế khi đó, để đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật, cơ quan điều tra đã đề xuất chưa cần thiết xử lý hình sự đối với 2 người này.
Theo tài liệu vụ án, hai người phụ nữ này có "dấu chân" trong các phi vụ buôn bán vàng trái phép - một trong những tội trạng lớn nhất của Nguyễn Đức Kiên. Bà Đặng Ngọc Lan vốn là Tổng giám đốc Công ty B&B, nơi mà Nguyễn Đức Kiên đã dùng để thực hiện một loạt các hoạt động kinh doanh trái pháp luật của mình. Hai người này là những người thực hiện việc ký hợp đồng theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, giúp Nguyễn Đức Kiên trốn trên 25 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tại Công ty B&B.
Bà Lan và Hương là những người liên đới chịu trách nhiệm vì đã nhận ủy thác sai quy định pháp luật. Tại cơ quan công an, bà Đặng Ngọc Lan cũng đã khai: Bà có ký các hợp đồng ủy thác và phân chia lợi nhuận giữa Công ty B&B với Nguyễn Thúy Hương nhưng trong thời điểm ký hợp đồng này bà đang chuẩn bị sinh con nên không biết gì về việc kinh doanh vàng của công ty B&B. Mọi việc kinh doanh của Công ty B&B đều do Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo và trực tiếp thực hiện. Cơ quan điều tra đã chấp thuận theo lý giải này và cho rằng hành vi giúp Nguyễn Đức Kiên trốn 25 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tại công ty B&B của Đặng Thị Ngọc Lan đã đủ yếu tố cấu thành tội Trốn thuế, quy định tại Điều 161 Bộ luật Hình sự, với vai trò đồng phạm giúp sức.
Đối với Nguyễn Thúy Hương, tại cơ quan điều tra Hương khai rõ, không có kinh doanh gì nhưng theo chỉ đạo của Kiên, Hương có ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính và phụ lục hợp đồng với công ty B&B để chuyển lợi nhuận từ Công ty B&B và Ngân hàng ACB do Kiên thực hiện. Số tiền lợi nhuận thu được sau đó Hương đã chuyển lại cho Kiên sử dụng. Hành vi của Nguyễn Thúy Hương đã đủ yếu tố cấu thành tội Trốn thuế, quy định tại Điều 161 Bộ luật Hình sự, với vai trò đồng phạm giúp sức. Tuy nhiên, Nguyễn Thúy Hương là em gái Nguyễn Đức Kiên, là người ký hợp đồng theo chỉ đạo của anh trai, không biết và không tham gia gì vào việc kinh doanh, hưởng lợi cá nhân. Cơ quan điều tra cũng không đề nghị xử lý hình sự đối với Nguyễn Thúy Hương theo lý giải trên.
Phân tích về vấn đề này, luật sư Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty Luật Trường Sa và luật sư Trần Viết Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, luận điểm của cơ quan công an về vấn đề này cần được xem xét kỹ lưỡng. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Cơ quan công an có nhiệm vụ điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm một cách rõ ràng, khách quan, đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm và cũng không được làm oan sai. Sau đó chuyển cho Viện Kiểm sát giám sát, truy tố, đưa ra tòa án xét xử. Vậy nên việc xem xét tính nhân đạo sẽ được thực hiện ở công đoạn cuối của quy trình tố tụng. Tức là tòa án sẽ xem xét vấn đề đó.
Vì vậy, trong kết luận điều tra, cơ quan công an đã đặt ra vấn đề "đảm bảo tính nhân đạo" theo các luật sư là phù hợp trong thời điểm đó, tuy nhiên theo chúng tôi, tại thời điểm này cần phải xem xét lại. Bởi, theo Luật sư Trần Viết Hưng, việc bà Đặng Ngọc Lan và bà Nguyễn Thúy Hương không bị đưa ra xét xử sẽ dẫn đến việc có nhiều nghi ngại rằng do Nguyễn Đức Kiên đã nhận hết, gánh hết tội, và có hay không việc các cơ quan tố tụng đang bỏ lọt tội phạm ?!
Qua đây mới cho thấy, thời gian qua không ít người đã nhầm tưởng rằng bà Đặng Ngọc Lan không có liên quan gì đến vụ án, nhưng thực chất là cơ quan điều tra xem xét tính nhân đạo ở thời điểm đó vì bà Lan chuẩn bị sinh con nên chưa áp dụng các biện pháp khởi tố, bắt giam.
Sau mỗi phần trình bày, bầu Kiên dành ít phút lấy lại tinh thần.
Bất cứ ai liên quan đến Nguyễn Đức Kiên thâu tóm, lũng loạn thị trường đều phải xử lý nghiêm minh
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tê-xã hôi mới đây tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, khen ngợi những thành tựu mà ngành Ngân hàng đã đạt được, đó là kết quả đáng mừng.
Nhưng, như chúng ta đã biết, để có được nền tài chính, ngân hàng, tiền tệ hoạt động ổn định được như thời gian qua là nhờ có sự quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo lực lượng chức năng từ thanh tra đến cơ quan điều tra, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, biện pháp, trước hết đặt trọng tâm vào nhóm tội phạm liên quan tới hệ thống ngân hàng, nhất là các hành vi thâu tóm.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công an, Cơ quan CSĐT Bộ Công an trong việc điều tra, phá án, vây bắt bằng được Nguyễn Đức Kiên, không để trốn thoát, đây cũng là thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan điều tra để không bỏ lọt tội phạm và cũng không làm oan sai. Việc truy tố, đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã góp phần quan trọng buộc các ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động theo đúng quy định pháp luật và giúp được sự ổn định của ngành ngân hàng cũng như thị trường tài chính, tiền tệ trong suốt thời gian vừa qua.
Ngay khi bắt Nguyễn Đức Kiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ, đã khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng.
Việc Bộ Công an truy tố Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh phải hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Qua vụ án, dư luận vẫn còn đặt nhiều dấu hỏi lớn đề nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ như: Những cá nhân, tổ chức nào đã giúp sức Nguyễn Đức Kiên thâu tóm, lũng loạn thị trường tài chính, ngân hàng như vậy mà chưa được làm rõ? Việc kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên từ việc mượn danh các công ty do chính Nguyễn Đức Kiên sáng lập (mà chủ yếu là dạng công ty gia đình, do vợ, người thân nội, ngoại đứng chân) cũng như việc lấy đằng này, đắp đằng kia, lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho thấy sự thao túng, vô nguyên tắc mà không có cá nhân, tổ chức nào đứng ra chịu trách nhiệm. Việc các công ty Nguyễn Đức Kiên lập đều không được phép kinh doanh tài chính, nhưng vẫn hoạt động với nhiều hình thức, chiêu trò lắt léo, không bình thường, vi phạm các quy định hiện hành mà vẫn qua mắt cơ quan quản lý?
Dư luận đã từng được nghe, từng được chứng kiến tài năng "chém gió" của "bầu Kiên" trong các cuộc họp về bóng đá, hội nghị của ngành ngân hàng. Dư luận còn xôn xao về việc Nguyễn Đức Kiên từng tuyên bố muốn lấy ngân hàng nào sẽ đều lấy được hết, ngân hàng nào muốn tái cơ cấu, sáp nhập thì cứ nói với "bầu Kiên". Một cán bộ lão thành đặt câu hỏi: Liệu có phải bóng vía ông "bầu Kiên" quyền lực quá mạnh khiến các cơ quan quản lý phải "né" hay đằng sau đó có động cơ vụ lợi nào khác? Thiết nghĩ những băn khoăn như vậy không phải là vô cớ và các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm giải tỏa những nghi vấn này để nhân dân hoàn toàn tin tưởng vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước đang kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Bình luận về vấn đề này, luật sư Trần Viết Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, với loại tội phạm liên quan đến các hoạt động kinh tế, tín dụng, kinh doanh vàng chắc chắn phải được Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, kiểm soát, giám sát nghiêm ngặt. Chính vì vậy, "tôi tin chắc rằng cá nhân Nguyễn Đức Kiên một mình không thể lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được... Ai là người đứng đằng sau, đồng phạm giúp sức, để Nguyễn Đức Kiên thực hiện các hành vi phạm tội trên cần được làm rõ?.
Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm vừa qua, luât sư Hoàng Đôn Hùng bào chữa cho bị cáo Kiên cũng đã đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm, làm rõ và xử lý hành vi có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của từng cá nhân trong cơ quan Nhà nước có trách nhiệm liên quan.
Đối với tội phạm thâu tóm ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần chỉ đạo, yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật bất cứ ai có hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong cả nước.
Trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật cần làm rõ và đầy đủ những vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, không loại trừ tổ chức, cá nhân nào; có hình thức xử lý tương xứng, đáp ứng kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân, có tác dụng tốt trong việc răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, trong đó có tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và làm cho kinh tế-xã hội phát triển lành mạnh hơn.
Tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: "Một khi đã xảy ra tham nhũng thì nhất thiết phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm. Chúng ta phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, trừng phạt nghiêm khắc những phần tử tham nhũng. Quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: Có vụ việc thì phải được xác minh làm rõ; có dấu hiệu phạm tội là phải được tiến hành điều tra; có kết luận điều tra thì phải xem xét truy tố; có cáo trạng thì phải được nghiên cứu đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời".
Nhân dân cả nước đang dõi theo và kỳ vọng vào sự công tâm của những người giữ cán cân công lý và các cơ quan tố tụng. Các luật sư bào chữa cho các bị can trong vụ án Nguyễn Đức Kiên đã ký vào bản kiến nghị gửi các đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, Văn phòng Quốc hội đề nghị giám sát việc điều tra, xét xử vụ án.
Nhân dân mong rằng, trong quá trình điều tra, xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên tới đây sẽ không có vùng cấm, không thể có thế lực nào ngăn cản, cản trở quá trình điều tra xét xử, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, chỉ có như vậy thì vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm mới giải quyết được tận gốc, tạo được niềm tin của nhân dân vào Đảng Nhà nước ta.
Theo Xahoi
Xét xử bầu Kiên: Thần sắc bầu Kiên đổi chóng mặt sau nhiều ngày hầu tòa Ngày đầu tiên dự tòa, người ta thấy bị cáo Nguyễn Đức Kiên cười đùa vui vẻ. Nhưng dường như, thần sắc của bị cáo này kém đi theo từng ngày xét xử. Bầu Kiên tại phiên tòa ngày 30/5. Những người dự tòa đều nhận thấy, ngày đầu bị cáo Nguyễn Đức Kiên hầu tòa với tâm lý khá thoải mái. Trong...